Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Nhiều bể bơi trường học xây xong “đắp chiếu"

Nguyễn Yên: Thứ ba 13/05/2025, 20:58 (GMT+7)

Trong khi việc thiếu bể bơi làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy bơi trong nhà trường, thì ở nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội, mặc dù được đầu tư xây dựng, có trang bị hiện đại nhưng hồ bơi trong trường lại không được sử dụng, “đắp chiếu” nhiều năm qua.

Bể bơi xây xong rồi bỏ không vừa gây lãng phí nguồn lực vừa vừa khiến học sinh không có cơ hội được dạy bơi ngay trong ngôi trường đang học.  

Xót xa trước việc bể bơi trong trường dừng hoạt động nhiều năm qua, một phụ huynh trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, đây là điều tiếc nuối của anh và rất nhiều phụ huynh có con theo học tại đây:

“Con mình học ở đấy, mình cũng muốn con được tham gia các hoạt động, có bể bơi ngay trong trường thì rất tiện. Xây lên rồi mà không được sử dụng thì đúng là lãng phí, trong khi học sinh muốn sử dụng, phụ huynh muốn trẻ con được dùng”.

Theo thông tin VOV Giao thông có được, không chỉ bể bơi trong trường THCS Nghĩa Tân mà toàn bộ 6 bể bơi trường công lập được xây dựng từ nguồn ngân sách tại quận Cầu Giấy đều trong tình trạng không hoạt động đã nhiều năm nay.

Ảnh minh hoạ: NLĐ

Ảnh minh hoạ: NLĐ

Trường học có bể bơi là một trong các tiêu chí để chọn trường cho con học nhưng chị Phạm Thị Hòa, ở phường Kim Giang, quận Hoàng Mai cũng phải thất vọng vì bể bơi đóng cửa:

“Nhìn bể bơi như thế rất lãng phí, học sinh không được sử dụng là một điều rất đáng tiếc vì dạy bơi trong trường học là rất cần thiết mà không phải trường nào cũng được xây dựng. Đây đã có rồi mà không được dùng thì cần có cách khắc phục”

Trong khi nhiều bể bơi được đầu tư xây dựng ở các trường công trên địa bàn Hà Nội đã đóng cửa không hoạt động nhiều năm nay do không có kinh phí vận hành thì các báo cáo hiện có chỉ thống kê số bể bơi xây lắp mới mà không đề cập bao nhiêu bể đã được đưa vào sử dụng, bao nhiêu bể sử dụng hiệu quả, bao nhiêu bể bỏ không.

Không chỉ bể bơi cố định mà nhiều bể bơi lắp ghép được đầu tư hàng trăm triệu đồng nhằm giúp các trường học tổ chức dạy bơi cho học sinh cũng bị bỏ hoang gây hư hỏng, lãng phí.

Về nguyên nhân khiến bể bơi trong trường học dù được đầu tư xây dựng mới nhưng không mở cửa hoặc chỉ hoạt động thời gian ngắn rồi dừng hẳn, ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Long Biên, Hà Nội cho biết, khó khăn lớn nhất là vấn đề kinh phí để hoạt động:

“Kinh phí duy trì cho một bể bơi rất tốn kém vì quy trình làm sạch nước và người quản lý, vận hành, dạy bơi. Cái này không có trong một cơ chế nào riêng cho dạy bơi mà nó chỉ là một môn thể thao trong trường học dẫn tới tình trạng hoạt động dạy bơi nếu dạy trong giờ chính khóa thì không thể thu tiền, còn dạy ngoài giờ, thu tiền thì lại trở thành kinh doanh”.

Cụ thể hơn, kinh phí chi cho hoạt động bể bơi, đối với các bể bơi lớn, mỗi lần thay nước phải tốn hàng chục triệu đồng, chưa kể phải mua hóa chất xử lý nước. Ngoài ra, theo thông tư 03 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định để hoạt động hồ bơi phải có 03 nhân sự gồm: nhân viên cứu hộ, nhân viên huấn luyện và nhân viên y tế; trong khi đó ở các trường học không thể đáp ứng nguồn nhân sự này.

Ông Lê Trung Kiên đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế đặc thù cho các trường học để gỡ khó khi tổ chức hoạt động tại các bể bơi. Cơ chế này sẽ khuyến khích được hoạt động phổ cập bơi mà hướng đi trước mắt có thể là liên kết giữa nhà trường và các trung tâm thể thao của khu vực để tổ chức dạy và học bơi.

Nhà nước cần có cơ chế đặc thù cho các trường học để gỡ khó khi tổ chức hoạt động tại các bể bơi. Ảnh minh hoạ: NĐT

Nhà nước cần có cơ chế đặc thù cho các trường học để gỡ khó khi tổ chức hoạt động tại các bể bơi. Ảnh minh hoạ: NĐT

Trước vấn đề khó khăn hiện nay là chưa có cơ chế, ngân sách để vận hành bể bơi trong trường học cũng như chế độ chi trả lương cho giáo viên, nhân viên quản lý bể bơi khiến học sinh phải “học bơi trên giấy”, ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho rằng, việc dạy bơi cho học sinh phụ thuộc vào rất lớn và cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Việc xây dựng được các bể bơi tại trường học có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thể chất và phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh

Do đó, theo ông Nguyễn Trọng An, cần có nhìn nhận và đầu tư thích đáng cho vấn đề này: “Đã có bể bơi thông minh, bể bơi lắp ghép rồi thì công tác duy tu, duy trì, bảo hành nó thế nào rất quan trọng; Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường phải có ý thức nâng cao kỹ năng, kiến thức cho nhà trường về phòng chống đuối nước, thực hiện nghiêm túc và có kế hoạch về vấn đề tổ chức dạy bơi an toàn trong nhà trường, các chỉ số và giải pháp đã có cần thực hiện nghiêm túc vì an toàn và sinh mạng của trẻ em là trên hết”.

Chủ trương dạy bơi trong nhà trường và phổ cập bơi cho học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở đã có từ nhiều năm trước, nhưng đến nay, rất ít trường học có đủ điều kiện để thực hiện. Trong bối cảnh đó, có những trường đã có bể bơi lại không thể sử dụng gây lãng phí lớn về nguồn lực. Thực tế này đòi hỏi, cần sớm có giải pháp khắc phục tình trạng khó khăn cho hoạt động tại các bể bơi trong trường học; đặc biệt là tìm ra lời giải cho bài toán kinh phí hoạt động của bể bơi.

Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn