Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Năm, 3/4/2025
Cung đường thống nhất

Những bí ẩn đằng sau tuyến đường ống xăng dầu đặc biệt nhất thế giới

Hồng Lĩnh - Nguyễn Yên: Thứ ba 01/04/2025, 06:09 (GMT+7)

Dưới sự đánh phá ác liệt của địch, và sự khốc liệt của thời tiết và địa hình Trường Sơn, trải qua 7 năm tham gia vào vận tải chiến lược (1968-1975), Bộ đội đường ống Trường Sơn đã không phụ sự kỳ vọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đã làm kẻ thù phải kinh ngạc và thán phục.

Trong chương trình đặc biệt hướng tới kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam “Cung đường thống nhất”, chủ đề “Dòng sông mang lửa và Những hải trình tuyệt mật”, VOV Giao thông đã gửi tới quý vị và các bạn câu chuyện về tuyến đường ống xăng dầu trên đường Trường Sơn - một dòng sông mang lửa khó tin như một huyền thoại.

Để tiếp nối những bí ẩn đằng sau thành công của tuyến đường ống có một không hai trên thế giới, mời các bạn theo dõi cuộc trò chuyện của PV VOV Giao thông với Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), kỹ sư thiết kế, thi công tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn - người có mặt trên tuyến đường ống từ những ngày đầu, ở những nơi ác liệt nhất, vào những lúc khó khăn nhất.

PV: Thưa Thiếu tướng, ông có thể chia sẻ về bối cảnh hình thành và phát triển của đường ống xăng dầu - được coi là “huyền thoại trong huyền thoại”?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu: Cuối năm 1967, đầu năm 1968, chiến tranh đánh phá miền Bắc của Mỹ vô cùng ác liệt. Lúc đó, địch muốn chặn vận tải, mà trước tiên là chặn các trọng điểm, đồng thời cắt đường tiếp liệu xăng dầu - cắt “thức ăn” của vận tải, xe không thể đi được. Và quả thật, sự đánh phá ác liệt ấy gây cho chúng ta rất nhiều khó khăn.

Đã có lúc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Đoàn 559 đã phải điện ra Quân uỷ Trung ương báo nếu không có xăng dầu, thì nguy cơ hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong bị đói. Do đó, hậu phương tìm mọi cách để đưa xăng dầu vào cho Tuyến vận tải chi viện chiến lược 559.

Chúng ta đã làm rất nhiều cách: Gùi xăng, lót ni-lông trong ba-lô, đổ xăng vào rồi gùi. Nhưng rồi, ni-lông không chịu được xăng chì, nên độ vài tiếng đồng hồ, xăng làm bục lớp ni-lông, ngấm vào cơ thể các chiến sĩ, nhiều người đã bị ngộ độc ngã xuống đường. Nên giải pháp gùi xăng hiệu suất rất thấp và không an toàn nên không thể làm được.

Sau đó, chúng ta dùng các phi nhỏ, khiêng qua trọng điểm, mà trọng điểm thì dài mấy cây số, tần suất đánh phá của địch vô cùng dày.

Cuối cùng, chúng ta lấy tôn hàn thành đường ống, rồi lấy tất cả ống cao su, ống cọc nhà bạt, ống lồ ô … nối lại với nhau bằng săm ô tô, nhưng cũng bị xăng phá huỷ. Đó là những đường ống đặc biệt nhất trên thế giới.

Thời điểm đó, chúng ta truyền được 150m3 xăng, nhưng tổn thất quá lớn. Ở đường 20, tổ chức lai dắt các phuy xăng ngược suối Trạ Ang để vượt qua trọng điểm, nhưng bị địch đánh cháy, đưa được 30 phuy xăng đến đích thì có tới 29 chiến sỹ thương vong.

 

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nghe báo cáo kế hoạch triển khai đường ống xăng dầu khu vực 471

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nghe báo cáo kế hoạch triển khai đường ống xăng dầu khu vực 471

Giữa năm 1967, khi tham dự cuộc tập trận của khối Vacsava, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện phát hiện Liên Xô có bộ đường ống dã chiến vận chuyển xăng dầu đường kính 100mm, mỗi ống 32kg, có thể tháo lắp được, có khả năng cơ động cao, nếu đưa vào Tuyến chi viện có thể vượt qua sự đánh phá ngăn chặn của địch. Chính phủ đề nghị Liên Xô hỗ trợ. Cuối năm 1967, hai bộ đường ống dã chiến dài 200km đã được vận chuyển về Việt Nam.

Tuy nhiên, ban đầu khi đưa đường ống về Việt Nam, cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Vì đường ống này không phải dùng cho vận tải chiến lược, mà dùng cho vận tải chiến dịch. Nhưng đồng chí Đinh Đức Thiện nói đây là quyết tâm chiến lược. Chỉ có phương thức này mới giải quyết được lượng xăng dầu lớn cho vận tải, còn vấn đề kỹ thuật, chiến thuật phải giải quyết ở thực địa.

Vận chuyển xăng qua suối

Vận chuyển xăng qua suối

PV: Đánh giá một cách tổng thể, đường ống xăng dầu đã đóng vai trò quan trọng như thế nào trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta? Những con số nào cho thấy thành tựu đáng kinh ngạc của đường ống xăng dầu?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu: Dưới tầm đánh phá ác liệt của địch, và sự khốc liệt của thời tiết và địa hình Trường Sơn, trải qua 7 năm tham gia vào vận tải chiến lược (1968-1975), Bộ đội đường ống Trường Sơn đã không phụ sự kỳ vọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đã làm kẻ thù phải kinh ngạc và thán phục.

Thành tích của họ đã được ghi nhận, có ba đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang là Tiểu đoàn 668 (thuộc Trung đoàn 592), Trung đoàn 592, Trung đoàn 537; Một cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT là Trung sỹ Nguyễn Lương Định.

Ngày 20/10/2001, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội xăng dầu đã lập công xuất sắc, từ tháng 8/1968 đến 12/1974, các đồng chí đã xây dựng, bảo vệ và vận hành  thông suốt tuyến ống xăng dầu dài 5000 km với hệ thống kho trữ lượng gần 3 vạn tấn từ Biên giới phía Bắc của Tổ quốc xuyên dọc Trường Sơn vào đến Đông Nam bộ; Đây là một công trình thể hiện ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm mưu trí và đầy sáng tạo, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc...” .

Nhà báo người Mỹ Virginia Morris và Clive Hills - tác giả cuốn “A History of the Ho Chi Minh Trail: The Road to Freedom” - “Đường mòn Hồ Chí Minh - Con đường dẫn tới Tự do” viết: “Người Việt đã vượt lên người Mỹ về tầm nhìn xa, đã xây dựng cơ sở hạ tầng của một hệ thống kho xăng dầu và một hệ thống đường ống dài 5000 km chạy từ biên giới Việt Trung, dọc ngang Trường Sơn về tới Đông Nam bộ… Đây là dự án khủng khiếp.

Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại một câu nói nổi tiếng của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên: “Nếu Đường Trường Sơn là huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”. Nhìn lại bảy năm chiến đấu gian khổ và ác liệt, bộ đội xăng dầu đường ống Trường Sơn tự hào rằng chúng ta xứng đáng với đánh giá đó.

Trải qua điều kiện phức tạp về địa hình, thời tiết, sự đánh phá ngăn chặn ác liệt của địch, Bộ đội đường ống đã làm được rất nhiều công trình, đạt được nhiều thành tích lớn.

Tổng chiều dài đường ống được xây dựng trên tuyến Trường Sơn, bao gồm cả các tuyến đã sử dụng một thời gian rồi lại bỏ, hoặc làm để giải quyết vấn đề thức thời, rồi lại dỡ đi làm lại, là 1.967km, với 75 kho, 39.000m3.

Các nữ chiến sỹ Trung đoàn 592 Anh hùng, Bộ Tư lệnh 559 vận chuyển đường ống xăng dầu, tháng 01/1972

Các nữ chiến sỹ Trung đoàn 592 Anh hùng, Bộ Tư lệnh 559 vận chuyển đường ống xăng dầu, tháng 01/1972

PV: Những thử thách nào đặt ra cho người lính đã tham gia thi công và bảo vệ đường ống xăng dầu?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu: Cuộc chiến đấu của Bộ đội đường ống trên tuyến đường Trường Sơn là vô cùng ác liệt. Nhưng có 4 sự kiện đứng ở ngưỡng cửa thành công hay thất bại.

Đó là lần thứ nhất làm đường ống vượt đèo Mụ Giạ (huyện Minh Hoá, Quảng Bình) - lần đầu tiên vượt đỉnh Trường Sơn. Suốt 3 tháng, máy bay Mỹ oanh tạc đêm ngày. Nhiều bãi đã đã bị bom địch nghiền thành bột.

Nếu đường ống không vượt được qua đèo Mụ Giạ để đưa sang đất Lào thì chủ trương chiến lược là thất bại.

Lúc đó tình hình rất căng thẳng. Nhưng Thiếu tá Mai Trọng Phước - Chỉ huy trưởng Công trường 18 (sau là Đại tá, Cục trưởng Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần) đã tìm cách hoá giải được khó khăn, kể cả làm tuyến tránh, thực hiện nghi binh. Và chúng ta đã thành công. Sau ba tháng, đúng Giao thừa Tết Kỷ Dậu (16/2/1969), xăng đã vượt qua đèo Mụ Giạ và sang đến Lào.

Lần thứ hai, thi công tuyến ống thứ 2 vượt Trường Sơn theo đường 18. Sự ngăn chặn của địch vô cùng ác liệt. Bắt đầu từ 6/9/1969, địch dùng B52 rải thảm suốt đoạn tuyến. Ròng rã ba tháng trời, địch liên tục oanh kích, nhiều cán bộ chiến sĩ bị thương vong. Tình thế buộc chúng ta phải tìm tuyến tránh nhưng không hiệu quả. Lúc đó, bắt đầu xuất hiện tư tưởng dao động, liệu chúng ta có qua được “cửa tử” này không?

Cuối cùng, đội ngũ kỹ thuật đã đưa ra đề xuất, mạo hiểm đưa đường ống lên đỉnh cao nhất của khu vực - đỉnh 911. Đúng ngày 22/12/1969, dòng xăng vượt Trường Sơn vào tới kho K5 ở bản Cọ (Lào). Đích thân Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đến chứng kiến chiến công đặc biệt này và rất xúc động.

Đó là một cuộc đấu trí và đấu chí.

Ngay trước ngày bắt đầu chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, địch đánh bom điều khiển bằng tia lazer phá huỷ trạm bơm T5. Toàn bộ thợ bơm hy sinh. Tình thế cấp bách, Trung đoàn 592 phải áp dụng phương pháp bơm vượt trạm giữa Trường Sơn. Trung đoàn hoàn thành được ba nhiệm vụ lớn: Bơm được xăng, bảo vệ đường ống và chuyển sang chiến đấu với bộ binh địch.

Đường ống hàn đầu tiên (Đồng chí Nguyễn Văn Ký, người hàn mối hàn đầu tiên, thuộc đoàn công trình 18, trên công trường 32h)

Đường ống hàn đầu tiên (Đồng chí Nguyễn Văn Ký, người hàn mối hàn đầu tiên, thuộc đoàn công trình 18, trên công trường 32h)

PV: Dưới tầm đánh phá ác liệt của địch, điều gì đã giúp người lính vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao, thưa ông?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu: Tất cả thế hệ trẻ lúc đó ra đi với một lòng quyết tâm.

Cuộc chiến đấu của bộ đội đường ống là một cuộc chiến đấu đặc thù.

Nếu địch đánh đứt ống, thì xăng trên núi dồn xuống, và tất cả các hố bom trở thành ao xăng. Đấy là biển lửa. Cho nên việc khắc phục sự cố của bộ đội đường ống cơ cực lắm.

PV: Cuốn tiểu thuyết “Dòng sông mang lửa” của ông đã gợi lại những ký ức sâu sắc về một thời kỳ gian khổ nhưng oanh liệt của bộ đội đường ống xăng dầu. Ông muốn truyền tải điều gì đến thế hệ trẻ ngày nay?

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu: Hơn 700 năm rồi, câu ca tự hào chiến thắng quân Nguyên Mông “Người lính già tóc bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong” vẫn còn lưu truyền.

Không biết một trăm năm sau nữa, những khúc ca hào hùng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước liệu có còn vang trên môi hậu thế?”.

Và tôi nghĩ rằng, thế hệ sau sẽ không quên...

Cuộc chiến tranh này, không bao giờ được quên...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Lĩnh - Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
vovgiaothong.vn
Hà Nội: Danh sách 14 điểm giải quyết phạt nguội

Hà Nội: Danh sách 14 điểm giải quyết phạt nguội

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết các vi phạm giao thông bị ghi nhận qua hệ thống camera giám sát, Công an TP Hà Nội vừa công bố danh sách các địa điểm tiếp nhận và xử lý phạt nguội mới trên địa bàn thành phố.

Cháy nhà cấp 4 lúc rạng sáng, 3 người tử vong

Cháy nhà cấp 4 lúc rạng sáng, 3 người tử vong

Đám cháy bùng phát tại căn nhà cấp 4 rạng sáng 2/4 ở đường Mạc Vân, phường Xóm Củi (quận 8, TP Hồ Chí Minh) nơi có 8 người trong gia đình sinh sống. 5 người thoát ra ngoài, 3 người không may mắn bị kẹt lại tử vong, trong đó có bé trai khoảng 5 tuổi…

Giá xăng dầu tiếp tục tăng

Giá xăng dầu tiếp tục tăng

Giá xăng dầu đồng loạt tăng từ 15h hôm nay ngày 3/4, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Các trường hợp bị tước GPLX ô tô

Các trường hợp bị tước GPLX ô tô

Thính giả Minh Quân hỏi (Cần Thơ): “Xin hỏi, theo Nghị định 168 thì tài xế vi phạm những lỗi nào sẽ bị tước giấy phép lái xe ô tô?”.

Kiên Giang: Ngổn ngang những bãi rác trong lòng thành phố

Kiên Giang: Ngổn ngang những bãi rác trong lòng thành phố

Thời gian qua, tại nhiều khu vực ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang xuất hiện những bãi rác tự phát ngổn ngang, bốc mùi hôi, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.

Vụ cháy ở quận 8 (TP.HCM): Người mẹ quay lại cứu con trai thì căn nhà đổ sập

Vụ cháy ở quận 8 (TP.HCM): Người mẹ quay lại cứu con trai thì căn nhà đổ sập

Người mẹ quay lại ngôi nhà cứu con trai lớn nhưng lúc đó căn nhà bất ngờ đổ sập xuống nên không thể thoát ra được.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dự kiến khai thác điểm dừng nghỉ dịp 30/4

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dự kiến khai thác điểm dừng nghỉ dịp 30/4

Mới đây Quốc hội đã thông qua phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 cho VEC với số tiền hơn 38.200 tỉ đồng. Vậy kế hoạch đầu tư, hoàn thiện các hạng mục còn lại trên tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sắp tới như thế nào?