Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Xử lý vi phạm tốc độ trên cao tốc: Cần phát huy tốt hiệu ứng từ xử lý nồng độ cồn

Huy Hoàng: Thứ sáu 15/03/2024, 14:16 (GMT+7)

Sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên các tuyến cao tốc đường bộ nước ta, mới đây lực lượng cảnh sát giao thông cho biết sẽ tăng cường tuần tra và xử lý quyết liệt đối với hành vi vi phạm tốc độ khi lưu thông trên đường cao tốc.

Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình cao của các lái xe, các hiệp hội vận tải và người dân cả nước.

Chỉ ngay sau đợt cao điểm Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, trên cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong trên các tuyến cao tốc, quốc lộ.

Cụ thể, vào sáng ngày 18/2 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng giữa xe ô tô 7 chỗ và 2 container làm 3 người trong 1 gia đình tử vong. Cũng trên cao tốc này, sau đó không lâu đã xảy ra 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong.

Bên cạnh đó, rạng sáng ngày 2/3 tại lối rẽ vào trạm dừng nghỉ trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, 1 xe khách giường nằm đã va chạm nghiêm trọng với xe đầu kéo khiến 1 người tử nạn, hơn chục người khác bị thương.

Trước đó 1 ngày, trên tuyến cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 4 xe tải nặng làm 1 người chết, 1 người bị thương. Ngoài ra, cũng cần nhắc tới vụ tai nạn thảm khốc giữa xe khách và xe container trên quốc lộ 2 rạng sáng ngày 5/3 khiến 6 người chết và hơn 10 người bị thương.

Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18/2

Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18/2

Ngay sau các vụ tai nạn nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các bên liên quan khẩn trương vào cuộc để hạn chế các vụ việc tương tự. Trên tinh thần đó, các tổ công tác của lực lượng cảnh sát giao thông đã đồng loạt ra quân tuần tra kiểm soát suốt ngày đêm trên các tuyến cao tốc để giảm thểu các vụ tai nạn tương tự.

Phóng viên VOV Giao thông đã theo chân 1 tổ công tác lúc 0h15' ngày 12/3/2024, tại chốt kiểm tra của Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 Bộ Công An tại km234 trên cao tốc Phan Thiết – Vĩnh hảo thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận. Sau hơn 2 giờ kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận 6 và lập biên bản với trường hợp chạy quá tốc độ quy định. Đa số các lái xe khi bị lực lượng chức năng dừng phương tiện đều tỏ ra bất ngờ:

"Nghĩ xe trống nên mình chạy chứ cũng không nghĩ thế này. Chỉ nghĩ công an tỉnh lên làm luật thì mới chạy chứ vầy thì không dám chạy.

PV: Anh có biết CSGT đang làm chuyên đề tốc độ quanh năm không?

Tài xế: Em không biết".

"Đường này cho chạy 90km/h nó chật, khó chạy lắm.

PV: Xe chở nhiều khách không mà chạy nhanh vậy anh?

Tài xế: Có mười mấy người.

Tài xế: Không biết, biết thì đâu có bị, nói chung là nhiều khi hơi lố chứ cũng không chạy nhanh mấy".

"Anh đi từ Đại Ninh vô, không thấy biển báo giới hạn tốc độ nên không biết cao tốc này tốc độ tối đa là bao nhiêu. Trên đường không thấy biển báo nên lố 7km, nếu mà biết thì thủ liền chứ không chạy vậy, có lẽ do mới đi nên không để ý".

Việc CSGT tăng cường xử lý vi phạm tốc độ trên cao tốc là chính xác

Việc CSGT tăng cường xử lý vi phạm tốc độ trên cao tốc là chính xác

Trung tá Phạm Xuân Lập – Phó đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc đường bộ số 6, Cục cảnh sát giao thông Bộ Công an cho biết đơn vị sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, lãnh đạo Bộ Công An về việc tuần tra, xử lý các vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc. Trong đó, lực lượng sẽ tập trung xử lý vi phạm về tốc độ 24/24h trong ngày cả trực tiếp lẫn qua hình thức phạt nguội:

"Thời gian qua, số vụ tai nạn trên cao tốc Phan Thiết – Dầy Giây hay Phan Thiết – Vĩnh Hảo chủ yếu xảy ra ban đêm, hầu hết do các phương tiện chạy quá tốc độ, buồn ngủ đã gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng. Lực lượng đã chủ động xây dựng kế hoạch hàng tuần, tập trung vào các chuyên đề xử lý vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn như nồng độ cồn, quá tốc độ, cơi nới quá tải, dừng đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc, tập trung tuần lưu xử lý vi phạm vào ban đêm để hạn chế các vụ tai nạn giao thông có thể xảy ra trên tuyến".

Là 1 tài xế thường xuyên lưu thông trên các tuyến cao tốc khu vực phía Nam, anh Trần Văn Phương (ngụ tp.Thủ Đức, TPHCM) bày tỏ sự đồng tình tuyệt đối khi biết lực lượng CSGT tổ chức xử lý vi phạm tốc độ thường xuyên, anh Phương góp ý:

"Thứ nhất là tăng cường các hình thức phạt nguội, trên cao tốc nên lắp thêm các bảng điện tử để cảnh báo các xe vượt tốc độ để tác động trực quan đến các phương tiện khác. Thứ 2 nếu lập các chốt xử lý vi phạm trên cao tốc thì cũng cần tính toán để đảm bảo an toàn vì việc dừng phương tiện ở tốc độ cao dễ gây mất an toàn".

Là chủ doanh nghiệp logistics có 7 xe đầu kéo, anh Nguyễn Sơn Hoàng – công ty TNHH Phương Minh Auto cho rằng việc cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm tốc độ trên cao tốc là chính xác và không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp:

"Thường thì những lỗi tốc độ tài xế cũng ý thức được và tự chịu trách nhiệm nên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công ty. Tôi nghĩ nên như vậy để hạn chế tai nạn và nâng cao ý thức lái xe".

Việc CSGT ra quân xử lý nghiêm vi phạm về tốc độ trên các tuyến cao tốc đã và đang nhận được sự đồng tình cao của các tầng lớp xã hội, với mong muốn tạo được sự chuyển biến tích cực hơn

Việc CSGT ra quân xử lý nghiêm vi phạm về tốc độ trên các tuyến cao tốc đã và đang nhận được sự đồng tình cao của các tầng lớp xã hội, với mong muốn tạo được sự chuyển biến tích cực hơn

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu – Nguyên giảng viên trường đại học Cảnh sát cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vừa qua trên cao tốc hầu hết xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của người lái, trong đó nổi bật lên là tình trạng điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ cho phép:

"Đây là việc cần thiết và các tài xế cũng sẽ ủng. Bên cạnh đó cũng sẽ có ý kiến trái chiều rằng trên cao tốc đã có camera giám sát phạt nguội cần gì phải xử trực tiếp, tuy vậy tôi cho rằng việc xử phạt trực tiếp có vai trò rất quan trọng, vì ngoài việc xử phạt vi phạm thì còn giáo dục nâng cao ý thức pháp luật, do đó việc kết hợp thực hiện cao điểm như vậy là phù hợp và sẽ tạo kết quả tích cực".

Cũng bày tỏ sự đồng tình, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng động thái này của lực lượng cảnh sát giao thông là phù hợp với chức năng nhiệm vụ, tình hình thực tế cũng như các quy định pháp luật hiện hành. Bên cạnh việc xử lý vi phạm nồng độ cồn thì cộng đồng doanh nghiệp vận tải cũng sẽ hưởng ứng chủ trương này:

"Chúng ta có thể thấy khi lực lượng csgt công bố kế hoạch và xử lý 1 cách nghiêm túc, áp dụng công nghệ vào giám sát thì động thái đó cũng đủ giúp hoạt động giao thông giảm thểu rất nhiều vi phạm. Người tham gia giao thông cần phải chấp hành pháp luật trong đó có quy định về tốc độ tối đa cho phép, tuân thủ pháp luật để giảm thểu tai nạn là cần thiết".

Như vậy, việc lực lượng cảnh sát giao thông ra quân xử lý nghiêm vi phạm về tốc độ trên các tuyến cao tốc đã và đang nhận được sự đồng tình cao của các tầng lớp xã hội, với mong muốn tạo được sự chuyển biến tích cực hơn.

Việc xử lý vi phạm tốc độ trên các tuyến cao tốc nên là mô hình thí điểm bước đầu để mở rộng ra tất cả mạng lưới đường giao thông khác trên cả nước với cách làm phù hợp

Việc xử lý vi phạm tốc độ trên các tuyến cao tốc nên là mô hình thí điểm bước đầu để mở rộng ra tất cả mạng lưới đường giao thông khác trên cả nước với cách làm phù hợp

Cần làm mạnh, làm nghiêm như xử lý nồng độ cồn

Dù kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán năm nay nước ta giảm gần 70 người chết vì tai nạn giao thông, song vẫn có đến 200 người ra đi mãi mãi sau các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt là những vụ tai nạn thảm khốc trên các tuyến cao tốc hay đường quốc lộ.

Vào cuộc làm rõ, lực lượng chức năng chỉ ra rằng bên cạnh những khiếm khuyết của hạ tầng thì hầu hết nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ cho phép, vượt xe khác khi không đảm bảo an toàn. Rõ ràng, sau “ma men” thì “những cú đạp ga mạnh hơn bình thường” thực sự là vấn nạn cần được chấn chỉnh kịp thời.

Chính vì thế, việc lực lượng cảnh sát giao thông đặt mục tiêu kiểm tra và xử lý quyết liệt bất kể ngày đêm trên các tuyến đường bộ cao tốc là hết sức cần thiết để không chỉ giảm thểu tai nạn mà còn giúp hoạt động giao thông chung trở nên an toàn hơn. Tuy nhiên, dự luận mong rằng lực lượng chức năng cần “nói thật làm thật”, ra quân đến đâu xử lý nghiêm đến đó và không nên có vùng cấm đối với bất kỳ đối tượng nào vi phạm tốc độ.

Từ quan sát thực tế trên tuyến quốc lộ 51, tôi cho rằng việc tăng cường hệ thống camera giám sát cùng với hệ thống bảng điện tử thông báo phương tiện vi phạm cụ thể với các hiển thị màu sắc khác nhau là một cách làm mà lực lượng chức năng có thể nghiên cứu áp dụng.

Dư luận xã hội đang mong chờ một hiệu ứng tích cực tiếp theo sau sự thành công từ chủ trương xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian qua.

Và dĩ nhiên, việc xử lý vi phạm tốc độ trên các tuyến cao tốc nên là mô hình thí điểm bước đầu để mở rộng ra tất cả mạng lưới đường giao thông khác trên cả nước với cách làm phù hợp.

Chỉ có vậy hoạt động giao thông mới có thể được an toàn, tính mạng của người điều khiển phương tiện mới có thể được đảm bảo.

Huy Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn