Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Sài Gòn sống và yêu: Salon tóc gió ở “hẻm bồn nước”, một thời để hoài niệm

Trọng Nhân - Huy Phong: Thứ ba 02/04/2024, 13:56 (GMT+7)

Liệu giờ có mấy ai còn nhớ trong con hẻm có cái tên ngồ ngộ “hẻm bồn nước” nơi đã từng có một người thợ cắt tóc già lúc nào cũng niềm nở, tươm tất với chiếc áo sơ mi, cái quần tây được ủi phẳng phiu, cùng mái tóc pha sương chấm ngang vai được buộc gọn gàng trong chiếc mũ ba rét.

Có lẽ với nhiều người vẫn có lộ trình lưu thông thường xuyên qua tuyến đường Hồ Văn Huê, Quận Phú Nhuận nơi tình trạng kẹt xe vẫn diễn ra hàng ngày. Chìm giữa dòng xe cộ đan nhau như mắc cửi cùng cái nắng oi ả của mảnh đất Sài Gòn có lẽ chẳng dễ chịu là mấy.

Thế nhưng, nếu bỏ qua những vội vã, những ồn ã của phố thị, liệu giờ có mấy ai còn nhớ trong con hẻm có cái tên ngồ ngộ “hẻm bồn nước” nơi đã từng có một người thợ cắt tóc già lúc nào cũng niềm nở, tươm tất với chiếc áo sơ mi, cái quần tây được ủi phẳng phiu, cùng mái tóc pha sương chấm ngang vai được buộc gọn gàng trong chiếc mũ ba rét. 

Ảnh minh họa: Gia đình và xã hội

Ảnh minh họa: Gia đình và xã hội

Đối với những người đã sinh sống từ lâu ở mảnh đất Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, những salon tóc vỉa hè hay còn có cái tên gọi thân thương “salon tóc gió” đã trở thành 1 nét văn hoá quá đỗi truyền thống của nơi đây. Và trong con hẻm “Bồn Nước” trên đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận cũng đã từng có một salon tóc gió như vậy, “salon tóc gió” của ông Sơn Tóc Dài (Phan Khắc Sơn, sinh năm 1950 tại Quảng Ngãi).

Giờ đây, khi ghé lại con hẻm nhỏ, nơi thuở tấm bé vẫn được cha chở lại hàng tháng để được hớt tóc, những ký ức ùa về như vừa mới hôm qua. Hoài niệm, phảng phất chút mong chờ để được gặp lại người thợ già thuở nào, thế nhưng giờ ông đã chẳng còn ở đây nữa, phần bởi cánh tay đã đau mỏi chẳng thể cầm nổi cây kéo, phần vì giờ đây cuộc sống của ông cũng đã đủ đầy, viên mãn và muốn dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi và dành cho gia đình.

Theo lời kể của một số khách ruột của ông từ thuở xưa, tôi cũng đã tìm được đến nhà riêng trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp, để trò chuyện cùng người thợ cắt tóc già thuở nào. Ghé thăm ông vào sáng sớm, phía trên ban công tầng một của căn nhà, ông vẫn đang miệt mài tưới tắm, chăm sóc cho vườn cây nho nhỏ như một niềm vui mỗi ngày của mình.

Vẫn mái tóc dài ngang lưng, khuôn mặt đôn hậu và nụ cười luôn thường trực, ông vội vã xuống để mở cửa đón tôi vào. Ngồi xuống chiếc sô pha đặt sát góc tường, ông kể lại: "Mình yêu cái nghề hớt tóc này dữ lắm. Bác đi hớt tóc, bác thấy người ta hớt, lúc đó người ta hớt có 2 đồng bạc à, bác mới thấy mình vừa đi học nghề hớt tóc có tiền mình vừa đi học. Nó không có dư lắm nhưng tạo cho cuộc sống mình nó thoải mái nên mê cái nghề hớt tóc này. Với lại, mình cũng có hoa tay nữa nên họ chỉ sơ sơ là mình hớt được liền. Mình đi học hết ông thầy này đến ông thầy khác, mỗi ông thầy mình học cái kĩ thuật người ta khác nhau thành thử mình tạo cái nghề của mình của nhiều ông thầy chứ không phải một ông thầy nên tạo nên cái nghề mình rất hoàn thiện.”

Bắt đầu gắn bó với cái nghề tay lược, tay kéo từ những ngày còn trai trẻ rồi vào quân ngũ theo lệnh tổng động viên. Đến năm 1993, ông được cho phục viên và mở tiệm tóc nhỏ trong con hẻm bồn nước. “ Salon tóc gió” của ông thời ấy cũng giản dị và đơn sơ như bao tiệm cắt tóc vỉa hè khác. Chiếc ghế tựa với lớp da cũ, sờn cùng chiếc gương bong tróc loang lổ được đặt trên cái bàn gỗ cũ kĩ nhuốm màu thời gian được đóng chắp vá, cùng vài ba chiếc kéo, lược, tông đơ sắp gọn gàng trong hộp đồ nghề cũ mèm.

Bên cạnh chỗ hớt tóc, lúc nào cũng có một quầy báo nhỏ với đủ loại báo giấy cũng được ông sắp xếp ngăn nắp theo từng ngày xuất bản để khách đọc báo trong lúc chờ đến lượt. Tròm trèn đã gần 50 năm đồng hành cùng chiếc tông đơ, giờ đây ông đã không còn tiếp tục với cái nghề mà ông tâm huyết, bởi đôi tay ấy chẳng thể chịu nổi cơn đau, mỏi mỗi khi cầm lại chiếc kéo.

Thế nhưng sâu trong đáy mắt ông vẫn chẳng thế giấu nổi sự tự hào về những điều chân phương mà ông khắc cốt ghi tâm thuở làm nghề: “Mình phải hớt sao cho đẹp để khách người ta quý mến người ta trở lại mình hớt tóc. Đặc biệt là mình phải niềm nở, vui vẻ. Cái chân phương tóc của mình là phải cho đẹp, người ta phải hài lòng, cái nào người ta không vừa ý thì mình phải sửa cho đẹp, thiệt đẹp thì khách hàng người ta mới đến liên tục.”

Ngần ấy tháng năm đồng hành cùng chiếc tông đơ, cây lược, chuốt chải cho biết bao nhiêu người, đủ các tầng lớp xã hội điều may mắn nhất đối với ông Phan Khắc Sơn không chỉ là được khách hàng quý mến mà còn được người bạn đời đã đi cùng mình suốt từng ấy thời gian vẫn luôn thấu hiểu, sẻ chia cùng ông.

Ngồi bên cạnh ông là bà Trần Thị Như, người đã đồng hành, nâng khăn, sửa túi cho ông suốt gần cả cuộc đời, đôi mắt trìu mến không dấu nổi sự tự hào vẫn dõi về phía ông, bà tâm sự: “Nói ra cũng nhờ ảnh, một con người sống có đạo đức. Cái nghề nghiệp làm không nhiều tiền nhưng mà ảnh yêu thích thì mình chấp nhận. Cô ưng chú, không phải chú giàu, có nhưng mà mình thấy chú có phúc đức. Giờ 2 vợ chồng già, không giàu có nhưng mà mình thấy mình thong thả.”

Giữa những ồn ào, xô bồ của mảnh đất Sài Gòn, có lẽ những đặc sản thuở xa xưa như những “salon tóc gió” cũng dần chìm vào lãng quên và bị thay thế bởi những salon tóc hiện đại, khang trang. Thế nhưng biết đâu, ở một góc nhỏ hay giao lộ nào đó vẫn có những người thợ hớt tóc làm cái nghề sống mãi với ký ức. Trong những bộn bề, lắng lo giữa đô thị phát triển bậc nhất cả nước, vài ba salon tóc gió vẫn còn sót lại giống như một Sài Gòn thu nhỏ, chỉ dành cho những người hoài niệm, yêu và biết thưởng thức những dư vị xưa cũ.  

SỐNG Ở SÀI GÒN: "Không khí ở đô thị phát triển"

Song hành cùng sự phát triển kinh tế của Sài Gòn - TP.HCM là bầu không khí ô nhiễm báo động bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như: khí thải từ phương tiện, cơ sở xí nghiệp hoạt động vi phạm trái phép...

Những buổi sáng mờ ảo trong "màn sương trắng" cũng xuất hiện nhiều hơn... Nếu là một người từ nơi khác đến sẽ thấy ngỡ ngàng và lo sợ, tuy nhiên đối với người dân Sài Gòn, hiện tượng ô nhiễm không khí dường như đã quá quen và trở nên bình thường trong cuộc sống hằng ngày.

TP.HCM có những ngày không khí có lớp mù khá dày - Ảnh: Tuổi trẻ

TP.HCM có những ngày không khí có lớp mù khá dày - Ảnh: Tuổi trẻ

Nói về các thành phố tại Việt Nam bị ô nhiễm không khí ở mức báo động chắc ai cũng sẽ nghĩ đến TP.HCM, một thành phố với nền kinh tế phát triển và ô nhiễm nhất nhì cả nước.

Theo thống kê của IQAir - công ty công nghệ chất lượng không khí Thụy Sĩ, vào đầu năm 2024, TP.HCM nằm trong top 10 thành phố trên thế giới có tình trạng ô nhiễm không khí ở mức cao, mức có hại cho sức khỏe. Đây không phải là lần đầu tiên TP.HCM nằm trong danh sách ô nhiễm mà không một ai mong muốn.

Về mức độ ô nhiễm, chắc những ai sống ở TP.HCM đều thấy rõ, hiện tượng bầu trời có màu trắng đục như sương mù xuất hiện dù ở bất cứ thời điểm nào trong ngày kể cả khi trời nắng gay gắt. Hiện tượng này có thời điểm kinh khủng đến mức khiến các tòa nhà cao tầng bị che khuất và việc lưu thông của các phương tiện trở nên khó khăn bởi tầm nhìn bị hạn chế.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí tại TPHCM là vì thành phố có dân số và lượng phương tiện cá nhân cao nhất cả nước, gây ra tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên và khí thải của các phương tiện cũng từ đó tăng theo. Bên cạnh đó, số lượng xe gắn máy đã quá niên hạn, cũ nát, không đảm bảo an toàn với môi trường nhưng vẫn được người dân sử dụng khiến bài toán kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí càng thêm cấp bách trong bối cảnh hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng chưa thật sự phát triển mạnh mẽ.

Ngoài ra, tình trạng không khí ô nhiễm còn đến từ việc nhiều cơ sở, xí nghiệp hoạt động sai phạm và thải ra môi trường khí thải nguy hại.

Đối với trường hợp này, tôi đã từng nhận nhiều thông tin phản ánh từ người dân và thực tế ghi nhận hàng loạt trường hợp cơ sở hoạt động các ngành nghề như: thu gom phế liệu, giặt sấy, tái chế nhựa…gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Qua đó, những cơ sở hoạt động gây ô nhiễm phần lớn có điểm chung là sử dụng công nghệ lạc hậu, dùng chất đốt công nghiệp, không có quy trình về tiêu chuẩn an toàn và đóng trú tại các vùng ven thành phố, không có giấy phép kinh doanh.

Không thể phủ nhận sự quyết liệt của các cấp chính quyền thành phố, các đơn vị có liên quan trong việc kéo giảm tình trạng ô nhiễm trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nhiều địa phương, cán bộ quản lý vẫn còn lỏng lẻo trong việc kiểm soát các cơ sở, xí nghiệp trên địa bàn, từ đó dẫn đến những cơ sở hoạt động trái phép tồn tại.

Và ngoài việc kiểm tra xử phạt những trường hợp này, về lâu dài cần có một “cuộc cách mạng” đối với các ngành nghề hoạt động tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cần xác định và tập trung các cơ sở ấy vào một cụm khu công nghiệp nhằm dễ kiểm soát, cùng với đó là hỗ trợ về trang thiết bị và cách thức vận hành tiên tiến hơn. Dẫu biết sẽ gian nan và tốn nhiều kinh phí trong việc thay đổi này nhưng thiết nghĩ đó là điều cần thiết, vì kinh tế và môi trường cần được bảo vệ và phát triển song hành cùng nhau.  

TIN YÊU

# Mới đây, TP.HCM và Thủ đô Santiago thuộc nước Cộng hòa Chile đã có buổi làm việc với nhau và nhận thấy hai địa phương có nhiều điểm tương đồng, qua đó TP.HCM mong muốn 2 thành phố sẽ cùng khai thác tối đa dư địa để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực.

Đoàn đại biểu TPHCM chụp hình lưu niệm với lãnh đạo Thủ hiến vùng đô thị Santiago, Chile

Đoàn đại biểu TPHCM chụp hình lưu niệm với lãnh đạo Thủ hiến vùng đô thị Santiago, Chile

# Sở Y tế TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM vừa phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại TPHCM theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Theo định hướng phát triển của hệ thống y tế thành phố, tương ứng với việc hình thành 3 cụm y tế chuyên sâu sẽ có 3 trung tâm cấp cứu ngoài bệnh viện (Trung tâm Cấp cứu 115) và 2 trạm cấp cứu đường hàng không , đường thủy.

# Vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đón tiếp đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên. Trao đổi tại buổi tiếp TP.HCM mong muốn đẩy mạnh thiết lập quan hệ với các địa phương của Triều Tiên trong thời gian tới.

# Theo Công an TP.HCM, số vụ tai nạn, số người tử vong và bị thương do tai nạn giao thông năm 2023 giảm sâu nhờ tăng xử lý nồng độ cồn và vi phạm tốc độ. 

 

Trọng Nhân - Huy Phong/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tận dụng tủ cáp viễn thông làm trạm sạc xe điện

Tận dụng tủ cáp viễn thông làm trạm sạc xe điện

Mới đây, công ty viễn thông hàng đầu Vương quốc Anh, British Telecom đã thể hiện sự sáng tạo của mình bằng cách “hô biến” tủ cáp điện thoại thành các trạm sạc xe điện.

Phạt nguội xe máy: Kêu khó nhiều rồi, làm đi

Phạt nguội xe máy: Kêu khó nhiều rồi, làm đi

Đề xuất phạt nguội với người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm luật giao thông đã nhiều lần được đề cập, song đều chưa thực hiện được, trong khi vi phạm với xe máy ngày càng phổ biến, TNGT liên quan đến xe máy cũng ngày càng nhiều.

Khai thác đất trái phép và những hệ lụy đau lòng

Khai thác đất trái phép và những hệ lụy đau lòng

Hơn 2 năm qua, hàng chục hecta đất ruộng của người dân ấp Láng Cơm, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang bị bỏ trống không thể dùng để làm nông nghiệp. Nguyên nhân do những đối tượng xấu thời gian trước đây đến dụ dỗ người dân với mục đích mướn và mua đất để canh tác lúa.

Tự sự của đêm: Cây cũng biết đau

Tự sự của đêm: Cây cũng biết đau

Nhà tôi ở trung tâm thành thị nhưng vị trí nằm trên vùng đất nguyên sơ, khẩn hoang gần như muộn nhất của Sài Gòn.

Sử dụng camera AI để giám sát, phát hiện hành vi nguy hiểm trên cao tốc

Sử dụng camera AI để giám sát, phát hiện hành vi nguy hiểm trên cao tốc

Tính đến hết tháng 04/2024, nước ta đã có khoảng 2000km đường bộ cao tốc. Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước, hệ thống đường bộ cao tốc cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Sốt ruột với các dự án chống ngập

Sốt ruột với các dự án chống ngập

Mùa mưa sắp đến, người dân đang hết sức sốt ruột vì các dự án chống ngập trên địa bàn TP.HCM, trong đó có dự án chống ngập 10.000 tỷ đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Rõ ràng, việc chống ngập là việc quan trọng, cần có quy hoạch và phải ưu tiên bố trí vốn.

Phụ huynh bối rối khi con sắp nghỉ hè

Phụ huynh bối rối khi con sắp nghỉ hè

Sau ngày 31/5 học sinh cả nước bước vào kỳ nghỉ hè, đây cũng là lúc các bậc phụ huynh đau đầu với việc tổ chức một kỳ nghỉ hè bổ ích, an toàn cho con em mình.