Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Cảm hứng Mekong

Nông sản Việt “đi máy bay”

Tấn Khoa: Chủ nhật 01/01/2023, 10:43 (GMT+7)

Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng hoạt động xuất khẩu nông sản của nước ta trong năm qua vẫn đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Nổi bật phải kể đến là việc có thêm những mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, chinh phục nhiều thị trường vốn nổi tiếng “khó tính”.

Những ngày cuối năm, niềm vui vẫn đang hiện rõ trong đôi mắt của bà con trồng bưởi da xanh tại tỉnh Bến Tre. Niềm vui không chỉ đến từ không khí se lạnh của những ngày sắp bước qua năm mới mà còn đến từ niềm hy vọng vào tương lai của nghề trồng bưởi trên mảnh đất quê nhà.

Bưởi chính thức là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: Song Phương

Bưởi chính thức là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: Song Phương

Ngụ tại xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, gia đình ông Trịnh Ngọc Trung có 01ha đất trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ ngày nghe tin bưởi da xanh được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, ông cũng như nhiều bà con tại địa phương đều phấn khởi: "Nói chung từ nào giờ sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn Viet GAP đi theo đúng quy trình. Nếu bán được sang Hoa Kỳ, tôi nghĩ rất có lợi cho nông dân. Thị trường Mỹ là khó nhất, mình cũng mừng là trái bưởi sẽ có giá rồi. Có nhiều đầu ra thì cạnh tranh mới được, nhưng mà nông dân phải thực hiện đúng theo quy trình, đúng quy định của người ta thì mới có giá chứ theo kiểu “ăn xổi ở thì” thì không được".

Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đơn vị đầu tiên đưa trái bưởi xuất chính ngạch vào thị trường Hoa Kỳ cho rằng, việc xuất khẩu lô 40 tấn trái bưởi đầu tiên của tỉnh Bến Tre sang thị trường Hoa Kỳ là sự thành công bước đầu trong việc hoàn thiện các quy trình kỹ thuật canh tác, bảo quản sau thu hoạch đạt các tiêu chuẩn cần thiết. Để trái bưởi cũng như các loại trái cây của nước ta “bay xa” sang các thị trường khó tính cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm.

"Trong thời gian qua, công ty Chánh Thu đã đồng hành cùng với Cục Bảo vệ thực vật, chúng tôi cũng đã tiếp thu những thay đổi và yêu cầu từ phía Hoa Kỳ đưa ra, để có những bước chuẩn bị từ vùng nguyên liệu đến cơ sở đóng gói, để làm sao phục vụ sự kiểm tra của phía Hoa Kỳ rất khó khăn. Đối với quả bưởi thì yêu cầu kỹ thuật cũng như việc kiểm soát sinh vật gây hại rất nghiêm khắc. Vì vậy chúng tôi đã tập huấn cho bà con nông dân, chuyển đổi quy mô canh tác. Đặc biệt hơn là yêu cầu về dư lượng thuốc BVTV, quy định cơ sở đóng gói... cũng được phía Hoa Kỳ vừa chấp nhận", bà Ngô Tường Vy cho biết.

Công ty Chánh Thu được trao giấy chứng nhận xuất khẩu bưởi sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: Song Phương

Công ty Chánh Thu được trao giấy chứng nhận xuất khẩu bưởi sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: Song Phương

Vậy là tính đến thời điểm hiện tại, bưởi chính thức là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, sau quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Trước đó, vào tháng 7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Đây là thành quả sau 4 năm nỗ lực đàm phán... Trong thực tế, không phải đến thời điểm này sầu riêng mới được xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng những năm trước đó chủ yếu vẫn qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường, giá cả. Thế nên, việc được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân đã mở ra một tia sáng mới cho mặt hàng trái cây chủ lực tại nhiều địa phương.

Một điểm sáng nổi bật khác trong năm qua đến từ con số dự kiến 11 tỷ USD của kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Nếu so với năm 2021 thì 2022 đã có sự tăng trưởng vượt bậc đến khoảng 25%. Trong đó, tính riêng mặt hàng tôm, lũy kế 11 tháng của năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này đạt trên 4 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: "Chưa có một ngành hàng nào với một thời gian rất ngắn đã trở thành mũi nhọn, chủ lực, quy mô hàng hóa và tỷ suất hàng hóa cao và nhanh như cá tra. Chúng tôi giải quyết một cách rất đồng bộ về khâu giống, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học và đặc biệt là cơ sở hạ tầng cho cá tra. Tới đây sau An Giang thì tỷ lệ cá tra đạt tiêu chuẩn, chất lượng sẽ chiếm tỷ lệ trên 70%, với một nhu cầu 4,4 tỷ đến 4,5 tỷ cá tra giống ở ĐBSCL".

Lê công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Ảnh: Song Phương

Lê công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Ảnh: Song Phương

Đối với xuất khẩu thủy sản, đạt được những con số như vừa nêu là điều không hề dễ dàng, khi đã có những giai đoạn dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, đầu ra gặp khó, tôm cá quá lứa phải nằm chờ dưới ao. Trong khi đó, giá thức ăn thủy sản liên tục tăng cao mấy chục % đã tạo sức ép không nhỏ đến bà con nông dân lẫn các doanh nghiệp...  

Chặng đường 2023 mở ra với nhiều cơ hội mới khi các Nghị định thư được ký kết, các đơn hàng mới được ghi nhận. Song song với đó là không ít thách thức về sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các thị trường có cùng thế mạnh về nông sản, áp lực về chi phí nguyên liệu đầu vào, giá thành sản xuất,...

Nhưng tin chắc rằng, bằng tất cả những kinh nghiệm đã đúc kết được từ nhiều năm qua của một quốc gia nằm trong tốp đầu về xuất khẩu nông sản, Việt Nam sẽ tiếp tục có thêm những mảng màu rực rỡ hơn, cùng những con số ấn tượng hơn về giá trị xuất khẩu.

Để rồi nông sản Việt sẽ tiếp tục “đi máy bay” đến những thị trường lớn và nhiều tiềm năng.

Tấn Khoa/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn