Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Cảm hứng Mekong

Ông Tư lúa mùa

Hà Hương: Thứ tư 11/10/2023, 10:26 (GMT+7)

“Ông Tư lúa mùa” hay “Tư Việt lúa mùa” là cách gọi thân thương mà những người xung quanh dành cho ông Lê Quốc Việt, một lão nông, kỹ sư tâm huyết với việc giữ gìn đời sống lúa mùa- nét đẹp đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm trong văn hóa nông nghiệp Nam bộ.

Với mong ước giữ lại cho mình và con cháu đời sau những ký ức, những giá trị mà cha ông đã gây dựng, hơn 6 năm qua, ông Tư Việt đã từng bước hình thành và phục dựng phiên bản đời sống sản xuất lúa mùa ngay trên mảnh đất nhà mình.

Trang trại của ông không chỉ đã phục tráng thành công hơn 40 giống lúa mùa với hình thức canh tác thuận tự nhiên mà còn là nơi đón tiếp những vị khách có cùng sự quan tâm đến học tập, nghiên cứu và trải nghiệm. 

 

z4758354298378_cfe9eced5a4c198ad8feef6848b57a57

PV: Thưa Chú Tư, vì sao chú lại quyết định thực hiện trang trại lúa mùa ngay trên mảnh đất nhà mình?

Ông Lê Quốc Việt: Cái này phải nói là từ xuất thân của mình, sinh ra lớn lên trong nền văn hóa lúa mùa. Nền sản xuất trong nước, người ta không có trồng lúa một vụ nữa, đã chuyển qua hai vụ hết rồi. Như vậy là mình chỉ còn ký ức tuổi thơ là mình sống với lúa mùa thôi.

Khi ở tuổi 50, bắt đầu kí ức sống dậy. Mình nhớ về ý ức hồi xưa, rồi mình mới ước mơ, ước gì mình có thể làm lại được một cái mô hình nho nhỏ gì đó để giữ lại cho mình, cho con cháu mình.

Đặc biệt nhất là qua lần tham quan Festival lúa gạo lần thứ nhất ở Sóc Trăng là mình quyết định luôn. Mình phải làm một cái gì đó để lại cho mình và cho đời sau, phải cố giữ chứ không thôi là phải mất hết, những kí ức lúa mùa nó sẽ không còn nữa. Đó là những cái mà ông bà mình đã gây dựng hàng trăm năm ở ĐBSCL này.

PV: Trong quá trình thực hiện ước mơ của mình, chú đã gặp phải những thuận lợi và khó khăn ra sao ?

Ông Lê Quốc Việt: Phải nói cái thuận lợi đầu tiên là sự quyết tâm của mình và được sự ủng hộ của cộng đồng, mà đặc biệt là những lão nông tri điền. Ví dụ như người ta ủng hộ về những kinh nghiệm mà người ta đã từng trải qua, rồi những nông cụ mà người ta còn giữ lại được để người ta giúp cho mình trong cái vấn đề sưu tập nông cụ.

Rồi cái thuận lợi nữa là về phía các viện trường, người ta cũng ủng hộ mình về nguồn gen để mà mình đi tìm chứ ở ngoài nó không còn nữa. Và một cái thuận lợi nữa thì cũng được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, người ta cũng tạo điều kiện để giúp cho mình làm, triển khai cho được.

Còn về khó khăn thì cái khó khăn lớn nhất là về mặt kinh phí. Vấn đề bảo tồn văn hóa lúa mùa là một nội dung rất là lớn mà mình chỉ là một cá nhân nhỏ thôi và vốn liếng thì cũng có hạn. Khó khăn thứ hai nữa là sự đồng thuận ban đầu trong gia đình không được cao lắm, nhưng do mình quyết chí, đam mê nên cũng chiều theo mình.

Khó khăn thứ ba là về nguồn gen của các giống lúa mùa, từ năm 90 trở đi là các giống lúa mùa gần như mất dần, do đó là buộc phải đến các cái viện, trường đại học- nơi người ta có lưu trữ nguồn gen từ mấy chục năm trước, mình xin lại thôi.

Và một cái khó khăn lớn nữa đó là khi mình trồng lại lúa mùa thì trên đồng chỉ có mình thôi, thành ra là chim rồi chuột, nói chung là về mùa vụ mình không trùng với ai. Do đó yếu tố về chim với chuột là rất lớn, nhiều khi một vụ có khi mình thu được 50 %, có khi mình chỉ thu được có khoảng 30, 40% thôi.

PV: Hiện nay, nông dân rất chuộng các giống lúa cao sản, ngắn ngày, trong khi đó chú Tư lại quyết tâm phục tráng, giữ gìn văn hóa lúa mùa, việc làm này có vấp phải điều tiếng gì không?

Ông Lê Quốc Việt: Có chứ, nhiều người lớn tuổi người ta ủng hộ mình về mặt giữ gìn văn hóa lúa mùa. Nhưng mà trong đó cũng có một số người thì người ta nghĩ rằng thời đại 4.0 rồi mà đi quay lại về cái 0.0 này, coi bộ đi ngược đời, thành ra có một bộ phận người ta cũng đàm tiếu, rồi có người nói mình là “người kỹ sư khùng”, nhưng mà người ta đâu có hiểu hết ý của mình, đó là mình muốn giữ gìn văn hóa của ông bà. Đó là cái lớn nhất, cái cốt lõi mà mình hướng tới.

PV: Đến nay chú đã từng trồng và phục tráng được hơn 40 giống lúa mùa, quá trình này diễn ra như thế nào ?

Ông Lê Quốc Việt: Nói chung việc trồng lại các giống lúa mùa hồi xưa của chú là trải qua hai giai đoạn. Ở những năm đầu mới khi triển khai, năm 2017, 2018, 2019, những năm đó là những năm tập trung trồng lại những giống mà nó đã từng có mặt ở địa phương mình. Nhưng mà bước qua giai đoạn đó rồi, nghĩa là mình trồng rồi mà thị trường người ta không có chấp nhận thì như vậy mình bắt đầu qua giai đoạn thứ hai, là từ năm 2020 đến bây giờ. Mình chuyển qua trồng các giống lúa mùa nhưng mà mình nghiên cứu trồng theo hướng mới, tìm những giống chất lượng cao thôi chứ không có trồng những giống đã từng có mặt ở địa bàn mình nữa. Mình đã ôn lại rồi, bây giờ mình đi theo hướng khác, tức là tìm giống chất lượng hơn.

z4758354310157_37562b6ad1b44476d635fed927b1c74a

Từ bỏ cách hình thức thâm canh lúa Thần Nông 2 - 3 vụ/năm, sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học để có năng suất cao, nhiều năm qua, ông Tư Việt đã quyết tâm quay trở lại với văn hóa lúa mùa, canh tác và sản xuất lúa theo cách truyền thống, mỗi năm chỉ 1 vụ. Với diện tích 25.000m2 đất nhà, ông Tư tận dụng khoảng 11.000m2 trồng lúa mùa. Ông phân chia những ô nhỏ khác nhau để gieo trồng các giống lúa mà nay rất hiếm như Thần Nông 5, Thần Nông 8, Tào Hương, Sa Quay, Một Bụi… Tất cả các giống lúa mùa trên ông đều cất công tìm kiếm từ các viện, trường đại học trong Vùng.

Nói về ưu điểm của các giống lúa mùa, ông Tư say sưa kể: "Theo ông bà xưa, trồng giống thuận thiên thì mình không cần phải tác động bằng hóa chất. Một năm chỉ trồng có một vụ thôi, sáu tháng, như vậy thì nó từ từ sinh trưởng, phát triển và cũng không cần phải xịt thuốc, không cần phải phun các loại thuốc, bởi vì nó tự nó có thể là tự chữa cho nó. Khi sâu ăn lá này thì nó ra lá khác, sâu đục cái thân này thì nó ra một cái thân khác. Cái thứ hai nữa là khả năng sinh trưởng của nó rất mạnh, dựa vào tự nhiên thôi, chứ nó không có cần thiết phải tác động gì nhiều. Do đó cái tính thích ứng của nó trong điều kiện biến đổi như hiện nay rất là cao".

Không chỉ là nơi phục tráng các giống lúa mùa, trang trại của ông Tư Việt còn thường xuyên đón tiếp những vị khách đặc biệt, là các thầy cô, sinh viên của các trường đại học đến đây nghiên cứu, thực hiện các đề tài tốt nghiệp, những người mong muốn tìm lại kỷ niệm một thời về văn hóa lúa mùa xưa và cả những bạn trẻ với khát khao tiếp thu giá trị cha ông đã dày công gây dựng:

"Có một cái điều mình rất là khâm phục chú Tư, đó là chú Tư mặc dù có nhiều công việc khác đan xen nhưng mà chú thật sự rất là tâm huyết và dành tình cảm của mình rất là lớn. Chú đã đi sưu tầm rất  nhiều bộ nông cụ ngày xưa thật sự là ngay cả thời của mình mình cũng không có, nhưng mà chú đã cất công đi tìm kiếm".

"Mình cũng biết tới mô hình trồng lúa mùa của chú Tư và mình rất trân trọng việc mà chú Tư đã lưu giữ lại văn hóa này. Cũng là một phần nào đó để cho mình biết thêm về hình thức văn hóa trồng lúa của ông bà ta ngày xưa".

z4758354299436_16b7c8d9519a5581b8848d2e0d297bb0

Với những tác động tích cực đến xã hội và môi trường, mô hình của ông Tư đã nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, những chuyên gia mong muốn tạo ra những giá trị tốt đẹp cho nền nông nghiệp nước nhà.

Là người đã đồng hành cùng ông Tư Việt trong nhiều dự án để tạo thêm sức lan tỏa đến cộng đồng, TS. Nguyễn Văn Kiền – Giám đốc Mekong Organics (một tổ chức nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu), chia sẻ: "Tôi thấy việc làm của anh Tư rất có ý nghĩa ở góc độ là bảo tồn hệ sinh thái lúa mùa, đặc biệt là các loại giống lúa truyền thống, bản địa, rồi các hệ thống động thực vật, đa dạng sinh học. Trước đó, tôi cũng phát triển bảo tồn hệ thống lúa mùa nổi ở An Giang nên khi thấy anh Tư phát triển việc bảo tồn hệ thống canh tác lúa mùa thì tôi rất tâm đắc và ủng hộ, từ đó, tôi và anh Tư thảo luận chương trình dài hạn để yểm trợ anh Tư bằng vật chất cũng như tinh thần".

Cũng theo TS Nguyễn Văn Kiền, hiệu quả kinh tế của mô hình này cần một quá trình nỗ lực dài hơi, riêng tác động đến xã hội và môi trường đã thấy rất rõ những điểm tích cực. Sau gần 7 năm kiên trì thực hiện mong ước, đến nay, ông Tư Việt đã phục dựng thành công quy trình làm lúa mùa, trong đó có nhiều sản phẩm lúa mùa đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Và quan trọng hơn hết, trên hành trình ấy, ông luôn có được sự đồng thuận từ gia đình.

Anh Lê Quốc Văn- con trai ông Tư Việt đầy tự hào khi chia sẻ về mong ước của ba mình: "Cuộc sống gia đình mình cũng phát triển lên từ ruộng, nương nên khi mà ba quyết định làm lại những cái đó thì cũng lo lắng một phần nhưng mà phần lớn là ủng hộ và trong đó thì cũng có một phần là không biết có thể hỗ trợ được gì hay là làm giúp được gì cho ba. Còn đến thời điểm hiện tại cũng thấy mọi thứ nó nó hình thành, nó gọi là thành hình hơn thì cũng yên tâm hơn và tin tưởng là việc làm của ba là đúng đắn".

Dù năm nay đã ngấp nghé lục tuần, độ tuổi mà nhiều người lựa chọn sống an nhàn cùng con cháu, còn với ông Tư Việt, tâm huyết giữ gìn văn hóa lúa mùa chính là động lực để ông tiếp tục lao động hăng say. Và ông luôn tin rằng việc làm này còn giúp cháu con hiểu rõ quá khứ để vững bước ở tương lai.

Hà Hương/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Long An: Giải pháp nào cho ùn tắc trước khi có đường vành đai?

Long An: Giải pháp nào cho ùn tắc trước khi có đường vành đai?

Tỉnh Long An là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Địa phương này đang phải đối mặt với nhiều thách thức về giao thông do sự phát triển nhanh chóng của các khu vực lân cận, đặc biệt là TP.HCM.

Bữa cơm bán trú ‘bất ổn’ ở trường chuẩn Lương Định Của giờ ra sao?

Bữa cơm bán trú ‘bất ổn’ ở trường chuẩn Lương Định Của giờ ra sao?

Sau loạt bài về câu chuyện “Quá nhiều bất ổn ở ngôi trường chuẩn” của VOV Giao thông cách đây nửa tháng, nhiều phụ huynh bày tỏ tán thành với những phản ánh là đúng sự thật, và bữa cơm bán trú của các em có chút chút cải thiện.

Kiểm định khí thải xe máy : Quan trọng là thuận tiện, không gây phiền hà

Kiểm định khí thải xe máy : Quan trọng là thuận tiện, không gây phiền hà

Xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời từ 5 đến 12 năm phải kiểm định hai năm một lần, xe trên 12 năm phải kiểm định hàng năm. Đó nội dung đáng chú ý trong Thông tư 47 năm 2024 của Bộ GTVT vừa được ban hành.

Về xóm đạo quận 8 nghe chuyện tháng năm

Về xóm đạo quận 8 nghe chuyện tháng năm

Xóm đạo Phạm Thế Hiển, quận 8 là xóm đạo lớn nhất ở TP.HCM, dịp Giáng sinh thường trang hoàng lộng lẫy đẹp mắt. Khoảng năm 1954 nhiều người ở khu vực phía Bắc di cư vào đây và lập nên xóm đạo.

Nhà sản xuất pin lớn nhất phá sản, giáng mạnh vào tham vọng xe điện của Châu Âu

Nhà sản xuất pin lớn nhất phá sản, giáng mạnh vào tham vọng xe điện của Châu Âu

Việc phát triển công nghệ liên quan tới pin xe điện đóng vai trò quan trọng không kém gì việc ra đời những thế hệ xe điện mới. Nhưng mới đây, ngành xe điện Châu Âu đã phải đón nhận tin buồn khi hãng pin xe điện lớn nhất khu vực, Northvolt, mới đây đã nộp đơn xin phá sản.

Xu hướng cất ô tô ở nhà vì ngại ùn tắc, mất thời gian tìm chỗ đỗ

Xu hướng cất ô tô ở nhà vì ngại ùn tắc, mất thời gian tìm chỗ đỗ

Những ngày cuối năm, lưu lượng giao thông tăng cao, cùng với đó là hàng loạt công trình thi công, các dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố diễn ra, khiến việc tự lái xe hơi vào nội đô trở nên một lựa chọn khó khăn.

Khai màn ngày hội Viettel 5G Day 2024

Khai màn ngày hội Viettel 5G Day 2024

Rất nhiều ông lớn trong lĩnh vực công nghệ thế giới đã trình diễn nhiều sản phẩm ấn tượng nhất tại ngày hội 5G quy mô nhất hiện nay.