Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Người đồng bằng: Tiếng chổi đêm

Xuân Quang: Thứ tư 15/05/2024, 08:34 (GMT+7)

Đều đặn mỗi đêm, không quản nắng mưa, giông bão, có những người vẫn âm thầm góp sức mình làm đẹp cho đời, cho người. Họ là những công nhân đường phố, làm bạn với đêm, thủ thỉ cùng đường, để mỗi sớm mai thức dậy, phố sá lại chuyển mình tươm tất.

 

Tiếng quét chổi mỗi đêm, đó là những âm thanh chắc hẳn không còn xa lạ với cư dân đô thị. Khi màn đêm buông xuống, khi phố thị sáng đèn, khi mọi người đang trên hành trình hối hả về với mái ấm gia đình sau 1 ngày làm việc vất vả cũng là lúc các thành viên của đội vệ sinh đường phố thành phố Mỹ Tho bắt đầu công việc của mình.

Bất kể trời mưa hay nắng, ngày cuối tuần hay lễ tết, tiếng sột soạt của những chiếc chổi tre, tiếng lộc cộc, kẽo kẹt của chiếc xe đẩy rác cứ đều đặn vang lên. Công việc chính của họ là quét sạch lòng lề đường, vỉa hè và thu gom rác thải nơi công cộng, khu dân cư, chợ búa

. Đối với những người lao công này, trong những đêm khuya thanh vắng, cây chổi tre, chiếc xe rác nghiễm nhiên trở thành người bạn đồng hành.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Chị Đào Thị Thủy đã bắn bó với công việc này suốt hơn 20 năm qua. Chị Thuỷ kể, khi mới vào nghề chị luôn mang trong lòng những mặc cảm, tủi hờn vì những lời ra tiếng vào, những hành động vô ý thức, những ánh mắt, cái nhìn dè bỉu, chê bai, so sánh.

Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, dần dần rồi cũng quen với cái nghề vui ít, buồn nhiều này. Thêm vào đó là những lời động viên của người thân, gia đình và cả những người đồng nghiệp giúp chị vượt qua mặc cảm, gắn bó với nghề làm đẹp cho phố phường trong ngần ấy thời gian.

Chị Thủy tâm sự: "Hồi mới ra cũng tủi lắm nha. Ở ngoài vườn hoa này nè, mình quét ngang thì người ta liệng bịt rác lên đầu mình luôn á. Có khi người ta tạt nước từ trên lầu xuống làm ướt hết, cái mình ngó lên cũng hơi tủi tủi. Có nhiều khi mấy anh xe ôm đi ngang nói: Trời ơi hết chuyện làm rồi sao mà đi làm nghề này, đi kiếm nghề khác làm đi.

Rồi mấy chị bán vé số ngã tư nói mầy quét vầy chi cho cực, tính ra 1 ngày đâu có được bao nhiêu, thua tao bán vé số 1 buổi. Cũng có người lại nói, thử thời hỏng nhờ mấy chị thử coi đường xá như thế nào? Hôi hám như thế nào? Từ đó làm động lực giúp mình vui lên để làm từ từ. 12 giờ đêm tới 3 giờ sáng hôm sau. Đường vắng cũng sợ. nhưng sợ nhất là lúc trời mưa sấm sét cũng sợ nhưng mà nghề của mình mà, mình phải làm thôi."

Cùng với chị Thủy, chị Phạm Thị Ngọc Yến vào nghề ngót nghét cũng được mười mấy năm. Công việc của chị Yến là thu gom rác ở khu dân cư trên địa bàn phường 4 thành phố Mỹ Tho. Trước đây, Cha của chị cũng làm nghề quét rác ở Phường 4 này. Do hoàn cảnh gia đình hồi đó quá khó khăn, chị phải nghỉ học sớm để bươn chảy mưu sinh. Những đêm rảnh rỗi theo phụ cha quét rác, riết rồi nghề bám vào mình lúc nào không hay.

Chị Yến nói vui: Cái địa hình của Phường 4 này chị nắm trong lòng bàn tay, không có ngỏ ngách nào mà không có dấu chân của cha con chị. Dù hiện thời, cha của chị đã nghỉ hưu nhưng chị vẫn cứ đều đặn 1 đêm 2 ca. Niềm vui lớn nhất của chị là khi nhìn thấy những cung đường mà mình đi qua đều sạch rác.

"5 giờ chiều là tụi em bắt đầu đi còn sáng là phải kết thúc trước 6 giờ sáng. Em cũng chia làm 2 ca bởi vì ở đây 1 người lãnh tới mấy khu phố lận vì thế mình phải chia ra nhưng tụi em đảm bảo là sẽ sạch rác trong khu phố. Hồi đó cha em cũng làm ở phường tư rồi em đi phụ tại vì gia đình cũng không được khá giả nên em phải nghỉ học sơm và đi phụ cha từ nhỏ rồi dần dần cũng thích nghi. Nói chung là yêu công việc này mới làm được. Em đi làm qua tuyến đường đó mà khi nhìn lại thấy nó sạch là em thấy rất thoải mái và thích dữ lắm. Không biết diễn tả cảm giá nó như thế nào nhưng rất là vui", chị Yến chia sẻ.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Còn chị Nguyễn Thị Tâm lại khiến ai nghe qua câu chuyện của chị đều cảm thấy nể phục. Chị sinh ra trong gia đình có 3 đời làm nghề quét rác. Trước đây ba mẹ chị làm lao công trong đội vệ sinh đường phố của Công ty công trình đô thị Mỹ Tho. Rồi lớn lên, khi lập gia đình, 2 vợ chồng chị cũng vào làm tại đây.

Tiền lương không nhiều nhưng cũng đủ giúp anh chị nuôi 2 đứa con ăn học thành tài. Đứa con trai lớn của chị tốt nghiệp Đại học kinh tế, còn thằng nhỏ cũng tốt nghiệp lớp 12. Không biết do nghiệp duyên thế nào mà 2 đứa con của anh chị dù có bằng cấp hẳn hoi nhưng vẫn quyết tâm bám nghề của ba mẹ. Cậu cử nhân kinh tế nay lại trở thành công nhân lao công quét rác tại 1 xã vùng ven Mỹ Tho.

Còn cậu Tú tài ngày nào giờ cũng trờ thành tài xế xe ép rác. Nghề nào cũng vậy. Niềm vui và nỗi buồn luôn song hành cùng nhau, khi chúng tôi hỏi về công việc, chị Tâm rưng rưng nước mắt: "Vui là những người dân người ta rất thương yêu mình. Thấy mình cực khổ người ta cho 1 miếng bánh hay 1 chai nước. Còn buồn là vì có những người không có ý thức. Khi mình đã làm sạch, vừa làm sạch xong thì họ lại đem rác ra quăng trở lại.

Có những người chưa hiểu về cái nghề này, Cứ coi cái nghề của tụi mình là thấp hèn nhất trong xã hội, thành ra không coi trọng mình nhưng mình cũng ráng tại vì cái mưu sinh, đời sống của gia đình mình. Mình cũng ráng vui lên để làm tròn nhiệm vụ. 2 vợ chồng, 2 đứa con. Hồi mới cũng cái nghề này mà tui nuôi con ăn học thành tài. Nhưng nó vì cái đam mê hay theo nghề cha mẹ sao không biết nay cũng đi theo làm rác hết. Đứa lớn thì kéo rác trong xã ra, còn đứa nhỏ thì đang là tài xế xe rác."

Công việc quét dọn đường phố, khu dân cư là thế, còn nghề quét rác ở chợ lại càng vất vã hơn. Sau mỗi phiên chợ, khi các tiểu thương dọn về hết thì phần rác thải, phế phẩm cá, tôm, gà, vịt và các “tàn dư” phiên chợ đều dành lại cho người lao công. Bất chấp sự nhếch nhác, hôi thối sau mỗi phiên chợ, chị Nguyễn Thị Hiếu Hòa vẫn ngày ngày âm tham thu gom quét dọn mà không một lời thở than.

Những xe chở rác cao quá đầu người là những hình ảnh dễ bắt gặp nhất tại khu chợ Vòng nhỏ, phường 6, thành phố Mỹ Tho lúc trời nhá nhem tối. Ngày ít nhất cũng 5, 6 xe còn những ngày lễ, tết lượng rác cũng nhiều hơn, có khi lên đến cả chục xe. Trước đây, chị Hòa là công nhân may ở thành phố, sau khi lập gia đình, bên nhà chồng của chị cũng là công nhân vệ sinh môi trường, từ đó chị cũng bén duyên với nghề được hơn 10 năm nay. Ngồi bên những chiếc xe rác bốc mùi nồng nặc để chờ xe ép tới lấy, chị Hiếu Hòa chia sẻ:

"Em làm được hơn 10 năm rồi. Trước đó em làm ở Công ty may ở dưới Tân Bình. Em được giới thiêu vô rồi em làm luôn. Dù nặng nhọc nhưng em thấy mình làm được, Chiều em mới làm. 4 giời bắt đầu làm tới 8 giời là kết thúc. Giờ giấc thì tới giờ là mình đi thôi, mưa nắng gì cũng đi. Giống như người ta làm nhà rồi bài ra tùm lum, mình cũng phải dọn sạch cho người ta. Nếu mình không làm sạch thì người ta sẽ cự mình. Cũng có buồn nhưng mà buồn thì buồn vậy thôi chứ mình cũng im lặng để làm tròn nhiệm vụ của mình. Em định làm tới nghỉ hưu luôn."

Theo thống kê, hàng ngày 210 công nhân vệ sinh môi trường của Công ty Công trình đô thị Mỹ Tho phải thu gom, quét dọn trên dưới 200 tấn rác trên toàn thành phố. Sau đó lượng rác này sẽ được xe chuyên dụng chở về tập kết tại các bãi rác trên địa bàn tỉnh. Vất vả, khó khăn là vậy, nguy hiểm đang rình rập bên mình như thế, vậy mà những công nhân quét rác này dường như không nghỉ ngày nào.

Tiếp chuyện với chúng tôi vài ba câu rồi các chị, các anh lại hối hả đẩy xe đi và tiếp tục công việc thường nhật của mình. Tiếng sột soạt, tiếng lộc cộc, kẽo kẹt cứ thế vẫn đều đặn vang lên cho phố sá trở mình…

Xuân Quang/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn