Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Ruộng lúa - bờ hoa: Mô hình nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Thanh Phê: Thứ bảy 03/12/2022, 09:18 (GMT+7)

Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đang là xu hướng hiện nay. Cách làm này không chỉ mang lại hiệu quả trong canh tác mà còn hướng đến sự an toàn cho người sản xuất lẫn người sử dụng, do không còn tâm lý chạy theo số lượng thay vì chất lượng.

Để làm được điều này, ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL nói riêng đang có nhiều nỗ lực triển khai các giải pháp.

“Ruộng lúa - bờ hoa” là mô hình đang được bà con trong HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Tuấn Tú, ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang áp dụng. Từ ngày trồng hoa, ruộng vừa đẹp, vừa ít tốn chi phí thuốc trừ sâu. Ông Thân Tuấn Linh, Giám đốc HTX, cho biết.

“Sạ định vị khoảng 4 ký giống/1.000 mét vuông, 40 ký/ha, còn sạ lan khoảng 10 ký/công tầm lớn, riêng sạ định vị không có ngã luôn, mấy vụ trước làm dịch bệnh không có luôn do có độ thông thoáng”.

Sạ lúa định vị như cấy bằng máy kéo hàng, lượng giống chỉ 4 kg/công, nông dân giảm 1/3 chi phí phân, thuốc, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, tăng lợi nhuận. Ảnh: Trung Chánh/Báo Nông nghiệp

Sạ lúa định vị như cấy bằng máy kéo hàng, lượng giống chỉ 4 kg/công, nông dân giảm 1/3 chi phí phân, thuốc, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, tăng lợi nhuận. Ảnh: Trung Chánh/Báo Nông nghiệp

Canh tác thân thiện môi trường cũng là câu chuyện của HTX Gạo sạch Tân Long, huyện Vị Thủy, Hậu Giang. Ngoài định vị với thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy”, đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh, HTX còn mạnh dạn ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Nói về quyết định táo bạo này, ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: "Chúng ta nghèo về tài chính, nghèo tất cả gì nhưng chúng ta đừng bao giờ nghèo về tư duy, đổi mới. Người nông dân hồi nào tới giờ tư duy của họ chưa thay đổi, tại vì họ làm theo kiểu truyền thống xưa giờ, họ chưa tiếp cận được cái mới, mà chúng ta phải đem cái mới cho người ta thấy được người ta mới tiếp cận được, thành ra chính chỗ đó HTX là cái nơi để cho những người đó thấy được chuyện mới, đem lại gì, tiện lợi gì cho người nông dân”.

Sản xuất lúa gạo là 1 trong 5 nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính, đây là khẳng định trong báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp vừa được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố. Các chuyên gia khuyến nghị, các địa phương cần nghiên cứu chuyển đổi nông nghiệp hướng tới sản xuất “xanh”.

Hậu Giang là một trong những địa phương có diện tích trồng lúa lớn, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho hay: Từ cuối năm 2020, tỉnh đã xây dựng Đề án sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ cho nông dân. Thách thức hiện nay là diện tích nông nghiệp bị thu hẹp và thiếu lực lượng lao động trong lĩnh vực này.

“Đối với nông nghiệp chúng tôi đặc định hướng trọng tâm phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thích ứng với với điều kiện tự nhiên của tỉnh, an toàn trước tác động của lũ, ngập úng, xâm nhập mặn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hiện đại, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính.

Giảm phát thải khí nhà kính, chúng tôi cũng tiếp tục ưu tiên các giải pháp để thực hiện có hiệu quả đề án chúng tôi đã ban hành, ngay sau khi dự án VnSAT của Ngân hàng Thế giới tài trợ kết thúc, chúng tôi sẽ đẩy mạnh đề án của Hậu Giang trong thời gian tới”, ông Tuyên nói.

Ảnh: VnBusiness

Ảnh: VnBusiness

Trong khuôn khổ dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững ở Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, hơn 184.000ha đất lúa ở ĐBSCL đã thí điểm thành công mô hình canh tác bền vững, giảm phát thải. Các thí điểm tại đồng ruộng vùng ĐBSCL cho thấy việc sử dụng công nghệ IoT - Cảm biến nước đã giúp nông dân tối ưu lượng nước, giảm tới 42% so với phương pháp ngập ruộng lúa thủ công.

Còn theo phân tích của Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế, nếu thực hiện đồng loạt các kỹ thuật tưới khô ướt luân phiên và áp dụng tối ưu kỹ thuật 1 phải 5 giảm có thể giúp ngành lúa gạo vùng ĐBSCL giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, việc tái sử dụng rơm rạ cũng đóng góp đáng kể mục tiêu này.

Mới đây, tại Hội nghị “Triển khai Đề án nâng cao năng lực HTX nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2025”, diễn ra tại thành phố Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, cho rằng:“Trong tăng trưởng xanh có 3 yếu tố, một là tăng trưởng kinh tế, hai là giảm phát thải khí nhà kính, ba là các yếu tố về mặt xã hội. Dự án này rất phù hợp có thể chuyển đổi hẳn 1 mô hình sản xuất, phương thức sản xuất trước giờ của chúng ta ở ĐBSCL rồi chuyển sang 1 hướng mới.

Đây là bước cực kỳ khó khăn, không đơn giản, làm cực kỳ khó, về nhận thức, cơ chế, chính sách. Nhưng không thể nào không làm, thời gian đến rồi. COP27 cũng khẳng định vấn đề giảm phát thải khí nhà kính đang là vấn đề toàn cầu, chúng ta làm vì đây cũng là giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, những mô hình VnSAT, 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng cần tiếp tục củng cố và nhân rộng. Cùng với đó là tập trung vào các khâu đột phá để giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn