Phòng ngừa cháy nổ tại các chung cư, nhà tập thể cũ
Như Ngọc - 27/05/2022 | 14:58 (GTM + 7)
Vụ hỏa hoạn tại khu tập thể B9 Kim Liên, Đống Đa, (Hà Nội) hôm 21/4 làm 5 người chết, 2 người bị thương một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ mất an toàn cháy nổ ở những khu chung cư, tập thể cũ.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Với kết cấu hạ tầng cũ kỹ, xuống cấp, sửa chữa, cơi nới, không đảm bảo các thông số kỹ thuật an toàn, nhiều khu tập thể cũ trên địa bàn Thành phố luôn tiềm ẩn nguy cơ chập cháy, thậm chí cháy lan, cháy lớn. Vì vậy, việc phòng ngừa cháy nổ tại các chung cư, nhà tập thể cũ là vấn đề cần được đặc biệt chú ý.
Ghi nhận tại Khu dân cư số 5, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) – nơi tập trung khá nhiều khu nhà tập thể cũ, xây dựng từ những năm 1960. Đa phần với các hộ dân sinh sống ở đây, việc cơi nới không gian sống, mở rộng diện tích bằng những lồng sắt đã trở thành thực trạng phổ biến và điều này vô hình trung trở thành nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Xác định rõ tầm quan trọng về an toàn phòng chống cháy, nổ, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH công an quận Hai Bà Trưng đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà tập thể tự tháo dỡ lồng sắt, mở lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Theo ông Trần Ngọc – Tổ dân phố số 5, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng: “Tuy một vài hộ dân còn chưa ý thức, nhưng đa phần mọi người đều đã quan tâm hơn đến công tác phòng chống cháy nổ. Ví dụ, với những hộ dân đã cơi nới thêm diện tích, họ đều có lối thoát nạn thứ hai và không để đồ đạc lấn chiếm lối thoát nạn này”.
Thực tế, để đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình chung cư, tập thể cũ, vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Đặc biệt, sau khi Nghị định 136/2020 của Chính phủ có hiệu lực (từ đầu năm 2021) đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong công tác kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở thuộc phạm vi quản lý.
Ông Vũ Xuân Trung – Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Để làm tốt công tác PCCC thì lực lượng chữa cháy tại chỗ, dân phòng là rất quan trọng. Để mỗi người dân có thể là một chiến sĩ PCCC, thời gian qua, tại mỗi chung cư, tập thể cũ trên địa bàn, đều có những người phụ trách từng tầng, để vận động, hướng dẫn người dân mỗi khi có các tình huống cháy nổ sẽ vận dụng các trang thiết bị tại chỗ để xử lí đám cháy, thông báo cho mọi người cùng biết để kịp thời thoát nạn”.
Để giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy, nổ và hậu quả để lại (trong trường hợp xảy ra cháy) tại các chung cư, nhà tập thể cũ, theo Trung tá Nguyễn Hải Hưng – Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hai Bà Trưng, lực lượng chức năng đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ PCCC, nâng cao ý thức cho cư dân trong việc chấp hành các quy định về PCCC để nâng cao tính chủ động, khả năng phối hợp, ứng phó, xử lý khi có sự cố cháy nổ của lực lượng PCCC tại chỗ.
“Bên cạnh việc tuyên truyền, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn thứ 2, trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy, hướng dẫn dùng thiết bị điện, sử dụng gas an toàn”, Trung tá Nguyễn Hải Hưng khẳng định.
Thực tế cho thấy, công tác PCCC ở các chung cư cũ, nhà tập thể còn nhiều tồn tại, bất cập. Để tránh những tai nạn, sự cố cháy nổ đáng tiếc xảy ra, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, đoàn thể các cấp ở cơ sở cần quan tâm, làm tốt hơn nữa vai trò, chức năng của mình để có giải pháp PCCC hiệu quả.
Ngoài ra, một trong những biện pháp tối ưu chính là ý thức chủ động của người dân, phát huy tinh thần tự giác phòng ngừa cháy, nổ ở mỗi khu dân cư, tổ dân phố và mỗi hộ gia đình./.
2.220 là số trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông đường bộ bị lực lượng CSGT Hà Nội xử lý trong 1 tháng vừa qua; đồng thời, phạt tiền hơn 1,2 tỷ đồng và tạm giữ 1.027 phương tiện.
Mới đây, nhiều người dân phố cổ phản ánh về tình trạng tái chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, nhất là khi các dịp lễ lớn trong năm sắp đến.
Hiệu quả của một con đường nằm ở chỗ nó cung cấp khả năng lưu thoát của phương tiện giao thông. Tuy nhiên, khả năng này thường bị hạn chế khi các con đường không có làm vượt.
Những ngày cuối năm là thời điểm sôi động tại các chợ và siêu thị, cùng với lượng người thì lượng hàng hóa cũng tăng cao, đặc biệt là các loại hàng dễ cháy. Chính vì vậy, việc chủ động thực hiện các biện pháp để phòng chống cháy nổ phải được đặt lên hàng đầu.
Ngày 20/12, Sở GTVT Hà Nội có thông báo hướng dẫn phân luồng giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.