Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Nạo vét sông Lừ, giảm ô nhiễm đến đâu?

Nhóm PV: Thứ hai 08/07/2024, 20:42 (GMT+7)

Hàng chục công nhân dầm mình dưới dòng nước sông Lừ đen đặc, đoạn qua cầu Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) trong thời gian gần đây khiến người dân, người tham gia giao thông kỳ vọng, tình trạng ô nhiễm, mùi hôi thối sẽ được cải thiện khi việc nạo vét lòng sông được hoàn thành.

Nhiều năm sinh sống ngay ven sông Lừ, phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, bà Đặng Thị Kim Dung thường xuyên chứng kiến cảnh nước thải từ khu dân cư, nhà máy xả thẳng ra sông. Những ngày nắng nóng, nước thải bốc mùi khiến các hộ ven sông không dám mở cửa.

Bà Dung mong muốn đoạn sông sớm được dọn dẹp, nhằm cải thiện môi trường sống của dân cư: "Có mười mấy cái xe xúc cơ. Hôm nọ có 5 tiếng thôi làm từ sáng. Còn lâu mới ngửi được, kinh lắm, bây giờ thì thoáng, sạch sẽ."

Những xe chứa bùn hoạt động liên tục tại điểm nạo vét sông

Những xe chứa bùn hoạt động liên tục tại điểm nạo vét sông

Sau 2 tuần tiến hành nạo vét bùn, dọn rác dưới sông, anh Đào Văn Lộc đi ngang qua khu vực này mỗi ngày mong muốn người dân tự nâng cao ý thức, chung tay bảo vệ môi trường sống:

"Người ta làm ở đây gần cả tháng nay rồi, giảm bớt mùi đi nhiều với lại nước không còn đen nữa. Anh mong muốn mọi người chung tay bảo vệ môi trường, rác thải, để chung cho xe rác chứ đừng thả xuống sông, gây mùi ô nhiễm."

Cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm được cải thiện, mùi hôi thối giảm bớt, song, ông Nguyễn Đình Chiến, cư dân sinh sống gần đó vẫn tỏ ra hoài nghi bởi các dự án nạo vét, thu gom nước thải trên sông Lừ đã nhiều lần bị bỏ dở:

"Không biết có khắc phục được không, hay chỉ được 1 thời gian đầu rồi đánh trống bỏ dùi thì khó lắm. … Bây giờ sông đục ngầu, ngồi đây lắm lúc không thể ngửi được, mùi hôi thối bốc lên, như hôm nay nhá vét như này cái thì mưa nắng là không có mùi. Chứ mọi hôm là không thể ngửi được."

Những công nhân vệ sinh tích cực hút rác thải và bùn dưới dòng sông Lừ ô nhiễm

Những công nhân vệ sinh tích cực hút rác thải và bùn dưới dòng sông Lừ ô nhiễm

Trao đổi với PV, một công nhân trực tiếp thực hiện nạo vét sông Lừ cho biết, việc nạo vét sông sẽ được tiến hành từ đoạn cầu Định Công đến khu vực ngã ba Trần Hòa vừa giúp giảm mùi hôi thối, vừa tăng khả năng thoát nước trong mùa mưa:

"Hút bùn rồi đến bãi tập kết rồi đổ. Nhiều ngày nay người ta hay kêu ngập, có chỗ hàng tháng luôn. Từ ngày có dự án như này thì giờ tạnh mưa trong vòng 1 tiếng là sạch. Đấy là sự hiệu quả của nó."

Công nhân vệ sinh vất vả thực hiện công việc hút bùn giữa thời tiết nóng bức

Công nhân vệ sinh vất vả thực hiện công việc hút bùn giữa thời tiết nóng bức

Ông Bùi Ngọc Uyên, Phó Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội chia sẻ, để phục vụ công tác thoát nước, chống ngập cho mùa mưa 2024, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nước, từ tháng 3/2024, Công ty đã triển khai việc nạo vét trên sông Lừ, chiều dài nạo vét khoảng 5km, từ cống hạ lưu phố Trường Chinh đến ngã ba sông Lừ nối với sông Tô Lịch, với tổng lượng bùn nạo vét trên 13 nghìn m3. Dự kiến, sẽ phải nạo thêm khoảng 9 nghìn m3 và việc nạo vét sẽ hoàn thành vào tháng 8 năm nay

"Việc nạo vét các tuyến sông, trong đó có sông Lừ góp phần tăng khả năng lưu thoát nước khi mưa, phục vụ công tác thoát nước các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân và Hoàng Mai. Đồng thời, với việc nạo vét này, lượng bùn tồn đọng sẽ được loại đi dưới lòng sông và cũng góp phần giảm mùi hôi, giảm ô nhiễm của sông trong những ngày nắng nóng mùa hè", ông Bùi Ngọc Uyên cho biết

Máy xúc thu gom bùn và rác thải chuyển lên xe chứa

Máy xúc thu gom bùn và rác thải chuyển lên xe chứa

Là một trong 4 dòng tiêu thoát nước chính của khu vực nội đô Hà Nội, sông Lừ chạy qua các quận Đống Đa, Thanh Xuân và Hoàng Mai đã nhiều năm ô nhiễm nghiêm trọng, đặc quánh và bốc mùi bởi nước thải trực tiếp đổ ra từ các miệng cống.

Chính vì vậy việc làm sạch lòng sông vừa giúp cải thiện môi trường sống của người dân sinh sống xung quanh, vừa tăng khả năng thoát nước cho khu vực nội đô, góp phần giảm thiểu úng ngập cho Thành phố, chuẩn bị cho các kế hoạch “xanh hóa” các dòng sông trong lòng Hà Nội.

Nhóm PV/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn