Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Tiền Giang: Nguồn nước trữ ngọt có nguy cơ ô nhiễm

Xuân Quang: Thứ tư 10/05/2023, 14:06 (GMT+7)

Thời gian qua, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày một diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Thời gian qua, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày một diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tại Tiền Giang, để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt, UBND tỉnh đã cho đắp đập chặn dòng kênh Bình Phan đoạn hạ nguồn – tiếp giáp với Kênh Chợ Gạo để ngăn không cho nước mặn từ biển đổ vào.

Tuy nhiên, do chặn dòng quá lâu mà không được xổ xả nên vô tình biến khu vực này trở tình 1 túi trữ nước khổng lồ, phát sinh lục bình, cỏ dại và ô nhiễm nguồn nước. 

"Con sông này nó bị hàn sau giải phóng chứ hồi đó là thông. Hồi đó nó chạy ra sông cái được luôn mà."

"Hồi xưa hòa bình rồi mới đắp cái cống này. Khi làm cống Xuân Hòa trong đó rồi mới ngăn ở đây để giữ nước ngọt. chứ hồi xưa con sông này sâu lắm. Hồi trước ở đây là thông thương."

"Năm 1976 đắp đập nước ngang nè! Đắp ngang sông để trữ nước ngọt đó. Hồi đó nó thông nước chảy chan chát khi nước ròng. Nó chảy ông lội qua sông không nổi lun. Hồi đó từ đây qua sông tui lội muốn không nổi, nước ròng xiết là nó chảy dữ lắm."

Đó là ký ức của những người dân sinh sống và lớn lên trên mảnh đất Bình Phan (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) về con kênh cùng tên ngày nào. Ngày nay, những hình ảnh đó không bao giờ còn nữa. Thay vào đó là 1 con lộ nhựa to tướng nằm chắn ngang dòng kênh Bình Phan – đoạn tiếp giáp với kênh Chợ Gạo.

Ảnh minh hoạ: Báo Nhân dân

Ảnh minh hoạ: Báo Nhân dân

Con kênh Bình Phan là hệ thống kênh thủy lợi nội đồng nhằm dẫn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nó bắt nguồn từ vàm Kỳ Hôn lấy nước ngọt từ sông Tiền dẫn về các xã Bình Phan, Bình Phục Nhứt. Cũng từ con sông này, người ta lấy nước bơm lên hệ thống cống Xuân Hòa để cấp nước cho vùng ngọt hóa Gò Công.

Có thể nói rằng, kênh Bình Phan là hệ thống huyết mạch trong việc cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho cả vùng ngọt hóa Gò Công. Vì thế, để đảm bảo nguồn nước ngọt trong mùa hạn mặn, chính quyền địa phương đã cho chặn dòng Bình Phan – đoạn tiếp giáp với kênh Chợ Gạo để ngăn không cho nước mặn từ biển xâm nhập vào nội đồng, lấy nước ngọt từ vùng thượng nguồn đổ về thông qua ngõ Kỳ Hôn phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Do bị chặn dòng quá lâu, nguồn nước không được trao đổi trở thành con nước chết. Cùng từ đó phát sinh lục bình, cỏ dại mọc um tùm, chính quyền địa phương hàng năm phải bỏ tiền ra để thuê cơ giới tạo thông thoáng lòng kênh. Thêm vào đó là nước sinh hoạt của người dân đổ ra, chất thải chăn nuôi, thậm chí là xác động vật chết cũng vị vứt xuống kênh một cách vô tội vạ làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng, không thể sử dụng được cho mục đích sinh hoạt của người dân.

Anh Dương Tấn Thông – người dân địa phương, cho biết: "Hồi xưa thì nó sạch sẽ lắm, nước trong vắt luôn, mà giờ nó bị ô nhiễm rồi. Lục bình, nước trong đó đổ dồn ra đây. Lục bình từ Kênh Xuân Hòa đổ vô đây thì ùn ứ lại, nó ngăn dòng nước chảy. Bữa hôm trên huyện cho đem máy chém xuống chém gây hôi, thối. Tại vì nguồn nước ở đây là nước chết, không chảy đi đâu được, cuối nguồi rồi. Hồi xưa nghe mấy ông lớn kể lại, dòng kênh này rất thông thoáng, thông ra ngoài luôn, sau này mấy ông ngăn lại rồi nâng cấp lên thành con lộ đi."

Ông Từ Văn Tân, sinh năm 1950, ngụ tại ấp Bình Thọ Thượng, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cũng bức xúc:  

"Ở đây là lục bình, nước dơ đọng lại, rồi đây người ta nuôi cá, rồi cho cá ăn làm nước dơ lắm. Khi có con gà chết hoặc ruột gà, ruột vịt người ta bỏ cho cá ăn làm cho nước đọng, dơ, gây ngứa. Mùa này là nước đọng còn mùa mưa thì đỡ hơn. Mùa mưa thì nước cao còn mùa này thì nước kiệt, rồi ngoài cống Xuân Hòa cứ bơm châm vô đây. Do mình không có đường xổ nước ra gây đọng nước, dơ. Tui đặt mô-tưa tưới cây ở đây nè. Tui đã tắm ở nhà rồi nhưng mà hễ lội xuống là ngứa lên phải tắm liền, do nước bị đọng nè. Ở đây như cái túi nước vô tới đây là cùng đường rồi đâu có đường đổ ra. Còn ngoài kia thì nước còn chảy đi mấy kênh khác, còn từ cầu sắt trở lại đây là nước đọng lại."

Ảnh minh hoạ: TTXVN

Ảnh minh hoạ: TTXVN

Người dân 2 xã Bình Phan và Bình Phục Nhứt đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản gửi đến các cơ quan chức năng xem xét sớm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm này. Thậm chí trong các lần tiếp xúc cử tri tỉnh, huyện, người dân cũng đã phản ánh trực tiếp với các ngành chức năng và đề nghị nhà nước nên xây dựng 1 hệ thống cống hộp cho đoạn này để điều tiết nguồn nước, xổ xả lục bình, xổ xả nguồn nước ô nhiễm.

Khi độ mặn trên kênh Chợ Gạo tăng cao thì đóng cống để ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người người dân. Tuy nhiên, những phản ánh, kiến nghị này cũng chỉ dừng lại ở mức ghi nhận.

Trước những bức xúc của người dân 2 xã Bình Phan và Bình Phục Nhứt, ngày 20/02/2023, ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có Công văn số 630 về việc đề xuất tham gia Dự án Chống chịu khí hậu tống hợp và sinh kế bền vững cho vùng ĐBSCL - Dự án thành phần tỉnh, gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính. Theo dự án đề xuất có Hợp phần 2: Hoàn thiện hạ tầng công trình thủy lợi nội vùng dự án ngọt hóa Gò Công, trong đó có đầu tư xây dựng công trình cống cuối kênh Bình Phan, nếu được phê duyệt Dự án sẽ triển khai thực hiện từ năm 2024 - 2028. Trường hợp nếu dự án không được phê duyệt, UBND tỉnh sẽ cân đối bố trí nguồn kinh phí để thực hiện.

Như vậy, nếu dự án được duyệt thì sớm nhất cũng 1 năm nữa người dân vùng hạ lưu kênh Bình Pham mới có thể thoát khỏi cảnh ô nhiễm như hiện nay. Còn nếu dự án không được phê duyệt thì người dân không biết còn phải chờ đợi đến bao giờ. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Tiền Giang cần sớm triển khai dự án để trả lại vùng nước trong lành cho người dân.

Xuân Quang/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn