Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Trường hợp nào dữ liệu cá nhân được xử lý mà không cần sự đồng ý của chủ thể?

Nguyễn Thanh Hồng - 15/03/2023 | 14:50 (GTM + 7)

Bộ Công an đang soạn thảo dự thảo nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đáng chú ý, dự thảo nghị định đặt ra một số trường hợp cơ quan quản lý có thể sử dụng, phân tích dữ liệu cá nhân mà không cần sự đồng ý của chủ thể.

NGHỊ ĐỊNH “KHÔNG CÓ ĐẦU”

Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an soạn thảo, có 6 chương, 30 Điều, gồm: Những quy định chung; Biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; Ủy ban bảo vệ dữ liệu cá nhân; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân…

Theo dự thảo Nghị định, dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể, bao gồm: dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định 11 quyền của chủ thể dữ liệu gồm: Quyền được biết; Quyền đồng ý; Quyền truy cập; Quyền rút lại sự đồng ý; Quyền xóa dữ liệu; Quyền hạn chế xử lý dữ liệu; Quyền cung cấp dữ liệu; Quyền phản đối xử lý dữ liệu; Quyền khiếu nại, tố cáo; Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; Quyền tự bảo vệ.

Cùng với 11 quyền, 5 nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu cũng được quy định cụ thể tại dự thảo Nghị định, như: Có trách nhiệm tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình; yêu cầu các tổ chức, cá nhân khác có liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình; Tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người khác; Cung cấp đầy đủ, chính xác dữ liệu cá nhân khi đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân…

Đặc biệt, dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng quy định 5 trường hợp dữ liệu cá nhân được xử lý mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Chẳng hạn để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác trong tình huống khẩn cấp; Thứ hai, việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.

Thứ ba, việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm. Thứ tư, để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật. Cuối cùng là phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.

Do đây là nghị định “không có đầu”, tức là không phải hướng dẫn thực hiện Luật nào khác, nên theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật thì thẩm quyền thuộc Chính phủ, nhưng phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo Nghị định đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 20 vừa qua, sau đó sẽ được chỉnh lý, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

ảnh minh hoạ (laodong.vn)

ảnh minh hoạ (laodong.vn)

CƠ SỞ NÀO SỬ DỤNG DỮ LIỆU CÁ NHÂN MÀ KHÔNG CẦN SỰ ĐỒNG Ý CỦA CHỦ THỂ

Vì sao Bộ Công an đề xuất cho phép cơ quan quản lý xử lý, sử dụng dữ liệu cá nhân ngay cả khi chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu? PV VOV Giao thông có cuộc phỏng vấn Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an – đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định:

PV: Thưa ông, một trong những điểm mới tại dự thảo nghị định đó là quy định cho phép xử lý dữ liệu cá nhân mà không cần sự đồng ý của chủ thể. Xin ông cho biết trên cơ sở nào Bộ Công an đề xuất nội dung này?

Trung tá Triệu Mạnh Tùng: Việc xử lý dữ liệu cá nhân chắc chắn các cơ quan, các ban bộ, ngành trong một tình huống nào đó sẽ phải xử lý, chẳng hạn như khi chúng ta điều tra về mặt dân số hoặc là một công việc gì đó thì việc phải thực hiện quy định về xin ý kiến đồng ý của tất cả các cá nhân trong tập dữ liệu lớn là một việc không thể thực hiện được.

Chính vì vậy, việc Bộ Công an đề xuất xây dựng các điều khoản về việc trong những trường hợp nào thì phải xử lý dữ liệu mà không cần sự đồng ý của chủ thể. Bắt buộc là phải có điều khoản này, nếu không có điều khoản này thì rất nhiều hoạt động sẽ không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, trong điều khoản cũng quy định rất chặt chẽ những trường hợp nào thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được phép xử lý dữ liệu mà không cần sự đồng ý của chủ thể sở hữu dữ liệu.

PV: Cụ thể là những trường hợp nào được xử lý mà không cần sự đồng ý của chủ thể?

Trung tá Triệu Mạnh Tùng: Rất nhiều trường hợp chúng ta sẽ cần thiết phải xử lý mà không cần có sự đồng ý của chủ sở hữu thông tin, chẳng hạn như là khi mua nhà ở xã hội chẳng hạn, luật quy định là phải thông báo công khai thông tin của người mua để kiểm soát, đối chiếu so sánh.

Trong những trường hợp này theo luật đã có quy định về trường hợp được phép công khai này rồi, thì tại Điều 17 có một nội dung về việc công khai thông tin theo quy định của pháp luật.

Ví dụ thứ hai là trong trường hợp gặp một vụ tai nạn trên đường, thì việc chúng ta áp dụng các biện pháp để thu thập, xử lý thông tin trước khi qua những kênh giấy tờ tùy thân, chẳng hạn họ không mang đi thì chúng ta có những kênh để xác định họ là ai và có phương án liên hệ với gia đình, chẳng hạn có thông tin về nhóm máu chẳng hạn thì chúng ta có những phương án xử lý ngay để bảo vệ tính mạng sức khỏe nhân dân.

PV: Nếu dự thảo nghị định được ban hành sẽ giải quyết được những vấn đề gì đang đặt ra?

Trung tá Triệu Mạnh Tùng: Đối với các cơ quan chức năng thì chúng ta sẽ có một hành lang pháp lý rất chặt chẽ để đảm bảo, bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như xử lý các dữ liệu cá nhân làm sao cho nó đúng quy định của pháp luật.

Khi có những hành lang pháp lý chặt chẽ như thế này thì chúng ta có điều kiện để quản lý các hoạt động khai thác, xử lý thông tin cá nhân, đặc biệt là những hoạt động khai thác, xử lý dữ liệu lớn của các doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước. 

Điều kiện này sẽ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu cá nhân nói riêng mà cả an ninh mạng nói chung và nói rộng ra cái góc độ về an ninh trật tự. Chúng ta sẽ có những công cụ, hành lang pháp lý để yêu cầu các đơn vị mà họ thực hiện các công đoạn về thu thập, khai thác, xử lý dữ liệu họ phải chấp hành những quy định chặt chẽ và đặc biệt là phải có sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu khi mà họ có hoạt động thu thập và tác động đến quyền của người sở hữu dữ liệu.

PV: Xin cảm ơn ông!

ảnh minh hoạ

ảnh minh hoạ

DỰA TRÊN QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP

Việc cho phép cơ quan quản lý xử lý, sử dụng dữ liệu cá nhân ngay cả khi chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu nếu được ban hành sẽ có những tác động xã hội như thế nào? 

PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội:

PV: Thưa ông, một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo nghị định là quy định những trường hợp mà cơ quan chức năng có thể phân tích dữ liệu cá nhân mà không cần sự đồng ý của chủ thể. Ông có ý kiến như thế nào về đề xuất này?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Quy định này là trên cơ sở quy định của Hiến pháp, là trong những trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, vì sức khỏe cộng đồng thì cơ quan nhà nước có quyền khai thác, sử dụng cái dữ liệu cá nhân.

Tuy nhiên, chúng ta phải có một quy trình hết sức chặt chẽ, bởi vì Hiến pháp đã quy định cá nhân được bất khả xâm phạm về thư tín, về thông tin, về bí mật đời tư… nên trong những trường hợp vì những lý do như tôi đã nêu thì Nhà nước có thể sử dụng các dữ liệu cá nhân.

Tuy nhiên, quy trình sử dụng phải hết sức chặt chẽ, rõ ràng và trong trường hợp cần thiết phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, để bảo đảm quyền bất khả xâm phạm của cá nhân về những thông tin bí mật đời tư về quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp.

PV: Vậy với những quy định tại dự thảo nghị định thì những quyền của công dân đã được đảm bảo khi mà cơ quan Nhà nước sử dụng, phân tích dữ liệu cá nhân chưa?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Thực tế là nếu mà với hình thức văn bản là Nghị định, thứ hai với kỹ thuật xây dựng văn bản như hiện nay thì tôi cho rằng nó chưa đáp ứng được yêu cầu về sự chặt chẽ, về tính minh bạch, về giám sát việc thực hiện các quy định liên quan đến thu thập, phân tích, xử lý, rồi chuyển giao, rồi tiết lộ dữ liệu cá nhân mà trong Nghị định đã đề cập.

Chính vì thế cần thiết phải gia công thêm. Theo tôi là thu hẹp phạm vi của Nghị định này lại và chúng ta làm trong một thời gian nhất định và phải nghiên cứu để ban hành một Luật liên quan đến vấn đề này.

Có thể sau này tên luật là Luật về dữ liệu cá nhân, quy định cụ thể các chính sách nêu trong luật và trên cơ sở đấy chúng ta quy định những điều cấm, điều hạn chế, rồi quyền, nghĩa vụ của các bên trong vấn đề này.

ảnh minh hoạ: bocongan.gov.vn

ảnh minh hoạ: bocongan.gov.vn

PV: Giả sử nếu xây dựng thành luật thì theo ông cần quy định những biện pháp như thế nào để đảm bảo dữ liệu cá nhân được bảo mật, kể cả trong trường hợp cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu cá nhân đó trong những trường hợp nhất định?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Chúng ta đã có nhiều dự án luật liên quan đến những vấn đề tương tự như thế này, thì chúng ta sẽ có các biện pháp về mặt khai thác, quản lý, xử lý. Rồi quy định các điều cấm, đưa ra các hình thức xử lý về mặt hành chính, hình sự để chúng ta có cơ sở cho việc thực thi các quy định về vấn đề này là khả thi và hiệu quả; vừa tôn trọng được quyền bất khả xâm phạm của công dân về bí mật thông tin, bí mật đời tư nhưng đồng thời cũng đảm bảo phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, nhất là trong những quy định mà pháp luật cho phép cơ quan nhà nước sử dụng và quản lý, xử lý các dữ liệu cá nhân này trong những trường hợp mà Hiến pháp đã quy định.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Nam hiện có hơn 64 triệu người sử dụng internet, chiếm hơn 2/3 dân số, tăng hơn 19% so với năm 2018, xếp thứ 13 trên thế giới về số người dùng. Cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh và cơ sở hạ tầng dữ liệu đang được cải thiện, song, mức độ ứng dụng công nghệ càng nhiều thì việc cung cấp, sử dụng thông tin cá nhân lại càng lớn. Điều này đặt ra cho Chính phủ bài toán phải quản lý sao cho hiệu quả, đảm bảo phòng ngừa, xử lý được các hành vi vi phạm pháp luật về xâm phạm thông tin cá nhân.

Do vậy, những quy định mới tại dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm mục tiêu khắc phục được những bất cập này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo nghị định này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự thảo nghị định sẽ giúp ích gì cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời vẫn tạo điều kiện để các cơ quản quản lý sử dụng dữ liệu cá nhân trong các trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, vì sức khỏe cộng đồng?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 15h30 đến 15h50 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng Podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google Podcast.

 

Ý kiến của bạn
Ngày thứ 3 kỳ nghỉ lễ 2/9: 19 người tử vong trong 53 vụ TNGT

Ngày thứ 3 kỳ nghỉ lễ 2/9: 19 người tử vong trong 53 vụ TNGT

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong ngày 2/9, toàn quốc xảy ra 53 vụ tai nạn giao thông làm 19 người tử vong; 40 người bị thương. Toàn bộ các vụ tai nạn đều xảy ra trên đường bộ.

Xin bỏ qua không được, “ma men” lăng mạ CSGT

Xin bỏ qua không được, “ma men” lăng mạ CSGT

Sau khi bị lực lượng CSGT kiểm tra và phát hiện vi phạm nồng độ cồn, nam tài xế liên tục xin bỏ qua lỗi vi phạm của mình. Xin tha không được, người này quay sang to tiếng, lăng mạ tổ công tác đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã kiên quyết lập biên bản với lỗi vi phạm này.

Mùa thu lịch sử trong ký ức những cựu chiến binh

Mùa thu lịch sử trong ký ức những cựu chiến binh

Trong ký ức của những người cựu chiến binh ở Sài Gòn ở tuổi xưa nay hiếm, ngày Tết Độc lập 02/9/1945 có ý nghĩa thiêng liêng. Mùa thu ấy ghi dấu một trang sử lịch sử hào hùng, đánh dấu sự khởi đầu của một chặng đường mới cho Việt Nam.

Xe đạp phải có đèn chiếu sáng, tấm phản quang

Xe đạp phải có đèn chiếu sáng, tấm phản quang

Nguy cơ mất an toàn giao thông liên quan tới xe đạp, xe đạp điện ngày càng tăng. Theo thống kê, 55% số vụ tai nạn xảy ra với học sinh THPT là liên quan tới xe đạp điện, xe máy điện. Thực trạng này đòi hỏi cần có các quy định siết chặt hơn nữa với loại phương tiện này

Đi dưới bóng cờ

Đi dưới bóng cờ

Bạn thân mến, thong dong trên phố Hà Nội những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9, bạn sẽ thấy sắc cờ rực rỡ khắp nơi, từ ngoài đường vào tận sâu trong ngõ. Những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trong gió thu, dấy lên một niềm rộn ràng và hân hoan trong lòng mỗi người, khi đi chơi Tết Độc lập.

Hà Nội: 50.000 cho một lượt gửi xe máy dịp nghỉ lễ 2/9

Hà Nội: 50.000 cho một lượt gửi xe máy dịp nghỉ lễ 2/9

Lợi dụng nhu cầu vui chơi giải trí tăng cao dịp nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9, nhiều tổ chức, cá nhân trông giữ xe trái phép đã có hành động “chặt chém”, thu tiền gửi xe với mức giá lên đến 50.000 đồng/lượt gửi xe máy.

Chỉ được nhận 5 học viên/ khóa, thầy dạy lái sống bằng gì?

Chỉ được nhận 5 học viên/ khóa, thầy dạy lái sống bằng gì?

Theo quy định, mỗi giáo viên dạy lái chỉ được nhận 5 học viên/ khóa. Trong khi mỗi khóa học kéo dài khoảng 3 tháng, khiến nhiều thời điểm giáo viên dạy lái... không có gì để làm. Để khắc phục tình trạng này, một số giáo viên phải tìm cách lách luật, để nhận thêm học viên.

// //