Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Tài chính - Thị trường

Quỹ bình ổn xăng dầu: Đã đến lúc “dỡ bỏ”? (Phần 2)

Như Ngọc - Thùy Linh: Thứ bảy 13/04/2024, 08:25 (GMT+7)

Chiều qua (11/4), Kênh VOV Giao thông đã phân tích về hoạt động của Quỹ bình ổn xăng dầu trong những năm qua.

Thời gian qua, hàng loạt vi phạm của "ông lớn" trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và những vi phạm pháp luật liên quan đến việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được Thanh tra chính phủ kết luận. Liệu đã đến lúc bỏ Quỹ hay chưa? Nếu vẫn giữ thì cần cơ chế quản lý ra sao?

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1.2024 của Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu một thông tin rất được dư luận quan tâm là Bộ này tiếp tục lấy ý kiến để đưa ra các đề xuất phù hợp liên quan đến việc bỏ hay giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản Quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, với số tiền là 7.927 tỉ đồng. Vậy nên giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu? Ý kiến của chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh:

"Từ cả mặt lý thuyết về tham gia điều hành cũng như thực tiễn chúng tôi cho rằng để quỹ bình ổn tiếp tục là cần thiết. Tuy nhiên trong thời gian qua việc sử dụng trích lập quỹ còn nhiều vấn đề và chúng ta phải dần đưa vào nề nếp để từ đó chấm dứt tình trạng lợi dụng các quỹ này trong hoạt động của thị trường".

Empty

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng trước mắt vẫn cần duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu. Việc sử dụng quỹ sai mục đích thì cần phải cải tiến việc trích lập, quản lý, sử dụng quỹ một cách chặt chẽ hơn, minh bạch hơn. Còn để bỏ được Quỹ cũng cần thêm các yếu tố khác:

"Việc có nên bỏ Quỹ bình ổn giá hay không thì tôi nghĩ là chúng ta nên bỏ khi mà chúng ta thực hiện cơ chế tự do hoá giá xăng dầu, và khi đó thì chúng ta điều hành trên thị trường này chủ yếu bằng các biện pháp như điều hòa cung cầu hay là các công cụ thuế, phí, vốn, lãi suất, nó tác động vào hoạt động của thị trường xăng dầu".

Như vậy, theo ông Thoả thì quỹ này vẫn cần thiết trong ngắn hạn và cần cải tiến việc trích lập và chi Quỹ bình ổn khác với bây giờ. Tức là phải quy định rõ thu mua để trích lập thì chỉ thu để trích lập quỹ khi giá thị trường xuống thấp; khi chi không nên vừa chi và vừa trích lập Quỹ. Cần quy định rõ ràng ở điểm này và cần bám sát quy định của Luật giá:

"Tôi nghĩ là phải bám sát quy định của Luật giá. Tức là gì, đây là mặt hàng bình ổn giá, thì khi nào Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá thì anh phải có công bố là trong thời gian này do giá thị trường thế giới tăng cao, do giá xăng dầu trong nước tăng cao… cho nên Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá cần thiết, trong đó có việc chi QBOG xăng dầu.

Chứ còn trong thời gian vừa qua chúng ta chi cứ đều đều, đều đều và nó không theo quy định của Luật giá thì không được. Và cái chi Quỹ để bình ổn giá nó có thời hạn nhất định, khi nào hết thời gian bình ổn giá thì phải công bố bãi bỏ việc sử dụng Quỹ để cho thị trường vận hành bình thường".

Empty

Tuy nhiên, với những bất cập thời gian qua liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nhận định với cách làm như hiện nay rất dễ tạo ra vùng xám trong quá trình trích lập quỹ, xả quỹ cũng như quá trình xin bù quỹ cũng dễ tạo ra tham nhũng gian lận trong quá trình quản lý quỹ này. Do đó, ông kiến nghị cần thiết phải bỏ ngay Quỹ này và hình thành thể chế quản lý giá theo hướng mới như lập quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia:

"Nếu muốn lập quỹ bình ổn định thì hãy lập quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia, an ninh xăng dầu quốc gia. Nó dựa trên ngân sách nhà nước nó dựa trên các nguồn khác và trích lập tập trung do nhà nước hoặc một tổng công ty riêng nào đó quản lý để nó đảm bảo tách bạch sự tách biệt giữa cơ chế quản lý thương mại và cơ chế quản lý chính sách mà hiện nay các đầu mối thương mại xăng dầu đang phải đảm nhiệm cùng lúc. Đặc biệt tránh được những vùng tối, những cái thiếu sót, những cơ hội cho tham nhũng".

TS Nguyễn Minh Phong cũng ví dụ về mô hình quản lý xăng dầu của Mỹ. Ông đánh giá đây là một trong những mô hình khá chuẩn bởi Quỹ bình ổn xăng dầu quốc gia là mua vào bán ra xăng dầu vật chất. Nó sẽ tác động thực sự chứ không phải cách chúng ta đang làm hiện nay.

Liên quan tới câu chuyện Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và chuyên gia cho rằng càng chấm dứt sớm hoạt động của Quỹ sẽ tốt cho thị trường. Đồng thời nên xây dựng phương án quản lý mới, lấy ý kiến phản biện một cách rộng rãi khoa học.

Như Ngọc - Thùy Linh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn