Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Siết chặt sát hạch lái xe, đừng “bỏ quên” xe máy

Minh Hiếu - 22/05/2022 | 6:58 (GTM + 7)

Xe máy liên quan hơn 60% tổng số vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở các thành phố lớn, các hành vi vi phạm của người điều khiển xe máy gây ra tới 70-80% số vụ TNGT. Điều này đặt ra câu hỏi: việc đào tạo cấp GPLX chưa đảm bảo, hay chất lượng sát hạch có vấn đề?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

11h30, có mặt tại một trường THPT trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội, phóng viên VOV Giao thông ghi nhận bên cạnh phương tiện xe đạp điện, mô tô dưới 50 phân khối (cc), khá nhiều học sinh điều khiển mô tô trên 50cc dù chưa đủ tuổi cấp giấy phép lái xe (GPLX). Khi được hỏi về lý do điều khiển xe mô tô, đa số học sinh đều né tránh.

Một em rụt rè chia sẻ: "Em cũng biết sơ sơ về mấy cái luật giao thông rồi. Em sắp đủ tuổi rồi ạ. Có bằng để biết chấp hành luật giao thông và điều khiển xe yên tâm hơn".

Dùng từ “sơ sơ” khi đề cập luật giao thông thì chắc chắn học sinh này cùng nhiều người khác chưa có bằng lái không đủ kiến thức, kỹ năng để điều khiển phương tiện an toàn. Và kể cả những người đã có bằng lái thì độ tin cậy và sự an toàn cũng chưa chắc được đảm bảo:

"Khi đi lại thực tế thì khá nhiều bỡ ngỡ vì lý thuyết trên trường một kiểu, nhưng ra ngoài thực tế nó lại một kiểu khác".

"Bằng xe máy này thi cũng dễ, mà không cần thi cũng được. Học lái xe máy ở nhà, người ta đi được thì người ta cứ đi thôi, cái đấy nhiều mà!"

"Gần như lái xe máy không phải đào tạo, họ tự lái, thấy ổn rồi thi lấy bằng thôi. Xe máy ai cũng lái được, nhưng ý thức không phải ai cũng như ai".

Xe máy liên quan hơn 60% tổng số vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở các thành phố lớn (Ảnh minh họa)

Xe máy liên quan hơn 60% tổng số vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở các thành phố lớn (Ảnh minh họa)

 Khảo sát nhiều gói quảng cáo trên mạng Internet, phóng viên ghi nhận mức giá rẻ nhất để có được GPLX mô tô hạng A1 (cho xe mô tô từ 50 đến 125cc) chỉ từ 800.000 đồng, bao gồm cả đào tạo, sát hạch, cấp GPLX bằng thẻ PET.

Đại diện một trường dạy lái xe trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết, các trường đều có chương trình đào tạo lý thuyết và thực hành, nhưng đa số học viên không đi học, vì không muốn… “mất thời gian” và phát sinh chi phí: "Cái giá cả nó rất là cạnh tranh, càng cạnh tranh thì chất lượng càng giảm, mà học viên thì ai cũng đòi giá rẻ hết, học như một “cái máy” rồi không biết gì.

Cái bất cập nhất là người nước ngoài ở Việt Nam muốn có bằng lái xe phân khối lớn, phải thi bằng lái bằng tiếng Việt. Nhưng hệ thống của mình không có sát hạch bằng tiếng Anh. Họ phải chạy chui, đến lúc có tai nạn thì lại bắt họ là không có bằng lái".

Còn tại Trung tâm Đào tạo lái xe Á Châu, hồ sơ đăng ký học lái xe mô tô khoảng 1.000 học viên/tháng. Ông Trần Văn Cảnh, Trưởng Phòng Tuyển sinh chia sẻ một chuyện tưởng như đùa nhưng lại có thật trong công tác đào đạo: "Nhiều học viên không biết chữ thì bên đây không dám nhận. Có thể em ít gặp nhưng bên anh gặp nhiều lắm. Không biết ở ngoài như thế nào nhưng bên đây không bán bằng, không thi hộ gì hết, chỉ kèm và hỗ trợ tăng tỷ lệ đậu thôi.

Hướng cho học viên học lý thuyết, còn thực hành học viên biết rồi thì cứ lên đó trong vòng một ngày sẽ ôn xe trên sa hình, chứ không thể nào kèm học viên giống như ô tô được".

PGS. TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GT-VT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức cho biết, số vụ TNGT liên quan đến xe máy chiếm hơn 60% tổng số vụ TNGT trên toàn quốc. Tính trên đơn vị 1 tỷ km đường đi, tỷ lệ người tỷ vong liên quan đến xe máy là cao nhất, gấp từ 3-5 lần so với xe ô tô, 10-20 lần so với xe buýt và gấp 50 lần tàu điện. Đây là điều dễ hiểu bởi xe máy chiếm hơn 80% lượng phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam và không có thiết bị bảo hộ khi xảy ra va chạm.

Cũng theo PGS. TS. Vũ Anh Tuấn, công tác đào tạo, sát hạch lái xe mô tô của các địa phương đã được cải thiện nhiều so với trước đây, nhưng vẫn còn nhiều bất cập: "Chúng ta có bộ câu hỏi lên đến mấy trăm câu, nhưng khi đi trên đường người ta đâu có nhớ hết và xử lý ngay được đâu, mà phải hiểu bản chất việc tham gia giao thông là gì.

Mối nguy hiểm nó muôn hình vạn trạng, ví dụ đang đi trên đường con chó, trâu, bò xổ ra, hoặc ô tô đang đỗ người ta mở cửa ra,… thì chương trình đào tạo nên xoáy sâu vào những cái đó, phải bổ sung kỹ năng phát hiện sớm và phòng tránh các tình huống nguy hiểm".

Đồng tình với việc nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe mô tô để giảm vi phạm giao thông và TNGT, nhưng TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng cần có cơ chế quản lý GPLX sau khi cấp và nhấn mạnh việc “học thật, thi thật”: "Trong quá trình sát hạch, chấm điểm, đánh giá nên có sự hỗ trợ của công nghệ, phải minh bạch hóa tất cả quá trình đó, hạn chế sự can thiệp chủ quan của con người.

Một khía cạnh nữa là chúng ta nên có chương trình theo dõi vi phạm của những người đã có GPLX, như là tính điểm. Người nào vượt quá lỗi vi phạm trong một thời gian nhất định thì tước hoặc hủy GPLX, và yêu cầu những người đó phải học lại".

Việc có được bằng lái xe máy không khó khiến nhiều người thiếu tôn trọng pháp luật.

Việc có được bằng lái xe máy không khó khiến nhiều người thiếu tôn trọng pháp luật.

Mô tô, xe máy là phương tiện giao thông chiếm đa số tại Việt Nam, và việc học luật giao thông, điều khiển phương tiện nhìn chung là dễ dàng hơn nhiều so với xe ô tô.

Tuy nhiên, việc có được bằng lái xe máy không khó khiến nhiều người thiếu tôn trọng pháp luật, tiềm ẩn nguy hiểm cho chính họ và những người khác khi lưu thông trên đường. Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: "Thi khó, giữ khó để nâng cao chất lượng”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, nhưng cần khẳng định ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân còn kém. Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm,… diễn ra hằng ngày trên đường phố.

Không phải là họ không biết quy định, vì đó là những vi phạm luật giao thông cơ bản nhất, và bản thân người vi phạm cũng biết mình sai, nhưng vẫn cố tình làm.

Điều này cho thấy công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và quản lý sau cấp GPLX chưa hiệu quả.

Đầu tiên là công tác đào tạo. Từ thực tế đến đánh giá của các chuyên gia giao thông, những bộ đề thi lý thuyết không hề khó. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn… lười học, dù nhiều ứng dụng của điện thoại di động rất thuận tiện, có mô tả, giải thích cụ thể và dễ hiểu. Một bằng chứng cho việc “lười học” là hàng triệu kết quả “học mẹo thi lý thuyết lái xe” trên công cụ tìm kiếm Google.

Nhiều người không coi trọng kiến thức và kỹ năng lái xe dù đó là những yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn cho chính họ. Và khi các học viên không muốn học thì các trung tâm đào tạo cũng chẳng thể ép buộc, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt.

Vậy tại sao nhiều người không coi trọng việc học? Câu trả lời dẫn đến vấn đề thứ hai là sát hạch. Xung quanh chúng ta, hẳn là ai cũng đã từng nghe thấy chuyện “mua bằng”, “bao đậu lý thuyết”,…, và trên thực tế đã có những trường hợp bị phanh phui và xử lý.

Chính vì vậy, học thực chất, thi thực chất là yêu cầu tối quan trọng để tạo nên hiệu quả cho cả việc đào tạo và sát hạch lái xe.

Ngoài sự minh bạch trong khâu đào tạo và sát hạch, chương trình học tập cũng cần tăng cường kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn, bởi các tình huống giao thông trong thực tế rất phức tạp và đa dạng, khác xa so với những gì học viên được học tại trường.

Tăng cường tình huống thực tế không chỉ đảm bảo an toàn người điều khiển phương tiện, mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về sự cần thiết của các quy định pháp luật được ban hành.

Thứ ba là quản lý GPLX sau sát hạch. Đây là vấn đề khá mới tại Việt Nam, mới chỉ dừng lại ở những đề xuất dù nhiều nước trên thế giới đã thực hiện tính điểm bằng lái. Khi ấy, người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông nghiêm trọng hoặc nhiều lần sẽ bị hủy GPLX, yêu cầu đào tạo và sát hạch lại, hoặc tước bằng lái vĩnh viễn.

Chế tài xử lý vi phạm giao thông hiện nay ở nước ta đã được sửa đổi nhiều lần, mức phạt hành chính đã tăng lên cao, nhưng ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân chưa được cải thiện.

Bởi nhiều người có tâm lý nộp tiền phạt là xong, và lần sau họ vẫn sẽ tái phạm nếu chế tài chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Do vậy, nếu có quy định tính điểm bằng lái thì người tham gia giao thông chắc chắn sẽ e dè hơn trong mỗi lần có ý định vi phạm.

Quy định này sẽ càng phát huy hiệu quả khi việc đào tạo, sát hạch lái xe được siết chặt, và không còn có chuyện ai cũng có thể dễ dàng lấy được bằng lái. Một yêu cầu khác được đặt ra là công tác tuần tra, xử lý của các lực lượng chức năng phải thực hiện thường xuyên và nghiêm minh để tạo sức răn đe, đồng thời phát huy hiệu quả công nghệ trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.

Tổng cục Đường bộ mới đây đã yêu cầu Sở GT-VT các tỉnh thành tăng cường giải pháp, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX.

Tuy nhiên, thay vì chỉ chú trọng bằng lái xe ô tô, các địa phương cũng cần có góc nhìn nghiêm túc hơn trong công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX mô tô - đối tượng tham gia giao thông đa số tại Việt Nam, tỷ lệ TNGT cao nhưng ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện còn nhiều hạn chế./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

TPHCM vừa phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, thực hiện từ nay cho đến hết 15/5.

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, thế nhưng 20 năm qua, việc thực hiện rất ì ạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ vừa qua, là hồi chuông báo động về những bất cập vốn tiềm ẩn với khu nhà ven kênh rạch.

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV 'Going Home' quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ Kenny G ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Giá vé máy bay tăng cao: Người dân đổi hướng du lịch

Giá vé máy bay tăng cao: Người dân đổi hướng du lịch

Chỉ hơn một tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 , nhưng giá vé máy bay nội địa hiện tại không những “đắt đỏ” mà còn “khan hiếm”. Nhiều người thay vì “đu đỉnh” với giá vé thì đã chọn chuyển hướng du lịch.

Ngập giữa mùa khô

Ngập giữa mùa khô

TP.HCM đang trong vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ. Thế nhưng đối với người dân sinh sống tại tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 và một số tuyến trũng, thấp những ngày qua lại phải chìm trong biển nước...

// //