Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo

Hải Hà: Thứ tư 11/06/2025, 06:13 (GMT+7)

Việt Nam có định hướng rất rõ trong chuyển dịch năng lượng xanh và đặt mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Việt Nam có những tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và làm cách nào để khai thác đối đa hiệu quả của các tiềm năng này?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông là Finn Mortensen, CEO của tổ chức State of Green- một đối tác công tư, phi lợi nhuận, được sở hữu bởi chính phủ Đan Mạch Đan Mạch xung quanh nội dung này:

PV: Ông nghĩ sao về vai trò của năng lượng tái tạo đối với các quốc gia trong việc phát triển bền vững, đặc biệt đối với Việt Nam?

Ông Finn Mortensen: Tôi nghĩ, đối với một quốc gia như Việt Nam có rất nhiều cơ hội phát triển năng lược tái tạo. Đặc biệt nếu nhìn vào năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt... Chúng tôi cũng đã nhìn thấy những tiềm năng đó ở Đan Mạch nhiều năm trước.

Chúng tôi cũng từng có các nhà máy điện chạy bằng than, ngày nay chúng tôi đang đóng cửa những nhà máy cuối cùng vì đã xây dựng được một ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Tại Đan Mạch, chúng tôi thấy rằng điện được sản xuất từ gió là nguồn năng lượng tái tạo là rẻ nhất. Đặc biệt là điện gió trên đất liền, còn điện gió ngoài khơi vẫn đắt hơn một chút. Tôi nghĩ Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng và sẽ có cơ hội phát triển điện năng lượng tái tạo tương tự như Đan Mạch.

Tôi cũng biết hiện đã có một số công ty Đan Mạch đang trao đổi với doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề này.

Ông Finn Mortensen, CEO của State of Green, Đan Mạch (bên trái)

Ông Finn Mortensen, CEO của State of Green, Đan Mạch (bên trái)

PV: Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về kinh nghiệm của Đan Mạch trong quá trình chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng bền vững?

Ông Finn Mortensen: Cách đây khoảng 40, 50 năm, Đan Mạch hoàn toàn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi không có nguồn tài nguyên thiên nhiên gì cả. Nhưng dần dần, trong suốt thời gian đó, chúng tôi đã chuyển đổi nền kinh tế Đan Mạch, từ chỗ phụ thuộc chỉ vào nhiên liệu hóa thạch, sang việc tập trung mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo.

Ngày nay, ở Đan Mạch, gần 70% lượng điện tiêu thụ đến từ năng lượng xanh – gió và mặt trời. Chúng tôi cũng rất chú trọng đến hiệu suất năng lượng, cả trong ngành công nghiệp và trong nhà dân. Vì thế, chúng tôi đã có thể giữ nguyên, thậm chí giảm lượng phát thải CO2, đồng thời vẫn phát triển kinh tế.

Chúng tôi đặt ra những mục tiêu rất tham vọng. Đến năm 2030 – chỉ còn 5 năm nữa – Đan Mạch sẽ giảm được 70% lượng khí thải CO2 so với năm 1990. Và đến năm 2045, chúng tôi sẽ đạt mức phát thải bằng 0 – tức là loại bỏ nhiều CO2 hơn lượng tạo ra. Lý do chúng tôi làm điều này là để có môi trường khí hậu tốt hơn tại Đan Mạch, nhưng cũng để truyền cảm hứng cho các quốc gia khác cùng đi theo hướng đó.

Công việc của tổ chức State of Green là truyền cảm hứng cho các đoàn khách quốc tế, những người đã từng nghe nói đến Đan Mạch và đến thăm đất nước chúng tôi. Chúng tôi hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch. Chúng tôi có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, ngành công nghiệp và chính phủ, là cầu nối giữa các đối tác công- tư.  

Vì vậy, khi các doanh nghiệp và ngành công nghiệp chuyển đổi từ nền “kinh tế đen” sang “nền kinh tế/ năng lượng xanh”, chúng tôi sẽ lắng nghe những gì doanh nghiệp nói, những mong muốn của Chính phủ và cùng đưa ra các giải pháp có lợi không chỉ cho chính phủ hay xã hội mà còn cho, các nhà sản xuất năng lượng.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới chuyên biệt phát triển các dự án năng lượng tái tạo, các dự án năng lượng xanh với hơn 120GW (đọc Gi ga oát). CIP đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2019. Ông Stuart Livesey, đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị trong phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam:

"Thứ nhất, khởi động ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi bằng cách sử dụng cơ chế fast-track để trao các dự án đầu tiên cho các tập đoàn nhà nước, phối hợp với các nhà phát triển đã có năng lực và kinh nghiệm, bắt tay vào khảo sát ngoài khơi và từ năm 2025, với kế hoạch rõ ràng về việc phát triển toàn bộ dự án:

Các nhà phát triển và nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm cần được ưu tiên lựa chọn để làm việc cùng các tập đoàn nhà nước tại các dự án thí điểm đầu tiên, nhằm đảm bảo các dự án này có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện (dựa trên nhiều cơ chế đầu tư tài chính đã được chấp nhận và sử dụng ở các thị trường khác). Các nhà phát triển có năng lực sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn mà họ đã phát triển trên toàn cầu, đồng thời tìm hiểu nhu cầu của thị trường trong nước để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh.

Đối với các dự án điện gió ngoài khơi kỹ thuật phức tạp, kinh nghiệm và năng lực của các nhà phát triển quốc tế có năng lực là rất quan trọng để đảm bảo sự thành công trong việc phát triển, xây dựng và triển khai các dự án đầu tiên. Điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành.

Ông Stuart Livesey, đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam

Ông Stuart Livesey, đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam

Thứ hai, cung cấp một lộ trình rõ ràng để các nhà đầu tư tiếp cận thị trường, với các chính sách minh bạch, quy trình rõ ràng và phê duyệt kịp thời để đảm bảo các dự án có thể triển khai đúng tiến độ. Đặc biệt là cần có sự gắn kết việc thực hiện khảo sát ngoài khơi với khả năng trúng thầu của nhà đầu tư đó khi tham gia đấu thầu dự án .

Thứ ba, đảm bảo cơ sở hạ tầng lưới điện và truyền tải phù hợp được triển khai để có thể truyền tải năng lượng gió ngoài khơi khi các trang trại gió đi vào vận hành, bao gồm việc lập kế hoạch kịp thời và lắp đặt/nâng cấp các trạm biến áp cần thiết để phục vụ việc cung cấp và hỗ trợ việc tiêu thụ năng lượng gió ngoài khơi.

Các bên vận hành hệ thống truyền tải cũng có trách nhiệm đảm bảo kết nối lưới điện đúng tiến độ hoặc bồi thường cho việc chậm trễ. Cần xây dựng một khuôn khổ và chính sách phù hợp cho các dịch vụ hỗ trợ lưới điện vận hành hiệu quả và lưu trữ năng lượng cần thiết bằng cách tích hợp các hệ thống mã lưới điện quốc tế để tiếp nhận năng lượng và truyền tải trên toàn quốc, trong đó có việc điều chỉnh điện áp và tần số".

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn