

Đã 50 năm kể từ mốc son của lịch sử dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng tinh thần và khát vọng chiến thắng của thế hệ cha anh vẫn luôn "truyền lửa" cho thế hệ sau.
Từ truyền thống “Đi trước mở đường" của bộ đội Trường Sơn năm xưa, mạch nguồn lịch sử đang được tiếp nối trong thế hệ trẻ trên các công trình, dự án giao thông.
Với những con người đang làm việc trên con đường đã đi vào lịch sử dân tộc - Đường Hồ Chí Minh hôm nay, ngọn lửa nghề của họ vẫn đang cháy với tinh thần “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”....

Km 805 đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) - hơn nửa thế kỷ trước, đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là một nhân tố quyết định để đưa sức mạnh cả nước vào cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam.
Ngày nay, tuyến đường này qua địa bàn Hà Tĩnh đã được mở rộng, nâng cấp, rải thảm nhựa, tạo ra kết nối thuận lợi, lưu thông hàng hóa nhanh chóng từ Cửa khẩu Cha Lo về Cảng Vũng Áng và phát triển kinh tế địa phương. Cũng giống như con đường, con người nơi đây cũng có nhiều đổi thay…
SINH RA VÀ TIẾP NỐI TRÊN CON ĐƯỜNG LỊCH SỬ
Năm 1972, anh Trương Quốc Dương được sinh ra trên tuyến đường này, đoạn qua huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình khi bố mẹ anh là cán bộ, công nhân mở đường ở đây.
Hiện nay, anh Dương là Phó Giám đốc Công ty cổ phần 496. Anh tiếp tục theo nghiệp bố mẹ và làm công tác bảo dưỡng, bảo trì đường bộ trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình - nơi anh sinh ra khi bom đạn ác liệt nhất.

Cũng trên địa bàn Tuyên Hóa ngày nay, vẫn còn những dấu tích của cầu Ka Tang, cây cầu đầu tiên được xây dựng bằng bê tông, cốt thép trên đường Hồ Chí Minh nhưng anh Dương nói rằng, anh không thể tưởng tượng được hết những gian khổ, hy sinh của thế hệ trước để có thể xây dựng, bảo vệ cây cầu này và rất nhiều công trình giao thông khác dưới sự đánh phá của kẻ thù.
"Để mà nói khốc liệt thì thời chiến hơn thời bình rất nhiều, cái ngầm dinh này bây giờ cây cầu mới đi qua, nhưng bao nhiêu các chiến sỹ đã hy sinh ở ngầm dinh này. Nhưng cũng có chút tương đồng ở tính khẩn trương, quyết liệt mở đường, bọn tôi luôn tâm niệm đi trước mở đường", anh Dương chia sẻ.

Trong công tác bám đường, bám tuyến, anh Dương không bao giờ quên lời nhắc từ người cha nhiều năm gắn bó với các công trình giao thông và công tác bảo trì đường bộ:
"Cái nghề của mình như cái nghề làm phúc, con đường phải êm thuận, không ổ gà để mọi người đi đứng an toàn, đó là mình đã làm phúc cho đời. Anh em tôi đi trên tuyến thấy rơi một cục đá là cúi xuống nhặt".
XƯA GIẢI PHÓNG, NAY PHÁT TRIỂN
Mùa mưa kéo dài 6 tháng, mỗi đợt dài cả tuần gây lũ trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Nếu như hơn 50 năm trước, những công binh, thanh niên xung phong luôn bám trụ san lấp, sửa chữa đường cho xe qua; thì ngày nay, những người làm công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng con đường này vẫn phát huy truyền thống đó.

Bão lũ, sạt lở hàng năm gây thiệt hại nặng nề khiến công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường, đảm bảo giao thông hết sức gian khổ nhưng ông Đoàn Quốc Tuấn, hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ Hương Khê, Hà Tĩnh khẳng định, luôn đảm bảo mạch máu giao thông qua địa bàn được thông suốt:
"Đảm bảo thông tuyến, thông suốt đường trong mọi tình huống thì chiến tranh cũng như khi hòa bình; nếu có sự cố thiên tai thì tất cả đơn vị sẽ chuẩn bị vật liệu dự phòng để ứng cứu khẩn cấp, hệ thống cảnh báo an toàn cho phương tiện cũng có ngay, sẵn sàng ngay để đảm bảo lưu thông, không ùn tắc”.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Hương Khê hiện có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, là tuyến đường huyết mạch nối tới cảng Vũng Áng. Anh Nguyễn Thanh Hải, công nhân làm việc trên tuyến này được "truyền lửa" khi anh là người con của mảnh đất Can Lộc, Hà Tĩnh - nơi khởi nguồn của phong trào "xe chưa qua, nhà không tiếc".

Trong chiến tranh, người dân dỡ nhà lát đường cho xe ra tiền tuyến thì giờ đây, anh Hải cũng luôn bám đường, đảm bảo mặt đường êm thuận cho xe qua:
"Người dân và anh em đi làm là khăng khít với nhau, trên tuyến có vấn đề bất đắc, bị sụt lở, tai nạn thì người dân sẽ báo để chúng tôi xử lý kịp thời, nhanh nhất, chỉ trong vòng 1 đến 2 tiếng là chúng tôi xử lý xong, không bao giờ để kéo dài. Anh em luôn sẵn sàng mưa gió, bão lũ, đêm hôm phải làm cho con đường huyết mạch thông tuyến".

CON TIẾP NỐI CHA
Lòng tôi vẫn nhớ nhung xao xuyến/ Những công trình cầu trên trận tuyến Bắc Nam/ Thành quả tô thêm trang sử vẻ vang/ Năm tháng xây cầu trong mưa bom bão đạn/ Tấm lòng người thợ cầu đáng yêu vô hạn/ Suốt cả cuộc đời bầu bạn với giao thông)
Ông Nguyễn Minh Khương, Nguyên quyền Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp giao thông 4 bồi hồi đọc lên những vần thơ của người đồng nghiệp - đồng đội, khi nhớ về những ngày tháng “sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”.
Thời đó, do yêu cầu vận chuyển khẩn trương ra chiến trường, ngành giao thông vận tải phấn đấu thực hiện những khẩu hiệu mà tới giờ ông vẫn không quên: Địch phá ta sửa ta đi; địch phá ta cứ đi; địch phá ta lại sửa; địch phá nữa, ta lại sửa tiếp ta đi.

Ông Nguyễn Minh Khương mong rằng thế hệ hôm nay luôn tiếp nối tinh thần ấy trong bối cảnh và nhiệm vụ mới: "Mình bảo dưỡng, nếu hỏng thì mình sửa chữa lại, giờ công việc đó được áp dụng các công nghệ mới thì người công nhân, người cán bộ kỹ thuật, người quản lý muốn tiến bộ phải học tập, nắm bắt được các kỹ thuật, tiếp thu cho được những công nghệ mới, các công nghệ hiện đại bây giờ thì học tập được càng nhiều, càng tốt".
Người con trai của bác Khương là anh Nguyễn Thành Vinh, đang làm công tác quản lý đường bộ tại Khu Quản lý đường bộ II, Cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ thêm rằng, truyền thống "đi trước mở đường" của lớp cha anh đi trước vẫn luôn cổ vũ để các anh vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ:
"Ngành giao thông vận tải đặc thù là phải thông tuyến, bám hiện trường; làm công tác quản lý đường bộ thì đi hôm về khuya, phải lăn lộn ngoài đường. Mình tự xác định là mình phải yêu nghề, có tâm với nghề, phải học hỏi, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để bắt kịp thời đại công nghệ số", anh Vinh tâm sự.
Còn anh Trương Quốc Dương, với hơn 50 năm sinh ra và gắn bó mật thiết với đường Hồ Chí Minh, anh luôn tâm niệm: “Phát huy truyền thống tự lực tự cường, chịu khó theo tiêu chí giao thông phải thông suốt, êm thuận nhưng phải an toàn. Những anh em sau này phải tự trau dồi nghề nghiệp, sáng tạo, áp dụng nhiều công nghệ mới, chuyển đổi số linh hoạt hơn để hiện đại hóa ngành của mình lên thì mới theo kịp được thời đại”.

Đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một con đường huyền thoại, nơi thử thách ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, sự sáng tạo và sức chịu đựng của các lực lượng đã từng sống, chiến đấu trên tuyến đường này để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Bác Hồ, Tổ quốc giao phó.
Truyền thống và lịch sử vẻ vang cách đây 50 năm vẫn đang thôi thúc thế hệ hôm nay không ngừng phấn đấu, rèn luyện, đóng góp cho mạng lưới giao thông.
Đất nước hòa bình thì giao thông vận tải cũng đang được ưu tiên phát triển để tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Và trên những công trình giao thông trọng điểm đang thi công, những người trẻ vẫn tiếp nối truyền thống, làm nên những công trình mang tầm quốc tế.

Luôn tự hào về truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của các thế hệ cha ông trong việc mở đường Trường Sơn huyền thoại (nay là đường Hồ Chí Minh) để chi viện cho chiến trường miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước;
Tiếp nối dòng chảy hào hùng đó, các thế hệ trẻ ngày nay nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình để tiếp tục xây dựng nhiều công trình mới, hiện đại, mang tầm quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước.
TỐT HƠN, ĐẸP HƠN, HIỆN ĐẠI HƠN ĐỂ TRI ÂN
Một ngày đầu tháng 3, phóng viên có mặt tại tuyến tránh QL1A đoạn qua huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, nơi đây hiện đang được đầu tư mở rộng, nâng cấp trở thành một phần của Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 và cũng chính đoạn tuyến này là một trong những mảnh ghép cuối của đường mòn Hồ Chí Minh ngày nay.

Trên công trường rộn rã tiếng xe máy, thiết bị hối hả thi công lu lèn nền đường, rải cấp phối đá dăm và chuẩn bị cho công tác thảm bê tông nhựa. Lái máy Lê Văn Tư, với kinh nghiệm 16 năm làm việc tại Xí nghiệp 172, Công ty 17, TCT Xây dựng Trường Sơn chia sẻ:
“Tiếp bước cha ông đi trước, thế hệ chúng tôi sau này luôn học hỏi kinh nghiệm và trau dồi kiến thức, bằng tinh thần chiến đấu và sẵn sàng hy sinh niềm vui bên gia đình, cố gắng hoàn thành vượt tiến độ các dự án, công trình đạt chất lượng, kĩ thuật và thẩm mĩ. Đấy là cách chúng tôi tri ân và tiếp bước cha ông đi trước, hoàn thành những con đường tốt hơn, hiện đại hơn và đẹp hơn”.
Cùng với những người thợ cần mẫn như lái máy Lê Văn Tư nay đã là Phó giám đốc Xí nghiệp 172; để công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ có vai trò đặc biệt quan trọng của độ ngũ tư vấn giám sát trên công trường.

Chia sẻ với phóng viên, anh Võ Quốc Thìn, Tư vấn giám sát trưởng, dự án Cao tốc Hoà Liên - Tuý Loan, Trung tâm kỹ thuật Đường bộ 3, Cục Đường bộ VN rất đỗi tự hào bởi cha mẹ anh từng công tác tại Ban Xây dựng 67 anh hùng (Tiền thân của Cienco5 ngày nay).
Anh Thìn cho biết, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cha mẹ anh cùng các đồng đội làm nhiệm vụ mở đường, giữ đường trên các tuyến huyết mạch miền Tây Quảng Bình, phục vụ vận chuyển chi viện miền Nam đánh thắng giặc Mỹ.
Cha mẹ anh cùng các chiến sỹ đã lao động, chiến đấu quả cảm, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, ngày đêm phá đá, san đường, bắc cầu qua sông, qua suối…giữ cho mạch máu giao thông thông suốt.
Cũng trong cuộc chiến đấu ngoan cường ấy, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh hoặc gửi lại một phần xương máu của mình ở chiến trường, như cha anh hiện vẫn còn một mảnh đạn nằm trong cơ thể, mỗi khi trái gió trở trời toàn thân vô cùng đau nhức.
Thấm thía những hy sinh của các thế hệ đi trước, anh Thìn càng thêm quyết tâm tham gia ngành cầu đường, anh là một trong số những kĩ sư đầu tiên tham gia giám sát dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh.

NGHĨA TÌNH CỦ KHOAI, CỦ SẮN
“Tôi rất vinh dự vì được tham gia làm công tác tư vấn giám sát đường Trường Sơn – đường mòn HCM từ những năm 2000, qua đó mới thấy trước đây khó khăn như thế, gian khổ như thế mà các thế hệ đi trước đã vượt qua được, phải nói là nghị lực phi thường. Tiếp nối con đường Hồ Chí Minh này, hơn ai hết tuổi trẻ chúng tôi tiếp bước cha anh làm sao để nó tốt hơn, áp dụng KHCN, thiết bị làm ra những con đường đảm bảo chất lượng và ngày càng đẹp hơn”, anh Thìn tâm sự
Anh Thìn chia sẻ, sau thống nhất đất nước dù đã hết mưa bom bão đạn, thế nhưng việc xây dựng đường mòn HCM vẫn gặp vô vàn khó khăn. Nhất là trong giai đoạn đầu khó khăn, thiếu thốn trăm bề, trong đó có những kỉ niệm mà anh không bao giờ quên được.
Đó là khi những cơn mưa rừng bất chợt, nước trên các khe suối cắt ngang đường tạm dâng cao, anh em cán bộ kĩ sư, công nhân vào tuyến không thể trở ra được. Mưa rét, cùng cái bụng đói meo, các anh men theo những nếp nhà sàn nằm ven sườn đồi dọc tuyến Trường Sơn và đã được đồng bào Xê Đăng cưu mang.

Dù chỉ là củ khoai, củ sắn nhưng thấm đẫm “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.
Từ đó, anh Thìn cùng đồng đội cố gắng thi công hoàn thành tuyến đường Trường Sơn càng nhanh càng tốt để rút ngắn khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược:
“Từ thời điểm đầu, để có con đường mòn Hồ Chí Minh đã có không biết bao nhiêu công sức bỏ ra, trong đó có những kỉ niệm không bao giờ quên được, đó là khi những cơn mưa rừng bất chợt, anh em cán bộ kĩ sư vào tuyến không thể trở ra được. Lúc đó chúng tôi tìm mọi cách để có cái ăn, để đảm bảo sinh tồn qua cơn mưa rừng; khi tạnh mưa chúng tôi tập trung ủi đường tạm để trở về lán trại”.
30 NĂM DỌC DÀI ĐẤT NƯỚC
Chia tay những kĩ sư, người thợ đang hoàn thiện nốt mảnh ghép cuối của đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua Đà Nẵng với bao câu chuyện còn dở dang, chúng tôi tiếp tục hành trình hướng vào nam miền Trung.
Những ngày đầu tháng 3 vẫn còn những cơn mưa bất chợt, khiến cho việc thi công đôi lúc bị gián đoạn. Thế nhưng chỉ cần không phải bão bùng, những người thợ thi công cầu Kỳ Lộ (Phú Yên) – cây cầu đúc hẫng có quy mô lớn nhất của dự án cao tốc Bắc – Nam, vẫn miệt mài làm việc.
Điều này cũng thôi thúc tôi không ngần ngại cùng đội ngũ Cầu 1 Thăng Long leo lên trụ T7 để khảo sát, một trong những trụ cao nhất dự án, với chiều cao lên tới hơn 54m và nhịp dài tới 120m.

Những gương mặt rám nắng, đôi tay chai sần đang thoăn thoắt khớp nối những mối hàn sao cho chính xác nhất. Ở đây người ít thì cũng đã gắn bó 20 năm, nhiều thì như ông Nguyễn Văn Hải, quê Thường Tín, Hà Nội đã có hơn 30 năm đi dọc chiều dài đất nước thi công từ những cây cầu ở vùng núi xa xôi cho tới vùng hải đảo hay là những cây cầu hiện đại ở các thành phố lớn.
Dù ở đâu hay khó khăn thế nào, nhưng ông Hải vẫn luôn tự hào vì đã tiếp bước cha anh xây dựng những công trình to đẹp hơn, hiện đại hơn để tri ân các thế hệ đi trước: “Đội của chúng tôi đã tham gia làm những công trình lớn như Vành đai 3 Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy, cầu Pá Uôn (Sơn La), mọi nẻo đường của tổ quốc, trên rừng dưới biển chỗ nào cũng có mặt. Chúng tôi tự hào vì đã xây dựng cho đất nước những công trình to và đẹp, mở đường cho dân bản đi”.
ĐỂ NGƯỜI TRẺ TIẾP NỐI CHA ANH…
Chia sẻ với phóng viên, kĩ sư Nguyễn Tuyến, Chỉ huy công trường thi công trụ T7 cầu Kỳ Lộ, Công ty Cầu 1 Thăng Long cho biết, bản thân đã học hỏi được rất nhiều từ các bậc cha anh đi trước về ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân rong ruổi bám công trường.

Hơn 20 năm trong nghề anh đã vinh dự được tham gia nhiều công trình mang tầm cỡ quốc tế, nhưng không vì thế mà tự mãn, anh luôn tâm niệm phải học hỏi nhiều hơn nữa để xứng đáng với những hy sinh, mất mát của các thế hệ đi trước.
“Xin được cảm ơn cha anh, các bậc tiền bối đi trước đã để lại cho thế hệ trẻ những nền tảng cơ bản, những công trình vô cùng khó khăn để chúng tôi có động lực phát triển. Bản thân tôi rất tự hào vì mình đã làm được những công trình tương đương so với các nước tân tiến, phát triển.
Ví dụ như: Từ năm 2008 tôi được tham gia xây dựng cầu Pá Uôn, tỉnh Sơn, là cây cầu đúc hẫng lớn nhất Đông Nam Á; cầu dây văng, cầu dạng vòm, trong đó công trình cầu Phật Tích (Bắc Ninh) là công nghệ vòm vắt chéo – là cây cầu đứng thứ 3 trên thế giới về độ khó”, Nguyễn Tuyến tâm sự
Việc hoàn thành tốt công việc của mình, không ngừng học hỏi cũng là cách để mỗi người trẻ viết tiếp chiến công của thế hệ cha anh làm nên những con đường huyền thoại, góp phần vào chiến thắng lịch sử 30/4/1975 trước đây và đưa đất nước Việt Nam vươn mình ngày nay.

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, khát vọng bảo vệ bầu trời là nguồn sức mạnh to lớn để những người phi công bộ đội cụ Hồ anh dũng chiến đấu. Trên chặng đường phát triển, ngành hàng không dân dụng Việt Nam không chỉ ghi nhớ những chiến công của thế hệ cha anh mà còn kế thừa và phát huy trách nhiệm, tính kỷ luật cùng tinh thần vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ.
Họ đang tiếp nối sứ mệnh chinh phục bầu trời, với mong mỏi làm đôi cánh kết nối Việt Nam ra thế giới.
TRỌNG TRÁCH VƯƠN RA THẾ GIỚI
Nhà truyền thống Đoàn bay 919 tại Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội - đây là nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về quá trình xây dựng và phát triển 65 năm qua của Đoàn bay 919; đơn vị nòng cốt của Vietnam Airlines.

Nhà truyền thống Đoàn bay 919 - một địa chỉ "đỏ" về truyền thống cách mạng
Trong không gian Nhà Truyền thống có những tư liệu với nhiều giá trị lịch sử ghi lại quá trình phi công Đoàn bay 919 tham gia vận tải quân sự kết hợp phục vụ dân dụng, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Nơi đây cũng ghi dấu ấn những chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Đoàn bay 919 như phi công dùng máy bay vận tải đánh giặc; những chiến công đầu trên mặt trận không đối không, không đối biển và không đối đất đầu tiên Không quân Nhân dân Việt Nam.
Thế hệ trẻ ngành hàng không, những phi công của Đoàn bay 919 luôn tìm đến địa chỉ này để ghi nhớ và hiểu hơn về tinh thần, ý chí kiên cường, vượt qua khó khăn gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của thế hệ đi trước, giúp họ có thêm quyết tâm tiếp nối trọng trách mang hình ảnh của Tổ quốc vươn ra thế giới.


Đoàn bay 919 là một địa chỉ thể hiện rõ nét sự kết thừa và phát triển của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Nơi đây có tiền thân là Trung đoàn Không quân vận tải 919 thuộc Cục Không quân – Bộ Quốc phòng. Đoàn bay 919 cũng là đơn vị bay vận tải quân sự - hàng không dân dụng đầu tiên của nước ta
Ông Nguyễn Sỹ Hưng, nguyên Trung tá phi công tiêm kích, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị - kiêm Tổng giám đốc Vietnam Airlines, con trai của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; ông cũng là tác giả cuốn sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965 - 1975) - Nhìn từ hai phía”.
Theo ông Hưng, các trận không chiến trên bầu trời Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ là một giai đoạn đặc biệt với những bài học thực tiễn vô cùng hữu ích và có tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Là con trai của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng huyền thoại của đường Trường Sơn, ông Hưng chia sẻ những dấu ấn quan trọng từ người cha với ngành hàng không:
"Khi đó, ông chính là người ký quyết định chuyển hàng không dân dụng từ trực thuộc Bộ Quốc phòng sang trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Đây là bước đi chiến lược, rất quan trọng để cho hàng không dân dụng có thể cất cánh được.
Khi tôi nhận nhiệm vụ, ông nói, ngành hàng không là ngành tổng hợp vừa kỹ thuật, vừa dịch vụ, liên quan tới an ninh, quốc phòng, bảo vệ vùng trời, rất nhiều lĩnh vực, không ai có thể giỏi tất nên phải biết dựa vào tập thể. Thứ 2 là người chỉ huy đứng đầu, mỗi ngày không có gì mới thì sẽ bị lạc hậu".
Ông Nguyễn Sỹ Hưng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Vietnam Airlines và là con trai của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chia sẻ cùng PV VOV Giao thông
Kế thừa tư tưởng từ người cha, đã giúp ông Nguyễn Sỹ Hưng đưa ra nhiều quyết sách quan trọng trong phát triển doanh nghiệp hàng không:
"Mình nghĩ mình làm thì tư tưởng tiến công thể hiện thế nào, nó là tiến thẳng vào công nghệ hiện đại, mình phải vượt lên, ngang tầm với họ. Nước mình là đất nước lớn mạnh, có truyền thống đánh thắng đế quốc thì không thể lạc hậu được nên khi chọn đội máy bay để đầu tư thì chúng tôi đi thẳng vào công nghệ hiện đại, không chọn công nghệ lạc hậu mà là công nghệ hiện đại nhất trên thế giới".
BAY TRONG BẦU TRỜI HOÀ BÌNH NHỜ THẾ HỆ ĐI TRƯỚC
Có khuôn mặt tươi tắn, tràn đầy năng lượng, nữ phi công trẻ Vũ Mai Khanh của hãng hàng không Vietnam Airlines chia sẻ, động lực để cô phá vỡ những định kiến, vượt qua những lo lắng của bản thân để thỏa sức chinh phục bầu trời chính từ người cha cũng là người thầy đầu tiên của mình, Đại tá Vũ Tiến Dũng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân 918, Quân chủng Phòng không-Không quân.

Hơn thế, cô luôn cảm thấy rất tự hào khi được kế thừa từ các thế hệ đi trước, tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng của Đoàn Bay 919:
"Khi được đi bay mỗi ngày trong bầu trời an toàn và hòa bình nhờ thế hệ đi trước thì ở thời điểm hiện tại, chúng tôi có nhiệm vụ học tập, rèn luyện về kỹ thuật, công nghệ. Những phi công trẻ luôn được nhắc nhở về trách nhiệm đảm bảo an toàn, đó là nhiệm vụ cao nhất của phi công".
Là phi công trẻ của đội bay đường dài Airbus A350, cơ phó Nguyễn Thanh Tùng cũng bày tỏ, áp lực lớn nhất của nghề phi công là đảm bảo chuyến bay an toàn từ khi cất cánh đến khi hạ cánh. Tùng luôn được gia đình có bố là phi công lái máy bay quân sự và mẹ cũng công tác trong ngành động viên để tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ.
"Tôi học được từ bố tôi tính kỷ luật vì công việc liên quan tới kỹ thuật thì tính kỷ luật rất quan trọng. Khi mình bước chân lên máy bay thì mình phải dành 100% sức lực, tinh thần tập trung vào công việc, bỏ ngoài đầu những suy nghĩ khác cho đến khi kết thúc chuyến bay. Phi công quân sự hay phi công dân sự thì một sai sót nhỏ cũng phải trả giá đắt nên tính kỷ luật rất quan trọng", cơ phó Nguyễn Thanh Tùng tâm sự.

Để ngành hàng không Việt Nam tiếp tục vươn xa, để các lĩnh vực trong giao thông vận tải được chắp cánh, ông Nguyễn Sỹ Hưng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị - kiêm Tổng giám đốc Vietnam Airlines mong rằng, thế hệ trẻ không ngừng học hỏi và đổi mới:
"Thế hệ nào cũng thế, thế hệ trẻ cần có một quyết tâm lớn, có cách làm mới, hiện đại để tiếp bước thế hệ cha anh, không phụ lòng mong mỏi của thế hệ cha anh để xây dựng các ngành, các lĩnh vực giao thông tiến đến tầm quốc tế, để lại cho tương lai những công trình thế kỷ. Tôi nghĩ thế hệ trẻ ngày nay làm được những việc đó".
Từ những con người đang trực tiếp chăm sóc, vận hành đường Hồ Chí Minh hôm nay đến những người đang tận tụy góp trí tuệ và mồ hôi, để đưa công trình trọng điểm cán đích hay những phi công trẻ với khát khao chinh phục bầu trời, tất cả cho thấy, thế hệ hôm nay đã tiếp nối thật xứng đáng truyền thống cha anh trong chiến thắng Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Truyền thống và tinh thần ấy sẽ luôn ở bên những người trẻ giúp họ hoàn thành mọi nhiệm vụ, góp phần tạo nên những công trình mới, những giá trị mới.
----
Mời các bạn nghe lại Những mạch nguồn cuộn chảy trên Apple Podcast: