Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Tư, 2/4/2025
Tài chính - Thị trường

Thịt heo, cao su sắp giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa

Như Ngọc : Thứ hai 24/03/2025, 19:34 (GMT+7)

Trong năm nay, cao su và thịt heo sẽ là hai mặt hàng thế mạnh của Việt Nam được niêm yết giao dịch. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư, cũng như các thành viên thị trường như doanh nghiệp, người chăn nuôi… có thêm một kênh giao dịch hiện đại, với giá cả niêm yết công khai và độ rộng thị trường lớn.

Mở ra con đường hội nhập với thị trường quốc tế

Mỗi ngày, thị trường TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn. Theo lãnh đạo Sở Công Thương, khi thịt lợn được giao dịch trên sàn, quy mô dự kiến khoảng 20 - 30% sản lượng trong giai đoạn đầu.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: "Thông qua hoạt động của sàn sẽ định hướng cho hoạt động sản xuất chăn nuôi theo hướng công nghiệp và quy mô. Như vậy chất lượng hàng hoá sẽ được nâng lên, chi phí sẽ được giảm xuống và đặc biệt liên quan đến hoạt động kiểm tra kiểm soát dịch bệnh".

Ảnh: Báo Tin tức

Ảnh: Báo Tin tức

Bước tiến này không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người chăn nuôi tiếp cận kênh giao dịch hiện đại với tính minh bạch cao thông qua giá niêm yết công khai, mà còn mở ra con đường thuận lợi hơn để hội nhập với thị trường quốc tế.

Bên cạnh thịt lợn, cao su là mặt hàng tiếp theo dự kiến sẽ tiếp cận nhà đầu tư trong nước và quốc tế thông qua sàn hàng hoá ngay trong năm nay.  Hiện MXV và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cũng đang hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc triển khai niêm yết giao dịch sản phẩm đặc thù cao su. Các sản phẩm cao su sẽ được niêm yết giao dịch dựa trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại của MXV, trong khi VRG đảm nhận vai trò quan trọng trong việc tư vấn, kiểm định, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thêm: "Để triển khai hiệu quả việc niêm yết giao dịch sản phẩm đặc thù như cao su, cho tới nay, MXV đã hợp tác rất chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Có thể nói rằng, chúng tôi đã thực hiện rất kỹ lưỡng, chuyên nghiệp và bài bản. Việc niêm yết cao su và thịt heo này chỉ phục vụ cho thị trường trong nước mà còn hướng đến kết nối với các thị trường quốc tế lớn như Trung Quốc – một quốc gia có nhu cầu rất cao hai mặt hàng này. Đây là chiến lược quan trọng của MXV nhằm nâng tầm vị thế của sản phẩm nông sản của Việt Nam trên bản đồ giao dịch hàng hóa toàn cầu".

Về vấn đề này, ông Trần Như Hùng - Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết: "Việc giao dịch qua sàn cũng giúp các công ty thành viên của tập đoàn có những khách hàng mới, cũng như được tiếp cận với các khách hàng ở các quốc gia khác và các tổ chức để có thể mang lại cái hiệu quả cao hơn".

Tiếp tục đưa các mặt hàng thế mạnh lên sàn

Hiện tại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) đang niêm yết 45 mặt hàng thuộc 4 nhóm chính: nông sản, nguyên liệu công nghiệp, kim loại, và năng lượng, với 40.000 tài khoản giao dịch. Trong thời gian tới, MXV sẽ tiếp tục tìm kiếm và đưa lên giao dịch những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh.  

Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

Đáng chú ý, mới đây, MXV cùng với 3 Sở giao dịch hàng hóa hàng đầu khu vực ASEAN là: Sở Giao dịch Hàng hóa Singapore (SGX), Sở Giao dịch Hàng hóa Asia Commodity Marketplace (ACM) từ Indonesia và Sở Giao dịch Hàng hóa Brusa Malaysia Derivatives (BMD) tổ chức buổi tập huấn dành cho các thành viên tại Hà Nội và TP.HCM, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các thành viên MXV, các nhà đầu tư trên thị trường hàng hóa phái sinh. Đồng thời đây còn là cơ hội để 4 sở giao dịch hàng hóa hàng đầu khu vực Đông Nam Á chia sẻ những kinh nghiệm về hoạt động quản lý giao dịch, vận hành giao dịch, liên thông kết nối giao dịch với thế giới.

Ông Heryono Hadi Prasetyo – Phó Chủ tịch Phụ trách phát triển thị trường hàng hóa, Cơ quan Quản lý Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Indonesia cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam và Thị trường Hàng hóa Châu Á trong việc thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng một hệ sinh thái giao dịch hàng hóa hiệu quả giữa Indonesia và Việt Nam. Cả hai nước chúng ta đều sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với các mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, dầu cọ và hạt tiêu. Thông qua Sở Giao dịch Hàng hóa, các sản phẩm này có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, không chỉ trong khu vực mà còn ở phạm vi quốc tế, góp phần thúc đẩy thương mại song phương một cách ổn định và bền vững."

Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt đối với MXV và các thành viên kinh doanh giao dịch hàng hóa phái sinh trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực nâng cấp mối quan hệ đối tác toàn diện với các nước trong khu vực, nhất là sau chuyến thăm chuyến thăm Indonesia, Ban thư ký ASEAN và Singapore của Tổng Bí thư Tô Lâm.  Và đặc biệt trong bối cảnh T.HCM đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại thành phố này. Đây là động lực để Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, thúc đẩy nguồn lực, tạo sự đột phá để phát triển.

Trong đó, giao dịch hàng hóa phái sinh là 1 trong 3 trụ cột hạt nhân của mô hình trung tâm này. thông qua niêm yết các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như cao su mà sắp tới có thể là cà phê, gạo, ca cao... để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các tổ chức tài chính toàn cầu đến để giao dịch hàng hóa.

Như Ngọc /vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn