Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Góc Nhìn

Tai nạn giao thông năm 2023 tăng, vì sao?

Quách Đồng: Thứ năm 07/12/2023, 15:54 (GMT+7)

Theo thống kê, 11 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 11.779 vụ TNGT, bình quân một ngày có 35 vụ tai nạn giao thông, làm 19 người chết, 25 người bị thương. Chỉ tính riêng số vụ TNGT xảy ra trong 11 tháng đã cao hơn cả năm 2022, với 11.457 vụ TNGT.

 Vì sao đã và đang có nhiều biện pháp quyết liệt được triển khai, nhưng TNGT lại tăng?

lien-hoan1-1415-0838

Đề cập các giải pháp đảm bảo ATGT trên địa bàn, ông Phạm Ngọc Vinh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nam Định cho hay, năm 2023, Nam Định đã tập trung nguồn lực, lực lượng cho việc nâng cấp hạ tầng giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông…

Riêng việc xử lý vi phạm TTATGT 11 tháng đầu năm tăng 43% so với năm 2022; xóa được hơn 100 đường ngang qua đường sắt… Tuy vậy, Nam Định vẫn là một trong số 7 địa phương có số người chết tăng cao nhất cả nước:

"Năm nay số liệu chúng ta làm rất kỹ, từ bị thương trong một thời gian dài theo dõi, việc thống kê đòi hỏi kỹ hơn mọi năm nên số liệu chặt chẽ và tăng lên ở phần thống kê so với mọi năm nên số liệu cũng tăng lên", ông Vinh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Tân, Chánh văn phòng Ban ATGT Hà Tĩnh cũng cho biết, nếu 9 tháng đầu năm, Hà Tĩnh là một trong 9 tỉnh có số người chết do TNGT tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, song tính chung 11 tháng, Hà Tĩnh chỉ còn tăng hơn 2% về số người bị thương, nhưng đã giảm về số vụ và số người chết do TNGT. Theo ông Nguyễn Văn Tân, tình hình kinh tế - xã hội gia tăng sau đại dịch cũng là một trong những nguyên nhân khiến TNGT gia tăng trên địa bàn:

"Thứ nhất, công an tỉnh cũng thống nhất lại số liệu báo cáo, vì cái này là yêu cầu của Bộ Công an, rà soát lại các báo cáo, đảm bảo chính xác, trung thực nên khi tổng hợp lại hết 11 tháng thì số vụ giảm, số người chết giảm, số người bị thương tăng. Nhưng cũng là do khi đại dịch đi qua, tình hình giao thông tăng đột biến, lưu lượng người và phương tiện gia tăng mạnh", ông Tân nói.

Cũng là địa phương gia tăng số vụ TNGT, tăng số người bị thương, ông Vũ Văn Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Dương cho biết, do Hải Dương nằm trong trung tâm tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng- Hải Dương, nên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng rất lớn. Đến thời điểm này, các tuyến Quốc lộ trên địa bàn Hải Dương đều đã quá tải, khiến TNGT luôn tiềm ẩn:

"Mật độ giao thông cao, dẫn đến rủi ro cao, hai nữa là xe cá nhân phát triển tương đối nhanh, đăng ý xe mới ở Hải Dương 2 năm gần đây, đặc biệt sau Covid xe cá nhân tăng kinh khủng. Còn một nguyên nhân nữa là sau khi làm mạnh cơi nới thùng thành, xe quá tải thì số chuyến đi cũng tăng lên. Đấy cũng là nguyên nhân khiến TNGT tăng lên", ông Tùng cho biết.

image_6487327-1551 (1)

Tuy vậy, thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho thấy, nhiều địa phương vẫn thực hiện được mục tiêu kéo giảm TNGT.

Ông Nguyễn Thiên Vương, Chánh Văn phòng Ban ATGT Quảng Ninh cho biết, 11 tháng đầu năm, Quảng Ninh giảm được 6,49% số vụ, giảm 6,67% số người chết do TNGT: "Quảng Ninh thì tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và địa phương, gắn trách nhiệm cho người đứng đầu ở địa phương hoặc đơn vị đó. Đặc biệt, Quảng Ninh cũng đang thực hiện việc gửi thông báo vi phạm giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn đối với cán bộ, công chức, đảng viên, gửi thông báo về cơ quan, đơn vị để có biện pháp phối hợp xử lý, kỷ luật".

Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an, mặc dù TNGT 11 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022, song việc kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm nồng độ cồn trở thành điểm sáng trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT chung. Cụ thể, 11 tháng đầu năm, TNGT do nồng độ cồn đã giảm 25% về số vụ, giảm 50% số người chết và giảm 22,6% số người bị thương.

Còn theo chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, mặc dù TNGT diễn biến bất thường, khó nắm bắt, song với việc tăng số vụ, số người bị thương do TNGT trong 11 tháng đầu năm cho thấy công tác quản lý về TTATGT đang “có biến động”: "Chúng ta giải quyết vấn đề nồng độ cồn thì giảm tai nạn do nồng độ cồn là trông thấy, nhưng rõ ràng là còn nhiều nhân tố khác có ảnh hưởng, ví dụ qua vụ Thành Bưởi cho thấy vi phạm về tốc độ là quá lớn, rồi một số vi phạm khác nữa cũng ảnh hưởng đến việc gia tăng. Ngoài ra, cũng một phần do công tác thống kê, vì nếu thống kê như Ngân hàng Thế giới hoặc một số cơ quan thống kê thì số người tử vong do TNGT ở Việt Nam có thể cao gấp đôi cùa mình thống kê cơ mà".

757-1814

Dù với bất cứ nguyên nhân nào, việc gia tăng TNGT về số vụ, số người bị thương do TNGT cũng khiến dư luận lo ngại. Tuy vậy, lo ngại về số liệu là một chuyện, quan trọng hơn, việc thống kê, đưa ra những con số và ứng xử với những con số đó, cùng với các biện pháp để thực hiện bằng được mục tiêu kéo giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí, từ những việc nhỏ nhất, ở phạm vi gia đình, nhà trường, cho đến từng địa phương, từng bộ ngành lại chưa cho thấy điều đó.

Cùng đến với góc nhìn của VOV Giao thông: "Những điều nhỏ bé".

Trong một năm mà lượng người tham gia giao thông không có đột biến, các biện pháp cưỡng chế được đẩy cao, các chỉ đạo liên tục được ban hành, mà TNGT vẫn tăng, đó là một thông tin gây lo ngại.

Điều gì khiến TNGT tăng? Câu trả lời đang chờ quá trình tổng hợp, xử lý dữ liệu của cả năm, mà đáng lẽ phải công khai từng tháng, và làm kỹ mỗi khi TNGT có những diễn biến bất thường.

Thiếu sự lên tiếng của các con số, những nhận định sẽ chỉ là võ đoán. Các tham vấn chính sách cũng sẽ rất mơ hồ. Nhưng, cũng có những nguyên nhân sờ sờ, mầm mống trực tiếp của TNGT, mà không cần đợi báo cáo.

TNGT đường bộ vẫn chiếm tỉ trọng gần như tuyệt đối, trên 99% tổng số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT trong 11 tháng qua. Điều đó cho thấy, gần như chưa hề có sự chuyển dịch nào về cơ cấu vận tải giữa các loại hình. Áp lực vẫn đè nặng lên đường bộ, với sự gia tăng không cách gì kìm hãm được của xe cá nhân, với sự ưu tiên lựa chọn đường bộ của các doanh nghiệp, và cả những kế hoạch hạ tầng đang chủ yếu dồn cho đường bộ.

Đường mở đến đâu, xe lấp đầy đến đó. Đường càng to đẹp, tốc độ càng cao, trong bối cảnh kỹ năng giao thông vẫn như xưa, thì tai nạn tăng lên là tất yếu. Người dân có thể chưa lường hết rủi ro này, nhưng người quản lý nhất định phải chuẩn bị điều này.

Nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong năm qua được ghi nhận liên quan đến xe hợp đồng, xe kinh doanh vận tải. Các nguy cơ từ sự buông lỏng quản lý, hoặc quản lý yếu kém đối với nhóm này đã được cảnh báo từ lâu. Nhưng do chờ sửa luật, nên các biện pháp ngăn chặn vẫn chủ yếu dựa vào chiến dịch tuần tra kiểm soát, và thường đi sau sự vụ. Thậm chí, đây đó đã có những bằng cho thấy, vi phạm được bỏ qua, một cách có điều kiện.

Trong khi đó, với nhiều người tham gia giao thông, thông điệp “thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” vẫn chưa trở thành nhu cầu. Họ vẫn coi TNGT là chuyện của ai đó, hoặc phải đợi xem người khác thượng tôn pháp luật thế nào đã, rồi mới đến lượt mình.

Không có một ý niệm nghiêm túc rằng sự an toàn là điều kiện của mọi điều kiện, không nhìn thấy nguy cơ tai nạn chết người từ những vi phạm tưởng chừng vặt vãnh, người lái xe sẽ chưa có bản năng thường trực về quý trọng, giữ gìn an toàn, và đương nhiên, chưa ra sức giữ cho được sự an toàn đó.

Gần 900 vụ TNGT xảy ra với trẻ em trong năm qua là một điểm trừ cho xã hội, một dấu hỏi với người lớn. Đành rằng, đường sá phức tạp và nhiều nguy cơ, nhưng cha mẹ đã làm gì để bảo vệ con mình trước những nguy cơ đó? Chúng ta có quá bận đến mức, không có thời gian nói với chúng về sự phức tạp này, và rèn cho chúng cách đi lại an toàn?

Chúng ta có thời gian để đi theo con một đoạn, xem chúng thực sự đang sử dụng chiếc xe điện, xe máy ra sao?

Chúng ta có đang vô tình gieo mầm tai nạn cho con, bằng việc chở con mà không mang mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn, hoặc vượt đèn đỏ, hoặc luồn lách, tạt đầu, để rồi chúng thấy, pháp luật chỉ là một trò chơi?

Một số thầy cô giáo, có đang gieo sự coi thường pháp luật và mất niềm tin ở học sinh, khi bắt các em ký cam kết ATGT, mà mình thì để đầu trần đi xe máy?

Trật tự, an toàn của cộng đồng bắt đầu từ mỗi hành động nhỏ của cá nhân, và được thúc đẩy bởi từng ý nghĩ.

Trẻ em chờ người lớn. Người dân chờ lực lượng chức năng. Lực lượng chức năng chờ chính sách, hoặc chờ đạo đức công vụ. Nhà quản lý chờ những báo cáo cuối năm…

Trong khi đó, ngoài kia, mỗi ngày vẫn có 19 người chết, 25 người bị thương vì TNGT.

Nếu tiếp tục chờ đợi và bỏ qua những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng là thước đo sự tử tế và trách nhiệm, thì sẽ tiếp tục có thêm những hạnh phúc chờ bị tai nạn cướp đi./.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Phân luồng giao thông phục vụ Quốc tang

Hà Nội: Phân luồng giao thông phục vụ Quốc tang

Trong các ngày 25 và 26/7/2024, trên địa bàn TP.Hà Nội diễn ra các hoạt động phục vụ Lễ Quốc tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Công an thành phố Hà Nội phân luồng giao thông và tổ chức hướng đi cho các loại phương tiện.

Sau 18h hôm nay, nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sau 18h hôm nay, nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng nay (25/7), Lễ viếng chính thức đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu tổ chức đồng thời ở Hà Nội, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Mạnh tay xử lý các vi phạm tại dự án QL21B đoạn qua Thị trấn Vân Đình (Hà Nội)

Mạnh tay xử lý các vi phạm tại dự án QL21B đoạn qua Thị trấn Vân Đình (Hà Nội)

Người dân Thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội phản ánh về tình trạng bụi bặm, đường xá ngổn ngang do công trình cải tạo, chỉnh trang lại vỉa hè, hệ thống thoát nước và chiếu sáng trên QL21B đoạn qua thị trấn Vân Đình đang triển khai thi công, ảnh hưởng đến đi lại và đời sống.

Đường nội khốn khổ cạnh tranh với đường nhập lậu

Đường nội khốn khổ cạnh tranh với đường nhập lậu

Năm 2023, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam vào khoảng 600 nghìn tấn, bằng 63% lượng đường của các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cờ vỉa

Cờ vỉa

Với cánh mày râu, có một món ăn tinh thần vẫn tồn tại lâu nay trong cuộc sống, đó là thú chơi cờ tướng vỉa hè. Nếu bộ hàng ngang qua những vỉa hè trên phố, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh từng nhóm người tụ tập xung quanh bàn cờ tướng kèm theo những âm thanh nhộn nhịp cả một góc phố.

Làm đường dành cho người đi bộ nhưng lại cho đỗ ô tô?

Làm đường dành cho người đi bộ nhưng lại cho đỗ ô tô?

Tại Hà Nội, nhiều tuyến đường đã được đầu tư từ lâu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thế nhưng các tuyến đường này vẫn chưa cho thấy hiệu quả hoạt động của nó. Đơn cử như tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, phần đường đáng ra được dành riêng cho người đi bộ, thì nay đã trở thành bãi đỗ xe…

Phân vai cụ thể để quản lý, bảo trì đường bộ

Phân vai cụ thể để quản lý, bảo trì đường bộ

Sau giai đoạn ủy thác ban đầu, việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương quản lý quốc lộ là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, không chỉ giúp giảm tải gánh nặng cho trung ương mà còn phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương trong việc quản lý và bảo trì quốc lộ.