Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ kiểm toán ngân sách địa phương

Hải Bằng: Chủ nhật 01/06/2025, 08:58 (GMT+7)

Linh hoạt thích ứng với tình hình sắp xếp tổ chức bộ máy của cả nước, trong đó có sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo 2 cấp.

Thời điểm này, các đơn vị Kiểm toán nhà nước tại các khu vực đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương và Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2024.

Với phương châm an toàn - uy tín, kế hoạch kiểm toán năm 2025 đã được ban hành. Tuy nhiên, trong thời điểm này, việc kiểm toán ngân sách địa phương và báo cáo quyết toán ngân sách địa phương đang được điều chỉnh.

Theo kế hoạch kiểm toán được công bố vào cuối năm 2024, năm 2025, KTNN thực hiện: Kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2024 của 35 tỉnh, thành phố; Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2024 của 4 tỉnh; Kiểm toán ngân sách địa phương và Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2024 của 22 tỉnh, thành phố. Kế hoạch này được lên lịch triển khai ngay từ đầu năm.

Các tổ kiểm toán đang gấp rút triển khai, đảm bảo kết thúc nhiệm vụ kiểm toán ngân sách địa phương trước ngày 30.6

Các tổ kiểm toán đang gấp rút triển khai, đảm bảo kết thúc nhiệm vụ kiểm toán ngân sách địa phương trước ngày 30.6

Điều này thể hiện một chuyển biến rõ nét: thay vì tập trung triển khai vào cuối năm như thường lệ, kiểm toán ngân sách năm nay được triển khai sớm, giúp các địa phương chủ động phối hợp và điều chỉnh kịp thời các vấn đề tồn tại. Ông Phan Văn Bảng (Tổ trường Tổ kiểm toán Ngân sách địa phương tại huyện Đức Cơ, Gia Lai) cho biết:

“Đối với tiến độ chung của đoàn, kiểm toán ngân sách 2024 của Gia Lai, thời gian thực hiện 60 ngày. Riêng tổ kiểm toán tại huyện Đức Cơ, thực hiện từ 18/4-28/4. Thời gian chung của tổ chỉ có 5 ngày làm việc. Thời gian ngắn, thành viên trong tổ cũng rất cố gắng, nỗ lực để hoàn thành kế hoạch được trưởng đoàn kiểm toán phê duyệt”.

Tinh thần làm việc này thể hiện rõ sự thích ứng nhanh, linh hoạt của ngành kiểm toán, đảm bảo kết thúc nhiệm vụ kiểm toán ngân sách địa phương trước ngày 30/6 theo đúng yêu cầu của Tổng KTNN. Việc thực hiện đồng loạt các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương nhằm cung cấp thông tin và số liệu tin cậy giúp hội đồng nhân dân các tỉnh thành phố, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý tài chính công, tài sản công. Ông Vương Nguyên Lượng (Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII) cho biết:

“Chú trọng vào việc chính, ví dụ như điều hành quản lý ngân sách, xây dựng dự toán và quản lý thu của địa bàn, chấp hành chính sách chế độ của quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Từ đó đánh giá được tính trung thực, khách quan, minh bạch của báo cáo tài chính để có đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các đơn vị kiểm toán”.

Đặc biệt hơn so với thường lệ, thông qua các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương lần này, lãnh đạo KTNN còn kỳ vọng sẽ góp phần phục vụ cho công tác sắp xếp cán bộ của các đơn vị tỉnh mới. Về vấn đề này, ông Ngô Văn Tuấn, Tổng KTNN cho biết:

“Về kiến nghị các đồng chí làm ở cấp huyện, các sai phạm phải cá nhân hóa các hành vi , phải có người gánh vác. Sắp tới giải tán huyện, từ xã đến tỉnh mà các đồng chí chỉ được ra trách nhiệm cá nhân của những ông đó thì rất tốt cho công tác tổ chức cán bộ của các tỉnh mới đây.

Tuy phải tập trung thực hiện gấp rút và đảm bảo chất lượng kiểm toán nhưng vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và đạo đức công vụ vẫn được lãnh đạo kiểm toán nhà nước đặc biệt quan tâm. Với các ý nghĩa đó, KTNN đang nỗ lực góp sức vào công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Cụ thể là xóa bỏ hành chính cấp huyện và tổ chức hành chính địa phương 2 cấp trước ngày 30/6/2025 theo chỉ đạo của Trung ương và Bộ Chính trị.

Ảnh: Cổng TTĐT KTNN

Ảnh: Cổng TTĐT KTNN

Điểm đáng chú ý trong năm 2025 là KTNN không chỉ dừng lại ở “phát hiện và xử lý” mà còn chủ động tham gia đóng góp chính sách. Trong các báo cáo kiểm toán gửi Quốc hội và Chính phủ, KTNN đã đề xuất nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến phân cấp chi tiêu công, giám sát chi thường xuyên tại cấp xã và kiểm soát đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục - y tế.

Trong bối cảnh ngân sách địa phương ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, kiểm toán không còn là hoạt động hậu kiểm đơn thuần. Đó là công cụ phản biện chính sách, là tấm gương soi chiếu năng lực điều hành tài chính của mỗi địa phương.

Việc KTNN tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ kiểm toán ngân sách địa phương trong năm 2025 không chỉ thể hiện sự chủ động, đổi mới của ngành, mà còn khẳng định cam kết về minh bạch, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Trong tương lai, khi công nghệ và dữ liệu lớn ngày càng được ứng dụng sâu vào hoạt động kiểm toán, kỳ vọng đặt ra là một nền tài chính công lành mạnh, bền vững – nơi đồng tiền ngân sách đến đúng nơi, dùng đúng cách và được kiểm soát chặt chẽ trong từng khâu sử dụng.

Hải Bằng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn