Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Rồi sếu sẽ về

Mỹ Phụng: Thứ ba 18/10/2022, 15:07 (GMT+7)

Nếu như những năm trước, cứ mỗi độ mùa xuân sắp thì đàn Sếu đầu đỏ lại di cư từ Campuchia và Lào về sinh sống tại vườn quốc gia Tràm Chim thì hai năm gần đây, đàn sếu bỗng dưng không thấy về. Sự vắng bóng của sếu đầu đỏ khiến cho cả cánh rừng tràm trở nên buồn man mác.

Nằm giữa vùng đất trũng ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười xưa, vườn quốc gia Tràm Chim là nơi được mệnh danh là “Đồng Tháp Mười thu nhỏ” với cảnh quan sinh thái xinh đẹp nguyên sơ. Tràm Chim có hệ sinh thái rất đặc biệt với hàng trăm loài động, thực vật đặc trưng.

Trong đó, không thể không nhắc đến một loài chim hạc còn gọi là sếu đầu đỏ - loài được xem là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Thế nhưng, nếu như những năm trước, cứ mỗi độ mùa xuân sắp thì đàn Sếu đầu đỏ lại di cư từ Campuchia và Lào về sinh sống tại vườn quốc gia Tràm Chim, với số lượng có thể lên đến vài trăm cá thể, thì hai năm gần đây, đàn sếu bỗng dưng không thấy về. Sự vắng bóng của sếu đầu đỏ khiến cho cả cánh rừng tràm trở nên buồn man mác.

Ngược dòng thời gian tìm về người cũ cảnh xưa của vườn Quốc gia Tràm chim để ngắm nhìn khung cảnh đàn sếu tung tăng bay lượn và ước mơ: Rồi sếu sẽ trở về.      

Một góc Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Vnexpress

Một góc Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Vnexpress

Khi bình minh vừa ló dạng, sương mai còn đọng trên cành cây, ngọn cỏ, ngồi trên xuồng máy lướt sóng trên dòng kinh, ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên thơ mộng của vườn quốc Gia Tràm Chim sẽ khiến người ta không khỏi rung động tâm hồn.

Hai bên bờ sông, chim chóc bay đi kiếm ăn thành từng đàn, tiếng hót líu lo trầm bổng gọi bầy râm ran. Bầy le le - vịt trời cả trăm con, nghe tiếng xuồng máy đến gần, vút bay lên cao rồi dang đôi cánh hướng về cụm rừng tràm xanh thẵm phía xa. Vài con chim trích mồng đỏ tươi - lông xanh thẵm, đuôi vanh vảnh thoát ẩn, thoát hiện trong những đám cỏ năn ven bờ kinh.

Cảnh vật thanh bình, thơ mộng đến xao xuyến lòng… Đó là cảm nhận của những ai đã từng được đặt chân đến vườn Quốc gia Tràm chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Đối với những ai đã đến thăm vườn Quốc gia Tràm Chim vào những dịp xuân về cách đây nhiều năm trước sẽ còn được chiêm ngưỡng cảnh tượng đặc sắc khó quên. Đó chính là hình ảnh của đàn sếu đầu đỏ - một loài chim quý hiếm đang được thế giới bảo vệ.

Bất chợt một thoáng như mơ, như thực, bắt gặp ẩn hiện trước cảnh bao la của đất trời Đồng Tháp mênh mông đầy nước, những cánh hạc chấp chới, nhẹ nhàng như những áng mây bồng bềnh, rồi thả cánh xuống Tràm Chim - giữa đồng nước có lõm rừng tràm nguyên thủy - nơi trú ngụ của những “nữ hoàng sếu” và các loài chim muông quý hiếm....

Hồi tưởng lại lần đi Tràm Chim vào năm 1990, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL không quên đàn sếu với gần 1000 con sải cánh bay, kiếm ăn và nhảy múa trên đồng nước như một vũ khúc thần tiên khiến người xem phải nao lòng.

Nhớ đến lần đi “rình” đàn sếu, ông Thiện kể: "Có một lần 5 giờ sáng, tôi ngồi “phục kích” sếu cùng với ông George Archibald, Giám đốc và người sáng lập Hội sếu quốc tế, là người bỏ ra cả đời để bảo tồn sếu trên khắp thế giới. Ông ta nghe tiếng Sếu kêu và nói là 2 phút nữa đàn sếu sẽ cất cánh, khởi hành từ bãi ngủ sang bãi ăn. Quả là đúng như vậy, tôi nể phục quá. Sau đó ông dạy tôi tập nghe ngôn ngữ của sếu. Tiếng hót nào là tiếng hót cặp đôi, tiếng nào là cảnh báo, tiếng nào là gọi đàn đi ăn, đi ngủ… Sáng sớm thấy bầy sếu mấy trăm con đứng trên đồng thì như một đoàn quân vì sếu to lắm. Sếu cất cánh và đáp nhìn rất đẹp. Khi đàn sếu bay đến, có khi còn khuất trong mây thì đã nghe tiếng".

Hàng năm, đàn sếu thường từ Campuchia bay về vườn quốc gia Tràm Chim kiếm ăn, trú ngụ từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau rồi mới rời đi. Quãng thời gian này, vườn cũng thu hút khách du lịch đến chiêm ngưỡng, chụp hình loài chim quý hiếm. Thế nhưng, điều đáng buồn là sau hơn 30 năm gắn bó, năm nay là lần thứ hai loài chim quý hiếm sếu đầu đỏ không về vườn quốc gia Tràm Chim khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối:

"Đến Tràm Chim mà không có sếu thì như là đến nhà người bạn thân thiết mà bạn ấy không còn ở đó nữa vậy. Cảm giác y như thế. Sếu là loài chỉ thị môi trường, không thấy sếu thì chúng ta biết là môi trường có vấn đề. Sếu về Tràm Chim nhiều ý nghĩa lắm. Nói tới Tràm Chim là nói tới sếu. Sếu là loài biểu tượng cho Tràm Chim, không có sếu thì Tràm Chim mất biểu tượng".

Là người gắn bó nhiều năm với vườn Quốc gia Tràm Chim, ông Trần Hào Hiệp - Giám đốc Trung tâm bảo tồn và hợp tác quốc tế thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim xem khu vườn như ngôi nhà và sếu như những người thân, hàng năm, đến ngày đoàn tụ nhưng lại vắng bóng khiến ông cũng đứng ngồi không yên:

"Sếu trong 2 năm vừa qua và các năm vừa qua về giảm dần nói chung đối với người công tác gắn bó Vườn quốc gia cũng trên 15 năm thì sếu không về thì thấy như thiếu thiếu cái gì đó. Như hàng năm sếu về mà tới ngày sếu mà mình thấy không về cái mình cũng ngóng trông chờ đợi", ông Hiệp nói.

Theo Hội Sếu quốc tế, ước tính toàn thế giới có 15.000-20.000 sếu đầu đỏ, trong đó 8.000-10.000 con phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan. Ở các nước Đông Dương (chủ yếu Việt Nam và Campuchia), từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 sếu đầu đỏ, song đến năm 2014 còn 234 con, năm 2020 ước tính còn 179 cá thể.

Lý giải nguyên nhân sếu không về Vườn quốc gia Tràm Chim trong 2 năm nay, ông Trần Hào Hiệp - Giám đốc Trung tâm bảo tồn và hợp tác quốc tế thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim cho rằng đây là hệ quả của biến đổi khí hậu toàn cầu nhức nhối: "Những năm vừa rồi ảnh hưởng rất nhiều về biến đổi khí hậu. BĐKH theo các chuyên gia nhận định là số lượng sếu cả thế giới đều giảm Đông Dương cũng giảm nên Việt Nam cũng vậy. Cái thứ hai cũng theo các nhà khoa học nhận định là do ảnh hưởng của môi trường bị suy thoái cũng làm tác động không kém".

Thêm một góc nhìn khác, chuyên gia sinh thái Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, thức ăn ưa thích nhất của sếu đầu đỏ ở Tràm Chim là củ năng kim, thế nhưng tại các khu bảo tồn, việc trữ nước phòng chống cháy rừng làm giảm đa dạng sinh học nhất là đồng cỏ năng không ra củ được, vì thế sếu không còn thức ăn nên không về.

Ông Thiện tâm tư: "Khi môi trường còn tốt thì còn có sếu. Khi không có sếu thì ta biết môi trường có vấn đề. Cụ thể, do sợ cháy rừng tràm, nước được giữ cao quanh năm trong mùa khô nên đồng cỏ không có xanh tươi mà mục rữa, nước tù đọng. Cái nghịch lý là về mặt sinh thái thì rừng tràm và đồng cỏ có bị cháy cũng không sao cả, nó sẽ được làm tươi mới lại khi mùa mưa đến và phục hồi tốt. Nhưng vì Tràm Chim bị ràng buộc bởi hệ thống pháp lý của Rừng Đặc Dụng không cho phép cháy nên hệ sinh thái bị chết ngộp trong nước cao quanh năm".

Đàn sếu trong lần di cư về vườn quốc gia Tràm Chim những năm gần đây. Ảnh: Vnexpress

Đàn sếu trong lần di cư về vườn quốc gia Tràm Chim những năm gần đây. Ảnh: Vnexpress

Sếu đầu đỏ là một loài động vật có giá trị cao về thẩm mỹ và sinh học. Đây là loài chim cao nhất trong số các loài chim biết bay trên trái đất. Loài chim này dễ dàng được nhận ra bởi hầu hết cơ thể của chúng là màu xám bạc ánh thép, khi trưởng thành thì đầu, cổ trụi lông và có một màu đỏ rất nổi bật, đồng thời có vằn trên cánh, và đuôi một màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu màu xanh sừng, chân đỏ. Chim non có bộ lông màu sẫm hơn. Sếu đầu đỏ trưởng thành cao khoảng 1.5 - 1.8m; sải cánh từ 2.2 - 2.5m và có trọng lượng trung bình 8 - 10kg.

Sếu đầu đỏ còn là sứ giả của môi trường, Sếu sống hiền hòa, chung thủy, đoàn kết… tượng trưng cho sự thanh cao và thánh thiện. Đặc biệt, tiếng bầy Sếu gọi đàn như khúc nhạc giao hưởng giữa cánh đồng năng bạt ngàn, và vũ điệu thướt tha của chúng dưới ánh hoàng hôn khiến ai nấy đều mê mẩn. Không còn sếu cả khu vườn cũng trở nên vắng lặng hơn. Chỉ mong một ngày nào đó đàn sếu lại trở về ngôi nhà Tràm Chim thân thuộc.

Để mong ước ấy thành hiện thực thì việc tìm cách để bảo tồn đàn sếu tự nhiên là cấp bách và cần thiết: "Muốn phục hồi lại như xưa thì phải có chương trình liên quốc gia, phục hồi môi trường ở tất cả các nơi mà sếu di chuyển trong năm thì mới được. Có sếu và có môi trường thì sếu mới về".

Số liệu quan trắc hằng năm cho thấy đàn sếu đã giảm hơn 80% số lượng trong 10 năm trở lại đây, hiện chỉ còn khoảng 160 cá thể sếu, tỷ lệ giảm trung bình 8%/năm. Để bảo tồn, phục hồi đàn sếu thời gian qua Nhà nước và chính quyền địa phương, các ban ngành cũng đã nỗ lực chung tay tìm nhiều giải pháp căn cơ.

Ông Trần Hào Hiệp - Giám đốc Trung tâm bảo tồn và hợp tác quốc tế thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim bày tỏ: "Mình làm thế nào để mình có nguồn thức ănm nguồn thức ăn chính của sếu là năng kim mình sẽ phục hồi và mở rộng khu thức ăn để sếu có thể trở về. Vừa qua cũng được sự quan tâm của tỉnh xây dựng dự án phục hồi sếu năm 2022-2032. Dự án được các chuyên gia trong hội Sếu quốc tế cũng tham gia hỗ trợ Tràm Chim.

Đây dự án có nhiều nội dung, hạng mục. Thứ nhất là đi học hỏi những kinh nghiệm của nước bạn. Thứ hai là tổ chức các buổi tập huấn để tiếp cận mô hình nuôi sếu. Xây dựng vùng đệm của vùng để chim cò bay ra đó thì cũng không bị ảnh hưởng. Thứ ba là phục hồi lại những bãi sếu mà trước đây sếu từng về. Đó là những giải pháp căn cơ để bảo tồn, phục hồi sếu đầu đỏ".

Để một ngày nào đó, mọi người lại được nhìn thấy hình ảnh của sếu bay lượn chập chờn, múa hót vang trời trên vùng đất Tràm Chim thì cần có sự quyết tâm cao của những người làm công tác bảo vệ sếu và của cả cộng đồng. Người ta hay có câu: “Đất lành chim đậu”.

Một khi Tràm Chim được vun đắp thành vùng đất hứa ngọt ngào với sếu, ắt rằng, rồi một ngày đàn sếu sẽ lại về!

Mỹ Phụng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Giao thông 'nóng' từ trước giờ cao điểm

Nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Giao thông "nóng" từ trước giờ cao điểm

Trưa và chiều 26/4, nhiều tuyến đường ở Hà Nội và TP.HCM đã "nóng" dần lên khi nhiều người dân bắt đầu rời khỏi thành phố để về quê, đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Muôn kiểu nghỉ lễ

Muôn kiểu nghỉ lễ

Không nghỉ lễ cũng không về quê với gia đình, những năm trở lại đây, nhiều người đã chọn cách đi làm xuyên các kỳ nghỉ lễ để tăng thêm thu nhập, tích lỹ kinh nghiệm hay đơn giản là được làm các công việc mình yêu thích.

TP.HCM: Nhiều nguy hiểm trên đường Nguyễn Văn Quỳ khiến người dân bất an

TP.HCM: Nhiều nguy hiểm trên đường Nguyễn Văn Quỳ khiến người dân bất an

Gần đây, người dân sống tại chung cư LuxGarden trên đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, quận 7 (TP.HCM) phản ánh ban đêm đoạn đường thiếu đèn chiếu sáng và có nhiều container đậu ngổn ngang. Thêm vào đó, khu vực này có rất nhiều chó thả rông tấn công người dân mỗi khi đi qua khiến không ít người té ngã.

Xử lý shipper “tung hoành” trên đường phố

Xử lý shipper “tung hoành” trên đường phố

Sở GTVT TP.HCM vừa đề nghị các đơn vị tăng cường xử lý shipper vi phạm giao thông. Người dân thủ đô cũng mong muốn tương tự trước tình trạng shipper thường xuyên chở, móc hàng hóa cồng kềnh; dừng đỗ, giao nhận hàng chiếm dụng lòng, lề đường...

Người lao động vất vả trong cái nắng đầu hè

Người lao động vất vả trong cái nắng đầu hè

Những ngày cuối tháng Tư, chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, thời tiết trở nên oi bức hơn, dù mới chỉ chớm đầu hè. Nền nhiệt ngoài trời dao động trong khoảng xấp xỉ 40 độ C, có thời điểm cao hơn, khiến sinh hoạt người dân vất vả hơn, dù trước đó vài ngày tiết trời cuối xuân vẫn còn mát dịu

Vi phạm nồng độ cồn giảm sâu, không vì thế mà chủ quan

Vi phạm nồng độ cồn giảm sâu, không vì thế mà chủ quan

Thời gian gần đây, nhiều chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn ghi nhận số trường hợp vi phạm đã giảm hẳn, thậm chí có chốt không phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự giảm này mới chỉ là tạm thời do lực lượng chức năng kiểm tra xử lý thường xuyên.

Nhà ở lưng chừng dốc

Nhà ở lưng chừng dốc

Ở Hà Nội có nhiều con ngõ dốc khá đặc biệt, nối lên các đường đê quai. Những con ngõ dốc vốn nhỏ bé và yên bình, khuất lấp dưới mặt đường đê được tôn cao nên lại càng khiêm tốn trong sự chú ý của mọi người.