Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Nhớ xóm lò Phú Thọ

Kim Loan: Thứ ba 30/07/2024, 09:01 (GMT+7)

Bếp cà ràng vốn là sản phẩm đặc trưng riêng của vùng sông nước Nam Bộ. Trong bối cảnh bếp gas thịnh thành, lớp khói lam chiều ngày càng mỏng manh thì bếp cà ràng cũng dần ít lại.

Thế nhưng ở đâu đó trong chái bếp nhà quê  vẫn còn chiếc cà ràng đỏ lửa hai mùa nắng mưa. Đây chính là động lực để người thợ không ngại nhọc nhằn, vọc bùn, bốc đất, nắn lò. Chuyên mục Người Cũ Cảnh Xưa hôm nay xin được đưa quý thính giả ghé xóm lò Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang để tìm hiểu về một thời “vàng son” của nghề nắn cà ràng nơi đây. 

Bếp cà ràng Nam Bộ có cấu trúc gồm 3 ông táo gắn với một thân đáy chịu lửa hình số 8 dùng để chụm củi, cời than

Bếp cà ràng Nam Bộ có cấu trúc gồm 3 ông táo gắn với một thân đáy chịu lửa hình số 8 dùng để chụm củi, cời than

Sông Tiền hào phóng, mênh mông chảy vào đất Việt, từ đầu nguồn Tân Châu xuôi về phà Năng Gù, xã Phú Thọ được nhận diện bằng những hàng lò phơi mình dưới nắng. Đây là xóm cà ràng (lò đất) một thời tấp nập ghe xuồng cập bến lấy hàng, rồi dập dìu chở về miền hạ: Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang mà bán.

Trong hành trình mở cõi đất phương Nam, trên chiếc ghe tam bản, hình ảnh người chồng chống sào đầu mũi, cô người vợ nhóm bếp cà ràng thổi bữa cơm chiều sau lái đã trở thành biểu tượng một thời. Bếp cà ràng là vật dụng tiện lợi và song hành với đời sống dân cư Nam Bộ từ thời khẩn hoang.

Nhà nghiên cứu lịch sử địa phương Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: “Bây giờ người ta còn lưu luyến cái cà ràng bởi vì nó là dấu ấn thời khẩn hoang. Hồi xưa lưu dân từ miền ngoài vào đây không mang theo cái gì cả, muốn nấu nướng thì kê ba cục đá mà nấu rồi từ từ mới nắn được cái cà ràng”.

Cà ràng vốn là tiếng Khmer (kran), tên gọi một loại bếp lò nắn bằng đất có cấu trúc là 3 ông táo gắn với một thân đáy chịu lửa hình số 8 dùng để chụm củi, cời than. Đến nay, chưa nghe ai nói về “ông tổ” của nghề nắn cà ràng cũng như mốc hình thành của xóm lò Phú Thọ. Chỉ biết rằng, người buôn xứ Cao Miên sang đây hồi thế kỷ 18, họ mang theo những chiếc lò ba chân bán cho bà con xứ Tân Châu, Hòn Đất.

Sau đó đồng bào Khmer vùng Tri Tôn đã nhanh chóng học nghề rồi tạo ra những cái cà ràng đầu tiên. Thương lái miệt Phú Tân thấy vậy làm theo rồi quay về Phú Thọ khởi sinh làng nghề.

Thời hoàng kim, xóm lò Phú Thọ cung ứng cho thị trường trên 360.000 bếp cà ràng/năm

Thời hoàng kim, xóm lò Phú Thọ cung ứng cho thị trường trên 360.000 bếp cà ràng/năm

Ông Nguyễn Văn Đô – chủ lò sản xuất cà ràng tại xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết: “Tôi làm nghề này đã là đời thứ ba, từ đời ông Ngoại, đến đời Mẹ, giờ đến đời tôi. Những người thợ đang làm cho tôi đều trạc độ tuổi tôi. Cái nghề này dù lời ít nhưng vẫn làm”.

Cà ràng có hình thù như con số 8 để nằm, cái bụng chang bang vừa cho cây củi chụm và chứa tro, ấm cúng che gió, mau chín, mau sôi. Nghề nắn cà ràng chỉ được miêu tả bằng 4 chữ: điêu luyện cùng khổ luyện. Bếp cà ràng có rất nhiều loại, chia theo tỷ lệ kích cỡ và tên gọi, gồm: lò thượng, lò trung, lò hạ, lò mọi, lò kiểu, lò than, lò ống khói.

Mỗi loại đều có cách làm khác nhau nhưng phải trải qua 18 công đoạn cơ bản: trộn đất, đạp manh, rải tro, đắp manh, nắn khuôn, năm quay mình ông Táo, vô vĩ, đạo gọt, làm mâm… đến nước cuối cùng cho vô lò nung trên 24 tiếng đồng hồ.

Mỗi công đoạn do một người phụ trách, phải nhịp nhàng, chính xác và hoàn toàn nắn bằng tay. Đất làm cà ràng sét đậm thì dễ nứt, pha tạp nhiều sẽ cho mẻ lò xấu xí. Tỷ lệ pha trộn giữa đất – tro - trấu – cát được cân bằng theo công thức “bí mật” mà chỉ có chủ lò mới nắm bí quyết để tạo nên thương hiệu lò đẹp. Nét duyên của cà ràng phần lớn do phụ nữ khéo tay nắn nót, thế nên, xóm lò Phú Thọ sở hữu 80% lao động nữ cũng vì lý do này.

Giai đoạn phát triển mạnh của xóm lò Phú Thọ bắt đầu từ những năm đầu đất nước hoàn toàn giải phóng (1975), nhưng hoàng kim nhất là từ 1979. Khi đó, đời sống còn khó khăn, dạng lò đất nung vừa rẻ tiền, vừa bền đẹp đã trở thành món hàng hóa được ưa chuộng của thị trường và giúp đẩy làng nghề phất lên khấm khá nhanh chóng. Thời đó, Phú Thọ có hơn 100 hộ gia đình mở lò nắn cà ràng, bếp cà ràng thành phẩm chuyển khắp nơi từ Nam chí Bắc. Ghe xuồng dập dìu từ miền hạ Long An, Miệt Thứ, U Minh… đổ xô về xứ đầu nguồn gom hàng rồi chở ngược về miệt dưới phân bổ.

Ông Nguyễn Văn An – người dân xã Phú Thọ, huyện Phú Tân luyến tiếc: "Nghề này đã có trên 100 năm nay, trước đây nghề phát triển rất mạnh, người dân theo nghề rất đông vì làm nghề này người ta sống được. Theo tôi, nếu lúc đó nhà nước đứng ra đầu tư, có nguồn nguyên liệu, hợp tác xã… thì cái nghề này phất lên mạnh hơn nữa."

Hình ảnh cà ràng nằm một góc nơi chái bếp đã gắn liền với văn hóa và phong tục tập quán của người dân Nam Bộ

Hình ảnh cà ràng nằm một góc nơi chái bếp đã gắn liền với văn hóa và phong tục tập quán của người dân Nam Bộ

Khi đó, trung bình mỗi lao động nắn tối đa 30 bếp cà ràng/ngày. Giá cả mỗi chiếc cà ràng Phú Thọ xuất xưởng chỉ từ 5.000 đến 7.000 đồng/chiếc, đồng lời kiếm được là 2.500 đồng/chiếc, quá rẻ so với công sức người thợ đắp lò. Nhưng sức mua “đông ken” đã thôi thúc người lao động tăng gia sản xuất, chủ lò và cả thợ lò kiếm tiền chủ yếu nhờ số lượng cà ràng nhiều. Ước tính, mỗi năm, xóm lò Phú Thọ cung ứng cho thị trường trên 360.000 bếp cà ràng. Đặc biệt là vào vụ Tết, thợ lò đắp ngày, nắn đêm, nung đỏ lửa để đủ những mẻ cà ràng đã đặt hàng phục vụ Tết. Thế nhưng đặc thù của cái nghề khổ cực, mỗi thợ lò không thể nắn hơn số lượng 30 cái/ngày vì không có sức.

Chị Trần Ngọc Minh – thợ lò nắn cà ràng xã Phú Thọ, huyện Phú Tân hồ hỡi kể: “Nghề này là nghề truyền thống của ông Nội, tới đời Ba tôi giờ tới tôi, phải làm. Mình thương nghề lắm, Tết tới là bán không kịp. Ở xứ miệt dưới có củi là họ thay lò liền liền, hễ tới Tết là thay bếp lò ông Táo mới”.

