Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Thanh âm quen – Phối khí mới

Khương An: Chủ nhật 11/02/2024, 10:13 (GMT+7)

Từ bao đời này, trong tâm thức của người Việt, Tết luôn hiện lên với hình ảnh gia đình sum họp, quây quần bên nhau trong mâm cơm ngày Tết. Đó là những ngày mà tâm hồn ai cũng cảm thấy nao nao, rạo rực và thiêng liêng khi Tết đến xuân về.

Thời gian thấm thoát thoi đưa cùng với sự phát triển của đất nước, mọi thứ thay đổi, phát triển để thích nghi với thời đại. Vì thế mà Tết cổ truyền Việt Nam cũng dần biến đổi theo từng thời kì.

Tết nay khác gì Tết xưa?”

Có câu “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ/ cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, hay “Sáng ngày mồng một sớm tinh sương/ Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường/ Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi/ Rửa mặt hoa mùi đượm nước hương” (Nguyễn Bính)… luôn ùa về trong tâm trí người Việt Nam mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Những phong tục Tết từ xa xưa vốn bình dị nhưng mang nhiều ý nghĩa. Phong tục tuy mỗi nơi mỗi khác song đều có những nét chung, những việc cần làm như: Lau dọn nhà cửa; Cúng ông Công, ông Táo; Đốt pháo; Đón giao thừa; Gói bánh chưng, bánh tét;  Xông đất; Thăm hỏi, chúc Tết; Mừng tuổi, lì xì; Đi lễ chùa; Xin chữ; Chơi hoa dịp Tết;…

Trong những mảng màu của Tết thì đối với nhiều thế hệ, ký ức về Chợ tết dường như là kỉ niệm khó quên nhất, phải không ạ?  Tết đến, những phiên chợ lúc nào cũng tấp nập, đông vui. Phiên chợ Tết thường diễn ra từ 25 đến 30 tháng Chạp, nhưng bắt đầu 23 cúng ông Công ông Táo, các bà, các mẹ đã lo dọn dẹp bàn thờ và mua sắm vật dụng, thực phẩm.

Còn với đám trẻ con, niềm vui lớn nhất vào những ngày giáp Tết là sẽ được theo chân gia đình đi chợ hoa, mang cành đào, mai, chậu cúc, cây quất về trưng Tết…

Thương nhớ... mùi Tết xưa

Thương nhớ... mùi Tết xưa

Ngày nay, tuy nhiều hoạt động không tồn tại hay đã dần mai một, thế nhưng những phong tục đẹp, ý nghĩa vẫn còn hiện hữu. Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của người Việt; là dịp để mọi người cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp, đủ đầy, như: ăn ngon, mặc đẹp, nói điều hay, chúc nhau “vạn sự như ý”, “phát lộc phát tài”…

Đặc biệt, Tết là dịp quan trọng để cả nhà sum vầy, quây quần bên nhau, cùng đón một năm mới an lành, hạnh phúc.

"Ngày xưa, cuộc sống còn nghèo khó, thiếu thốn nên ai cũng mong đến Tết, bởi đến Tết mới được ăn ngon, mặc đẹp. Lúc đó mình còn là trẻ con nên rất háo hức chờ Tết để được mặc áo mới, nhận lì xì.  Giờ thì tương đối no đủ hơn nên mình thấy trẻ con không mê Tết như hồi đó nữa".

"Đối với tôi Tết xưa, Tết trong ký ức là cái gì đó rất thiêng liêng, khó diễn tả. Cái tất bật dọn dẹp nhà cửa, đi chợ Tết mua hoa về trang trí nhà hay sau khi cúng giao thừa sẽ cùng gia đình quây quần bên nhau, lì xì cho nhau vẫn rất là đặc biệt. Bây giờ Tết có phần đơn giản hơn nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng giữ được “nếp nhà” đó".

"Ngày xưa là không gian văn hóa làng xã nên một năm người ta chờ để ăn Tết, họ ăn Tết theo làng, theo mùa. Còn Tết nay là không gian công nghiệp nên ngày nào cũng có thể là Tết. Tết xưa là Tết đại đoàn viên, Tết ngày nay vẫn còn giữ ý thức hệ đó nhưng bắt đầu chuyẻn biến dần từ ăn Tết trong gia đình chuyển sang ra khỏi gia đình đi chơi Tết vì chỉ có Tết họ mới rảnh để đi du lịch.

Tết hiện nay vẫn còn lưu luyến ý thức của ngừơi trẻ là rất thiêng liêng, suy nghĩ thôi nhưng không thực hành được vì các nghi lễ cúng Tết đã dần bỏ bớt. Nhưng mà Tết ngày nay lại mở ra những phong trào khá hay như Tết tử tế, Tết xanh, Tết giúp người nghèo… Thì hướng mở đó vẫn nằm trong văn hóa truyền thống là Tết phục vụ giá trị nhân văn. Tết xưa cũng có giá trị đó nhưng hình thức nó khác".

Thật vậy, cuộc sống hiện đại khiến người ta chuyển từ khái niệm ăn Tết sang “chơi Tết”. Và xu hướng đi du lịch đón xuân, tham quan các di tích lịch sử văn hóa của đất nước hoặc đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng cao. Vì vậy mà ngành du lịch có thêm “ mùa Tết” trong những năm gần đây đó ạ.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái Tết hiện đại giữa dòng chảy hối hả, xô bồ của cuộc sống, nhiều gia đình vẫn lưu giữ hương vị Tết cổ truyền. Tết vẫn là thời điểm để chúng ta nhớ về nguồn cội và hướng về gia đình, để cùng chúc nhau một năm mới bình an và vạn sự như ý.  

Chúng ta cũng đừng quá lo sợ Tết sẽ bị mất đi và mai một. Bởi dù Tết xưa hay Tết nay thì những giá trị nhân văn cao cả về Tết vẫn tồn tại theo xã hội đương đại. Là nét văn hóa không thể bất biến khi xã hội vận động, bởi Tết cũng sẽ thay đổi cùng dòng chảy thời gian với quy luật riêng của nó.

Hình ảnh ông đồ ngày nay

Hình ảnh ông đồ ngày nay

Ông đồ xưa và nay

Có một phong tục ngày Tết đã và đang hồi sinh mạnh mẽ trong khoảng 20 năm trở lại đây, đó là "xin chữ ". Hình ảnh ông đồ “cho chữ” trong những ngày Tết đến xuân về là một tục đẹp có từ xưa nhưng mỹ tục này cũng đã biến đổi để thích nghi với thời đại.

Tuy nhiên, dẫu có thay đổi, văn hóa trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và những mong ước tốt lành đầu năm mới vẫn đang được kế thừa và giữ gìn. Trong những ngày đầu xuân năm mới, hãy cùng VOV Giao thông đến với bài viết “Ông đồ xưa và nay cùng văn hóa xin chữ đầu năm” để tìm hiểu về văn hóa truyền thống này.

Đối với người Việt, vào dịp Tết cổ truyền, tại các nơi có truyền thống hiếu học, các gia đình tin rằng đi xin chữ về treo cả năm trong nhà sẽ mang lại những điều may mắn. Chữ viết thường được thể hiện bởi các ông, thầy đồ, các nhà nho, thư pháp gia. Mỗi bức thư pháp khi hoàn thành bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc, trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ.

Ngược về thời phong kiến xa xưa, thư pháp từng được xem là một bộ môn nghệ thuật hàn lâm. Bởi trong bối cảnh xã hội ngày đó, việc biết chữ thôi cũng đã là một điều xa xỉ. Tiền bạc bỏ ra để mua sách vở, giấy mực không phải là ít, chưa kể còn phải tìm thầy dạy.

Vì vậy, trong một khoảng thời gian rất dài của lịch sử, thư pháp là nghệ thuật chơi chữ dành cho nhóm nhỏ văn nhân và quý tộc. Mãi đến khoảng thế kỷ 19 trở về sau, một số văn nhân cho chữ ngoài dân gian thì có thể tạm xem là đã đánh dấu quá trình "dân gian hóa thư pháp".

Thạc sĩ văn hóa học Nguyễn Hiếu Tín trong một hoạt động nói về văn hóa Tết xưa

Thạc sĩ văn hóa học Nguyễn Hiếu Tín trong một hoạt động nói về văn hóa Tết xưa

Các văn nhân cho chữ thư pháp ngoài dân gian này thường là “ông đồ”. Trong nền khoa cử Nho học xưa kia, chỉ những anh khoá (sĩ tử) nào đã thi cả 3 kỳ thi đỗ Tú Tài, thì mới được mọi người gọi là ông đồ. Thạc sĩ văn hóa học – Thư pháp gia Nguyễn Hiếu Tín, hiện đang là Trưởng bộ môn du lịch, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. HCM) nói về định nghĩa ông đồ:

"Do dân tộc Việt có truyền thống kính chữ, yêu chữ và hiếu học nên những người đi học mà chưa thi đỗ theo ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình; nếu mà trẻ thì người ta gọi là anh đồ, còn người lớn tuổi thì gọi là ông đồ, còn nếu mà có thể đi dạy thì gọi là thầy đồ. Thành thử ra ý nghĩa của từ “ông đồ” ngày trước mà hiểu theo nghĩa hiện tại ngày nay thì có thể xem là một nhà tri thức, cho nên ngày xưa người ta gặp ông đồ người ta rất là kính trọng. Những ông đồ nổi tiếng của triều đại xưa góp phần giúp ích cho đất nước nhiều lắm".

Để xin chữ, người ta chuẩn bị một lễ nhỏ gồm trầu cau, chè thuốc mang đến nhà thầy đồ. Người cho chữ cũng luôn trang nghiêm, tôn kính đạo học, không cho phường “thích làm sang”, chỉ cho người trọng chữ.

Người xin chữ thường xin các câu đối, câu văn hay hoặc tuỳ tâm tư nguyện vọng người xin mà thầy đồ sẽ cho chữ thích hợp. Sau này, theo thời gian cùng với quy luật phát triển kinh tế - xã hội, một số anh đồ, ông đồ ra chợ quê ngồi viết chữ ngày Tết, phục vụ nhu cầu dán câu đối Tết của người dân để kiếm thêm thu nhập và thỏa đam mê với nghệ thuật thư pháp.

Dịp Tết đầu năm, người xin chữ sẽ xin lên tấm vải, giấy (gọi là liễn) một con chữ thể hiện cho những điều mà mình ước vọng. Chữ thường được viết trên nền đỏ, bởi theo quan điểm phương Đông, màu đỏ là màu của sự sống, là biểu tượng của may mắn để khởi đầu một năm mới.

Thạc sĩ văn hóa học - Thư pháp gia trong một hoạt động văn hóa cộng đồng Tết năm nay

Thạc sĩ văn hóa học - Thư pháp gia trong một hoạt động văn hóa cộng đồng Tết năm nay

Những con chữ không chỉ mang ý nghĩa cao đẹp mà còn là những nét bút như bức họa, rồng bay, phượng múa, gửi gắm cả tâm tư, tình cảm của người thủ bút. Thạc sĩ văn hóa học Nguyễn Hiếu Tín, Trưởng bộ môn du lịch ĐH Tôn Đức Thắng (TP. HCM) nói thêm về tục xin chữ đầu năm:

"Các văn nhân “văn hay chữ tốt” thì người Việt rất là kính trọng và muốn xin họ để lấy được một cái lộc, lộc ở đây là lộc chữ. Lộc chữ thì mình có thể hiểu đó là một sự khai mở trí tuệ đầu năm. Cho nên mình thấy phong tục này cực hay và nó là một mỹ tục đúng nghĩa. Điều đó có nghĩa là người Việt không chỉ thích về tài lộc theo nghĩa vật chất hiện nay mà rất quan tâm, xem trọng tri thức. Và những ông đồ ngày xưa thì một làng rất ít người có học vấn cao cho nên họ biết được chữ nào thì họ sẽ chia sẻ với người dân bằng cách họ cho chữ".

Đến đầu thế kỷ 20, hệ thống thi cử phong kiến dần bị loại bỏ bởi sự xâm chiếm của phương Tây. Chữ Nho không còn được coi trọng, ông đồ bắt đầu bị lãng quên. Trước làn gió Tây hóa như trận cuồng phong quét khắp đất nước, những phong tục tốt đẹp vốn tồn tại qua hàng thế kỷ nay chỉ còn là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”.

Bài thơ “Ông đồ” (sáng tác năm 1936) của tác giả Vũ Đình Liên thể hiện rất rõ hình ảnh và thực trạng “nghề” ông đồ vào khoảng giữa thế kỷ 20: “Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu/ Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay”.

Hay nhà thơ Trần Tế Xương cũng có lời thơ buồn thấm thía thời kỳ đó: “Nghe nói khoa này sắp đổi thi/ Các ông đồ cổ đỗ mau đi/ Dẫu không bia đá còn bia miệng/ Vứt bút lông đi, giắt bút chì!”. Thạc sĩ văn hóa học Nguyễn Hiếu Tín cho biết thêm:

"Hình ảnh ông đồ xưa là viết chữ Hán. Đến thế kỷ 16, 17 khi mà Nho học bắt đầu mai một bởi sự xuất hiện của nền văn hóa phương Tây thì lúc đó chúng ta mới tiếp nhận chữ quốc ngữ, dẫn đến việc là nó chuyển đối hình thái từ nghệ thuật viết chữ Hán thành nghệ thuật viết chữ Việt, làm cho hình ảnh ông đồ xưa lùi dần vào quá khứ. Tuy nhiên, hiện nay phong trào thư pháp chữ Việt khá mạnh mẽ và xuất hiện một tầng lớp tạm gọi là ông đồ. Dĩ nhiên ông đồ này về mặt bản chất thì khác với nghĩa ban đầu".

Đến cuối thế kỷ 20, chiến tranh đã kết thúc, nghệ thuật thư pháp được nhiều văn sĩ, nhà tri thức và các bạn trẻ đương thời quan tâm nên bộ môn này cũng được hồi sinh với hình thái mới là thư pháp chữ Việt (chữ Quốc ngữ). Nhiều gia đình cũng nối lại truyền thống mua những câu đối đỏ, những bức thư pháp treo trong nhà để cầu an, cầu lộc và tìm lại giá trị Tết xưa.

Vì vậy, hình ảnh ông đồ cho chữ cũng lần hồi xuất hiện tại các thành phố lớn vào các dịp Lễ Tết. Tại Hà Nội có “phố ông đồ” bên cạnh Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay tại TP. HCM có phố ông đồ Phạm Ngọc Thạch (Nhà văn hóa Thanh niên, Quận 1) luôn nhộn nhịp, rộn ràng với những bức liễn thư pháp tràn ngập sắc xuân.

Dẫu văn hóa truyền thống có thay đổi, biến dạng theo thời đại, những ông đồ ngày nay cũng không như trước đây. Tuy nhiên văn hóa ông đồ cho chữ ngày Tết vẫn chưa bao giờ cũ. Hình ảnh những “anh đồ” còn khá trẻ mặc áo dài, ngồi bên phố biểu diễn nét bút “phượng múa, rồng bay” - mang lại những nét đẹp văn hóa xưa trong xã hội hiện đại. Anh Phan Minh Thái, quê ở Tiền Giang, hiện đang sống ở TP. HCM cho hay:

"Mình có thời gian đi du học và sinh sống ở nước ngoài nên trước đây không biết về thư pháp và tục xin chữ đầu năm. Sau này về nước đọc trên báo thì thấy đó là mỹ tục truyền thống khá hay nên mấy năm gần đây mỗi khi Tết đến đều ra phố ông đồ mua tranh thư pháp về treo. Năm nay mình sẽ xin chữ về sự “thong dong” vì những năm qua khá vất vả và mệt mỏi".

Du khách nước ngoài tìm hiểu về tục 'xin chữ - cho chữ' tại phố ông đồ Phạm Ngọc Thạch (Q1, TP. HCM)

Du khách nước ngoài tìm hiểu về tục "xin chữ - cho chữ" tại phố ông đồ Phạm Ngọc Thạch (Q1, TP. HCM)

Ngày nay, khi dạo phố xuân xin chữ ông đồ, du khách thường xin các chữ như: Tâm, Phúc, Đức, Nhẫn. Trong đó, chữ Tâm là xin cầu thanh tịnh, xóa hết dục vọng, để có được một cuộc sống bình yên, thanh thản. Chữ Phúc tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn nên thường được nhiều người xin để trang trí trong nhà. Người xin chữ Đức để răn dạy chính bản thân mình phải làm những điều tốt đẹp để tâm hồn được an nhiên; Chữ Nhẫn là sự kiên trì, độ lượng và khoan dung của con người.

Hay người Việt với truyền thống tôn sư trọng đạo, cũng thường thích treo các chữ Hiếu cầu cho sự biết ơn, chữ Tín để đem niềm tin cậy.... Bên cạnh đó, nhiều câu thơ hay, ý tứ đẹp được viết theo thủ bút thư pháp cũng được ưa chuộng. Nói về thị hiếu thưởng lãm nghệ thuật thư pháp ngày nay, Thạc sĩ văn hóa học Nguyễn Hiếu Tín, từng có công trình nghiên cứu về nghệ thuật thư pháp cho rằng:

"Có nhiều quan điểm khác nhau về chữ. Tuy nhiên, cái đẹp có tiêu chí chung, tiêu chuẩn chung của cái đẹp. Đó là chữ nó phải cân đối hài hòa. thứ hai nữa là đường nét nó phải có nét thanh, nét đậm, cái nét nó phải vững chãi, có nhu có cương Nói chung là hài hòa về mọi thứ .

Và quan trọng nữa là cái hồn của người viết, thì cái hồn này khó nói được tại vì không diễn tả được bằng lời, chỉ cảm nhận bằng trực quan của mình. Nhưng mà đặc trưng của thư pháp Việt là đi từ chữ đến nghĩa, họ sẽ quan tâm nghĩa của câu đó trước rồi đến đẹp xấu sau.

Trong tâm thức, người ta muốn treo chữ gì đó ngoài việc may mắn cho gia đình, phúc lộc này kia thì họ cũng muốn rèn luyện tư tưởng cho con cháu trong nhà những đức tính tốt (chữ Nhẫn đó).

Thường tâm thế người ta xin chữ thì xin những cái có sẵn, nếu mình muốn có nét riêng trong nhà thì nên tìm câu trước, thậm chí là tự đặt thì nó sẽ mang bản sắc ngôi nhà mình hơn. Mà cái đó đòi hỏi người chơi chữ, thưởng lãm phải có cái nền trước".

Ngày nay, với trình độ dân trí ngày càng cao, những giá trị văn hóa truyền thống càng được trân trọng và phát huy. Cùng với tục khai bút đầu năm, tục xin chữ thể hiện nét đẹp văn hóa, tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa của người Việt đang được hồi sinh.

Những ước vọng đầu xuân được gửi vào những câu chúc, lời hay ý đẹp, bằng mực tàu trên giấy đỏ, được viết bằng chữ Quốc ngữ, là những món quà tinh thần chào đón năm mới. Đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa Tết xưa cùng giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam.

qh008125-copy-1149

 

Đi lễ chùa đầu năm

Dân gian có câu "đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt", văn hóa Phật giáo rất gần gũi với người dân Việt ta. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chùa được xây dựng ở khắp mọi nơi, hầu như không làng quê nào không có chùa thờ Phật.

Vì vậy, đi lễ chùa đầu năm là một hạnh lành không thể thiếu của người dân trong dịp Tết đến xuân về. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống của mỗi người dân Việt. Ngay sau đây sẽ là nội dung bài viết Lễ chùa đầu năm – Khoan hòa một tiếng chuông. Mời quý vị thính giả theo dõi.

Đối với người Việt, Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài tục lệ cúng gia tiên, người dân thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh.

Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có những người đi lễ chỉ để tìm lấy những giây phút thanh tịnh, bình yên, nhẹ nhàng. Nhưng nhìn chung, khi đến cửa Phật, hòa vào dòng người hành lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời đất. Mùi hương trầm hoa lễ, tiếng chuông chùa ngân vang nơi chốn tôn nghiêm, linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.

Bên cạnh đó, việc đi lễ chùa không chỉ giúp giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới chân – thiện – mĩ, làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội. Bởi vậy, lễ chùa đầu năm không chỉ là nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh mà còn mang giá trị nhân văn cao cả.

Điều đáng buồn là trong xã hội hiện đại ngày nay, bên cạnh nét đẹp văn hoá cổ truyền vẫn tồn tại nhiều hiện tượng thiếu ý thức khi hành lễ, nhiều hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục. Chính những người với hành vi không chuẩn mực đã làm mất đi phần nào ý nghĩa nhân văn của việc đi lễ chùa đầu năm.

Anh%201

Thực vậy, đến cửa chùa là đến nơi thờ tự trang nghiêm, tuy nhiên không ít người lại diện những bộ cánh không hợp hoàn cảnh, ăn mặc phản cảm hở hang.

Và thường, đi lễ chùa đầu năm có tục cầm theo tiền lẻ dâng lên các ban thờ phật thể hiện chút thành tâm để góp phần xây dựng, tu bổ đền, chùa nhưng lại có một bộ phận người dân với tư duy sai lệch, “hối lộ” Thần, Phật bằng hành động dúi, giắt, nhét tiền vào tay tượng hoặc để lung tung trên bàn thờ; tạo hình ảnh phản cảm, làm mất đi nét đẹp vốn có của phát tâm công đức.

Hay nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng văn hóa lễ chùa tiến hành các hoạt động nhằm thu lợi về túi mình như cúng thuê, đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, bán vật phẩm tâm linh, xem bói, dịch vụ dâng sao giải hạn…

Nói thêm về tâm linh, năm vừa qua là một năm khó khăn với đại đa số người dân cả về kinh tế và tinh thần. Nhiều người đã tìm đến tín ngưỡng như một điểm tựa tâm linh để chiêm nghiệm, tìm kiếm sự thanh thản trong tâm tưởng, từ đó nhận ra giá trị, ý nghĩa của cuộc sống và vượt qua khó khăn.

Bản chất văn hoá tâm linh, hoạt động văn hoá tâm linh là tích cực, hướng thiện và nhân văn. Xã hội khuyến khích các hoạt động văn hoá tâm linh mang ý nghĩa tích cực, có ích cho việc xây dựng và phát triển các giá trị văn hoá tinh thần, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam.

Tuy nhiên, khi đức tin bị đặt sai chỗ, bị lợi dụng thì nó sẽ tạo ra nhiều mặt trái hoặc dễ bị đẩy lên đến mức thái quá, trở thành mê tín dị đoan cùng nhiều biến tướng tiêu cực. Bởi văn hoá tâm linh và các hoạt động văn hoá tâm linh sẽ không đạt được mục đích cao đẹp và ý nghĩa thiêng liêng của nó nếu bị lợi dụng vào các mục đích thương mại, hoặc bị tuyệt đối hoá đến mức mê tín, dị đoan của một số bộ phận tổ chức hoặc cá nhân nào đó.

Trong thực tế, hiện tượng lợi dụng các hoạt động văn hoá tâm linh để kiếm lợi, để “buôn thần”, “bán thánh” ở một số nơi, một số người đã được báo chí, truyền thông phản ánh… Hay nhiều người sa vào tâm lý tâm linh mù quáng đến mức gây ảnh hưởng đời sống cá nhân và lãng phí tiền của gia đình, trong khi đời sống còn nhiều khó khăn.

Mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức về tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh, hiểu và trân trọng giá trị văn hóa của việc đi lễ chùa, có vậy mới tránh được hành động mê tín dị đoan, góp phần nâng tầm giá trị của những lễ hội gắn với chùa chiền, phát huy nền văn hóa đa dạng, đặc sắc của dân tộc trong xu thế hội nhập.

Khi đến cửa chùa thì phải tâm lành ý thiện. Không phải dâng lễ to, cúng hoành tráng là thực hiện được ước nguyện. Và đến chùa không thể xin được sự bình an, hạnh phúc nếu chúng ta sống trái đạo lý hay hành xử không theo pháp luật.

Hiểu đúng và trân trọng các giá trị văn hóa của việc đi chùa lễ Phật và niềm tin tín ngưỡng sẽ góp phần nâng cao văn hóa và giá trị của các lễ hội gắn với chùa. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi xã hội đang bội thực với đủ các lễ hội hay với những điều phản cảm, tiêu cực. Chúng ta cần duy trì, bảo tồn văn hóa lễ hội chứ không chỉ bảo tồn lễ hội.

Hòa vào dòng người đi lễ chùa đầu năm, giữa không gian thanh tịnh, bất kỳ ai cũng cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân. Một năm mới bắt đầu, cây cối đâm chồi nảy lộc khắp nơi. Cửa chùa rộng mở, khoan hòa một tiếng chuông, phảng phất mùi hương trầm, hoa lễ, tâm hồn con người thanh bình đến lạ!

Khương An/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Metro số 1 tạm dừng chạy tàu do thời tiết xấu

Metro số 1 tạm dừng chạy tàu do thời tiết xấu

Chiều 27/12, cơn mưa trái mùa kéo dài nhiều tiếng đã làm ảnh hưởng đến việc chạy tàu metro.

Người trẻ nhiễm HIV gia tăng, thách thức mục tiêu “chấm dứt bệnh AIDS'

Người trẻ nhiễm HIV gia tăng, thách thức mục tiêu “chấm dứt bệnh AIDS"

Tình trạng lây nhiễm HIV đang gia tăng trong nhóm đối tượng nam thanh niên, giới trẻ, nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) ... Điều này có thể là một thách thức cho mục tiêu Chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 của Việt Nam.

Thí điểm phân loại rác tại nguồn, Hà Nội tiết kiệm hơn 3 tỷ đồng

Thí điểm phân loại rác tại nguồn, Hà Nội tiết kiệm hơn 3 tỷ đồng

Ngay trong quý I năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thành lập Tổ công tác với sự tham gia của 5 quận, các chuyên gia trong lĩnh vực chất thải rắn sinh hoạt và các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường để thực hiện kế hoạch phân loại rác tại nguồn.

Vụ cháy nhà trọ ở Thủ Đức: Huy động nguồn lực hỗ trợ các nạn nhân

Vụ cháy nhà trọ ở Thủ Đức: Huy động nguồn lực hỗ trợ các nạn nhân

Ngoài hỗ trợ về vật chất, lực lượng chức năng địa phương đã huy động thêm nguồn lực để giúp đỡ gia đình các nạn nhân bị ảnh hưởng trong vụ cháy.

Xe chở học sinh sơn màu vàng đậm, an toàn thay đổi ra sao?

Xe chở học sinh sơn màu vàng đậm, an toàn thay đổi ra sao?

Theo quy định mới, từ 1/1/2025, xe ô tô kinh doanh chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Đồng thời, mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.

Hà Nội sống và yêu: Nghề làm bút lông thủ công ở phố cổ

Hà Nội sống và yêu: Nghề làm bút lông thủ công ở phố cổ

Nằm giữa lòng Hà Nội, cửa hàng làm bút lông thủ công trên phố Thuốc Bắc vẫn còn giữ được những nét xưa cũ. Thời xưa khi xã hội dùng nhiều bút lông, đây cũng từng là một nghề giúp thị dân giàu có. Qua biến thiên thời gian, nghề làm bút lông thủ công ngày nay ở phố cổ như thế nào?

Giải pháp nào giúp doanh nghiệp xuất khẩu pin mặt trời ứng phó phòng vệ thương mại?

Giải pháp nào giúp doanh nghiệp xuất khẩu pin mặt trời ứng phó phòng vệ thương mại?

Việt Nam là quốc gia có năng lực lớn trong sản xuất và xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng các doanh nghiệp cũng đối mặt với ngày càng nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.