Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Nhìn lại một năm công tác PCCC và CNCH của Công an TP Hà Nội

Phóng viên - 09/04/2019 | 10:41 (GTM + 7)

Công tác PCCC của Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, kiềm chế được sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra.

Trong năm 2018, tình hình cháy, nổ tuy giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, thiệt hại về người và tài sản vẫn ở mức cao

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Trong năm 2018 vừa qua, đánh dấu sự hợp tác tuyên truyền chặt chẽ giữa Kênh VOVGT và Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, góp phần nâng cao hình ảnh đẹp của người chiến sỹ cảnh sát PCCC Thủ đô. Từ đó, giúp giải quyết những vấn đề nóng, bức xúc, dân sinh liên quan đến PCCC trên địa bàn Thủ đô.

Năm 2018 cũng đã qua đi, công tác PCCC của Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, kiềm chế được sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn đề an toàn phòng chống cháy nổ vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

“Khi cháy thì mình gọi cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến thôi. Tôi cũng không mua bình chữa cháy vì nghĩ chẳng bao giờ dùng đến. Nhưng mới đây thấy nhà hàng xóm cháy cũng sợ thật đấy. Chắc mấy nữa phải đi sắm thôi. Tôi nhớ cũng có lần cán bộ đến tuyên truyền phòng cháy nhưng mình bận cũng chưa tham gia được lần nào”.

“Hôm vừa rồi căn nhà ở tòa bên cạnh bốc cháy khiến chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi mong cấp chính quyền có giải pháp và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục những tồn tại về phòng cháy chữa cháy để đảm bảo cho cuộc sống, sinh mạng của người dân”.

Đó là những lời tâm sự của một số người dân khi chứng kiến một số vụ hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra trong năm  vừa qua. Thống kê cho thấy, trong năm 2018, tình hình cháy, nổ tuy giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, thiệt hại về người và tài sản vẫn ở mức cao (10 người chết, 23 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính trên 366 tỷ đồng). 

So với cùng kỳ năm 2017, giảm cả về số vụ cháy, thiệt hại về người và về tài sản cũng đều giảm. Qua điều tra nguyên nhân các vụ cháy, lực lượng công an xác định, hầu hết là do sự chủ quan, bất cẩn của người dân, do sự cố hệ thống và thiết bị điện; sơ suất trong sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất...

Trao đổi với VOV Giao Thông, Trung tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07) CATP Hà Nội cho rằng, trong năm 2018, công tác CCC trên địa bàn Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực khi việc rà soát, kiểm tra và kinh phí cho lĩnh vực này được tăng cường, ý thức của cộng đồng được nâng lên. 

Tuy nhiên, nguy cơ cháy, nổ vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, trong khi việc thực hiện còn không ít vướng mắc, khó khăn, đòi hỏi quyết tâm cao từ các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý cho đến mỗi người dân:

“Dù có nhiều chuyển biến trong PCCC, nhưng nguy cơ cháy nổ còn rất lớn. Nguyên nhân có nhiều, nhưng quan trọng nhất là trách nhiệm của cấp quản lý, của người đứng đầu các đơn vị. Chính quyền chưa quan tâm, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC. Công tác phối hợp giữa cảnh sát PCCC với công an và chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ. Kỹ năng, nghiệp vụ chữa cháy, cứu hộ cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu. Các quy định về PCCC đã có, nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao”.

Thực tế, những vụ cháy nổ liên quan đến chung cư và các toàn nhà cao tầng luôn là nỗi lo lắng thường trực của người dân trong năm vừa qua. Hà Nội là nơi có nhiều khu chung cư cao tầng tập trung đông dân, nếu xảy ra cháy nổ hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Xác định rõ những nguy cơ đó, Hà Nội luôn quan tâm tới công tác phòng cháy, chữa cháy. 

Trước nguy cơ gây mất an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp quyết liệt

Ngay từ đầu năm, thành phố Hà Nội đã kiểm tra công khai danh sách các chung cư chưa đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy trên trang web của cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố. Tuy nhiên đến nay vẫn còn một số công trình còn chây ì chưa khắc phục. 

Trước sự bất hợp tác của chủ đầu tư và nguy cơ gây mất an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội có những biện pháp quyết liệt:

“Quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước là xử lý nghiêm hơn. Đặt vấn đề như vậy để có thể xem xét, xử lý hình sự. Trước hết là thể hiện quyết tâm chính trị để xử lý và để khắc phục các tồn tại vi phạm về phòng cháy chữa cháy đối với các đối tượng trây ì, hoặc thiếu thái độ cầu thị tiếp thu khắc phục và đã chuyển cơ quan điều tra cũng đang nghiên cứu, củng cố hồ sơ”.

Bên cạnh công tác PCCC, công tác CNCH cũng được lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm. Trong năm 2018, lực lượng CNCH đã nhiều lần lao vào lửa cứu người; rất nhiều lần ngụp lặn tìm kiếm hung khí, vật chứng của các vụ trọng án, lặn tìm cứu người và mò mẫm kiếm tìm thi thể nạn nhân ở những vùng nước xoáy, cảng sâu… bằng tất cả sự nhiệt huyết, tận tâm với nghề. 

Theo Thượng tá Trương Đức Dũng – Phụ trách Phòng Cứu nạn cứu hộ, Phó Trưởng Phòng CS PCCC và CNCH (PC07) CATP Hà Nội, bất kể đêm hay ngày, trời mưa hay nắng… dù luôn phải đối mặt với nhiều gian khổ, hiểm nguy, song vượt qua những trở ngại đó, lực lượng cảnh sát cứu nạn cứu hộ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và đã giành lại sinh mạng cho không ít người:

“Lực lượng PCCC thực hiện công tác CNCH với các sự cố như cháy nổ, sập đổ nhà, công trình, máy móc kỹ thuật, cây cối. Sự cố sạt lở đất đá. Sự cố có người bị mắc kẹt trong nhà, công trình, trên cao, trong thiết bị, trong hang hầm, công trình ngầm; sự cố tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, tai nạn đuối nước tại sông suối, thác, hồ ao, giếng sâu, hố sâu có nước, bãi tắm; hay những sự cố tai nạn tại khu du lịch, khu vui chơi giải trí và những sự cố, tai nạn theo quy định của pháp luật”.

Mặc dù công tác PCCC&CNCH còn nhiều khó khăn và bất cập, nhưng nhìn lại năm 2018, một trong những bước chuyển mình rõ nét của lực lượng PCCC Thủ đô chính là việc chính thức sáp nhập Cảnh sát PCCC Hà Nội vào Công an Hà Nội. Theo Trung tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07) CATP Hà Nội, sau khi triển khai sáp nhập, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng việc triển khai thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả luôn được ưu tiên hàng đầu, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đặc biệt trong công tác PCCC-CNCH:

“Ngay sau khi sáp nhập, Phòng PC07 đã sớm ổn định tổ chức bộ máy, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ từ Chỉ huy Phòng đến các Đội công tác, nhanh chóng triển khai thực hiện hiệu quả các mặt công tác. Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, khẩn trương bắt tay ngay vào công việc, tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ đang được giao, đảm nhiệm; không làm gián đoạn công tác chuyên môn và công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ”.

Bên cạnh chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, trong năm vừa qua, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã có nhiều đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ tốt việc quản lý, điều hành, chỉ huy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và cải cách hành chính. 

Theo Trung tá Phạm Trung Hiếu, để góp phần khắc phục những tồn tại trong PCCC, đặc biệt là các vụ cháy nhà cao tầng, ứng dụng khoa học công nghệ mới được xem là một phương án khả thi. 

PCCC không phải là việc của riêng ai, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội

Tại Việt Nam, lực lượng cảnh sát PCCC đã và đang liên tục nghiên cứu về các ứng dụng này. Sắp tới có thể sẽ có thêm nhiều ứng dụng công nghệ mới được thí điểm, triển khai, góp phần tăng cường năng lực phòng cháy chữa cháy cho các tòa nhà chung cư, cao tầng.

Một mùa xuân mới đã về, đối với lực lượng PCCC&CNCH, việc đảm bảo tính mạng, an toàn tài sản của người dân khỏi “giặc lửa” luôn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, không chỉ là nỗ lực của lực lượng PCCC Thủ đô, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng chủ động vào cuộc, xác định công tác phòng cháy chữa cháy là một nhiệm vụ chính trị. 

Đúng như nhận định của Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải rằng: việc phòng cháy chữa cháy không thể đảm bảo an toàn nếu chỉ có sự tham gia quyết liệt của các cấp ủy, đảng, chính quyền và ngành chức năng mà cần phải có sự vào cuộc, đồng thời cần một ý thức phòng cháy chữa cháy của chính những cư dân đang sinh sống trong các tòa nhà:

“Lãnh đạo các địa phương, các quận huyện, các xã phường phải vào cuộc, phải kiểm tra tính thực chất có thực sự chữa cháy được không,  phải kiểm tra thường xuyên và kết hợp với phòng cháy chữa cháy tăng cường công tác tập huấn. Chính những người dân phải nâng cao ý thức phòng ngừa, phải là một chiến sỹ cảnh sát PCCC thì công tác này mới đạt được hiệu quả cao được”.

Hi vọng rằng, với những nỗ lực cố gắng trong năm 2018 vừa qua, đón năm mới 2019, lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội sẽ nghiêm túc phấn đấu, thực hiện thắng lợi chương trình công tác đề ra. Trước mắt, là triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo đảm an toàn PCCC cho dịp Tết Nguyên đán và các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn.

PCCC không phải là việc của riêng ai, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn PCCC liên quan mật thiết đến tính mạng, tài sản của tất cả mọi người. Vì thế, cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, mỗi người dân, mỗi chính quyền địa phương, mỗi cơ quan, đoàn thể nên tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bản thân. Có như vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC mới đạt được hiệu quả; tai nạn cháy, nổ mới từng bước được đẩy lùi, góp phần xây dựng đất nước ngày càng bình yên, giàu mạnh.

Nếu có bất kỳ câu hỏi, băn khoăn liên quan đến công tác đảm bảo an toàn PC&CC, quý thính giả có thể liên hệ với chương trình qua tổng đài 024.37.91.91.91, thư điện tử: [email protected].


 

Tags:
Ý kiến của bạn
Mở đường Láng rộng gấp đôi, cần phải làm gì?

Mở đường Láng rộng gấp đôi, cần phải làm gì?

Mới đây Sở GTVT Hà Nội có báo cáo UBND thành phố việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng), với tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng.

Garage tư nhân “mọc” trên vỉa hè

Garage tư nhân “mọc” trên vỉa hè

Những ngày hè tháng Năm này, hoa bằng lăng tím trổ bông dọc theo dòng Kim Ngưu khiến các cung đường phía Nam Hà Nội như duyên dáng hơn. Tuy nhiên, chút chất thơ đó không khỏa lấp được những bất cập trên vỉa hè khu vực này, khi người đi bộ thực sự bối rối với những chướng ngại vật không ngờ tới.

Những người trẻ tiếp nước, “giải khát” cho miền Tây hạn mặn

Những người trẻ tiếp nước, “giải khát” cho miền Tây hạn mặn

Khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, các tỉnh miền Tây Nam Bộ xuất hiện nhiều đợt xâm nhập mặn vào sâu nội đồng cùng các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, hệ thống sông Tiền, sông Hậu.

Nỗi niềm những tài xế giao đồ ăn

Nỗi niềm những tài xế giao đồ ăn

Kể từ đại dịch COVID-19, thị trường giao đồ ăn tại Trung Quốc bùng nổ và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, những tài xế của các nền tảng giao đồ ăn tại quốc gia tỷ dân này đang phải làm việc trong điều kiện lao động khắc nghiệt, với thời gian làm việc kéo dài nhưng thu nhập lại thấp.

Một thời đánh dây thép

Một thời đánh dây thép

Với giới trẻ ngày nay, ba chữ “đánh dây thép” hay “Nhà dây thép” chắc còn khá lạ lẫm, nhưng đó lại là những từ quen thuộc của những thập niên đầu thế kỷ 20.

Cung vượt cầu, cuộc chiến giá xe điện ngày càng căng thẳng

Cung vượt cầu, cuộc chiến giá xe điện ngày càng căng thẳng

Nhằm gia tăng thị phần, rất nhiều nhà sản xuất đã cố gắng giảm giá xe điện nhằm thu hút khách hàng, đặc biệt tại Trung Quốc. Nhưng với nguồn cung ngày càng nhiều, cuộc chiến về giá xe điện đang ngày càng căng thẳng, mà chỉ những nhà sản xuất với năng lực mạnh mẽ mới có thể trụ lại.

4.700 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn, nhiều doanh nghiệp cạn tiền trả nợ

4.700 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn, nhiều doanh nghiệp cạn tiền trả nợ

VIS Rating ước tính 4.700 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 5/2024 có rủi ro không trả được nợ gốc đến hạn, thậm chí nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ‘cạn tiền’ trả nợ.

// //