Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Phát triển đô thị, làm gì để thích ứng?

Thanh Phê: Thứ sáu 28/07/2023, 09:09 (GMT+7)

Theo các chuyên gia, chất lượng quy hoạch đô thị hiện nay chưa cao, phát triển đô thị chưa thực sự bền vững, gây lãng phí về đất đai, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị ngày càng diễn biến phức tạp, khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu của các đô thị còn thấp.

Vùng ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh. Nhưng, đây cũng là vùng đang chịu tác động lớn về thiên tai và BĐKH, được cảnh báo là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới.

Một số nghiên cứu dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển dâng từ 0,5-1m, kéo theo khoảng 39% diện tích, 35% dân số ĐBSCL chịu ảnh hưởng. Toàn bộ 13 tỉnh, thành phố tại ĐBSCL đều có nguy cơ ngập, trong đó một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên (Kiên Giang), TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và TP. Cần Thơ.

Tại Hậu Giang, sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, hệ thống đô thị của tỉnh đã thay đổi rõ nét theo hướng phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Để từng bước cụ thể hóa các nội dung phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án “Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Ngã Bảy.

Hiện nay, dự án đã được HĐND tỉnh Hậu Giang thông qua chủ trương đầu tư dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.211 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay AFD và vốn đối ứng của tỉnh, thời gian thực hiện năm 2023 - 2026.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ: Nguồn vốn để đầu tư phát triển đô thị thì nó đòi hỏi rất lớn. Thứ hai là ý thức của người dân, phần ý thức của người dân thì chúng tôi có thể làm chuyển biến tốt được trong thời gian ngắn, nhưng về nguồn vốn chúng tôi phải đòi hỏi nguồn vốn nó kể cả từ nhà nước, kể cả từ các tổ chức quốc tế và kể cả những người dân hưởng thụ trong vấn đề này. Đây là vấn đề mà chúng tôi thấy rằng còn rất khó khăn. Và chúng tôi hướng đến để tập trung làm sau huy động được tất cả nguồn vốn đó vào phát triển các khu đô thị Hậu Giang trong thời gian sắp tới.

Đoàn công tác đã tham quan thực địa dự án tại Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Ngã Bảy. (Nhật Minh - Mekong FM)

Đoàn công tác đã tham quan thực địa dự án tại Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Ngã Bảy. (Nhật Minh - Mekong FM)

Đối với Cần Thơ, thành phố đã sớm triển khai kế hoạch thực hiện các chiến lược, chương trình về tăng trưởng xanh cùng chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH. Mục tiêu chính là kịp thời trang bị và nâng cao nhận thức từng người dân, doanh nghiệp, chính quyền, nhà khoa học, cùng nhau xây dựng cho chính mình kế hoạch ứng phó để tồn tại và phát triển.

Các vấn đề như tác động của đô thị hóa và biến đổi khí hậu vừa là mối đe dọa, vừa tạo động lực liên kết mạnh mẽ với nhau chặt chẽ hơn… thành phố đang được tài trợ vốn ODA thực hiện một số dự án liên quan đến thích ứng BĐKH như: Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (vốn ODA từ WB và SECO); Dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó BĐKH TP Cần Thơ vốn vay từ AFD.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ, cho biết: Một là nâng cao những khu mới, còn những khu cũ chúng ta tính toán vấn đề khép kín để xử lý không cho nước tràn vào và sử dụng hồ điều hòa. Với các giải pháp của thành phố Cần Thơ hiện nay, chúng tôi đang thực hiện như thế. Còn trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện với các đồ án quy hoạch của mình làm sao luôn luôn thích ứng với BĐKH, giảm thiểu rủi ro, tác hại của ảnh hưởng BĐKH đến đời sống người dân và sự phát triển của thành phố.

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), giải pháp thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL là phải kiến tạo không gian cho nước. Phương châm sống chung với lũ, cộng với trị thủy và xác định cả phần mềm và phần cứng cũng như có giải pháp công trình và phi công trình, phân tán tập trung.

Thích nghi và giảm thiểu rủi ro, đa ngành và đơn ngành dài hạn và cục bộ: Chúng ta cần tiếp tục xem xét với các giải pháp thích ứng với BĐKH của vùng này với mô hình phát triển hệ thông đô thị nông thôn kết hợp phi tập trung và tập trung “nén” - chủ động “dành chỗ cho nước”. Đây là nội dung hết sức quan trọng, đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái và cấu trúc sông, kênh, rạch hiện có; chọn đất phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn tính đến tác động của BĐKH; lồng ghép giải pháp phát triển hạ tầng kĩ thuật với giải pháp phát triển giao thông - thủy lợi; liên kết đô thị nông thôn theo tiểu vùng ngập

Chia sẻ tại Hội thảo về Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng ĐBSCL được tổ chức mới đây ở Hậu Giang, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết, các định hướng lớn được đặt ra, bao gồm phát triển hệ thống đô thị ĐBSCL theo hướng phân bố hợp lý tại các vùng đô thị, dọc theo các hành lang phát triển chính của vùng; mô hình đô thị sinh thái, nén, thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo ông Hiển, ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa trên yếu tố thuận thiên: Phải chú trọng bảo vệ không gian xanh, hạ tầng xanh và coi đó là phương án không hối tiếc. Đồng thời, gắn kết với nông nghiệp xanh bền vững. Phải có một số mô hình thí điểm, sau đó nhân rộng và lựa chọn phù hợp với các đô thị phù hợp với đặc điểm chung về hạ tầng, điều kiện nhân lực, văn hóa – xã hội. Ngoài ra, phía Giám đốc AFD và các chuyên gia có nhiều dự án để hỗ trợ cho các địa phương trong vùng trong thời gian tới….

Rõ ràng, phát triển đô thị là xu hướng tất yếu giúp thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, việc phát triển cần có những bước đi phù hợp, đặc biệt, các tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL cần có cách tiếp cận được ưu tiên trong bối cảnh đô thị phát triển mạnh mẽ và có những điều chỉnh cần thiết để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Tốc độ đô thị hóa tại các địa phương ở ĐBSCL diễn ra khá nhanh đã góp phần nâng cao vị thế vùng nói chung và từng đô thị nói riêng, tạo nền tảng quan trọng giúp các địa phương trong vùng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thành phần dân cư. Tuy nhiên, việc phát triển này cũng đồng thời, đặt ra yêu cầu thích ứng BĐKH để đảm bảo các yếu tố cho một đô thị bền vững, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững toàn khu vực. 

***

Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, đem đến cho cư dân môi trường sống an toàn, lành mạnh, để sinh sống và làm việc là mục tiêu của các địa phương trong cả nước nói chung và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói riêng. Đối với phát triển đô thị vùng ĐBSCL, Nghị quyết số 06 ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra yêu cầu phải tăng mật độ đô thị và ưu tiên đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với BĐKH của các đô thị.

Số liệu từ Bộ Xây dựng, hiện nay, ĐBSCL có 174 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 31%, tăng 4,6% so với năm 2015. Các định hướng lớn được đặt ra, bao gồm phát triển hệ thống đô thị ĐBSCL theo hướng phân bố hợp lý tại các vùng đô thị, dọc theo các hành lang phát triển chính của vùng; mô hình đô thị sinh thái, nén, thích ứng biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những lợi thế thì việc là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đặt các địa phương trong vùng trước sự lựa chọn. Phát triển đô thị phải áp dụng cách tiếp cận toàn diện, có hệ thống và tính tới toàn lưu vực sông trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị cũng như quản lý rủi ro thiên tai. Đây là câu chuyện không dễ, nhưng nếu có sự nghiên cứu và thực hiện một cách bài bản thì hoàn toàn có thể.

Điểm sáng của phát triển đô thị tại ĐBSCL thời gian qua, có thể kể đến tỉnh Long An đã xây dựng bản đồ ngập lụt, lũ quét và sạt lở; tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đã xây dựng Atlas phân vùng khí hậu, lập bản đồ tỉnh; TP. Cà Mau đã xây dựng Atlas Đô thị-Khí hậu, v.v…Nhiều cụm, tuyến dân cư vượt lũ đã và đang triển khai giúp ổn định chỗ ở cho người dân trong vùng được sống an toàn, ổn định và từng bước phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm tránh được nguy cơ lũ lụt và sạt lở và tạo nên các khu dân cư khang trang, văn minh. Các giải pháp bảo vệ nguồn nước, vệ sinh môi trường, xây dựng khung pháp lý cũng được các địa phương tính đến và thực hiện bài bản gắn với quy hoạch quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm tính đồng bộ chung của hệ thống hạ tầng vùng và hạ tầng các đô thị trong trong vùng.

Biến đổi khí hậu là câu chuyện chung của nhiều quốc gia nhưng không vì thế mà làm chậm đi sự phát triển đô thị. Việc chủ động, sáng tạo trong cách xây dựng quy hoạch và phát triển đô thị của các địa phương ĐBSCL được kỳ vọng không chỉ thay đổi bộ mặt toàn vùng và còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, giảm đến mức thấp nhất những tác động của biến đổi khí hậu./.

 

Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
[Cập nhật Bão số 3] Đến trưa 08/9, khu vực Hà Nội tương đối an toàn

[Cập nhật Bão số 3] Đến trưa 08/9, khu vực Hà Nội tương đối an toàn

Đến 07h sáng mai (8/9) bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h trên đất liền phía Tây Bắc Bộ với cường độ cấp 6-7, giật cấp 9-10. Khu vực vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc bộ cảnh báo rủi ro thiên tai ở cấp độ 3.

Nỗi lo kẹt xe khi sửa chữa cầu Long Thành

Nỗi lo kẹt xe khi sửa chữa cầu Long Thành

Ngay sau kỳ nghỉ Lễ Quốc Khánh 2/9, đơn vị quản lý vận hành tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây đã có thông báo về việc triển khai sửa chữa khe co giãn trên cầu Long Thành – một trong những điểm nóng về tình trạng ùn ứ giao thông thời gian qua.

Hà Nội: Mưa bão lưu thông qua cầu vượt sông, đường trên cao như thế nào?

Hà Nội: Mưa bão lưu thông qua cầu vượt sông, đường trên cao như thế nào?

Để ứng phó, hạn chế thiệt hại do cơn bão số 3, nhiều địa phương đã có phương án tổ chức giao thông, hạn chế phương tiện lưu thông trên những cây cầu, tuyến đường có nguy cơ ảnh hưởng bởi mưa bão.

Hà Nội: Hàng trăm cây xanh gãy đổ do ảnh hưởng của bão số 3

Hà Nội: Hàng trăm cây xanh gãy đổ do ảnh hưởng của bão số 3

Do ảnh hưởng của bão số 3, hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến đường Hà Nội bị đỗ gẫy ra đường gây cản trở giao thông.

Hà Nội: Ô tô 'bủa vây' lòng đường, vỉa hè khu chung cư

Hà Nội: Ô tô 'bủa vây' lòng đường, vỉa hè khu chung cư

Tình trạng ô tô dừng, đỗ trái phép, gây ùn tắc giao thông và mất an toàn xung quanh các khu đô thị ở thủ đô Hà Nội không còn là chuyện mới, dù lực lượng chức năng thường xuyên ra quân xử lý nhưng vi phạm vẫn tái diễn khiến cư dân bức xúc.