Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Sống lại một thời Nàng Nhen Bảy Núi

Kim Loan: Thứ năm 29/08/2024, 09:23 (GMT+7)

Một vùng châu thổ trù phú nhất Đông Nam Á như ĐBSCL nhưng vẫn có nơi phù sa không thể với tới, đó là khu vực Bảy Núi. Nơi đây, núi bao trùm núi, không ngập lũ cũng chẳng kết phèn, đất nghèo vi lượng.

Chỉ dựa vào nước mưa mà Bảy Núi lại dưỡng nuôi thành công loại lúa thơm cao sản mang tên Nàng Nhen. Nàng Nhen nổi tiếng là gạo “siêu sạch”, ngon cơm, được người bản địa lưu giữ và truyền thừa như một niềm kiêu hãnh riêng của vùng Bảy Núi.

Cánh đồng lúa ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. Trong đây có trồng lúa Nàng Nhen

Cánh đồng lúa ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. Trong đây có trồng lúa Nàng Nhen

27 ngọn núi chập chùng bao bọc ruộng nương, cánh đồng lúa như thảm lụa vàng lả lơi theo gió. Ở đó, Bảy Núi chỉ vỏn vẹn 13 cây số vuông. Nằm ở Tây Nam tỉnh An Giang, giáp biên giới với Campuchia, Bảy Núi được ví là “thủ phủ” gạo Miên vì nhiều giống bản địa được bà con ở đây lưu giữ và truyền thừa qua hàng trăm năm, như: Nàng Nhen, Nàng Noi, Nàng Kôl.

Trong số này, phải kể đến Nàng Nhen, giống lúa cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer, chịu hạn giỏi, cho cơm ngon và dẫn đầu về giá cả.

Lấy điểm cực Bắc vùng Bảy Núi và quay theo chiều kim đồng hồ sẽ có một vùng đất nằm trong vành đai trong của các kênh: kênh Vĩnh Tế - kênh Trà Sư – kênh Tri Tôn – kênh Ninh Phước I – kênh chữ U - kênh Mới - kênh T6 – kênh 5 xã – kênh 20 – kênh Vĩnh Tế. Vành đai này có chất lượng đất pha cát đặc thù, nghèo dinh dưỡng nhưng được cái đất ít độc, không phèn. Nàng Nhen cấy xuống, chỉ cần bón lót phân bò rồi chờ nước mưa mà thúc nhánh, nuôi đòng.

Ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn nói về hành trình cây lúa Nàng Nhen bén rễ trên vùng Bảy Núi: “Từ năm 1905 thì cây lúa Nàng Nhen cây lúa mùa nổi là 2 giống lúa chủ lực của ĐBSCL. Một phần ngày xưa chưa có giống chất lượng cao như bây giờ, chưa cải tiến kỹ thuật giống nên người dân cũng một phần lệ thuộc vào giống Nàng Nhen này”.

Theo lời ông Văn, Nàng Nhen là loại lúa thơm, hạt gạo thon nhỏ, hơi thuôn, không bạc bụng và “cứng khừ” không dễ gãy đôi. Lúa để lâu không mất mùi, không mối mọt, mủn nát, ố vàng. Lên cơm thơm lừng, ăn không ngán. Do canh tác phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên nên Nàng Nhen chỉ được trồng 1 vụ/năm, không sạ thẳng mà gieo mạ rồi cấy con. Đất ruộng trên được bà con làm kỹ, cày 2 bận, bừa 3 lần, đổ phân bò bón lót, nhổ mạ tháng 7, cấy lúa tháng 8, thu hoạch tháng 12.

Nàng Nhen là giống lúa cổ truyền của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi - An Giang. Được gieo mạ rồi nhổ cấy, không sạ thẳng như các giống khác.

Nàng Nhen là giống lúa cổ truyền của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi - An Giang. Được gieo mạ rồi nhổ cấy, không sạ thẳng như các giống khác.

Theo tập quán của nông dân Khmer, việc canh tác lúa Nàng Nhen không sử dụng phân hóa học, chỉ sử dụng phân bò là chính. Khó đẻ nhưng dễ nuôi, lúa Nàng Nhen lại nhẹ công chăm sóc vì ít bệnh, sẵn kháng rầy. Năng suất tối đa chỉ 3 tấn/hecta, nhưng bù lại có giá cao gần gấp đôi so với các loại lúa thường: “Giá bán hiện tại dao động từ 16.000 đến 18.000 đồng/kg. Ngày xưa nhà tôi ở Bá Chúc thì ăn giống Nàng Nhen này suốt, cơm thơm thoang thoảng, ngon lắm”.

Trước năm 1975, Nàng Nhen được gieo trồng với diện tích 7.000 hecta. Mùa trăng tròn tháng 7, nam thanh nữ tú theo mẹ ra đồng cấy lúa, cười vang ở góc núi sau nhà. Lúa chín, đàn bà gánh về, đàn ông đập hạt. Nhưng mùa vui ấy không kéo dài được lâu, đến năm 1980, thị trường xuất hiện các giống lúa mới lai cho năng suất trung bình 6 tấn/hecta. Trong khi, bối cảnh lương thực khó khăn mà các giống lúa cổ truyền lại cho năng suất thấp nên tập quán canh tác cũng thu hẹp dần, Nàng Nhen bị mai một:

"Nàng Nhen có đặc thù thời gian sinh trưởng khá dài nên nó không cạnh tranh nổi với những giống mới lai. Giống mới được trồng tranh thủ thu hoạch sớm"

"Đối với những vùng có hệ thống bơm điện hoặc hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh thì nông dân đã chuyển sang trồng lúa cao sản hết, vì lúa cao sản cho năng suất cao"

"Trồng Nàng Nhen không có lời vì lúa mùa cho năng suất thấp lắm"

Đến năm 1990, khi an ninh lương thực được đảm bảo, thị trường lúa gạo đòi hỏi gắt gao về phẩm chất. Lúa Nàng Nhen với đặc tính gạo ngon cơm, mùi thơm nhẹ, hạt nhỏ hơi hồng, cơm không quá dẻo…đã được người tiêu dùng đón nhận và nông dân tiếp tục quay về với Nàng Nhen. Nhưng lúc đó, Nàng Nhen bị thoái hóa, cơm không còn thơm như ngày nào. Thế là, PGS.TS Lê Việt Dũng (Nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ) đã cho ra đời đề tài Phục tráng giống lúa thơm Nàng Nhen ở huyện Tri Tôn.

Lúa - gạo - cơm Nàng Nhen

Lúa - gạo - cơm Nàng Nhen

Đề tài thành công, chuyển giao cho Trung tâm Khuyến nông huyện Tri Tôn 200kg giống lúa Nàng Nhen mới với 03 yếu tố khác biệt: thời gian sinh trưởng khoảng 4 tháng (trong khi lúa thường phải 6 tháng); lúa phục tráng mùi thơm đậm hơn; thân cây lúa phục tráng cũng thấp hơn, dễ gặt hơn so với cây lúa thường quá cao. Chính quyền địa phương lập tức lên kế hoạch sản xuất 200 hecta lúa hữu cơ, trong đó có giống lúa này, để dựng lại thương hiệu nổi tiếng Nàng Nhen vùng Bảy Núi.

Ông Lê Thanh Phong, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, trường đại học An Giang khẳng định trên hành trình đi tìm các giống lúa cho ĐBSCL: “Nàng Nhen là 1 trong 20 loại giống mà chúng tôi đưa vào quan sát thì đây là loại gạo sạch, gạo ngon và giàu giá trị văn hóa lịch sử nữa”.

Nhưng chỉ tiếc rằng, thời buổi cạnh tranh, nông dân phải sống được bằng cây lúa nên buộc lòng phải chọn loại lúa có năng suất cao mà trồng. Hiện Nàng Nhen giờ chỉ còn giữ diện tích khoảng 60 hecta ở các xã Núi Tô, An Tức, Chi Lăng. Ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn cho biết: “Hiện nay loại Nàng Nhen này chỉ Người dân tộc Khmer canh tác thôi vì tập tục văn hóa của họ. Hoặc người có tiền chọn Nàng Nhen để canh tác, không bán mà để ăn trong nhà”.

Hiện nay Nàng Nhen chỉ còn được giữ lại khoảng 60 hecta vì khó cạnh tranh với các giống lúa cao sản khác. Tuy nhiên đây là loại lúa sạch, gạo ngon, giá trị kinh tế cao. ( Ảnh: Báo Dân Việt).

Hiện nay Nàng Nhen chỉ còn được giữ lại khoảng 60 hecta vì khó cạnh tranh với các giống lúa cao sản khác. Tuy nhiên đây là loại lúa sạch, gạo ngon, giá trị kinh tế cao. ( Ảnh: Báo Dân Việt).

Để có được sản phẩm gạo Nàng Nhen thơm Bảy Núi chất lượng và danh tiếng như ngày hôm nay, ông cha của đồng bào Khmer ở An Giang ta đã phải tốn vô vàn mồ hôi, nước mắt để gieo cấy loại lúa “độc quyền”, chính vì thế, đồng bào xem đây là báu vật.  Nguồn nước chủ yếu để trồng lúa Nàng Nhen hiện nay vẫn như hàng trăm năm về trước là nước trời (nước mưa) không bị ô nhiễm, lại không dùng phân hóa học hay thuốc trừ sâu, nên lúa Nàng Nhen được xem là “gạo siêu sạch”.

Thị trường đang chuyển dịch mạnh từ “ăn no” tới “ăn ngon”, không chỉ đảm bảo dinh dưỡng mà còn là dinh dưỡng theo nhu cầu. Đương nhiên, cây lúa cũng phải chuyển mình theo. Người trồng lúa ở miền Tây Nam Bộ bắt đầu chuyển sang một hướng mới, trồng lúa hữu cơ để nâng chất lượng, giá trị hạt gạo. Nàng Nhen trở thành “gương mặt” nổi trội trong giới gạo sạch ngày nay.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Bất an khi lưu thông trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết

Bất an khi lưu thông trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết

Sau hơn một năm đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (nối giữa tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận) đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương.

TP.HCM: Thông xe hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

TP.HCM: Thông xe hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Sáng 04/10, nhánh hầm chui HC2 thuộc nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TP.HCM, đã chính thức được thông xe.

Đâu là giới hạn của cơ thể?

Đâu là giới hạn của cơ thể?

Những cái chết khi hoạt động thể thao quá giới hạn của cơ thể đã không còn là chuyện hiếm. Và điều đó có thuần túy là câu chuyện tai nạn hay không?

Tổng Giám đốc Đài TNVN: Chúng ta phải khẳng định cơ đồ, tiềm lực trong “Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình”

Tổng Giám đốc Đài TNVN: Chúng ta phải khẳng định cơ đồ, tiềm lực trong “Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình”

Ngày 02/10 vừa qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt chương trình chính luận đa loại hình, đa phương tiện “Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình”, nhằm góp phần khơi dậy hào khí dân tộc, khơi dậy khát vọng dựng xây đất nước mạnh giàu. Chương trình nhận được quan tâm đặc biệt của công chúng.

Ngõ chợ ẩm thực Đồng Xuân

Ngõ chợ ẩm thực Đồng Xuân

Bộ hành khám phá Ngõ ẩm thực chợ Đồng Xuân khá thú vị khi nó có thể khiến mỗi bước chân bộ hành của bạn là một hành trình khơi dậy nhiều giác quan, mà kết thúc hành trình ấy có rất nhiều sự hài lòng.

TP.HCM tăng cường đảm bảo ATGT cho học sinh

TP.HCM tăng cường đảm bảo ATGT cho học sinh

Thời gian qua, với những nỗ lực của các ban ngành, đoàn thể cũng như lực lượng Cảnh sát giao thông, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh đã được nâng cao đáng kể.

TP.HCM “phủ xanh” xe buýt: Cần chuẩn bị và tính toán ra sao?

TP.HCM “phủ xanh” xe buýt: Cần chuẩn bị và tính toán ra sao?

Dự kiến đến năm 2030, TP.HCM phủ xanh 100% xe buýt điện. Các tuyến buýt mở mới từ năm 2025 trở đi sẽ sử dụng 100% phương tiện điện, năng lượng xanh. Đây là mục tiêu theo đề án Giao thông xanh của Sở GTVT TP.HCM.