Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Sau nhiều thập kỷ tụt hậu, Mỹ đang làm gì để cải thiện đường sắt?

Huy Văn: Thứ sáu 26/01/2024, 14:29 (GMT+7)

Cũ kỹ, chậm chạp là những điều có thể mô tả ở đường sắt Mỹ trong vài thập kỷ vừa qua. So với hàng không hay đường bộ, đường sắt của Mỹ đang tụt hậu so với thế giới.

Là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng ngành đường sắt Mỹ tụt hậu khá xa so với Trung Quốc, Nhật Bản hay Châu Âu. Làm một phép so sánh đơn giản, Mỹ có diện tích lãnh thổ lớn gấp 18 lần so với Pháp, nhưng chỉ có khoảng 34 nghìn km đường sắt, trong khi Pháp có hơn 29 nghìn km.

Jim Mathew, người đứng đầu Hiệp hội Hành khách Đường sắt Mỹ cho hay, tàu hỏa từng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng miền tây quốc gia này vào thế kỷ 19, nhưng ngày nay chỉ còn hoạt động ở mức cơ bản. Thậm chí còn ghi nhận một số tuyến đường sắt đang chạy chậm dần theo mỗi năm, chưa kể đến chất lượng dịch vụ kém xa so với các phương thức di chuyển khác.

Nhưng với xu hướng giao thông xanh, bền vững, hạn chế khí thải phương tiện, từ vài năm trở lại đây, ngành đường sắt đang dần lấy lại sự chú ý của chính phủ Mỹ. Mới đây, Tổng thống Joe Biden trong chuyến thăm Las Vegas ngày 8/12 đã thông báo loạt chương trình nâng cấp đường sắt bằng nguồn vốn liên bang trị giá 8,2 tỷ USD. Số tiền này nằm trong gói 66 tỷ USD mà chính quyền ông Joe Biden cam kết sẽ sử dụng cho ngành đường sắt.

Được biết, đây là số tiền lớn nhất được đầu tư cho ngành đường sắt kể từ khi ông ty Vận tải Hành khách Quốc gia Mỹ Amtrak được thành lập vào năm 1971.

Tại Mỹ, đường sắt có chất lượng dịch vụ kém xa so với các phương thức di chuyển khác. Ảnh: iStock

Tại Mỹ, đường sắt có chất lượng dịch vụ kém xa so với các phương thức di chuyển khác. Ảnh: iStock

Trong số tiền hơn 8 tỷ USD, sẽ có khoảng 3 tỷ USD được đầu tư cho dự án đường sắt cao tốc đầu tiên của Mỹ từ Las Vegas đến Los Angeles dài khoảng 350 km. Đây là dự án được thực hiện bởi Công ty tư nhân Brightline, có trụ sở tại Florida, thuộc Tập đoàn đầu tư Fortress, dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Một tuyến khác giữa San Francisco và Los Angeles dài khoảng 840 km cũng đang được triển khai với số tiền đầu tư khoảng 3 tỷ USD.

Đây là sự hỗ trợ cần thiết của chính phủ dành cho Brightline bởi bất kỳ công ty đường sắt tư nhân nào cũng cần các khoản hỗ trợ ban đầu từ chính phủ để bắt đầu các dự án hạ tầng đầy tham vọng của họ. Ông Andy Kunz, Chủ tịch Hiệp hội đường sắt Mỹ cho biết:

“Các dự án đường sắt này không rủi ro về mặt triển khai hoạt động, nhưng lại rất rủi ro trong quá trình thi công, bởi bạn sẽ không thể biết mình có thể bị trậm chễ bao lâu. Việc trậm chễ có thể đến từ việc thay đổi chính sách, tình hình kinh tế quốc gia thay đổi. Do đó, một công ty tư nhân phải thực sự rất can đảm khi dám đầu tư hàng tỷ USD cho một dự án đường sắt mà phải mất nhiều năm trước khi họ có thể thu lại tiền từ nó”.

Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường sắt khác sẽ được tăng tần suất dịch vụ; các nhà ga cũ sẽ được tân trang, cải tạo; các đầu máy mới sẽ được mua nhằm tạo ra các chuyến tàu nhanh và hiệu quả hơn. Như tuyến đường sắt kết nối New Orleans, Louisiana với Alabama sẽ được mở cửa trở lại sau gần 20 năm từ khi bị bão Katrina phá hủy; hay nhà ga tại Balimore, Maryland được cải tạo, xây thêm một đường hầm mới để có thể tiếp nhận thêm nhiều chuyến tàu.

Theo hãng tin AFP, động thái này của chính quyền Mỹ là nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa phong trào nâng cấp, cải thiện ngành đường sắt. Tham vọng của Mỹ là tăng gấp đôi số lượng hành khách sử dụng hiện tại vào năm 2040. Tổng thống Joe Biden chia sẻ:

“Chúng ta từng đứng đầu thế giới về đường sắt, nhưng giờ chúng ta đang bị tụt hậu, xuống tới vị trí thứ 13. Nhưng giờ đường sắt sẽ trở lại nhờ dự luật cơ sở hạ tầng mới, dự án đầu tư hạ tầng lớn nhất lịch sử nước Mỹ kể từ sau hệ thống đường cao tốc liên bang Mỹ được thực hiện bởi tổng thống Eisenhower.”

Ông Biden nổi tiếng là người yêu đường sắt, thường xuyên ngồi tàu từ nhà ở Delaware tới Washington làm việc thời còn là thượng nghị sĩ tới mức nhiều người đặt biệt danh cho ông là “Amtrak Joe”. Ông Biden cũng từng chỉ trích cựu tổng thống Donald Trump vì đã không cải thiện cơ sở hạ tầng của Mỹ lúc đương nhiệm.

Bà Laura Mason, phó chủ tịch điều hành Công ty đường sắt Amtrak cho biết dự án đầu tư hạ tầng của ông Biden sẽ là bước ngoặt chuyển đổi cho ngành đường sắt, hướng tới khuyến khích người dân thay đổi phương thức di chuyển.

Theo bà Mason, xu hướng hiện tại đang ủng hộ ngành đường sắt. Một số hành khách chuyển sang đi tàu hoả vì những lo ngại về môi trường, một số khác thì muốn có một trải nghiệm mới, hay chọn đi tàu hoả vì yên tĩnh, hoặc vì thuận tiện bởi họ có thể sử dụng wifi để làm việc ngay khi đi tàu.

Hiện Mỹ đang triển khai một số dự án đường sắt cao tốc lớn. Ảnh: Brightline

Hiện Mỹ đang triển khai một số dự án đường sắt cao tốc lớn. Ảnh: Brightline

Còn tại Việt Nam, hiện trong danh mục các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đường sắt cụ thể hóa chương trình hành động của Chính phủ, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài dự kiến là 1.545 km. Mục tiêu được Chính phủ đề ra là đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Đến năm 2030, phấn đấu khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam các đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh dài 281 km, TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang dài 370 km. Đến năm 2045 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Về huy động nguồn lực để đầu tư, Chính phủ yêu cầu xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm ưu tiên đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, bảo đảm tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn nhà nước hợp lý cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt để thực hiện các mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, nhất là mục tiêu triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ưu tiên bố trí nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt.

Song song là kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; tham gia đầu tư, kinh doanh phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải như: kho, bãi hàng, phương tiện xếp dỡ…

 

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn