Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Cảm hứng Mekong

Những bước chân của nghị lực sống

Tấn Khoa: Thứ hai 12/02/2024, 20:29 (GMT+7)

Nếu bạn vấp ngã, bạn phải biết tự đứng lên. Khi bạn chẳng may khuyết tật, không thể tự đứng bằng đôi chân của mình thì bạn phải đứng lên bằng tư duy và ý chí.

Đó là một trong những thông điệp mà VOV Giao thông muốn truyền tải, tin chắc rằng câu chuyện vượt lên nghịch cảnh để sống tốt và tạo ra giá trị cho xã hội sẽ là động lực để mỗi người trong chúng ta lên dây cót tinh thần, cố gắng trong suốt chặng hành trình 2024.

Trong buổi sáng cuối năm, trời se lạnh, tại một con hẻm nhỏ trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP.HCM, câu chuyện về cuộc đời của anh Nguyễn Trung Hậu, sinh năm 1985 – Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ngồi Cafe và Trung tâm Anh ngữ Con Ơi; tác giả quyển sách “Khởi nghiệp trên xe lăn” đã được mở đầu một cách nhẹ nhàng với ly cà phê nóng vừa pha xong.

Trung tâm Anh ngữ Con Ơi chính là “đứa con tinh thần” tiếp theo của anh Hậu sau khi thương hiệu Ngồi Cafe (địa chỉ tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) được mọi người biết đến. Ngồi tựa lưng vào vách tường cho đỡ mỏi, cảm nhận mùi thơm nhè nhẹ của ly cà phê sáng, uống một ngụm nhỏ, anh Hậu bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi về những năm tháng đã qua...  

Anh Nguyễn Trung Hậu được biết đến nhiều với thương hiệu Ngồi Cafe. Ảnh: SVVN

Anh Nguyễn Trung Hậu được biết đến nhiều với thương hiệu Ngồi Cafe. Ảnh: SVVN

Sinh ra và lớn lên tại huyện Củ Chi, TP.HCM trong gia đình có 4 anh em trai, cậu bé Hậu ngày ấy cũng giống như bao bạn bè đồng trang lứa. Nhưng đến năm 5 tuổi, cơn sốt bại liệt ập đến đã làm thay đổi cuộc đời anh: những chức năng vận động tay, chân, cột sống gần như không còn. Ở độ tuổi quá nhỏ, anh chưa ý thức được hết về những gì có thể xảy ra với cuộc đời mình.

Cho đến ngày đầu tiên được đến trường vào năm 8 tuổi, bạn bè tò mò vây kín xung quanh, anh mới cảm nhận rõ sự “khác biệt” của mình.

Đến trường, anh Hậu có nhiều bạn mới, nhưng đường đến trường cũng đầy nỗi lo lắng, chông chênh:“Nếu con té, con phải biết tự đứng lên. Nếu con khuyết tật, con không tự đứng lên được thì con phải đứng lên bằng tư duy của con. Nếu con không đến trường thì chắc chắn là con không biết chữ, con không biết chữ thì con “dốt”. Con chọn đi!”... Mẹ mình rất cứng rắn chuyện đó, nhưng mình biết mẹ mình buồn khi mình bị té. Còn với ba mình thì rất “căng”, không thể để mình đi ra ngoài và bị tổn thương như vậy. Nhưng hai người đã có một sự “đấu tranh” nhất định... Cuối cùng, mình vẫn đến trường.  

Với anh Hậu khi ấy, học tập thật giỏi như một “chiếc phao” để anh bám víu vào, để có nguồn động lực cho cuộc sống vốn đã nhiều thiệt thòi, để có thể tự hào về bản thân. Nhưng vấn đề sức khỏe vẫn là rào cản lớn... Thể trạng sức khỏe không đảm bảo, anh ở bệnh viện nhiều hơn ở trường.

Thế là việc học dang dở năm lớp 11. Anh cảm thấy “mất hết” bởi không bạn bè, không niềm tin, không còn điều an ủi, thậm chí đã từng nghĩ quẩn.

May mắn khi giai đoạn khó khăn ấy cũng qua đi. Những cơ duyên của cuộc sống đưa anh đến với việc học tiếng Anh, kiếm được thu nhập từ sửa máy tính, cho đến lần viết thư tạm biệt ba mẹ để đến một nơi xa tìm kiếm ước mơ.

Tại nơi làm việc cách xa nhà hàng trăm cây số, chàng trai ấy đã đối mặt với không ít vấn đề. Có thời điểm, anh nhận được câu nói: “Muốn được người khác công nhận thì phải chứng minh cho người khác thấy là mình có năng lực”.

Mặc dù cảm xúc rối bời, nhưng ở góc độ tích cực, anh nghĩ rằng: Nếu không có những khoảnh khắc đẩy con người ta đi đến một giới hạn của cảm xúc thì con người ta sẽ không thể chín chắn và nhìn nhận lại được bản thân.

Sau những trải nghiệm công việc ở nơi xa một thời gian, năm 2017, anh quyết định về lại quê nhà và khởi nghiệp với “Ngồi Cafe”. Mặt bằng đầu tiên là tại nhà, trong khoảng sân diện tích 42m2, kê được 6 bộ bàn ghế: "Người ta khởi nghiệp, người ta đứng còn mình... ngồi. Mình ngồi xe lăn khởi nghiệp. Lý do thứ hai, cứ 4 giờ rưỡi sáng ở quê mình, người ta đứng trước nhà cứ gọi ba anh ra trước ngồi “làm ly cà phê” rồi đi cắt cỏ. Từ “ngồi” thể hiện sự bình an của một buổi sáng, sự an yên, tĩnh lặng, “chill” nữa."

Tiếp tục trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, một lần nữa anh mạnh dạn thực hiện đam mê khi dồn vốn, thuê mặt bằng để xây dựng cơ ngơi mới cho Ngồi Cafe. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cạn vốn, ngừng thi công,.v.v... là cả một câu chuyện dài trước khi mô hình mới của anh Hậu khai trương vào một ngày cuối năm 2021.

Ngồi Cafe hiện tại là một mô hình khu phức hợp với diện tích khoảng 1.200m2, gồm: quán cà phê, khối văn phòng, khu vực sản xuất, rang xay đóng gói và cả nơi để nhân viên nghỉ lại. Đã có khoảng thời gian, Ngồi Cafe tạo việc làm cùng lúc cho 40 nhân sự. Đến thời điểm hiện tại, sau nhiều biến chuyển, đang có 9 nhân sự gắn bó cùng anh.  

Anh Nguyễn Trung Hậu cùng các thầy cô, học viên tại Trung tâm Anh ngữ Con Ơi

Anh Nguyễn Trung Hậu cùng các thầy cô, học viên tại Trung tâm Anh ngữ Con Ơi

Còn với “đứa con tinh thần” thứ 2: Trung tâm Anh ngữ Con Ơi của anh Hậu vừa tròn 1 tuổi. Anh thành lập Trung tâm với mục tiêu dạy trẻ học ngoại ngữ thông qua các hoạt động vui chơi, để trẻ thẩm thấu ngôn ngữ một cách tự nhiên. Hiện có 6 nhân sự là các thầy cô đồng hành cùng anh ở Trung tâm này, hàng ngày dạy ngoại ngữ cho các bé từ 4 – 14 tuổi.

Không chỉ liên tục thích nghi với cuộc sống, tạo cơ hội cho bản thân, cho các cộng sự mà anh còn mở ra những dự án để mọi người chung tay vì cộng đồng: Dự án Buy By Heart với ý tưởng mỗi gói sản phẩm mà Ngồi Cafe bán ra sẽ được trích 5.000 đồng đóng góp vào quỹ. Nguồn quỹ này trao cho một đơn vị có uy tín để thực hiện các dự án giúp đỡ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Dần dần, Buy By Heart không chỉ là dự án của riêng anh Hậu mà còn là nơi để các đơn vị, doanh nghiệp khác cùng trao gửi yêu thương, sẻ chia với cộng đồng.

Nhấp ngụm cà phê, anh Hậu nở nụ cười hiền: “Có lẽ do “trời thương” nên bây giờ cũng “đỡ”!”... Có lẽ là thế thật, nhưng ngoài chuyện “trời thương” thì chắc chắn không thể thiếu nghị lực của một chàng trai đã kiên cường, học cách thích nghi trong mọi hoàn cảnh.

"Giá trị của mình sẽ được công nhận bởi mọi người nếu mình thực sự hành động; tư duy của mình hướng đến mọi người, xã hội thì tự nhiên mình sẽ có giá trị. Đấy là câu triết lý anh hài lòng nhất: Mọi thứ bắt đầu từ tâm và kết thúc cũng từ tâm."

Với những điều đã và đang làm được, anh Hậu mang đến cho mọi người xung quanh niềm tin yêu vào cuộc sống và nhất là tinh thần lạc quan. Anh Phạm Thanh An Tú – Giáo viên tại Trung tâm Anh ngữ Con Ơi, cũng là người đồng hành cùng anh Hậu trong nhiều năm qua, chia sẻ: "Mình rất ngưỡng mộ anh Hậu vì anh xem những khó khăn đến với mình là một phần của cuộc sống. Khi gặp khó khăn, anh sẽ đương đầu một cách rất bình thản: khó khăn này khó khăn kia sẽ đến và mình sẽ vượt qua được theo cách này hay cách khác. Anh giúp mình có những cái nhìn rất lạc quan".

***

Rời TP.HCM, men theo các tuyến đường nhiều xe cộ tấp nập trong làn gió xuân mơn man, dìu dịu, hơn 2 tiếng là đến TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Biết phóng viên chương trình ghé thăm, anh Đặng Quốc Tài ngồi trên xe lăn, ra trước cửa phòng bệnh viện để đón. Anh Tài sinh năm 1979, hiện là chủ Gara ô tô Miền Đông, có địa chỉ tại đường Nguyễn Chí Thanh, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài. Anh ở lại bệnh viện trong những ngày qua để chạy thận và điều trị một số vấn đề khác.

Từ thuở nhỏ, anh Tài đã đi phụ hồ, làm những phần việc lặt vặt để sang năm có tiền đi học. Gia cảnh khó khăn nên học hết cấp 2, anh gác lại giấc mơ con chữ và đi học nghề. Sau khi trải qua nhiều công việc nặng nhọc khác nhau, anh bén duyên với công việc dạy nghề sửa xe máy, dạy cho học viên thi bằng lái xe 2 bánh.

Cũng tại nơi làm việc, mối duyên của anh và bà xã được gắn kết. Năm 2005, anh chị chính thức thành đôi. Hàng ngày, trên chiếc xe máy máy duy nhất, đôi vợ chồng trẻ cùng rời nhà trọ đến chỗ làm.

Những tưởng cuộc sống sẽ yên bình mãi như thế cho đến khi anh quyết định tìm công việc mới... Năm 2009, anh bị tai nạn lao động và mất đi đôi chân. Anh Tài nhớ lại: anh suy sụp trong những ngày đầu, phần vì đau, phần vì nghĩ đến những khó khăn mình phải đối mặt trong tương lai. Nhưng nhờ có vợ kề bên, người thân gia đình quan tâm nên anh sớm lấy lại tinh thần. Anh tâm niệm, sống không chỉ là sống cho bản thân mà còn có người thân của mình:

"Mặc dù đôi lúc mình cũng có cảm giác tiêu cực, nhưng sau đó nghĩ lại thì mình tiêu cực mình được gì? Người thân mình được gì? Lúc đó mình sẽ lấy lại tinh thần và tìm cách để cho những thứ xung quanh có thể phù hợp với hiện tại của mình. Bước đến ngày hôm nay, cách duy nhất là mình phải tồn tại trước đã, rồi tìm cách sửa chữa những thứ chưa phù hợp với mình, từ từ mình làm sau."

Sau 3 tháng nằm viện, anh về nhà và quyết tâm tìm con đường mới cho tương lai. Anh cố gắng làm một số việc như cạo vỏ hạt điều, học sửa máy tính, sửa điện thoại... nhưng đều không khả quan. Qua lời ngỏ của người bạn, anh về làm tại gara ô tô trong vai trò quản lý. Với khoản lương vài triệu đồng mỗi tháng, anh phần nào lấy lại năng lượng tích cực cho bản thân. Đến năm 2019, công việc có sự thay đổi do yếu tố khách quan.

Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, anh quyết định vay mượn từ người thân để mở gara riêng của mình:"Nói chung, tâm niệm của anh là dù với ai cũng vậy, mình làm với cái tâm của mình là làm thật, không gian dối, không “chặt chém” – nguyên tắc của anh là vậy. Đa phần mình giữ được khách hàng."

Anh Đặng Quốc Tài - Chủ Gara ô tô Miền Đông, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (Ảnh. Huy Tâm)

Anh Đặng Quốc Tài - Chủ Gara ô tô Miền Đông, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (Ảnh. Huy Tâm)

Mặc dù hạn chế về thể chất nhưng anh không ngại khó. Nhân sự lúc đầu chỉ có anh Tài và một cộng sự. Trừ việc lái xe, còn lại anh sẵn sàng leo lên xe, chui xuống gầm để sửa. Nỗ lực bền bỉ suốt 4 năm, đến nay gara trả lương theo tháng cho 6 nhân viên và một số thợ nhận lương khoán theo công việc. Tổng cộng, đang có 11 cộng sự đồng hành cùng anh.

Khiếm khuyết về đôi chân cộng với tình trạng suy thận cấp độ 5 đã lấy đi nhiều sức khỏe của anh Tài, nhưng trong đôi mắt nhìn xa xăm ra khung cửa sổ phòng bệnh, anh vẫn bình tĩnh và như sẵn sàng đón nhận từng khoảnh khắc của cuộc sống. 

Với anh Tài, khái niệm thành công không phải từ việc có nhiều khách, doanh thu cao, mà là việc suốt 4 năm hoạt động, gara luôn để lại hình ảnh đẹp trong lòng khách hàng. Không chỉ cố gắng cho bản thân mà còn cố gắng vì nơi làm việc, vì đồng lương của anh em. Những lúc chưa thu hồi được vốn, anh Tài chọn cách vay để có tiền trả công cho nhân viên trang trải cuộc sống. Cũng từ đó, hình ảnh một ông chủ gara ô tô tử tế đã giúp những cộng sự quyết định gắn bó lâu dài.

Tranh thủ 1 giờ 30 chiều gara tiếp tục mở cửa, theo hướng chỉ dẫn của anh Tài, phóng viên chương trình đến thăm nơi anh làm việc. Không có anh Tài ở đây, các anh em cùng nhắc nhở nhau, phân chia vị trí cụ thể để phục vụ khách chu đáo. Vừa tranh thủ lau xe cho khách, anh Lê Công Giới – một nhân viên tại gara ô tô của anh Tài vừa tâm sự:

"Anh Tài rất chu đáo, rất tốt, khi nào cũng chịu thiệt về mình để cho anh em thoải mái. Khi nào anh cũng trả tiền cho anh em trước, anh lấy tiền xe sau. Mình cũng không có gì ngoài lời chúc cho anh sức khỏe tốt, mau lành bệnh, về làm với anh em."

“Mau lành bệnh, về làm với anh em” – Một câu nói tưởng chừng giản đơn nhưng là cái tình, cái nghĩa giữa những người anh, người em gắn bó cùng nhau. Được biết, khoảng 3-4 giờ chiều hôm ấy, anh Tài sẽ vào phòng chạy thận rồi được xuất viện trở về nhà, rồi lại được đến gara cùng với những người anh em thân thiết, cùng xây dựng tiếp ước mơ.

Câu chuyện của anh Hậu, anh Tài là hai trong số rất nhiều những trường hợp mà có lẽ, cuộc sống đã gieo vào nơi mảnh đất khô cằn những hạt mầm hy vọng, để dẫu có gian nan đến đâu thì những hạt mầm ấy vẫn mạnh mẽ vươn lên.

Tấn Khoa/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn