Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Phạt lao động công ích: Cần chuẩn bị gì để thực thi?

Quách Đồng: Thứ năm 29/05/2025, 14:53 (GMT+7)

Hình phạt lao động công ích đối với các hành vi vi phạm giao thông đã nhiều lần được đặt ra. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề xuất đưa hình phạt bổ sung này để áp dụng cho các vi phạm giao thông.

Vậy cần quy định ra sao? Cần chuẩn bị những gì để áp dụng được hình phạt này?

Dù ý thức chấp hành của người dân thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng “nhờn luật”. (ảnh: Phúc Tài)

Dù ý thức chấp hành của người dân thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng “nhờn luật”. (ảnh: Phúc Tài)

Không ít lần chứng kiến người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, chị Nguyễn Thị Tuyến (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) rất đồng tình với việc bổ sung hình phạt lao động công ích với một số vi phạm giao thông. Bởi thực tế, việc tăng mức xử phạt theo nghị định 168 vừa qua, vẫn chứng kiến nhiều hành vi vi phạm:

"Người ta phải nhận thức được rằng đây là một hành vi vi phạm pháp luật. Mà để người ta nhận thức được thì rõ ràng phải có một chế tài, ở đây anh đi ra lao động công ích, nó liên quan tới sĩ diện và với rất nhiều người, đó là một cái rất quan trọng và do vậy, tôi rất ủng hộ biện pháp này".

Một số người tham gia giao thông cũng bày tỏ, việc bổ sung hình phạt lao động công ích với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông là cần thiết để tăng sức răn đe:

"Em nghĩ là cũng ổn. Camera, mọi thứ đều có thể quản lý chặt vấn đề đấy. Như bên Trung Quốc, người ta cho đi lao động công ích thì hệ thống camera sẽ quản lý được những người đấy".

"Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính ở thời điểm hiện tại đã giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông rồi. Tuy nhiên vẫn còn một số những người cố tình vi phạm thì em nghĩ phạt lao động công ích là khả thi".

Thực tế qua 3 tháng áp dụng nghị định 168/2024 cho thấy, dù mức phạt tiền đã tăng đáng kể, song vẫn có hơn 728 nghìn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đáng chú ý, theo đánh giá của Cục CSGT, Bộ Công an, dù ý thức chấp hành của người dân thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng “nhờn luật”.

Bởi vậy, tại Hội nghị tổng kết quý I của UBATGTQG, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu Bộ Công an, Bộ Xây dựng nghiên cứu, bổ sung hình thức phạt lao động công ích với một số hành vi vi phạm giao thông:

"Sắp tới, với những trường hợp này ngoài xử phạt tiền thì cái ý thức đó tôi đề nghị sử dụng các hình thức xử phạt bổ sung bằng cách cho ra lao động công ích, đưa tất cả người vi phạm này ra trước công chúng".

Việc bổ sung hình thức phạt lao động công ích là rất cần thiết, đặc biệt là với những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT:

Việc bổ sung hình thức phạt lao động công ích là rất cần thiết, đặc biệt là với những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT:

Là người gắn bó nhiều năm với việc giám sát, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho rằng, việc bổ sung hình thức phạt lao động công ích là rất cần thiết, đặc biệt là với những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT:

"Những hành vi nguy hiểm cho xã hội, ví dụ: Chở quá số người quy định đối với xe khách, đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, dừng đỗ xe trên đường cao tốc, những hành vi lạng lách, đánh võng trên đường, che biển số, gắn biển số không đúng, vượt đèn đỏ… thì những việc đó nên có chế tài xử phạt, ngoài những hình thức phạt tiền có thể kèm theo phạt lao động công ích, coi đấy là hình phạt bổ sung. Mà lao động công ích phải đưa vào Luật, tối đa là bao nhiêu ngày, tối thiểu bao nhiêu ngày và lao động công ích là cái gì…".

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Hà Nội), lao động công ích là hình phạt phổ biến ở nhiều quốc gia nhằm thay thế một phần cho các hình thức xử phạt mang tính trừng phạt thuần túy như phạt tiền hay tạm giữ phương tiện.

Tại Việt Nam, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 chưa có quy định chính thức về hình phạt lao động công ích, nên vẫn chưa thể áp dụng rộng rãi trong thực tiễn xử lý vi phạm hành chính ở Việt Nam. Bởi vậy, để thực hiện được việc xử phạt lao động công ích với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, trước hết, cần bổ sung quy định này trong Luật Xử lý vi phạm hành chính:

"Để hướng tới áp dụng hiệu quả, Việt Nam cần, thứ nhất phải hoàn thiện khung pháp luật về lao động công ích trong pháp luật xử phạt vi phạm hành chính; Thứ hai đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ sở về tổ chức thực hiện. Thứ ba là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội và ý nghĩa giáo dục của lao động công ích. Việc cải cách xử phạt không chỉ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, mà còn góp phần xây dựng xã hội công bằng, văn minh và nhân văn hơn".

PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội cũng cho rằng, để thực thi hình thức xử phạt bổ sung này, trước hết cần hoàn thiện khung pháp luật, có hướng dẫn cụ thể về hình thức xử phạt, đơn vị thực thi, không gian thực thi… một cách rõ ràng, minh bạch:

"Chúng ta phải có cái không gian công cộng của các hoạt động công ích để người lao động có nơi để người ta hoàn thành quy định mà người ta phải hoàn thành, tránh trường hợp nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ lưỡng thì nó chỉ là hình thức, làm cho có thôi và như thế thì đâu vẫn hoàn đó".  

Thực tế, một số nước như Singapore, hay ở Mỹ đã áp dụng mô hình “dịch vụ cộng đồng” cho người vi phạm luật giao thông, đặc biệt là thanh thiếu niên hoặc người phạm lỗi lần đầu. Điểm chung ở các quốc gia này là lao động công ích không chỉ mang tính răn đe, mà còn tạo cơ hội giáo dục lại ý thức công dân, giúp người vi phạm nhận thức rõ ràng hành vi của mình có hại không chỉ cho bản thân mà còn cho xã hội.

Hình phạt lao động công ích của một nhóm đua xe tại trụ sở UBND xã Ia Pết (huyện Đắk Đoa - Gia Lai). (Ảnh: Công an TP.HCM)

Hình phạt lao động công ích của một nhóm đua xe tại trụ sở UBND xã Ia Pết (huyện Đắk Đoa - Gia Lai). (Ảnh: Công an TP.HCM)

Ở một số nước trên thế giới, việc buộc lao động công ích khi vi phạm giao thông đã được sử dụng một cách hiệu quả để tăng tính răn đe. Ở Việt Nam, dù mức phạt tiền đã tăng đáng kể, song vẫn xuất hiện tình trạng “nhờn luật”. Bởi vậy, việc bổ sung hình thức phạt lao động công ích là cần thiết để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: Khi phạt tiền là chưa đủ.

 

Trong vòng chưa đầy 10 năm, mức xử phạt vi phạm giao thông đã 3 lần được điều chỉnh, theo hướng tăng nặng mức phạt tiền, từ Nghị định 46/2016, nghị định 100/2019 và đặc biệt là Nghị định 168/2023 đã tăng rất mạnh mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm giao thông. Tuy vậy, sau một thời gian, tình trạng tái phạm vẫn diễn ra, tình trạng vượt đèn đỏ, lấn làn, đi ngược chiều, vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông - những hành vi không chỉ coi thường pháp luật, mà còn trực tiếp đe dọa đến tính mạng người khác.

Điều này đặt ra câu hỏi: chỉ tăng tiền phạt liệu đã đủ?

Trong bối cảnh đó, đề xuất bổ sung hình phạt lao động công ích cho một số hành vi vi phạm giao thông đang gây nhiều chú ý.

Hình phạt lao động công ích vốn không mới, bởi đã được quy định tại Điều 36 Bộ luật Hình sự về cải tạo không giam giữ, được áp dụng trong các trường hợp phạm tội lần đầu hoặc các tội nhẹ, thay thế cho hình phạt cải tạo không giam giữ. Tuy vậy, hình thức  xử phạt này đến nay hầu như chưa được áp dụng.

Tham gia các hoạt động lao động công ích cùng cộng đồng cho một số hành vi vi phạm giao thông là một hướng đi hợp lý, tiến bộ và cần thiết. (Ảnh minh họa)

Tham gia các hoạt động lao động công ích cùng cộng đồng cho một số hành vi vi phạm giao thông là một hướng đi hợp lý, tiến bộ và cần thiết. (Ảnh minh họa)

Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đã nhiều lần kiến nghị bổ sung hình thức xử phạt lao động công ích, áp dụng với một số hành vi vi phạm giao thông, song đều chưa được thực hiện. Mạng xã hội cũng từng thông tin một số trường hợp người vi phạm bị yêu cầu tham gia dọn vệ sinh đường phố hoặc hỗ trợ các công việc công cộng. Tuy vậy, việc này còn mang tính tự phát, thiếu quy định pháp lý rõ ràng và chưa tạo được hiệu ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Bởi vậy, để hình phạt lao động công ích trở thành một công cụ hiệu quả trong quản lý vi phạm giao thông, trước hết, cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, bổ sung mục riêng về “lao động công ích” với đầy đủ các yếu tố: định nghĩa, phạm vi áp dụng, thời lượng lao động, điều kiện miễn trừ, quyền và nghĩa vụ của người bị xử phạt, cũng như danh mục công việc công ích phù hợp như: quét rác, dọn vệ sinh công cộng, sơn vạch kẻ đường, chăm sóc cây xanh...

Đồng thời, cần xác định rõ các hành vi vi phạm bị xử phạt lao động công ích. Việc xây dựng danh mục này cần căn cứ trên thống kê thực tế, phân tích tính chất, mức độ vi phạm và khả năng giáo dục, cải tạo thông qua lao động công ích.

Đặc biệt, quy trình thi hành và giám sát phải đảm bảo minh bạch và chặt chẽ. Cần thiết lập một quy trình rõ ràng, từ ra quyết định xử phạt, bố trí công việc, giám sát quá trình thực hiện, đến xác nhận hoàn thành.

Lực lượng giám sát nên bao gồm đại diện chính quyền địa phương, lực lượng dân phòng, công an khu vực và có thể huy động cả các tổ chức xã hội. Việc giám sát cần dựa trên biểu mẫu chuẩn, có chấm công, đánh giá kết quả và biên bản xác nhận. Đặc biệt, cần có cơ chế giám sát và thực hiện nhất quán trong thi hành pháp luật, tránh trường hợp người vi phạm tìm cách thoái thác hoặc được “miễn nhiễm”, trong khi người dân bình thường lại bị xử lý nghiêm khắc. Cần công khai danh sách người vi phạm, công khai kết quả lao động công ích như một hình thức giáo dục cộng đồng và cộng đồng cùng giám sát.

Đề xuất bổ sung hình phạt lao động công ích cho một số hành vi vi phạm giao thông là một hướng đi hợp lý, tiến bộ và cần thiết. Nó vừa góp phần đa dạng hóa chế tài xử phạt, vừa tạo ra hiệu ứng giáo dục mạnh mẽ mà hình thức phạt tiền không thể mang lại. Nếu được xây dựng và triển khai một cách bài bản, đây có thể trở thành công cụ hữu hiệu để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, hướng tới một xã hội văn minh, an toàn và kỷ cương hơn.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Vụ thâu tóm đất ở Thanh Trì: Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội vào cuộc

Vụ thâu tóm đất ở Thanh Trì: Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội vào cuộc

Dù chỉ cho thuê đất, nhưng người dân bỗng trắng tay vì biên bản chuyển nhượng “từ trên trời rơi xuống”; Người chết, người khác họ, người không ở địa phương, người mù chữ mà vẫn ký vào biên bản chuyển nhượng...

Báo động ô nhiễm môi trường ở Phú Quốc

Báo động ô nhiễm môi trường ở Phú Quốc

Hiện nay, tại Phú Quốc, dọc bờ biển đoạn từ cảng Gành Dầu đến chợ Gành Dầu đang bị ô nhiễm bởi một lượng lớn rác thải. Nguyên nhân một phần do rác từ nhiều nơi trôi dạt vào và một phần do người dân địa phương thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi.

Lùi xe trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, bị phạt 35 triệu, trừ 10 điểm GPLX

Lùi xe trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, bị phạt 35 triệu, trừ 10 điểm GPLX

Ngày 26/5, Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh Thái Nguyên) đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế Đỗ Văn Y. (SN 1993, quê quán tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) do có hành vi lùi xe trên đường cao tốc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Vật liệu khan hiếm, giá leo thang: Nguy cơ bào mòn các dự án giao thông trọng điểm

Vật liệu khan hiếm, giá leo thang: Nguy cơ bào mòn các dự án giao thông trọng điểm

Tình trạng khan hiếm vật liệu cùng giá cả leo thang chóng mặt đang trở thành lực cản lớn đối với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm tại khu vực miền Trung.

TP.HCM: Các nhà chờ xe buýt xuống cấp đang trong quá trình khắc phục, sửa chữa

TP.HCM: Các nhà chờ xe buýt xuống cấp đang trong quá trình khắc phục, sửa chữa

Sau phản ánh của VOV Giao thông, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM cho biết, trong quá trình khai thác, Trung tâm ghi nhận hiện có 170 trong số 554 bảng thông tin đang gặp sự cố và tạm ngừng hoạt động, không thể hiển thị thông tin cho hành khách.

Tòa nhà Hàm cá mập chính thức bị quây rào, chuẩn bị phá dỡ

Tòa nhà Hàm cá mập chính thức bị quây rào, chuẩn bị phá dỡ

UBND quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội) vừa dựng hàng rào để chuẩn bị phá dỡ Tòa nhà “Hàm cá mập” tại số 1-3-5 Đinh Tiên Hoàng, phục vụ dự án án cải tạo, chỉnh trang quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

“Liều thuốc” thật cho “căn bệnh” hàng giả

“Liều thuốc” thật cho “căn bệnh” hàng giả

Đợt cao điểm truy quét hàng giả đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai trên toàn quốc nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân, nhất là sau những vụ sữa giả, thực phẩm giả, thuốc giả gây xôn xao dư luận.