Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Cảm hứng Mekong

Lão nông mê sáng tạo

Mộng Toàn - Thanh Phê: Thứ hai 22/01/2024, 14:27 (GMT+7)

Yêu nông nghiệp, thích tìm tòi sáng tạo, đã giúp lão nông Nguyễn Hữu Công hay còn gọi là ông Sáu Công ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng lai tạo thành công giống chanh dây ngọt độc lạ, mang về thu nhập tiền tỉ mỗi năm.

Chưa dừng lại ở đó, ông Sáu còn mạnh dạn “chế” ra hệ thống tưới tự động từ những vật liệu sẵn có giúp tiết kiệm sức lao động và nước tưới nhờ có thể điều khiển từ xa. 

chanh day ngot sau cong

PV: Từ đâu mình có ý tưởng tạo ra giống chanh dây ngọt này vậy chú Sáu?

Cách đây khoảng 7 năm, chú bị bệnh bạch cầu. Trong lúc đó, chú đi khám và nắm bắt thông tin những cây nào có sức đề kháng cao, chú mới tìm chú làm. Có một người bạn cho trái chanh dây ăn thử.

Sau này, hột chú mới ươm lên, cây lên thì không ngon và hương thơm chú mới nảy sinh ra cây nhãn lồng (cây lạc tiên) thành ra lúc đó, chú mới thụ phấn chéo, tuyển chọn ra trái làm giống, tuyển ra được có 2 dây hà làm lại cho dây bố mẹ. Từng bước làm vài chục dây, sau này có trái rồi chú mới giới thiệu anh em ở địa phương ăn rồi anh em mới giới thiệu tỉnh, huyện rồi từng bước đến ngày nay.

PV: Hiện tại, diện tích vườn chanh dây ngọt của mình bao nhiêu ha?

Hiện tại, vườn đợt đầu là 1ha. Năm nay năm thứ 4 rồi, đang cải tạo trồng lại. Còn bên kia là 5.000m2, hiện giờ đang cho trái. Anh em ở địa phương cũng có trồng thêm 1,5ha, cũng đang cho trái.

PV: Lúc trước, chú Sáu có học lai giống cây trồng này ở trường lớp nào không?

Nói chung, chú chỉ học lóm thôi. Chú mê nông nghiệp. Hồi đó, năm 1985, chú đi bộ đội về, tới năm 1986, chú trồng dưa hấu, tới lúc đó, học anh em cách thức để ghép dưa hấu rồi sau này chú ghép cây.

Thầy Cua dạng cũng như là cho lai đó, chú cũng tới lui, chú học hỏi theo cái thông tin trên báo đài nữa rồi mấy cái quỹ thư viện về nông nghiệp rồi viện trường về nông nghiệp rồi chú làm thử, từng bước làm ít ít, thành công mới làm nhiều.

PV: So với chanh dây truyền thống thì giống chanh dây ngọt này có hương vị đặc biệt như thế nào vậy?

Hương của nó là hương ổi và hương nhãn lồng, còn vị ngọt của nó thì độ đường trung bình từ 15 đến 19 °Bx. Khuấy nước nhiều thì chắc bỏ thêm nửa muỗng cà phê đường. Nhưng mà cái này ăn thông dụng nhất là xẻ ra, lấy muỗng mình ăn có thể ăn 9-10 trái được.  

PV: Dạ, vậy thì hiện tại, mình bán ra thị trường giá cả ra sao?

Cây giống bán lẻ thì 100.000 đồng/cây. Nhưng mà anh em mua 10 cây thì chú tặng 2. Số lượng mà từ 1.000 cây trở lên thì chú để là 70.000 đồng/cây. Còn trái thì cân cho lái thì 80.000/kg, còn chú bán lẻ thì 120.000 đồng/kg.

PV: Với niềm đam mê sáng tạo, chắc hẳn chú Sáu còn đang ấp ủ nhiều kế hoạch?

Hiện giờ thì cũng có ý tưởng nhưng mà những cái kia thì mình chưa có thành công. Còn cái chanh này thì mình cũng đang mở rộng vùng trồng để đủ sản lượng.

Chanh dây ngọt có mùi vị độc đáo

Chanh dây ngọt có mùi vị độc đáo

"Hồi đó giờ mình nghe nói chanh dây chua không hà. Nay thấy chanh dây ngọt, thấy lạ lạ. Ăn thử thấy ngon".

"Mình chỉ hợp tác cho anh em trồng, mình thì giúp anh em trong vấn đề coi đất đai, khâu kỹ thuật, còn giống thì mình bán thôi".

Vốn tính là người chịu khó học hỏi, ông Công luôn tìm tòi cái mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Trước khi bắt tay vào thực hiện và thành công với giống chanh dây ngọt, ông Sáu đã lai tạo nhiều loại cây khác nhau. Nhưng đến khi chanh dây ngọt ghép gốc nhãn lồng cho trái đạt chất lượng thì những lời e ngại mới không còn.

Ông Công nhớ lại: "Anh em nói trời ơi ông chanh này dưới tôi cho con nít chọi chơi không hà, tới chừng anh em ăn rồi thấy hiệu quả mới giật mình. Kể cả chú đi xúc tiến thương mại cũng vậy nữa. Có khách hàng lại, trời ơi chanh này ngoài chợ bán đầy hết trơn, ở đâu mà hỏi giá gì cao dữ vậy. Tới chừng xẻ ăn thì anh em bà con người ta chấp nhận, người ta nói lạ thật".

Đã 7 năm từ ngày có trong tay giống cây do chính mình lai tạo. Ông Công cho biết, so với các giống khác, loại chanh dây ngọt này có sức sống mãnh liệt, dễ chăm sóc, năng suất cao. Vừa làm vừa học hỏi trên mạng và các kỹ sư, ông Công ngày càng hoàn thiện kỹ thuật nhân giống. Hiện, vườn chanh dây của nông dân này được chứng nhận VietGAP và công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông Công vừa say sưa giới thiệu về những trái chanh dây ngọt với niềm tự hào: "Nó theo mùa và cái đợt mình trồng, theo sau nó là 10 tháng -12 tháng là nó sẽ có trái chín, rồi nó có trái chín lai rai hoài vậy đó. Một đợt nó dao động khoảng 2 tháng – 2,5 tháng. Bẻ hết cái đợt đó thì cho trái tiếp mình hái tiếp. Nó không phải theo mùa mà theo thời gian mình trồng. Nó thì năng suất sẽ thấp hơn những trái chanh thường nhưng mà trái dữ lắm. Ngặt cái nó hơi nhỏ trái với hơi nhẹ cân. 15-17 trái mới được 1kg. Bình quân 1 dây cho khoảng 15 kg".

Điều mà ông Sáu Công tâm đắc nhất với cây chanh dây ngọt của mình đó là mang lại giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời cũng mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao. Công việc tại vườn cũng tạo việc làm cho gần 10 lao động tại địa phương. Một số bà con ở Sóc Trăng nói riêng cả nước nói chung đã đặt mua cây giống của ông để về trồng.

Sở hữu giống cây quý nhưng ông Sáu Công lại không có ý nghĩ “độc quyền” mà lại muốn chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng để mọi người cùng làm giàu. Cách đây ít ngày, ông đến Vũng Tàu và Bình Thuận để hỗ trợ kỹ thuật cho vài người bạn trồng cây này.

Với ông Sáu Công, đam mê làm nông đã ăn sâu vào máu, nên việc làm sáng tạo, mày mò cho công việc, ông đều hết lòng. Chia sẻ với Mekong FM, ông Sáu cho hay, mình đã ứng dụng thành công công nghệ tưới tự động động tiết kiệm nước điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh. Nhờ vậy, ông có thể chủ động tưới nước cho vườn cây ở mọi lúc mọi nơi. Là nông dân nên ông Sáu mất khá nhiều thời gian tìm hiểu về công nghệ.

Ông Sáu tâm sự: "Chú cũng tìm tòi, chú làm hệ thống tự động,  kết nối qua điện thoại, chẳng hạn giờ chú đang ở đây chứ chú có thể tưới cái vườn ở nhà được. Chú tự thiết kế, tự làm chỉ mua phụ kiện thôi, cái mình lắp đặt ên, rồi kết nối ên. Tới đây, hội nông dân Sóc Trăng mời gọi chú để lắp đặt cho bà con. Trung bình 1.000m2 tương đương khoảng 10 triệu".

Lai tạo giống thành công, sáng tạo hệ thống tưới tự động, ông còn đưa vườn cây của mình lên không gian mạng. Tất cả ông đều tự tay thực hiện. Không những vậy, ông Sáu còn chăm chỉ góp mặt trong các hội chợ, hội nghị từ Bắc chí Nam. Nhiều siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ… đặt hàng và ký kết mua chanh dây ngọt của ông.

Làm giàu từ nông nghiệp là hướng đi không mới nhưng bằng sự nhiệt huyết của mình, ông Sáu Công không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình mà còn truyền cảm hứng làm nông nghiệp cho bà con trong vùng. Đã có nhiều đoàn khách tham quan, học hỏi kinh nghiệm, có những người ở cách Sóc Trăng hàng trăm cây số cũng lặn lội đến nơi. Lão nông Sáu Công là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, và được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm ngoái, ông tiếp tục đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc.

Bằng tình yêu với ruộng vườn và đam mê của bản thân, ông Sáu Công đã gặt hái được thành công mà nhiều người mơ ước. Hy vọng, đây sẽ là niềm khích lệ cho những quý thính giả đang có ước mơ chinh phục những kỹ thuật làm nông mới có thể mạnh dạn tìm tòi và hiện thực hóa nó, bởi nếu không làm thì sẽ không bao giờ đi đến thành công. 

Mộng Toàn - Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Bão số 3: Đến trưa 08/9, khu vực Hà Nội tương đối an toàn

Bão số 3: Đến trưa 08/9, khu vực Hà Nội tương đối an toàn

Đến 07h sáng mai (8/9) bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h trên đất liền phía Tây Bắc Bộ với cường độ cấp 6-7, giật cấp 9-10. Khu vực vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc bộ cảnh báo rủi ro thiên tai ở cấp độ 3.

Nỗi lo kẹt xe khi sửa chữa cầu Long Thành

Nỗi lo kẹt xe khi sửa chữa cầu Long Thành

Ngay sau kỳ nghỉ Lễ Quốc Khánh 2/9, đơn vị quản lý vận hành tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây đã có thông báo về việc triển khai sửa chữa khe co giãn trên cầu Long Thành – một trong những điểm nóng về tình trạng ùn ứ giao thông thời gian qua.

Hà Nội: Mưa bão lưu thông qua cầu vượt sông, đường trên cao như thế nào?

Hà Nội: Mưa bão lưu thông qua cầu vượt sông, đường trên cao như thế nào?

Để ứng phó, hạn chế thiệt hại do cơn bão số 3, nhiều địa phương đã có phương án tổ chức giao thông, hạn chế phương tiện lưu thông trên những cây cầu, tuyến đường có nguy cơ ảnh hưởng bởi mưa bão.

Hà Nội: Hàng trăm cây xanh gãy đổ do ảnh hưởng của bão số 3

Hà Nội: Hàng trăm cây xanh gãy đổ do ảnh hưởng của bão số 3

Do ảnh hưởng của bão số 3, hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến đường Hà Nội bị đỗ gẫy ra đường gây cản trở giao thông.

Hà Nội: Ô tô 'bủa vây' lòng đường, vỉa hè khu chung cư

Hà Nội: Ô tô 'bủa vây' lòng đường, vỉa hè khu chung cư

Tình trạng ô tô dừng, đỗ trái phép, gây ùn tắc giao thông và mất an toàn xung quanh các khu đô thị ở thủ đô Hà Nội không còn là chuyện mới, dù lực lượng chức năng thường xuyên ra quân xử lý nhưng vi phạm vẫn tái diễn khiến cư dân bức xúc.

Khẩn trương khắc phục sự cố, sớm cấp điện trở lại sau khi bão đi qua

Khẩn trương khắc phục sự cố, sớm cấp điện trở lại sau khi bão đi qua

Chiều tối ngày 7/9, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên có Công điện hỏa tốc gửi các đơn vị về việc ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 để sớm cung cấp điện trở lại.