3h khuya thức dậy móc đất, nắn miệt mài đến 22h đêm, đều đặn 49 năm, xóm lò Phú Thọ là nơi ghi nhận số lượng di dân ít nhất của tỉnh An Giang. Bởi nắm chắc nghề trong tay, hiếm có thợ lò nào ly hương đi Bình Dương hay Đồng Nai lao động. Thế nhưng, làng nghề cũng để lại di chứng nặng nề. Khổ cực nhưng huy hoàng, xóm đạo Phú Tân xây nhà mới, đời sống khá giả cũng nhờ cà ràng.

"Tết thì làm nhiều, vì tết người ta xài lò nhiều lắm"

"Lò bán bao nhiêu cũng không đủ, biết bao nhiêu người đợi. Người ta đặt hàng mà tới nơi mình không có lò thì người ta cũng chấp nhận ngồi đợi"

"Mình phải mướn thêm thợ, thêm khuôn, 3h sáng thức làm để cung ứng cho người mua"

Ngày nay với muôn vàn sự phát triển, tất yếu xã hội không thể khư khư ôm mãi cái hoài cổ. Hình ảnh cái cà ràng được đặt ở góc bếp trong mỗi gia đình ở vùng sông nước ĐBSCL đã dần dần được thay thế bằng bếp gas, bếp điện. Thị trường cạnh tranh của cà ràng cũng chào thua và “thu mình” nhỏ lại. Xóm lò Phú Thọ hiện giờ cũng chỉ còn 30 hộ nắn cà ràng đáp ứng cho một bộ phận người dân còn sử dụng dạng lò này.

Chủ lò vẫn kiếm lời theo cách cũ là nhờ số lượng nhiều nhưng cà ràng tiêu thụ rất chậm và ít ở địa phương. Thương lái mua lò chủ yếu đưa đi các tỉnh xa như: Tiền Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Tầm 2 tháng thương lái sẽ ghé lấy 300 cái/lần. Giá cả đã nâng lên theo thời thế, hiện lò đất ở đây chia làm 4 loại: lò thượng (số 4) có giá 40.000 đồng/cái, lò số 3 có giá 35.000 đồng/cái, lò nhất (số 2) có giá 30.000 đồng/cái, lò nhì (số 1) có giá 25.000 đồng/cái, trừ đi chi phí còn lãi từ 4.000 – 10.000 đồng/cái.

Một chiếc bếp cà ràng được người Nam Bộ nướng cá đồng

Một chiếc bếp cà ràng được người Nam Bộ nướng cá đồng

Chị Nguyễn Ngọc Thương – chủ lò sản xuất cà ràng ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân cho biết: “Thương lái người địa phương ở đây họ cũng lấy để chở đi vùng khác bán, mình làm ra bao nhiêu thì họ cũng lấy hết. Nhưng tháng đắt thì mình số lượng mình dồn cho vài đầu mối, còn tháng ế thì mình chia ra cho nhiều thương lái khác bán tiếp. Giá cả thì cũng trung bình, Tết cũng như ngày thường, chỉ một giá mà thôi”.

Thời gian qua, huyện Phú Tân đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ dân làng nghề làm lò đất truyền thống có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Cùng với đó, bà con làng nghề cũng nỗ lực đầu tư ứng dụng máy móc, công nghệ nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm duy trì phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương. Cà ràng Phú Thọ trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ được nhiều nhà hàng sử dụng để trang trí nhằm tái hiện nếp sống xa xưa. Nhờ vậy, sản phẩm của làng nghề dù có ít đi nhưng cũng còn nơi để tồn tại và ngày càng được cải tiến đa dạng mẫu mã. Xóm lò vẫn được giữ nguyên lửa nghề trong dòng chảy hiện đại và có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.

Ông Mai Quốc Việt – Phó Chủ tịch xã Phú Thọ cho biết: “Việc duy trì xóm nắn cà ràng nơi đây được xem là duy trì làng nghề truyền thống của cha ông để lại và duy trì cuộc sống cho người lao động. Góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và phát triển kinh tế địa phương. Mỗi dịp Tết đến, làng nghề rất nhộn nhịp. Riêng 30 hộ còn làm nghề thì địa phương rất quan tâm, chúng tôi đã rà soát các nguồn vốn của ngân hàng chính sách để cho vay, giúp bà con phát triển làng nghề”.

Dù đã qua giai đoạn huy hoàng và chưa có lời giải về gốc tích, nhưng giá trị tinh thần của bếp cà ràng thật sự đã gắn liền với phong tục, tập quán của cư dân Nam Bộ không thể nào nhạt phai. Người thợ nông dân chân chất, tài hoa ở xóm lò Phú Thọ mãi là những người giữ ấm cho sự trường tồn bếp củi trong văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn minh ẩm thực Nam Bộ nói riêng.

Ở vùng nông thôn ngày nay, khi trời độ chiều, người ta vẫn còn nghe thấy khói lam thơm mùi củi mục. Ôm bụng than hồng um dề cơm cháy, nướng mớ cá đồng thơm phức giòn tan…thì phải có cà ràng mới làm được thế!

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Ra đường “sống chết có số”?

Ra đường “sống chết có số”?

Những con số biết nói về tình hình tai nạn giao thông những tháng qua cho thấy, đây vẫn luôn là nỗi ám ảnh của toàn xã hội. Điều đó cũng đòi hỏi các giải pháp và chính sách cải thiện an toàn giao thông cần thiết thực hiệu quả hơn để tai nạn giao thông hạ nhiệt trong thời gian tới.

Vĩnh Long: Di dời bến phà nối 4 xã cù lao, người dân đi lại thế nào?

Vĩnh Long: Di dời bến phà nối 4 xã cù lao, người dân đi lại thế nào?

Bến phà An Bình mỗi ngày vận chuyển trên 10.000 lượt phương tiện qua lại giữa TP.Vĩnh Long và 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ. Cách đây 2 ngày, bến phà đã được di dời đi nơi khác vì phía bờ TP.Vĩnh Long được đưa vào khu vực có khả năng sạt lở nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao.

Trạm BOT Phú Hữu hoạt động, người dân nói 'vô lý'

Trạm BOT Phú Hữu hoạt động, người dân nói "vô lý"

Trạm BOT Phú Hữu đặt trên đường Nguyễn Thị Tư (phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức, TP.HCM) chính thức thu phí các phương tiện ra vào Khu công nghiệp Phú Hữu. Mặc dù người dân trong khu vực được miễn phí khi qua trạm nhưng nhiều người cũng cho rằng, việc thu phí khi qua trạm BOT chưa hợp lý, tạo thêm gánh nặng cho họ.

Những ngày “mở sóng”

Những ngày “mở sóng”

Đối với rất nhiều phóng viên của VOV Giao thông, khoảng thời gian cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu của nó hoành hành ở miền bắc, có lẽ sẽ là một trong những ký ức khó quên.

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất hoàn thành lắp đặt hạng mục quan trọng nhất

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất hoàn thành lắp đặt hạng mục quan trọng nhất

Sau 120 ngày thi đua thi công, hạng mục kết cấu mái công trình nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã hoàn thành đúng mục tiêu tiến độ, tạo tiền đề quan trọng đưa cả dự án về đích.

Gần 2 triệu trẻ em Việt Nam ảnh hưởng bởi lũ lụt, sạt lở đất

Gần 2 triệu trẻ em Việt Nam ảnh hưởng bởi lũ lụt, sạt lở đất

Trẻ em tại Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan có nguy cơ không được tiếp cận với giáo dục, nước sạch và các dịch vụ thiết yếu khi lũ lụt và sạt lở đất gây hư hại nhà cửa và cơ sở hạ tầng.

Cựu sinh viên Luật phát động chương trình thiện nguyện tái xây dựng nhà sau bão Yagi

Cựu sinh viên Luật phát động chương trình thiện nguyện tái xây dựng nhà sau bão Yagi

Chương trình thiện nguyện tái xây dựng nhà sau bão Yagi được phát động trước thềm Kỷ niệm 20 năm ngày ra trường (2005 – 2025) của sinh viên khóa K26 – Trường Đại học Luật Hà Nội.