Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Sạt lở bủa vây Cần Thơ

Kim Loan: Chủ nhật 01/06/2025, 08:59 (GMT+7)

Chỉ tính trong tháng 5, trên địa bàn TP. Cần Thơ đã xảy ra 3 vụ sạt lở làm thiệt hại lớn về tài sản và 2 vụ sụp lún đường giao thông gây khó khăn cho việc đi lại, giao thương. Đây là chuyện không mới ở TP. Cần Thơ và cả ĐBSCL khi thời tiết đã vào mùa mưa.

Tuy nhiên, thiên tai nối tiếp đã khiến người dân lo lắng, nhất là các hộ dân sống gần khu vực xung yếu có nguy cơ cao. Ngoài việc đề phòng thì thành phố cũng cần triển khai gia cố, khắc phục, sửa chữa sớm điểm sạt lở để giúp cho người dân đi lại dễ dàng.

Vào lúc 3h sáng ngày 13/5, đang trong cơn say ngủ, bà Văn Thị Bé Bảy - ở phường Long Hưng, quận Ô Môn nghe tiếng động lạ, dừa trên cây rụng trái liên tục, nền đất có chút rung nhẹ. Mở cửa thì thấy cảnh tượng hãi hùng, đường đi trước mặt sụp lún một đoạn dài, như nhai nuốt ngấu nghiến cây cối nằm trong khu vực đó.

Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, 46 mét đường bị hư hại hoàn toàn, sạt lở ăn sâu vào đất liền 4 mét, giao thông bị chia cắt. Do đây là đường nông thôn nên việc đi lại của bà con bị ảnh hưởng nhiều vì phải chạy đường vòng hơi xa:

“Con đường cũ ngày trước tuy nhỏ nhưng đi đứng êm thuận lắm, từ nào giờ không có bị sạt lở gì cả. Tới khi làm con đường mới thì xong 1 tháng là bị vậy. Đường mới này xe tải chạy quá trời, tải trọng nặng, chạy vô đây để lấy lúa”.

Sạt lở đường nông thôn phường Long Hưng, quận Ô Môn ngày 13/5

Sạt lở đường nông thôn phường Long Hưng, quận Ô Môn ngày 13/5

Trong khi công tác gia cố tại tuyến đường Long Hưng – Ô Môn chưa xong thì đến ngày 20/5, tại Thới Lai tiếp tục xảy ra vụ sạt lở làm sụp đổ hoàn toàn một căn nhà ở ấp Thới Khánh A, xã Tân Thạnh. Vụ sạt lở dài khoảng 30m, ăn sâu vào đất liền khoảng 2,5m, làm sụp đổ một phần đường giao thông nông thôn. Anh Nguyễn Hoàng Dũng xót xa kể lại ngôi nhà của mình bị nuốt chửng bởi dòng nước xoáy:

“Lúc 3h nghe rang rang, nứt tol nghe xèng xèng, nước xoáy cứ đưa vô liên tục nên chịu thua. Cái nhà này xây dựng cách đây 20 năm, tính luôn tiền sửa chữa này nọ là 120 triệu đó”.

Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở bờ sông tại Cần Thơ diễn ra từ nhiều năm qua, đặc biệt vào mùa mưa lũ

Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở bờ sông tại Cần Thơ diễn ra từ nhiều năm qua, đặc biệt vào mùa mưa lũ

Cùng cảnh ngộ với Ô Môn và Thới Lai, quận Cái Răng cũng đối mặt mới sụp lún đường giao thông. Những ngày gần đây, xe tải và ô tô hầu như không thể lưu thông qua tuyến đường dọc hai bên Rạch Chiếc, thuộc khu vực 4 và khu vực 5, phường Ba Láng.

Nguyên nhân do một số đoạn xuất hiện tình trạng nứt gãy, sụp lún nghiêm trọng suốt hơn 2 tháng qua, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Con đường này mới vừa được đầu tư 12 tỷ đồng vào năm 2024 nhưng đã xuất hiện vết nứt toạc, chia cắt mặt dường thành hai phần chênh lệch độ cao rõ rệt.

Lo ngại tai nạn xảy ra, người dân lân cận đã chủ động dùng bao đất, nhánh cây để cắm dọc theo vết nứt, vừa cảnh báo, vừa ngăn xe trọng tải lớn lưu thông. Ông Nguyễn Văn Phước, ngụ LV5, phường Ba Láng cho biết:

“Đường cũ ngày trước rộng 2m thôi nhưng có vỉ sắt, họ thi công móc sắc lên hết để làm lại mới. Ban đầu có vết nứt chút chút, đến giờ thì nứt nhiều quá. Bây giờ chỉ có xe honda mới chạy được, còn xe 4 bánh là không cho chạy”.

Năm 2024, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra 27 đợt sạt lở, làm sạt 14 căn nhà, sụt lún 1 nhà kho và ảnh hưởng đến 35 căn nhà khác.

Năm 2024, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra 27 đợt sạt lở, làm sạt 14 căn nhà, sụt lún 1 nhà kho và ảnh hưởng đến 35 căn nhà khác.

Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở bờ sông tại Cần Thơ diễn ra từ nhiều năm qua, đặc biệt vào mùa mưa lũ. UBND TP Cần Thơ đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông; trong đó tập trung vào việc xây dựng kè chống sạt lở tại các điểm xung yếu và di dời các hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ cao. Tuy nhiên, tốc độ xây dựng chạy không kịp với tốc độ sạt lở.

Năm 2024, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra 27 đợt sạt lở, làm sạt 14 căn nhà, sụt lún 1 nhà kho và ảnh hưởng đến 35 căn nhà khác. Tổng thiệt hại ước tính hơn 15 tỷ đồng. Năm 2025, TP xảy ra 3 vụ sạt lở và 2 vụ sụt lún đường giao thông. Thành phố đã ban hành 12 Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục 12/27 điểm sạt lở nguy hiểm, với tổng chiều dài xử lý 2.105 m, tổng mức đầu tư 166,3 tỷ đồng. Thành phố cũng đã hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng từ Quỹ Phòng chống thiên tai.

"Có những đoạn đường kéo dài nứt giữa lộ tạo đường gang, đường hẹp, học sinh đi lại khó khăn lắm."

"Không chỉ một điểm mà dài dài còn nhiều điểm lắm. Giờ nhờ cấp trên làm lại cho dân đi, đường sụp, dây điện cũng sụp theo, người ta đi lại nguy hiểm lắm."

"Nguyên nhân chính gây sạt lở là do địa tầng đất đây yếu quá, xây dựng sát mé sông quá. Người dân cũng có thói quen móc đất dưới sông lên đắp đê nên cũng khiến một số nơi bị sụp."

Sạt lở làm sụp đổ hoàn toàn một căn nhà ở ấp Thới Khánh A, xã Tân Thạnh

Sạt lở làm sụp đổ hoàn toàn một căn nhà ở ấp Thới Khánh A, xã Tân Thạnh

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&MT), nhằm ứng phó với hiện tượng sụt lún, sạt lở ở ĐBSCL, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp “3 không, 1 hạn chế”.

Đó là không xây dựng, nâng cấp nhà cửa sát bờ sông và trên lòng sông kênh rạch; không khai thác trái phép cát trên sông; không chặt phá rừng ngập mặn ven biển. Còn về hạn chế, cần hạn chế các phương tiện giao thông thủy đi với tốc độ cao trên sông, tạo sóng lớn tác động vào ven bờ gây sạt lở.

UBND TP Cần Thơ đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông; trong đó tập trung vào việc xây dựng kè chống sạt lở tại các điểm xung yếu và di dời các hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ cao.

UBND TP Cần Thơ đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông; trong đó tập trung vào việc xây dựng kè chống sạt lở tại các điểm xung yếu và di dời các hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ cao.

Ngoài ra, người dân cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sạt lở như vết nứt, lún trên mặt đường ven sông, tường nhà, tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương và chủ động di dời đến nơi an toàn.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn