Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Thần tốc hơn nữa trong triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT

Thanh Phê: Thứ hai 14/08/2023, 15:57 (GMT+7)

Đến thời điểm này, ĐBSCL đã hoàn thành đưa vào khai thác 90km đường cao tốc, đang triển khai thi công và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458km. Như vậy, đến năm 2025 vùng ĐBSCL có khoảng 548km đường bộ cao tốc, hiện thực hóa ước mơ tháo gỡ nút thắt giao thông toàn vùng

Phát triển hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược của nước ta. Chính phủ đã dành nguồn lực lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL với quyết tâm thay đổi hệ thống giao thông ĐBSCL trong nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, vấn đề nổi lên của các dự án cao tốc trong khu vực là nguyên vật liệu đắp nền đường và công tác giải phóng mặt bằng.

Tại Hậu Giang, Dự án Thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 do Sở Giao thông vận tải tỉnh làm Chủ đầu tư, đi qua địa bàn Hậu Giang với chiều dài 37Km, có 1.148 hộ dân bị ảnh hưởng và đã kiểm đếm xong 100%, với tổng diện tích đất phải thu hồi 260,34ha. Đến nay, đã phê duyệt phương án bồi thường cho 1.024 hộ với số tiền là 690 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình triển khai, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin: Dự án trục ngang thì ở Hậu Giang phân ra thành 2 dự án. Một thì đã khởi công rồi, đơn vị thi công đang triển khai đào các tuyến đường. Hiện tại, chỗ này khó nhất là nguồn cát.

Nguồn cát chỗ An Giang cũng đang họp và bàn, Hậu Giang đã đăng ký với An Giang để có buổi làm việc, thống nhất cách giao cho Hậu Giang khai thác như thế nào thì đang đợi An Giang sắp xếp lịch để làm việc. Còn gói thầu thứ 2, đang lập thủ tục, hiện tại đã được Bộ Giao thông gửi về cho tỉnh hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt. Cố gắng, chúng tôi xong trong tháng 8 để tháng 9 khởi công.

Thiếu cát để làm đường cao tốc cũng là tình trạng chung ở các dự án khác. Điển hình như Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025). Đại tá Trần Hải Bắc, Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn Nam, Binh đoàn 12, cho biết, trước mắt với khối lượng cát như hiện tại đến tháng 9 mới có vật liệu cát từ mỏ Đồng Tháp, chắc chắn sẽ bị chậm công tác thi công nền đường, chậm công tác gia tải…

Đại tá Trần Hải Bắc cho biết: Đến thời điểm giờ gần như không có cát thi công cả tuyến Cần Thơ đi Cà Mau. Hiện nay chỗ Trường Sơn bên anh cũng bám với Đồng Tháp, dự kiến theo báo cáo của tỉnh đến tháng 9 sẽ có cát, khối lượng cát tức là giao cái mỏ cho đơn vị thi công để khai thác chứ không phải mình mua của mỏ, ở đây giao mỏ luôn cho nhà thầu. Hiện nay, với điều kiện khó khăn về nguồn cát thì cơ bản nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các cầu và cũng muốn đẩy nhanh tiến độ cầu để bù đắp vào kế hoạch giải ngân năm 2023.

Các dự án cao tốc ở ĐBSCL gặp khó vì thiếu vật liệu cát san lấp - Nhật Minh MekongFM

Các dự án cao tốc ở ĐBSCL gặp khó vì thiếu vật liệu cát san lấp - Nhật Minh MekongFM

Tại An Giang, ngoài đáp ứng cho các công trình trên địa bàn, nguồn cát của địa phương này còn cung cấp cho các tuyến cao tốc trọng điểm của vùng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, cho biết, đối với Dự án thành phần 1 Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng qua tỉnh An Giang (giai đoạn 1), tỉnh đã giải phóng mặt bằng đạt 92%, phấn đấu đạt 100% vào cuối 2023 để giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu; tiến độ thi công đạt kế hoạch.

An Giang đảm bảo cung ứng đủ nguồn cát cho dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh; đã xây dựng phương án, bố trí 2 khu vực khai thác cát sông, sẽ bàn giao để TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang khai thác, phục vụ tuyến cao tốc đi qua 2 địa phương này.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết thêm: Cát cung cấp cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tỉnh An Giang hiện nay qua sự tham gia của các mỏ cát này cũng cần thu hồi, các mỏ cát này này trong trữ lượng đang dự kiến bố trí 1,1 triệu m3 và cộng thêm mỏ cát hiện nay đang khởi tố điều tra do đó cái khó của An Giang hiện nay là bằng cách nào bố trí 1,1 triệu m3 theo cam kết và 2,2 triệu m3 còn lại để đủ 3,3 triệu m3 cho tuyến Cần Thơ – Cà Mau, An Giang tuần sau sẽ tổ chức họp, đánh giá lại tất cả các mỏ cát theo tinh thần thực hiện quyết liệt, trước mắt là 1,1 triệu m3 theo cam kết, và 2,2 triệu m3 tiếp tục đánh giá, tính toán phần cát này.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, về công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương đã tích cực, quyết liệt triển khai, đến nay công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng tiến độ như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đã bàn giao được 89%; công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế đang tiếp tục triển khai nhưng còn chậm.

Về VLXD thông thường, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, tuy nhiên việc triển khai tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm, trong tháng 7/2023 mới hoàn thiện thủ tục xác nhận Bản đăng ký khối lượng khai thác được thêm 14 mỏ, còn 27 mỏ đã trình các cơ quan nhưng chưa được chấp thuận. Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Hậu Giang và thành phố Cần Thơ chưa triển khai các thủ tục để khai thác mỏ tại An Giang…

Tại phiên họp lần thứ 7, chiều 10/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần phải thần tốc hơn nữa, "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng ở cấp nào, cấp đó giải quyết. Điều quan trọng là tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn để "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta đang đồng loạt triển khai các tuyến cao tốc này do đó phải thần tốc hơn, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” vừa bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, nhanh chóng kết nối, tạo không gian phát triển mới, tạo khu đô thị, khu dịch vụ, khu công nghiệp mới,tạo ra khu dịch vụ mới, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, nhanh chóng giải phóng mặt bằng, nhanh chóng ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, tranh thủ dịp này tái cấu trúc lại dân cư.

Về nguyên vật liệu hiện đang khó khăn tại các tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trong tuần tới chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

***

Dự kiến, đến năm 2025, nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Tất cả được kỳ vọng tạo ra sức bật mới để Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bứt phá phát triển. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lúc này là thần tốc hơn nữa trong triển khai các công trình, dự án giao thông trọng điểm. 

Có thể thấy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực lớn nhất phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới.

Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định“Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, Thành phố Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh”.

Thực hiện chủ trương lớn này, các địa phương có nhiều nỗ lực, tổ chức giải phóng mặt bằng tích cực hơn, các chủ đầu tư vào cuộc quyết liệt, khắc phục các bất cập, tháo gỡ khó khăn tại các dự án. Các nhà thầu đã “vượt nắng, thắng mưa”, vượt qua các khó khăn kể cả về giá cả để tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, kỹ - mỹ thuật dự án.

Các bộ, ngành, nhất là các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để triển khai các dự án. Điều này thể hiện sự quyết tâm, trên dưới đồng lòng nhằm đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường cao tốc. Bởi các chuyên gia cho rằng, chỉ cần tăng 10% chất lượng hạ tầng tại khu vực kinh tế trọng điểm phía nam thì sức hút đầu tư sẽ tăng lên tới 24%, đời sống người dân tăng.

Với những chỉ đạo quyết liệt, cắt bớt các thủ tục rườm rà, không cần thiết trong quá trình làm. Hy vọng rằng những khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu cho các dự án sẽ được tháo gỡ sớm để các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công tăng ca, tập trung thi công, trước mắt là các hạng mục không phụ thuộc nhiều vào nguồn vật liệu cát đắp.

Với quyết tâm cao, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc thì không có vấn đề nào không thể giải quyết, không khó khăn nào không thể vượt qua.

 

Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
TP.HCM: Tình hình sức khỏe của các nạn nhân trong vụ cháy ở quận Tân Bình

TP.HCM: Tình hình sức khỏe của các nạn nhân trong vụ cháy ở quận Tân Bình

13 nạn nhân trong vụ cháy ở đường Xuân Hồng (quận Tân Bình, TP.HCM) được đưa vào bệnh viện cấp cứu, trong đó có 3 người phải thở máy.

TP.HCM: Danh tính 2 nạn nhân tử vong trong vụ cháy nhà 4 tầng ở quận Tân Bình

TP.HCM: Danh tính 2 nạn nhân tử vong trong vụ cháy nhà 4 tầng ở quận Tân Bình

Bước đầu, 2 người được xác định tử vong tại tầng 3 của căn nhà…

TP.HCM: Cháy nhà 4 tầng, 2 người tử vong

TP.HCM: Cháy nhà 4 tầng, 2 người tử vong

Căn nhà 4 tầng ở mặt tiền được ngăn thành hơn chục phòng cho thuê bất ngờ bốc cháy dữ dội khiến ít nhất 2 người tử vong, nhiều người bị thương.

TP.HCM: 17 tuyến buýt đưa đón khách đi metro số 1 chính thức hoạt động

TP.HCM: 17 tuyến buýt đưa đón khách đi metro số 1 chính thức hoạt động

Sau 1 thời gian chuẩn bị, 150 chiếc xe buýt thuần điện sẽ đi vào hoạt động trên 17 tuyến kết nối với metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên kể từ ngày 22/12/2024 tới đây.

Mặt bằng TP.HCM 'ngủ đông': Nỗi buồn cuối năm

Mặt bằng TP.HCM "ngủ đông": Nỗi buồn cuối năm

Không khí mua sắm những ngày cuối năm đang rộn ràng khắp các con phố Sài Gòn. Thế nhưng, trái ngược với sự nhộn nhịp thường thấy, nhiều tuyến đường trung tâm thành phố lại đang "ngủ đông" với hàng loạt mặt bằng đóng cửa im lìm, treo biển cho thuê.

Học sinh vi phạm luật giao thông: Đừng chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng

Học sinh vi phạm luật giao thông: Đừng chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng

2.220 là số trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông đường bộ bị lực lượng CSGT Hà Nội xử lý trong 1 tháng vừa qua; đồng thời, phạt tiền hơn 1,2 tỷ đồng và tạm giữ 1.027 phương tiện.

TP.HCM: Nỗ lực điều trị cứu sống các nạn nhân trong vụ cháy ở quận Tân Bình

TP.HCM: Nỗ lực điều trị cứu sống các nạn nhân trong vụ cháy ở quận Tân Bình

Vụ cháy nhà xảy ra rạng sáng ngày 20/12 tại căn nhà 1 trệt 3 lầu trên đường Xuân Hồng, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM khiến 2 người chết, 13 người bị ngạt khói phải nhập viện, cho thấy câu chuyện phòng cháy chữa cháy dịp cuối năm cần phải cảnh giác cao độ.