Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Tài chính - Thị trường

Sức sống biên cương: Xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn sụt giảm

Hải Hà: Thứ ba 10/06/2025, 21:29 (GMT+7)

Từ đầu năm đến ngày 29/5, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lạng Sơn có xu hướng giảm, có 51.760 lượt xe xuất khẩu qua địa bàn tỉnh, giảm 16%, trong đó có 32.705 lượt xe hoa quả xuất khẩu, giảm 27%. Một số mặt hàng rau quả gặp khó khăn do Trung Quốc siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm.

Quy trình kiểm tra gắt gao

Theo thông tin từ Cục Hải quan, nhu cầu giao thương của doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc có xu hướng ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, phía Trung Quốc ngày càng yêu cầu cao đối với chất lượng hàng hoá nhập khẩu vào Trung Quốc, nhất là hàng hoá là thực phẩm tươi sống như hoa quả, nông sản xuất khẩu từ Việt Nam và các nước khác nên sản lượng xuất khẩu đến thị trường này có xu hướng giảm, nhất là lại một số cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Trong 4 tháng đầu năm, trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đạt 813 triệu USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 107,5 triệu USD, giảm mạnh với 67,1%. Còn tại Cửa khẩu Tân Thanh, giá trị xuất khẩu đạt 126 triệu USD, giảm 57,8%, so với cùng kỳ.

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: TTXVN

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: TTXVN

Từ cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã triển khai những quy định mới trong nhập khẩu sầu riêng, tiến hành kiểm tra 100% các lô hàng nhập khẩu. Nhiều lô hàng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam không đảm bảo tiêu chuẩn về dư lượng Cadimi và chất vàng O đã bị trả lại, khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc sụt giảm mạnh.

Một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của tỉnh Đăk Lăk đứng ngồi không yên khi nhiều lô hàng xuất khẩu gặp khó khăn trong khi nguồn gốc của các chất cấm chưa được làm rõ:

"Doanh nghiệp cũng không hiểu các chất này đến từ đâu. Có thể từ thùng đựng, tồn dư năm trước, hoặc nhiễm chéo trong quá trình kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, lượng hàng đi được không nhiều, thủ tục lại phức tạp và kéo dài. Đơn cử, có xe hàng chờ đến cả tháng, nhưng đến khi được thông quan thì hàng đã hỏng."

Quy trình kiểm tra gắt gao mặt hàng sầu riêng không chỉ làm sụt giảm nghiêm trọng sản lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, chỉ đạt khoảng 20% so với kế hoạch đề ra, mà còn khiến giá sầu riêng trong nước xuống thấp. Tại nhiều vùng trồng, giá sầu đang giảm mạnh từ 30 đến 50%, ảnh hưởng đến đời sống bà con nông dân.

Cảnh giác tình trạng "mua bán" mã số xuất khẩu

Hợp tác xã Hồng Xuân, tỉnh Bắc Giang mỗi năm xuất khẩu trên 1.000 tấn vải thiều. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đang “lao đao” tìm đầu ra cho cả nghìn tấn vải thiểu vì không thể xuất khẩu được bất cứ kg vải thiều sang thị trường Trung Quốc vì “bỗng nhiên” bị đóng mã số xuất khẩu từ đầu năm 2025.

Ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và sản xuất kinh doanh tổng hợp Hồng Xuân chia sẻ:  

"Chi cục Bảo vệ thực vật Bắc Giang thông báo mã số đóng gói của chúng tôi xuất sang Trung Quốc bị tạm khóa từ đầu năm 2025. Nguyên nhân là do cành cuống dài hơn, chưa đạt một số tiêu chí của Trung Quốc. Ở cửa khẩu Lào Cai khó kiểm soát, trước thời điểm đó, các doanh nghiệp, các thương lái lấy mã của Hợp tác xã để xuất khẩu, không cần giấy ủy quyền họ vẫn đi được bình thường nên chúng tôi không thể kiểm soát được chất lượng. Chúng tôi mong muốn được sớm mở lại mã để chúng tôi xuất khẩu vải cho bà con."

Theo các chuyên gia, tình trạng mua bán mã số tự do bằng hình thức "ủy thác xuất khẩu" tại cửa khẩu khiến nước nhập khẩu không thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ các lô hàng không đúng mã số, trong khi một số doanh nghiệp và hợp tác xã có mã số bị lợi dụng nhưng không biết, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu và bà con nông dân.

Các phương tiện xuất nhập khẩu hàng hóa chờ thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Các phương tiện xuất nhập khẩu hàng hóa chờ thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Theo thông tin từ Hiệp hội rau quả, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 2,2 tỷ USD, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với mặt hàng sầu riêng, 4 tháng năm 2025, Việt Nam xuất được 183 triệu USD, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. So với sầu riêng của Thái Lan, sầu riêng của Việt Nam phải chờ đợi từ 7-10 ngày mới được thông quan và tỷ lệ được thông quan chỉ từ 40-60%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 99% của sầu riêng Thái Lan.

Dẫn kinh nghiệm kiểm soát chất lượng sầu riêng, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Thái Lan có hơn 300 phòng xét nghiệm mini rải khắp  các vườn sầu riêng được Bộ Nông nghiệp Thái Lan cho phép. Các trung tâm thí nghiệm sẽ thu phí từ nhà vườn, kiểm tra trái cây trong vườn có mã số vùng trồng và sẽ cấp giấy chứng nhận và truy xuất nguồn gốc sau này. Chủ vườn phải có giấy chứng nhận không có chất vàng O, chất Cadimi không vượt ngưỡng mới được phép bán cho các nhà đóng gói xuất khẩu. Sau đó các phòng thí nghiệm của Trung Quốc sẽ kiểm tra hàng ở trong container, nếu đạt yêu cầu sẽ được chuyển tới cửa khẩu làm thủ tục kiểm hóa, thông quan.

Do vậy, để các nông sản Việt được thông quan được nhanh chóng thuận lợi như của Thái Lan, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề xuất:

"Chúng ta phải có một hệ thống lọc hàng tại hệ thống các vườn sầu riêng một cách chính xác, hiệu quả. Nếu chúng ta có hệ thống lọc trước khi đưa cho Trung Quốc kiểm tra, mới đẩy mạnh việc xuất khẩu sầu riêng. Cùng với đó, chúng ta phải thiết lập hệ thống giám sát chất lượng từ gốc, xây dựng những chương trình giám sát an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật ngay tại vườn trồng và cơ sở đóng gói. Doanh nghiệp và nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt ghi chép nhật ký canh tác để phục vụ truy xuất khi cần thiết."

Trong cuộc hội đàm vào cuối tháng 5 vừa qua giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, lãnh đạo hai cơ quan đã thống nhất tăng cường hợp tác nhằm kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước, đặc biệt là mặt hàng sầu riêng. Hai bên cũng sẽ thành lập tổ công tác chung về kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm và thống nhất thiết lập cơ chế "luồng xanh nông sản", ưu tiên thông quan nhanh tại cửa khẩu đối với các mặt hàng quả tươi khi vào vụ thu hoạch cao điểm.

Cần kiểm soát chất lượng sản phẩm từ gốc

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực các mặt hàng rau quả của Việt Nam. Xây dựng chuỗi giá trị trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản không chỉ giúp duy trì thị phần xuất khẩu sang nước bạn mà còn khẳng định thương hiệu của nông sản Việt. Đây là nội dung của cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV Giao thônv và PGS.TS Mai Quang Vinh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ Xanh:

PV: Từ thực tế hiện trạng xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, ông thấy quy trình quản lý chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam như thế nào?

PGS.TS Mai Quang Vinh: Theo tôi, có một số bất cập trong công tác quản lý và quy trình quản lý chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng sang thị trường Trung Quốc như sau:

Thứ nhất, hiện nay chúng ta thiếu kiểm soát chất lượng từ gốc trong chuỗi giá trị nông sản của Việt Nam. Việc này gây khó khăn, rủi ro rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi phải đáp ứng nghiêm ngặt từ thị trường nhập khẩu và khi hàng bị trả về, đặc biệt với thị trường Trung Quốc hiện nay. Hiện nay, Trung Quốc đã siết chặt vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, tương đương với các quốc gia phát triển.

PGS.TS Mai Quang Vinh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ Xanh

PGS.TS Mai Quang Vinh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ Xanh

Thứ hai, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa đa dạng hóa được thị trường. Chúng ta đang tập trung quá nhiều vào thị trường Trung Quốc khiến ngành rau quả dễ bị tổn thương khi Trung Quốc thay đổi chính sách kiểm soát nhập khẩu. Việc chưa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu làm giảm khả năng ứng phó với một thị trường cụ thể.

Thứ ba, quy trình kiểm tra và giao nhận chưa đáp ứng yêu cầu. Các DN Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được hoàn toàn yêu cầu về quy trình kiểm tra và giao nhận của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này dẫn đến việc nhiều lô hàng bị trả về hoặc chậm thông quan tại cửa khẩu

Thứ tư, chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế trong xuất khẩu nông sản. Ví dụ, như Trung Quốc đã siết chặt quản lý chất Cademi và chất vàng O trong sầu riêng nhập khẩu, yêu cầu 100% lô hàng phải qua kiểm tra. Hiện nay chúng ta vẫn còn tư duy kiểm tra, test sản phẩm làm ra thay cho tư duy phòng ngừa rủi ro, quản lý theo dữ liệu và chuỗi giá trị. Điều này dẫn đến tình trạng không đảm bảo chất lượng sản phẩm ngay từ khâu ban đầu.

Thứ năm, thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan và thiếu sự phối hợp giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm chất lượng nông sản. Sự phối hợp này rất cần thiết để tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm và đáp ứng kịp thời với thị trường nhập khẩu.

Thứ 6 chưa áp dụng được công nghệ hiện đại trong quản lý chất lượng. Việc áp dụng công nghệ hiện đại vẫn còn hạn chế, tuy rằng Việt Nam có nhiều các nhà cung ứng các ứng dụng quản lý chất lượng rất hiện đại nhưng chúng ta chưa có chế tài để áp dụng, làm giảm khả năng theo dõi chất lượng sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

PV: Hiện nay Việt Nam mới có 12 trung tâm kiểm tra thí nghiệm Cadimi và 9 trung tâm kiểm tra chất vàng O. Vậy để giải quyết tình trạng thiếu các trung tâm thí nghiệm, các cơ quan nhà nước thời gian tới cần phải có những động thái như thế nào thưa ông?

PGS.TS Mai Quang Vinh: Việc khắc phục những bất cập này cần có sự nỗ lực trong toàn bộ chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến các doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan quản lý nhà nước. Việc tăng cường quản lý chất lượng từ gốc, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và cải thiện quy trình giao nhận, tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn quốc tế và áp dụng công nghệ hiện đại, thay đổi tư duy kiểm tra sang tư duy phòng ngừa, quản lý tận gốc rễ sẽ là chìa khóa để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường Quốc tế.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cần nắm rõ quy định, yêu cầu của Trung Quốc.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cần nắm rõ quy định, yêu cầu của Trung Quốc.

Chúng ta làm nông sản phải có liên kết theo chuỗi từ chuỗi cung cấp các vật tư đầu vào, chuỗi thương mại, chuỗi sản xuất, chế biến, chuỗi cung ứng hiện nay rất lỏng lẻo. Để mà chứng minh được hàng hóa đảm bảo để xuất khẩu thì cần:

Thứ nhất, phải hợp quy tất cả các vật tư đầu vào cho hàng xuất khẩu (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ…) các vùng sản xuất cà phê, vùng nguyên liệu có được phép sản xuất hay là phá rừng để trồng cà phê hay các cây để xuất khẩu.

Thứ hai, phải đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc của nông sản cho đến tận lô sản phẩm, hộ sản xuất và cho tới từng công đoạn sản xuất. Hiện các sản phẩm của chúng ta mới chỉ dán thông tin, địa chỉ cơ sở, còn toàn bộ vật tư đầu vào, quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, lượng tồn kho về vật tư sau sản xuất chu kỳ, chúng ta không có ai kiểm tra, có công nghệ giám sát không ai dùng.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra trực tiếp và trực tuyến bất kỳ. Mỗi một sản phẩm đưa lên phải công bố công khai minh bạch cho bạn hàng theo thời gian thực. Bạn hàng có thể nhìn vào tất cả các công đoạn sản xuất trên cánh đồng để biết đang làm cái gì.

Chúng tôi có kinh nghiệm cả chục năm cho việc xây dựng các phần mềm và cảnh báo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng do Việt Nam chưa có chế tài cụ thể nên chưa áp dụng các công nghệ của chúng tôi.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn