Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Trăm năm bánh tráng Thạnh Hưng

Trọng Nhân: Thứ năm 26/12/2024, 21:38 (GMT+7)

Làng bánh tráng Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đã hình thành và phát triển ngót nghét trăm năm, trở thành làng nghề truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, làng nghề đang đứng trước nguy cơ dần mai một với thời gian.

Ghé thăm làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng

Đến làng bánh tráng Thạnh Hưng vào một buổi sáng tiết trời se lạnh, dọc bên bờ kênh thốt nốt, người dân bắt đầu đem những vỉ bánh tráng ra để đón cái nắng đầu ngày. Khói từ bếp của những hộ làm bánh tráng bay ra ngoài, kèm theo thoang thoảng mùi thơm vị sữa trộn lẫn nước cốt dừa.

Tất cả tạo nên một khung cảnh làng quê yên bình, trái ngược hoàn toàn so với sự huyên náo ở thị trấn cách đó không xa.

Bánh tráng Thạnh Hưng nổi tiếng với chất lượng thơm ngon

Bánh tráng Thạnh Hưng nổi tiếng với chất lượng thơm ngon

Bà Nguyễn Thị Kim Mai, 80 tuổi, người đã có cả đời sống và làm bánh tráng tại đây cho biết, chẳng còn nhớ chính xác làng bánh tráng Thạnh Hưng có từ khi nào, bắt nguồn từ đâu, chỉ nhớ loáng thoáng nghề làm bánh tráng đã có từ khi bà còn rất nhỏ, ngót nghét đến nay gần 100 năm. Dù ở tuổi đã cao, nhưng đôi tay của bà Mai vẫn còn thoăn thoắt để làm những chiếc bánh tráng trên bếp. Thoạt nhìn bà Mai làm thì ai cũng sẽ thấy đơn giản, tuy nhiên lại không dễ dàng.

Học và làm nghề từ khi chỉ 10 tuổi, bà Mai cho biết, để làm được một chiếc bánh tròn đều không quá dày hoặc quá mỏng thì cần có nhiều kỹ thuật và sự khéo tay. Nguyên liệu chuẩn bị để làm bánh tráng không quá cầu kì. Đối với bột gạo tráng bánh phải chọn những loại gạo khô, cứng được ngâm một ngày một đêm sau đó sạch nước, xay nhuyễn, tẻ nước, pha bột với nước muối và tráng bánh. Để bánh được dai, cần trộn thêm bột mì tinh vào ngâm chung. Tỷ lệ cứ 50kg bột gạo, sẽ trộn 1kg bột mì tinh.

Để làm bánh tráng mè, hay còn gọi là bánh tráng ngọt thì công đoạn ngâm gạo sẽ giống bánh tráng thông thường. Tuy nhiên ở giai đoạn nhồi bột cần phải thêm nước đường nấu, nước cốt dừa, đường, mè rang. Thời điểm lúc bột còn nóng phải nhồi nhanh và đều tay không để bột vón cục, vì như thế mới tráng được miếng bánh đều và mỏng: “Gạo khô mới tráng bánh được chứ mềm cơm là tráng không được. Bánh tráng ngon là bánh tráng phải dẻo. Bánh tráng ngọt mà làm bằng máy sẽ không làm được, máy móc chỉ làm bánh tráng bình thường thôi. Bánh tráng làm bằng tay sẽ ngon hơn.”

Gần 100 năm hình thành và phát triển, làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng đã từng có một thời thịnh vượng. Về Giồng Riềng, hỏi thăm làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng ai ai cũng biết nhưng cụ tổ của làng nghề này thì không có tài liệu nào ghi chép lại. Theo các bậc cao niên, làng nghề đã có cả trăm năm nay.

Ban đầu, chỉ vài hộ trong xóm làm để dùng trong gia đình, nhưng sau đó nhờ có vị thơm ngon và dẻo dai đặc trưng, bánh tráng Thạnh Hưng dần dần được người dân ở nơi khác đặt mua và trở thành đặc sản nổi tiếng của cả vùng đất này.

Quà quê ngày tết

Bà Mai kể thêm, nhiều năm trước, bánh tráng Thạnh Hưng được thương lái mua và vận chuyển đi khắp các tỉnh lân cận như: Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau...Khi ấy trong xã có đến hơn 100 hộ làm nghề, sản xuất nhiều đến mức bánh tráng phơi phủ kín dọc bên đường.

Thời điểm cận tết lại càng thêm nhộn nhịp, bếp lò đỏ lửa cả ngày lẫn đêm để có thể “chạy” kịp đơn hàng. Rồi cho đến nay, cả khu vực xã Thạnh Hưng chỉ còn đếm được “trên đầu ngón tay”, lác đác vài hộ làm nghề.

Người dân đem những vỉ bánh tráng ra để đón cái nắng đầu ngày

Người dân đem những vỉ bánh tráng ra để đón cái nắng đầu ngày

Bởi qua thời gian, giá nguyên liệu ngày một tăng cao nhưng giá bánh tráng bán ra thì lại chẳng đổi, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Cùng với đó, tính chất công việc của nghề làm bánh tráng quá cực, phải thức từ lúc 2h sáng và làm cho đến tận tối mới xong, thế nên lớp trẻ sau này chẳng còn ai mặn nồng với cái nghề trăm tuổi: “Ngày đó xứ này ai cũng tráng bánh hết, đông lắm. Sau này làm không còn lời nên người ta chẳng muốn làm nữa. Nghề quá cực lại chẳng có tiền nên người ta nghỉ.”

 Dù khó khăn là thế, nhưng đối với những ai vẫn còn đang gìn giữ nghề làm bánh tráng thì đây không chỉ là công việc để mưu sinh, mà còn là trọng trách lưu giữ nét văn hoá, truyền nghề - nối nghiệp.

Bà Nguyễn Diễm Xuân, 62 tuổi, với 50 năm làm bánh tráng cho biết, phần lớn những ai làm nghề cho đến nay đều là truyền nhân của từ 2 đến 3 đời trước. So với trước kia, bánh tráng Thạnh Hưng vẫn thế, vẫn giữ được hương vị nguyên bản thuở ban đầu.

Điểm khác nằm ở chỗ ngày nay có máy móc, cơ sở sản xuất bánh tráng hiện đại; còn đối với những ai làm bánh tráng truyền thống bằng tay thì chiếc cối đá xay bột lại được cải tiến tốt hơn ngày trước: “Ngày đó nghề này được truyền cho nhau. Ví dụ nhà ai có con 12-13 tuổi là cho đến các lò để học. Người ta chấp nhận thì vào tập tráng, rồi phụ giúp người ta phơi bánh tráng thì người ta cho cơm ăn, cho tiền xài. Vậy đó là mình học được cái nghề luôn. Nhưng có người học thì tráng bánh được có người thì không, chứ không phải ai học cũng làm được, phải đòi hỏi sự khéo tay. Bánh nào ai biết làm sẽ tráng cái bánh tròn, còn không biết cái bánh sẽ méo. Lấy vá múc bột xong phải quay bánh cho đều, nhanh tay và phải khéo thì mới tròn, chứ không biết làm thì bột sẽ bị dính vá.”

Làng bánh tráng Thạnh Hưng đã hình thành và phát triển ngót nghét trăm năm

Làng bánh tráng Thạnh Hưng đã hình thành và phát triển ngót nghét trăm năm

Nhìn về bếp lửa, ánh mắt bà Xuân không giấu được sự lo lắng về việc làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng đang dần bị mai một. Bởi để sống được với nghề làm bánh tráng truyền thống là câu chuyện rất gian nan, vì kinh tế thu được từ nghề rất hạn hẹp. Cũng vì thế mà hiện nay rất nhiều người, trong đó có con cháu bà Xuân chẳng còn thiết tha gìn giữ: “Giờ con và cháu tôi nghỉ rồi, chúng nó tìm việc ở công ty rồi làm. Chúng nó nói nghề này cực quá, nghe buồn lắm.”

UBND xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng cho biết, làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng được công nhận là nghề truyền thống vào năm 2017. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân như: giá nguyên liệu tăng, nguồn lao động trẻ không mặn mà... đã khiến từ một làng nghề sầm uất nay chỉ còn khoảng 10 hộ bám trụ, duy trì.

Trước vấn đề nghề truyền thống dần mai một, địa phương đã có nhiều hỗ trợ như: cho vay vốn, mở rộng sản xuất, đăng ký sản phẩm OCOP...nhưng vẫn không thể thay đổi được vấn đề và đành bất lực nhìn sự suy tàn của làng nghề gần trăm tuổi.

Rời làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng khi không khí lạnh đã nhường chỗ cho cái nóng oi ả. Dù chẳng biết được mai này cái nghề trăm tuổi có còn được gìn giữ hay không, nhưng những người đang sống với nghề thì vẫn cứ lạc quan và tiếp tục duy trì với hy vọng ngày mai sẽ khác.

Thời điểm này, những người thợ làm bánh tráng lại bận rộn hơn với những đơn hàng cuối năm, báo hiệu cho một mùa xuân mới đang về.

Trọng Nhân/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tổ chức lại giao thông đường Minh Khai, gỡ “nút thắt cổ chai”

Tổ chức lại giao thông đường Minh Khai, gỡ “nút thắt cổ chai”

Đã 1 tuần kể từ khi nút giao phố Minh Khai - Ngõ 349 Minh Khai - Lối vào Bệnh viện Vinmec Times City (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được tổ chức lại giao thông. Hiện tượng ùn ứ, ách tắc, đặc biệt theo hướng từ cầu Vĩnh Tuy hướng vào trung tâm thành phố đã có sự chuyển biến khá tích cực.

Chạy nước rút hoàn thành Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Chạy nước rút hoàn thành Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thuộc địa bàn quận 7 (TP.HCM) là một trong những dự án được lãnh đạo Thành phố quan tâm, chỉ đạo sát sao để hoàn thành, đưa vào thông xe nhánh hầm còn lại trong năm nay.

Cho thuê vỉa hè và mở rộng trông xe dưới lòng đường: Hà Nội đang hướng tới điều gì?

Cho thuê vỉa hè và mở rộng trông xe dưới lòng đường: Hà Nội đang hướng tới điều gì?

Hà Nội đang thực sự hướng tới điều gì; có mâu thuẫn gì giữa cách làm hiện tại với mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc đặt ra lâu nay?

Metro số 1 chạy thêm tàu đêm đến 23h, ga Bến Thành vẫn đông vào buổi sáng

Metro số 1 chạy thêm tàu đêm đến 23h, ga Bến Thành vẫn đông vào buổi sáng

Trước nhu cầu tăng cao của hành khách dịp Giáng sinh, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) cho biết, công ty đã kéo dài thời gian chạy tàu hoạt động đến 23h (thêm 1 tiếng so với trước đó). Hơn 90 nghìn lượt khách sử dụng tàu Metro số 1 trong ngày 24/12 với bình quân 411 hành khách/đoàn tàu.

TP.HCM: Cháy quán bar ở trung tâm Quận 1

TP.HCM: Cháy quán bar ở trung tâm Quận 1

Lửa kèm khói bốc lên từ 1 quán bar trên đường Lý Tự Trọng cách chợ Bến Thành không xa…

Làm luật để “hoãn”

Làm luật để “hoãn”

Khi một quy định được ban hành nhưng không thể thực thi, chúng ta đều biết hậu quả sẽ là sự khinh nhờn luật lệ. Vì thế, việc đưa ra nhiều quy định pháp luật mà không tính toán được khả năng thực thi, chính là cách để làm giảm sự tôn nghiêm của pháp luật.

Đập lúa lấy rơm ngày ấy - bây giờ

Đập lúa lấy rơm ngày ấy - bây giờ

Khi nắng phương Nam rọi ấm các cánh đồng Đông Xuân sớm cũng là lúc mùa gặt chớm đến trên đồng. Hình ảnh mái nhà tranh nép mình bên ụ rơm vàng hực, tụi trẻ chơi trò ú tim dưới gốc rơm mềm đã trở thành biểu tượng của một đồng quê yên ả, thanh bình.