Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Ô nhiễm từ những bãi rác thải nhựa tự phát

Thanh Phê: Thứ sáu 07/07/2023, 20:29 (GMT+7)

Hiện nay, ở nhiều địa phương tại ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát nơi công cộng. Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng rất nhiều đến cảnh quan đô thị mà còn tác động lớn đến cuộc sống của những người dân xung quanh khu vực.

Dạo một vòng quanh các tuyến đường, khu dân cư ở ĐBSCL, không khó bắt gặp những bãi rác mọc lên kiểu tự phát. Đáng nói hơn, một số nơi dù có những biển báo cấm đổ rác được chính quyền địa phương cắm dọc theo tuyến đường, tuy nhiên “càng cấm lại càng xả”.

Ven Đường tỉnh 925 là một đóng rác khá lớn. Ảnh: An Nhiên/Báo Lao động

Ven Đường tỉnh 925 là một đóng rác khá lớn. Ảnh: An Nhiên/Báo Lao động

Điển hình như tuyến Đường tỉnh 925, từ bệnh viện Đa Khoa số 10 vào trung tâm hành chính huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nhiều bãi đất trống “nghiễm nhiên” trở thành bãi rác bất đắc dĩ. Với tâm lý “người này bỏ được, người khác bỏ được” nên những bãi rác như vậy ngày một nhiều thêm. Theo người dân sống xung quanh khu vực này, mùa nắng thì còn đỡ, còn khi mưa xuống nước từ bãi rác tự phát cộng với nước mưa chảy ra đường bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến người đi qua ai cũng lắc đầu ngao ngán.  

Thực tế cho thấy chỗ nào có biển “cấm đổ rác”, thế nào cũng có ít nhất vài ba túi rác, nhiều thì cả đống vứt ngay dưới chân biển cấm đó. Điều lạ ở chỗ, dù thùng rác được đặt cách đó không xa và cũng còn trống, thế nhưng nhiều người tiện tay là vứt rác ngay bên cạnh hoặc bên ngoài thùng. Một người dân chia sẻ::

"Quá khủng khiếp, hôi dữ lắm, ý thức người dân cũng không tốt đâu, tại vì có người ở đâu không biết nữa qua đổ rác rồi bỏ đi, còn địa phương này ít ai bỏ lắm. Tại vì bên đây có xe rác của địa phương lấy hết. Có biển cấm rồi mà nhiều người vẫn vứt bừa bãi."

Không chỉ có các tuyến đường, mà ngay tại Khu dân cư Thiên Lộc - Hậu Giang ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cũng chung tình cảnh. Theo người dân, những thùng rác công cộng chỉ được đặt ở một số điểm nhất định, nhiều người lại ngại đi xa bỏ rác nên quen chỗ nào cứ đổ chỗ đó. Chị Nguyễn Thị Nhi phản ánh:

"Đầy người ta để ở ngoài, không đủ thùng tràn ra ngoài, còn tung ra nhiều quá thì sáng ông bảo vệ đi quét. Cũng muốn có thùng rác hẳn hoi, đàng hoàng để chuộc bọ đỡ chạy lung tung, chó mèo không ra thì đỡ dơ hơn."

Dẫu biết, việc thay đổi thói quen vốn không dễ; thay đổi sự tùy tiện lại càng khó hơn. Do vậy, ngoài chuyện “cấm” thì việc tăng cường kiểm tra, xử phạt nặng và phải làm đến nơi đến chốn. Điều quan trọng vẫn là ý thức, vì vậy mỗi người dân nên quan tâm giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, để cùng xây dựng một cuộc sống văn minh, xã hội tốt đẹp hơn. Xóa các bãi tập rác tự phát không đơn giản, không phải là chuyện ngày một ngày hai nhưng nếu quyết tâm thì không gì là không thể.

Bãi rác thải nằm ngay bên cạnh biển cấm. Ảnh: An Nhiên/Báo Lao động

Bãi rác thải nằm ngay bên cạnh biển cấm. Ảnh: An Nhiên/Báo Lao động

Thời gian gần đây, “nói không với rác thải nhựa” không còn là phong trào mà trở thành xu hướng có tác động tích cực đến việc thay đổi văn hóa tiêu dùng cũng như tư duy sản xuất. Bằng chứng là ngày càng có nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng nói không với túi nhựa và cũng có thêm nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường ra đời.

Bớt túi ni lông, thêm nhiều mầm sống

Mỗi tháng nông trại “Ếch Ộp”-tái tạo nông nghiệp truyền thống mang lại giá trị của nông sản với chất lượng và độ ngon cho con người của anh Trương Thành Đạt ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn rau xanh các loại. Thay vì để rau vào các túi ni-lông như nhiều người vẫn làm thì nông trại này lại chọn cách làm như các bà, các mẹ ngày xưa đó là gói rau bằng lá chuối để bán cho khách hàng. Chia sẻ về cách làm này, anh Đạt, bày tỏ:

"Ở trang trại mình thì mỗi loại rau sẽ gói bằng một loại lá chuối. Xong mình sẽ để chung một cái bọc ni lông lớn. Khách của mình có thói quen thường là sẽ đem theo bọc ni lông cũ hoặc đem theo giỏ bằng vải thì họ có thể lấy đem về, mình không phải tốn bọc ni lông. Theo một tháng mình khảo sát thì lượng bọc xài 20 đến 30 kg bọc ni lông. Nhưng từ khi mình áp dụng biện pháp là sử dụng bổ sung lá chuối để gói rau thì số lượng bọc ni lông mình thải ra và giảm 4-5 lần, tức là một tháng vậy mình xài khoảng 5 kg. Mình tiết kiệm rất là nhiều tiền cho trang trại."

Theo anh Đạt, gói rau bằng lá chuối mang lại nhiều lợi ích, không chỉ mang ý nghĩa giảm chi phí cho nông trại và quan trong hơn hết là cùng chung tay bảo vệ môi trường, giảm rác thải ni-lông. Anh Đạt chia sẻ, khi bắt đầu sự thay đổi này, ban đầu khách hàng rất ngạc nhiên nhưng sau đó chuyển sang thích thú và nhiệt tình hưởng ứng.

"Mình gói lá chuối đối với khách hàng có 2 tác dụng.  Một là bớt lượng giác ni lông về nhà họ. Thứ hai là lá chuối giúp cho rau tươi lâu hơn so với bọc ni lông. Lá chuối cũng là thực vật giúp cho cái rau tươi lâu. Họ gói như vậy họ để vài tiếng ở ngoài trời vẫn tươi bình thường. Nó khác rất là nhiều việc mình để bọc ni lông để gói rau."

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Hiện Ếch Ộp có 2 điểm bán ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang và Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Khách hàng có thể vào fanpage nông trại Ếch Ộp để đặt hàng. Điểm đặc biệt, cũng sẽ dùng lá chuối để gói rau nhằm giúp rau tươi lâu, giúp khách hàng được sử dụng sản phẩm tốt nhất.

Cũng với mong muốn mang đến người tiêu dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường, anh Bùi Thành Được ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã mày mò suy nghĩ và cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo được làm từ cỏ bàng, loại cây dễ dàng tìm thấy ở miền Tây. Từ loài cỏ dại, giờ được lên đời không chỉ mang về tiền triệu mà còn mang ý nghĩa thiết thực hơn. Anh Thành Được nói:

"Nguyên liệu cỏ bàng thì bên công ty đang cho ra các dòng sản phẩm như là ống hút, ống hút cỏ bàng là để sử dụng thay thế ống hút nhựa hiện nay, cộng thêm là những cái sản phẩm như là túi xách, giỏ xách để mình thay đổi các sản phẩm như là túi đi chợ, những cái sản phẩm thời trang mà được làm từ nguyên liệu cỏ bàng."

Tại các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL, nhiều người đã bắt đầu ý thức hơn trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa, chuyển sang sử dụng ống hút gạo, ống hút giấy hay tre, ống hút cỏ bàng … thay thế ống hút nhựa; nước uống được đựng trong chai thủy tinh, một số thức ăn gói bằng lá chuối, lá sen.    

Với các chị em nội trợ, hằng ngày thay vì sử dụng nhiều túi ni lông để đựng thức ăn, họ đã đổi sang dùng một số giỏ xách có chất liệu thân thiện với môi trường như giỏ mây, giỏ lục bình… đồng thời xây dựng cho mình những phương án giảm thiểu sử dụng các loại túi nhựa, hộp xốp sử dụng một lần.

Chị Trần Thị Thu Trang ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: "Chị đi chợ hàng ngày hoặc là cách ngày chị đã đi. Đi thì chị chọn đi chợ nông thôn. Sáng đi chợ nông thôn thích lắm! Vui, đồ ăn cũng tươi nữa, rau đồ cũng tươi. Đi chợ thì chị cầm theo cái giỏ xách để khi mình mua đồ thì người ta bán cho mình, có giỏ xách người ta bỏ vô luôn để giảm rác thải nhựa giữ cho môi trường xanh sạch. Mình mua 5.000 ớt, 2.000 ớt cũng một cái bịch, vài trái chanh cũng một cái bịch, vài trái hạnh của một cái bịch. Mua cái gì cũng cho mình một cái bịch hết, cho nên chị đi chợ chị sẽ mang theo một cái giỏ, là một ngày bớt đi được nhiều cái bịch ni lông."

Thay đổi một thói quen là điều không dễ nhưng không có nghĩa là không được. Tuy nhiên, với những hành động dù nhỏ trong việc thay đổi thói quen bớt túi ni lông, mỗi người một ít và nhiều người cùng thực hiện, tích tiểu thành đại, chúng ta sẽ góp phần giúp môi trường trong lành hơn, qua đó dần hình thành ý thức tự giác bảo vệ môi trường của mỗi người.

Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn