Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Về Tháp Mười nghe kể chuyện lúa ma

Trúc Thi: Thứ năm 21/12/2023, 14:05 (GMT+7)

Nhắc đến vựa lúa Tháp Mười, người ta sẽ không thể nào quên những năm tháng cùng “huyền thoại” lúa trời – lúa ma – thứ lúa đã nuôi sống biết bao gia đình đi qua những ngày lũ lụt triền miên, thiếu đói.

 Ai ơi về miệt Tháp Mười

Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn

Câu ca dao như lời mời gọi những bước chân thiên di về miệt Tháp Mười trù phú. Đồng Tháp Mười ngày nay không còn cảnh “xa xa một mái nhà, mênh mông một màu trắng bạc”, không còn những ngọn đèn dầu leo lét giữa khuya, tiếng con nhái bầu rền rền “buồn thúi ruột”.

Cách đây vài chục năm, Đồng Tháp Mười được mệnh danh là “vùng đất chết”, vùng đất từng làm nản lòng biết bao nhà khoa học khi “sáu tháng nước giăng giăng, sáu tháng khô cằn thiếu nước”.

Nhưng với bàn tay, khối óc và cuộc trường chinh khai phá của bao thế hệ, giờ đây vùng đất này đã trở thành vựa lúa lớn của ĐBSCL và cả nước. 

Thu hoạch lúa ma ở Vườn Quốc gia Tràm Chim Tam Nông (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Thu hoạch lúa ma ở Vườn Quốc gia Tràm Chim Tam Nông (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Vùng Đồng Tháp Mười của thời khai hoang, mở đất vốn là rốn phèn, là đồng trũng, mùa khô đồng hoang cỏ cháy, mùa mưa nước ngập lưng trời, vùng đất mà các bậc cao niên hồi ấy kể lại “cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy”. Nơi ấy, cứ tưởng chỉ có lau sậy, cỏ bàng bén rẽ thành rừng, vậy mà, giữa mênh mông đồng nước vẫn bạt ngàn màu xanh của lúa - thứ lúa lạ kỳ, ngộ ngộ mà cư dân miền này gọi là lúa trời, lúa ma.

Bà Võ Thị Hồng – một trong những nữ anh hùng lao động đã dành cả tuổi trẻ để khai khẩn vùng đất Đồng Tháp Mười kể, hồi ấy, ở Tháp Mười đi đâu cũng thấy bạt ngàn lúa ma, trãi dài từ đồng này qua đồng khác. Có lẽ, cũng giống như cỏ bàng, tràm, sậy, cây lúa ma ưa chỗ trũng phèn nên “chọn” đất Tháp Mười làm nơi sinh sôi, nảy nở: "Hồi đó cây lúa ma đó, danh từ như mình bây giờ là xóa đói á. Hồi đó ở Đồng Tháp Mười mình, dân được xóa đói nhờ cái cây lúa ma, tới mùa người ta đi đập nhiều lắm. Rồi như vậy đó tới tháng nước năm sau, người ta đi đập nữa, bị hồi đó đồng hoang rất là nhiều, cái vùng đồng rọc là có lúa ma nhiều, đồng gò không có, nó nằm ở đồng rộc, đồng trũng mới có lúa ma nhiều".

Bà Hồng cũng như nhiều cố cựu vùng Tháp Mười không biết rõ loại lúa “không giống ai” này có từ lúc nào, hạt mầm gieo nở từ đâu, chỉ biết rằng, khi họ lớn lên, mưu sinh, cày cuốc trên mảnh đất này, cây lúa ma đã bén rễ sinh sôi và nuôi lớn họ qua những ngày nước lớn: "Tự nó mọc lên, không biết từ hồi nào không biết, mà tới tháng nước là thấy có nó, tới tháng nước là mình chống vô ruộng là thấy có lúa ma rồi, là thấy nó có trổ rồi. Gạo của nó đỏ tươi, gạo nó ngon lắm. Mà hồi đó chưa có lúa mình nhiều, tới tháng nước, người ta mới đi đập lúa ma về ăn. Hồi xưa, dì 7 nghe ông ngoại kể lại những nhà nghèo mà hồi đó đi đập một mùa nước cũng mấy chục giạ, chứ không có ít đâu nha, nhiều lắm, tại vì Đồng Tháp Mười hồi đó rộng, nó nhiều lúa. Bây giờ, khai hoang, phục hóa cái Đồng Tháp Mười rồi không có còn đất hoang nữa, lúa ma nó không còn, hồi xưa thì nó nhiều dữ lắm".

Cắt nghĩa về tên gọi “lạ hoắc” của giống lúa này, có nhiều lý giải khác nhau. Có người gọi là lúa trời vì lúa mọc tự nhiên, như kiểu “từ trên trời rơi xuống”, là sản vật trời ban cho người dân miền sông nước bưng biền. Có người gọi là lúa ma, vì người ta cho rằng giống lúa này có những đặc tính lạ kỳ, không giống bất kỳ loại lúa mùa hay lúa cao sản nào ngày nay: lúa chỉ chín vài hột, chứ không chín hết cả bông, mà lạ hơn là loại lúa này rất “sợ” mặt trời, cứ mỗi khi mặt trời lên chừng vài sào thì tự nhiên rụng mất.

Đặc trưng này của lúa trời khiến nó được sách Gia Định thành thông chí ghi chép thêm một tên gọi khác, là “Quỷ cốc”. Dân gian vùng Đồng Tháp Mười truyền nhau câu chuyện rằng, những ngày bôn tẩu ở phương Nam, có lúc chúa Nguyễn Ánh đã dựa vào cây lúa trời mà sống. Sau này, Nguyễn Ánh vẫn nhớ cái hương vị thơm ngon của cây lúa hoang dại nên cho người cung tiến về kinh, xếp vào loại nông sản quý hiếm.  

Trong Đồng Tháp Mười xa xưa của Nhà văn Sơn Nam, cũng từng nhắc đến loại lúa trời này: “Tre rừng mọc từng mảng, ta nhớ những tên đất như Xẻo Tre, Rạch Tre, Cái Nứa, giống tre gai chịu nắng hạn, chịu úng lụt. Trâu rừng ngày xưa chạy hoang trên cánh đồng hoang vu, theo bờ sông Tiền, nay còn dấu ấn sông Bạch Ngưu, Trâu Trắng, cù lao Trâu, trở thành huyền thoại, mùa hạn, trâu đến mé rạch tìm nước uống.

Đại khái, bức tranh đơn sơ về Đồng Tháp Mười tuy chấm phá vài nét nhưng khá đầy đủ, nhất là về lúa kê mọc đầy đồng. Ta hiểu đây là giống lúa trời, lúa ma, nay hãy còn mọc hoang, thuở xa xưa ấy, phải chăng lúa ma mọc sát bờ sông Cái?”

Người dân tham gia phục dựng mô hình chống xuồng thu hoạch lúa ma tại tiểu khu A1, năm 2012. Ảnh: VnExpress

Người dân tham gia phục dựng mô hình chống xuồng thu hoạch lúa ma tại tiểu khu A1, năm 2012. Ảnh: VnExpress

Ông Nguyễn Văn Trưa - một lão nông huyện Tam Nông, Đồng Tháp ở cái tuổi thất tuần vẫn không thể nào quên được một thời đi đập lúa ma. Ông Trưa kể,  hồi ấy, khi mùa nước đổ về ngập lênh láng các cánh đồng đầu nguồn miền thượng là thời điểm “vào vụ” lúa ma. Cây lúa buông lóng, “nhổ giò”, trổ bông và phát triển nhất vào thời điểm này. Nước nổi tới đâu, lúa ngoi tới đó. Để rồi sau mùa nước, những hạt ngọc thưa thớt lại rụng xuống, ghim chặt vào lớp bùn non đặc quánh, đợi qua đi mùa khô, mưa xuống lại đâm chồi, bắt đầu một hành trình mới. Cứ thế, một dạo, lúa ma phủ khắp những cánh đồng miệt phèn chua.

Nhớ lại mùa nước lớn 1966, ông Trưa kể: "Hồi năm 1966, năm đó nước lớn, năm đó khổ lắm, lúa mùa chết hết, chỉ còn lúa ma thôi, cũng nhờ cây lúa ma đó. Nhiều khi giờ ngồi ước lại có cây lúa ma nấu cơm ăn".

Ông Trưa cho biết thêm, sở dĩ cây lúa ma có thể sống “trường kỳ” qua những tháng dài con nước lớn là nhờ thân cứng, lá to, phát triển đều đặn nhờ sương gió. Bông lúa dài, cứng hơn bình thường và khi chín không “cong trái me” mà thẳng đứng. Cái ngộ của cây lúa ma còn ở chỗ hột lúa dài gấp rưỡi bình thường, chim chuột cũng sợ hột lúa mà không dám cắn phá, nuốt ăn.

Để có được hột lúa ma giã xay thành gạo, đổ nấu thành cơm là cả một quá trình lao động cần mẫn của cư dân Tháp Mười ngày ấy. Vì đặc tính của cây lúa ma là chín từ từ, mỗi ngày dăm ba hột, thế nên, thu hoạch lúa ma người ta không gặt, không cắt mà phải dùng cây để đập. Vì lúa mọc giữa đồng cỏ mênh mông, lại chín ngay mùa nước nổi nên phải thu hoạch bằng xuồng. Cứ mỗi đêm, khi mặt trời lặn sâu dưới làn nước, cư dân Tháp Mười bắt đầu cuộc hành trình đi “đập lúa ma”, đập đến khi gà gáy, khi mặt trời lên đến đỉnh sào là cũng được vài giạ, đủ sống những ngày leo lắt mùa nước lớn.

Bà Võ Thị Hồng kể lại: "Thường thường người ta nói là đi đập lúa ma. Ngay giữa chiếc xuồng đó, người ta mới có cái miếng cao lên, người ta có 2 cái cây 2 bên làm từ đầu tới mũi. Một người chống, một người đập. Người chống đẩy vô, ở đằng trước, người ta cầm 2 cái cây, người ta vỗ vô cái xuồng mình ngay cái miếng giữa, cái nó văng cái hột xuống đó. Rồi người ta mới đem về người ta ngâm với nước rồi người ta vọt cho nó rụng cái bông, bông lúa ma đó nó có cái đuôi dài lắm, người ta mới về ngâm rồi người ta vọt cho nó gãy, rụng cái đuôi đó, người ta mới phơi, người ta chà ăn".

Sau cuộc trường chinh khai phá, Đồng Tháp Mười hoang vu dần trở thành vựa lúa lớn của cả nước. Nhiều giống lúa mùa được gieo sạ trên vùng đất mới cho năng suất cao, cây lúa trời cũng dần “nhường” cho các giống cao sản ngắn ngày bén duyên cùng đất. Từ dạo ấy, người ta ít thấy lúa trời trên những đồng nước mênh mông tháng Mười, có chăng chỉ số ít diện tích trong Vườn quốc gia Tràm Chim – nơi lưu giữ dấu tích của nhiều loài thực vật quý. Bởi môi trường ở Vườn Quốc gia Tràm Chim rất tốt, mực nước các khu vực được đảm bảo nên các thảm thực vật cũng được phục hồi và phát triển nhanh.

Về miệt Tháp Mười hôm nay, nghe các lão nông kể chuyện về cây lúa ma một thời cứu đói mà thấy thương sao những đồng đất chua phèn, thấy thương sao con nước nổi Tháng Mười, nhớ hột gạo đỏ au má chà, sàn, sảy. Huyền thoại lúa ma vẫn mãi là câu chuyện đẹp, là ký ức của bao thế hệ sinh ra, lớn lên nhờ hạt ngọc của đất trời.

Trúc Thi/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Metro số 1: Công nghệ tiên tiến và kỹ thuật quản lý thi công chuyên nghiệp đã được chuyển giao

Metro số 1: Công nghệ tiên tiến và kỹ thuật quản lý thi công chuyên nghiệp đã được chuyển giao

Sáng 22/12, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành sau 17 năm với không ít khó khăn, thách thức.  Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) văn phòng Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn nhanh VOV Giao thông bên lề sự kiện quan trọng này.

TP.HCM chính thức vận hành thương mại Metro số 1

TP.HCM chính thức vận hành thương mại Metro số 1

Sáng 22/12, UBND TPHCM tổ chức lễ công bố vận hành chính thức tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Sau đó, từ 10h, 14 nhà ga của tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ đồng loạt mở cửa và sẵn sàng đón khách.

Những kinh nghiệm của Dự án metro số 1 là bài học quý giá cho tương lai

Những kinh nghiệm của Dự án metro số 1 là bài học quý giá cho tương lai

Trong quá trình thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM, đã có nhiều vấn đề phát sinh như giải phóng mặt bằng, di dời các chướng ngại vật ngầm dưới lòng đất, thay đổi về thông số kỹ thuật dựa trên điều kiện thực tế tại công trường, các quy trình thủ tục về hợp đồng,...

Giáo dục tài chính cá nhân: Chìa khóa giúp người trẻ làm chủ tương lai

Giáo dục tài chính cá nhân: Chìa khóa giúp người trẻ làm chủ tương lai

Với thế hệ trẻ, khi đứng trước nhiều “cám dỗ” chi tiêu và những quyết định tài chính lớn, thì việc trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là điều cần thiết để đảm bảo một tương lai ổn định và vững vàng.

Chợ tự phát gây mất mỹ quan đô thị trên đường Cô Giang

Chợ tự phát gây mất mỹ quan đô thị trên đường Cô Giang

Sáng sớm và giờ tan tầm, dọc 2 bên đường Cô Giang (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1), nhiều điểm kinh doanh chiếm dụng toàn bộ vỉa hè che dù bạt, bày biện bàn ghế… để kinh doanh, buôn bán hàng hóa, khiến cho người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Đừng để 'chảy máu lao động' dịp cuối năm

Đừng để "chảy máu lao động" dịp cuối năm

Để giữ chân lao động, các đơn vị sử dụng lao động cần đưa ra mức tiền lương, chế độ làm việc hấp dẫn. Đồng thời có chuỗi chăm lo cho người làm, đảm bảo công việc ổn định, lâu dài chứ không phải ở chỗ thu nhập, tiền thưởng là có thể thu hút nhân sự, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Buồn ngủ trên cao tốc, chuyện không của riêng ai

Buồn ngủ trên cao tốc, chuyện không của riêng ai

Việc lưu thông liên tục trên cao tốc là điều thường xuyên và phổ biến. Bên cạnh thuận lợi về điều kiện đường sá, thì người tham gia giao thông phải đối mặt với không ít áp lực, trong đó yếu tố buồn ngủ khi lưu thông liên tục trong khoảng thời gian dài là điều không thể không nhắc đến.