Tăng tốc hoàn thành cắm mốc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc- Nam, đoạn Quảng Ngãi - Phú Yên
Phóng viên - 28/03/2022 | 19:22 (GTM + 7)
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa phận các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên có tổng chiều dài khoảng 220 km.
Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án 2 và Ban Quản lý dự án 85 đang tích cực phối hợp với các địa phương cắm mốc giải phóng mặt bằng theo đúng thời hạn hoàn thành là ngày 30/6/2022.
Triển khai thuận lợi
Ghi nhận của phóng viên TTXVN những ngày cuối tháng 3 trên hiện trường cắm mốc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định) mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng không khí làm việc rất khẩn trương, không có ngày nghỉ. Các mũi cắm mốc được tỏa đi toàn tuyến với cường độ làm việc như con thoi. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất cọc tiêu phục vụ cho việc cắm mốc lộ giới của làm việc 3 cả đảm bảo đủ số cọc giải phóng mặt bằng cho các mũi công tác.
Ông Mạnh Đức Huy, đại diện Ban Quản lý dự án 2- Bộ Giao thông Vận tải (đơn vị đang phụ trách đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 88 km) cho biết: "chúng tôi đang bám sát chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải về đảm bảo việc cắm mốc giải phóng mặt bằng trên hiện trường. Hiện, Ban đã lên kế hoạch đề ra lộ trình bàn giao cột mốc cho các địa phương có dự án đi qua, gồm: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và TX. Đức Phổ. Theo đó, Ban đã chính thức bàn giao cột mốc được khoảng 10ha cho huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành. Chậm nhất đến 22/4 tới, sẽ bàn giao toàn bộ cột mốc còn lại cho các địa phương, riêng các nút giao sẽ bàn giao chậm nhất 30/6/2022. Theo tính toán toàn bộ dự án cần khoảng Tổng là 4.640 cọc, hiện đã đúc được khoảng 3.500 cọc".
Về kết quả thực hiện, ông Mạnh Đức Huy thông tin, tính đến hết ngày 27/3, đoạn qua huyện Tư Nghĩa từ Km0 -Km4+700 đã thực hiện cắm được 156 cọc; trong đó, cắm 116 cọc bê tông, 18 cọc gỗ, 22 định vị điểm và gủi cọc. Đoạn qua huyện Nghĩa Hành cắm trong giai đoạn 1( Km4+700-Km10+00) đã hoàn thành 210 cọc; trong đó, có 156 cọc bê tông, 33 cọc gỗ, 21 định vị điểm và gửi cọc. Đoạn qua huyện Hoài Nhơn (km63-km73) hoàn thành 480 cọc, có 4 cọc vào thềm nhà và sân nhà dân chưa cắm được.
Ông Phạm Duy Canh, đại diện Ban Quản lý dự án 85 – Bộ Giao thông Vận tải (đơn vị quản lý đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh (Phú Yên) cho hay, cả 2 đoạn tuyến do Ban quản lý có chiều dài hơn 130km đi qua địa phận 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Hiện các đơn vị đã cắm được hơn 900 cọc trong tổng số 9.500 cọc phải cắm trên 2 đoạn tuyến. Về tình hình sản xuất cọc tiêu và đế cọc, tính đến ngày 27/3, các đơn vị sản xuất cọc đã đúc được 8.500 cọc bao gồm cả đế cọc.
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cắm cọc giải phóng mặt bằng trên hiện trường, đại diện hai Ban quản lý dự án cho biết chỉ gặp khó khăn tại một số vị trí nhà dân vắng mặt tại địa phương hoặc đi làm. Tuy nhiên, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với địa phương để liên hệ với người dân bố trí thời gian hợp lý để triển khai cắm cọc. Hiện, trên các tuyến bước đầu chưa có hiện tượng người dân cơi nới, xây dựng thêm công trình hạ tầng hay trồng thêm hoa màu tại các mặt bằng đã cắm mốc lộ giới.
Đồng hành cùng các mũi cắm mốc lộ giới giải phóng mặt bằng, theo quan sát của phóng viên, người dân rất hợp tác và tạo điều kiện cho các đơn vị. Những đoạn tuyến mà phóng viên đã đi qua không có hiện tượng thay đổi hiện trạng mặt bằng để hưởng chính sách giải phóng mặt bằng cao hơn. Nhìn chung công tác cắm mốc lộ giới giải phóng mặt bằng đang được triển khai thuận lợi.
Ngăn chặn tình trạng trục lợi
Về phía chính quyền địa phương, lãnh đạo các địa phương cho biết đã yêu cầu các đơn vị phòng ban phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, Ban quản lý dự án của Bộ để rà soát xác định lộ giới cũng như phối hợp cắm mốc giải phóng mặt bằng trên thực địa.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, tại cuộc họp về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ngành, địa phương không được để Trung ương phê bình vì làm chậm tiến độ thi công dự án.
Về phía các địa phương, hiện cũng đã tổ chức khảo sát, dự kiến số hộ, vị trí, quy mô các khu tái định cư để di dân, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án. Theo đó, số hộ tái định cư của huyện Nghĩa Hành khoảng 300 hộ, Tư Nghĩa khoảng 420 hộ, Mộ Đức khoảng 70 hộ và thị xã Đức Phổ hơn 500 hộ. Hiện các địa phương đã tổ chức họp dân, công khai dự án và triển khai các bước cần thiết để giữ nguyên hiện trạng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tách thửa để trục lợi từ dự án.
Theo chính quyền các địa phương, sau khi được bàn giao mốc tuyến, để ngăn chặn tình trạng trục lợi tiền giải phóng mặt bằng như cơi nới, xây dựng thêm công trình hay hoa màu.. gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chính quyền các địa phương tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đã triển khai tuyên truyền tới người dân. Giao trách nhiệm cho từng xóm, ấp quản lý chặt hiện trạng mặt bằng đã cắm mốc lộ giới.
Cùng với đó, để ngăn ngừa tình trạng xây dựng trái phép, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra tuyến, ngăn chặn, xử lý những trường hợp cố tình xây dựng công trình trái phép, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Để thực hiện tốt công tác tái định cư, sớm ổn định cuộc sống người dân trong diện di dời phục vụ thi công dự án, các địa phương phải xác định chính xác số hộ tái định cư. Xây dựng khu tái định cư phải đáp ứng yêu cầu của khu dân cư kiểu mẫu, tuân thủ nghiêm quy định hỏi ý kiến người dân về tổ chức tái định cư.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm Quốc gia. Do đó, tỉnh cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm chính trị trong năm 2022 cũng như thời gian tới. Ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc Hội, Chính phủ, tỉnh Bình Định đã lập tức ban hành các văn bản chỉ đạo cho từng sở ngành theo chức năng nhiệm vụ thành lập các ban chỉ đạo… để triển khai quyết liệt những nhiệm vụ liên quan đến việc triển khai cao tốc.
“Vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp rất tốt với các Ban quản lý dự án để kiểm tra, khảo sát hướng tuyến ở từng vị trí cụ thể của cao tốc. Đồng thời, phối hợp cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến đất, thu hồi đất lúa chuyển đổi đất rừng, hồ sơ các mỏ vật liệu. Tỉnh kiến nghị, sớm phê duyệt kinh phí bồi thường làm cơ sở cho các địa phương triển khai trong thời gian sắp tới", ông Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay.
Trong một diễn biến liên quan đến giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi UBND 12 tỉnh, thành phố có dự án đi qua trong việc quản lý chặt mặt bằng cao tốc Bắc – Nam. Tại văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh bất cập hiện nay, tuyến cao tốc đang trong quá trình chuẩn bị dự án nhưng đã xuất hiện tình trạng người dân xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích thuộc phạm vi dự án cao tốc để trục lợi. Điều này gây phức tạp cho công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
“Trước thực trạng đó, các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; tuyên truyền vận động người dân ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc và chấp hành nghiêm các quy định về xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…”, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị.
Liên quan đến nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên; tổ chức thẩm định các nội dung thuộc thẩm quyền đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 31/3/2022 để thẩm định, trình Chính phủ.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 từ Quảng Ngãi đến Phú Yên bao gồm 3 dự án thành phần: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (88 km), Hoài Nhơn - Quy Nhơn (69 km), Quy Nhơn - Chí Thạnh (62 km).
Đến nay, tại các tỉnh có dự án đi qua, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án; trong đó có nội dung lập hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng giao cho địa phương theo ba giai đoạn để triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Theo đó, kế hoạch công tác bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 là ngày 15/3 vừa qua. Đợt 2 ngày 30/4/2022, đợt 3 là ngày 30/6/2022./.
Hầm chui dưới cầu vượt Trạm 2 (TP. Thủ Đức, TP.HCM), thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, là tuyến đường huyết mạch nối liền TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với bản sắc được tạo dựng hơn 4000 năm lịch sử, di sản văn hóa được xem là tài sản vô giá và là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, hội nhập toàn cầu.
Là một tuyến đường nội đô, vậy nhưng ngõ 75 phố Trần Thái Tông, nối phố Trần Thái Tông với phố Trương Công Giai (thuộc quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) lại xuất hiện chằng chịt “ổ voi”, “ổ gà” gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Ngõ Tạm Thương, ngày trước còn gắn với câu vè: Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương. Ý rằng, con gái ở đây ghê gớm, gắn với chuyện quản lý, cân đo thóc ở kho Trạm Thương. Nhưng có lẽ không hẳn thế. Giống như những người sống lâu năm ở phố cổ Hà Nội, người Tạm Thương cũng hiền hòa, giản dị, sống dễ chịu…
Những ngày qua dư luận bày tỏ sự quan tâm sau khi Bộ trưởng Bộ y tế Đào Hồng Lan đề xuất cần có nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được Quốc hội xem xét và sửa đổi.
Ngay trên mặt đường Trần Hữu Dực (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), đối diện cụm chung cư Iris Garden, Florence… và nhiều toà chung cư, văn phòng khác, đang tồn tại một bãi rác lộ thiên, với đủ thứ được vứt chồng chất lên nhau.
Bộ Y tế vừa có đề xuất mới liên quan Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Cụ thể, sẽ áp thuế theo phương pháp hỗn hợp với thuốc lá, gồm mức thuế suất 75% và mức thuế tuyệt đối theo lộ trình 5.000 đồng/bao từ năm 2026, tiến tới 15.000 đồng/bao vào năm 2030.