Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Ký ức dòng Bảo Định giang

Xuân Quang : Chủ nhật 18/08/2024, 20:58 (GMT+7)

Kênh Bảo Định chỉ dài khoảng 25 km, nối Sông Tiền với sông Vàm Cỏ Tây đi qua địa phận 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, là con kênh đào bằng sức người đầu tiên ở vùng đất Phương Nam.

Con kênh này có nguồn gốc từ hơn 300 năm trước và có rất nhiều giai thoại được truyền tai nhau, từ cái tên Bảo Định Hà do chính vua Gia Long đặt tên đến việc dòng kênh này từng là thủy lộ thông thương hàng hóa nông sản, lúa gạo từ các tỉnh vùng Châu Thổ với TP.HCM.

Kênh Bảo Định đầu bên Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

Kênh Bảo Định đầu bên Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

Một dòng kênh mà có đến 2 tên gọi Bảo Định và Vũng Gù, và đây cũng là con kênh mà người Pháp lần đầu dùng Xáng Cạp cải tạo và mở rộng nhằm tăng khả năng khai thác thuộc địa ở Miền Nam. Nếu Mỹ Tho được mệnh danh là “Cô gái đẹp” thì Bảo Định như là mái tóc dài của người con gái xanh miết, thả bồng bềnh giữa lòng đô thị hơn 345 năm tuổi.

Ngày nay, dù không còn là con đường giao thương huyết mạch như ngày nào, nhưng Kênh Bảo Định vẫn còn giữ được vai trò quan trọng trong việc dẫn nước phục vụ 1 vùng sản xuất rộng lớn cho người dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, để qua đó tiếp tục viết nên những câu chuyện cổ tích mang nặng tình đất tình người của vùng Châu Thổ Cửu Long trong hành trình hội nhập.

Với người dân Tiền Giang, Bảo Định là tuyến kênh huyền thoại quá đổi thân thương, bởi 2 phần 3 dòng chảy của nó đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang. Bắt đầu từ điểm tiếp giáp với Sông Tiền tại Vườn Hoa Lạc Hồng, Kênh Bảo Định len lõi một cách nhẹ nhàng, êm đềm trong lòng “Cô gái trẻ” qua các phường 1, 2, 3, 4, 5, 7, 10, xã Mỹ Phong, xã Đạo Thạnh.

Theo sách sử ghi chép, tuyến Kênh Bảo Định ban đầu chỉ là 2 khúc rạch nhỏ và ngắn được Vân Trường Hầu – Nguyễn Cửu Vân cho quân đào nối liền cả 2 thành 1 tạo đường thông thương từ rạch Vũng Gù, Long An qua sông Mỹ Tho, Tiền Giang làm tuyến phòng thủ vững chắc cho vùng Gia Định.

Để phát triển hơn nữa vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là khu vực phía Nam Gia Định, năm 1819, Vua Gia Long ra lệnh cho dân phu đến để đào sâu hơn nữa, mở rộng thêm kênh. Từ đây Kênh Vũng Gù trở thành tuyến thủy lộ quan trọng bậc nhất vùng bắc sông Tiền, kết nối miền Tây với Gia Định. Sau đó cũng chính vua Gia Long đặt tên cho con kênh này là Bảo Định hà.

Kênh Bảo Định đầu bên Tân An, tỉnh Long An

Kênh Bảo Định đầu bên Tân An, tỉnh Long An

Dù năm nay đã 97 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Vàng vẫn còn nhớ rất rõ về Bảo Định: "Hồi xưa khi vua Gia Long thống nhất miền Nam mới huy động đào 1 con kênh giao thông, hồi xưa không phải là tính thủy lợi mà làm đường giao thông. Chứ nếu không có đường đi thì làm sau đi từ đây lên Sài Gòn được. Thì họ mới đào kênh bắt đầu từ chỗ Phú Kiết ngày nay đi thẳng lên Tân An. Muốn đi lên Sài Gòn thì phải đi tuyến đó"

Tại Chợ Phú Kiết ngày nay, bên dòng kênh Bảo Định vẫn còn tấm bia đá Phụng khai Tân cảng ký. Tấm bia được dựng lên để ghi lại lịch sử hình thành kênh Bảo Định. Khi thực dân pháp chiếm Nam kỳ vào năm 1867, để thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản từ miền Tây Nam Kỳ lên Sài Gòn Chợ lớn, người Pháp đã sử dụng Xáng Cạp để nạo vét kênh Bảo Định. Từ khi hoàn thành, kênh Bảo Định luôn giữ vai trò quan trọng về mọi mặt từ quân sự, thủy lợi, giao thông và cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân trong vùng góp phần rất lớn vào việc phát triển vùng đất phía Bắc Sông Tiền.

PGS. TSTrần Thị Mai – Giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định, chính việc đạo nối rạch Vũng Gù với sông Mỹ Tho đã tạo nên sức sống mới cho cả một vùng rộng lớn từ Tân An đến Mỹ Tho và còn xa hơn nữa:

"Con kênh Vũng Gù không dài lắm nhưng nó lại có ý nghĩa rất chiến lược ở chỗ nó nối được từ sông Vàm Cỏ Tây vào sông Mỹ Tho là nhánh của sông Tiền, từ đó nó khai thông cả 1 đường giao thông rất thuận lợi cho việc di chuyển qua lại từ Sài Gòn về Mỹ Tho và xuống Miền Tây, các tỉnh miền tây Nam Kỳ.

Với con kênh Vũng Gù này, mục tiên ban đầu của nó là quân sự, là để phòng thủ, là để chuyển quân nhưng ngay sau đó, khi được đào, được khơi rộng thêm, sâu thêm thì nó lại đóng vai trò vô cùng quan trọng về kinh tế, xã hội"

Theo lịch sử, dòng kênh này cũng đã trãi qua nhiều lần thay tên đổi họ. Năm Ất Tỵ 1835, Vua Minh Mạng cho đổi tên thành Trí Tường giang; đến thời vua Thiệu Trị lại đổi tên thành An Định; đến thời Pháp thì nó lại có cái tên rất “Tây” “Arroyo de la Poste” /A-rô-dô Đờ La Bót/ mà người ta thường gọi là Kênh Trạm.

Kênh Bảo Định

Kênh Bảo Định

Theo cụ Nguyễn Văn Vàng, vì là tuyến giao thông thủy huyết mạch nối các tỉnh Nam Kỳ với thành phố Hồ Chí Minh, nhằm để kiểm soát việc vận chuyển, mua bán hàng hóa cũng như tăng khả năng khai thác thuộc địa, người pháp có đặt 1 trạm kiểm soát trên tuyến sống này, vị trí nằm ngay tại ngã tư giáp nước trên địa bàn xã Mỹ Tịnh An của huyện Chợ Gạo ngày ngay và khi ấy, kênh Bảo Định lại có thêm tên mới “Arroyo de la Poste”:

"Hồi thời Pháp, nó kêu kênh này là Arroyo de pa Poste. Bởi vì trên sông đó, người Pháp có đặt 1 cái trạm. Từ Arroyo nghĩa là kênh, De la Poste là cái trạm. Tên Bảo Định là mình mới đặt sau này"

Trên dòng chảy của kênh Bảo Định ngày nay vẫn còn nguyên vẹn ký ức một thời hào hùng của nghĩa quân chống lại sự tàn bạo của thực dân. Những con người đã đi vào lịch sử của dân tộc như Trương Định, Võ Duy Dương hay Âu Dương Lân cũng đã từng đi lại trên dòng sông này.

Một nhân vật quan trọng khác cũng đã gắn tên mình với dòng sông hiền hòa này là thủ khoa Nguyễn Hữu Huân mà người dân quen gọi là Thủ Khoa Huân.

Ông sinh vào năm 1830 tại làng Tịnh Hà huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường – Nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Trong quá trình kháng chiến chống thực dân, Thủ Khoa Huân nhiều lần bị giặc bắt. Ngày 19/5/1875, giặc pháp cho tàu chở ông trên dòng kênh Bảo Định này về lại Tịnh Hà để hành hình. Đứng trên pháp trường mà hào khí chống giặc ngoại xâm trong ông vẫn còn cao ngút trời khi xuất khẩu 4 câu thơ còn lưu mãi cho hậu thế ngày nay:

Hai bên thiên hạ thấy hay không

Một gánh cương thường há phải gông

Oằn oại đôi vai quâ tử trúc

Nghênh ngang một cổ trượng phu tòng.

Một đoạn Kênh Bảo Định trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

Một đoạn Kênh Bảo Định trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

Không chỉ đưa dòng nước ngọt mang nặng phù sa về bối đắp cho những cánh đồng, vườn cây 2 bên bờ sông thêm sai trái, trĩu bông, dòng Bảo Định còn cung cho con người biết bao sản vật, là nguồn sống các ngư dân hành nghề chày lưới. Đến tận những năm 1945 tôm cá ở Kênh Bảo Định vẫn còn nhiều vô số kể. Ngày nay, do khai thác quá mức, cộng với việc làm cống ngăn mặn đã làm cho tôm cá không còn nữa:

"Sông Bảo Định hồi trước cũng cá nhiều lắm chứ đâu phải không. Gần đây cũng còn, bây giờ mới hết đó chứ. Sau khi làm cống Bảo Định nó mới hết, chứ hồi xưa có nhiều chứ sao không có. Tui hồi nhỏ năm 45, cũng về đây sống bằng nghề cá mà.  Nước cạn, chú đi theo bóng bần, đi theo mé bãi, tác bậy bạ cũng kiếm được mớ cá lòng tong, tép để ăn. Miền Tây mình chỗ nào cũng có cá hết, cá nhiều lắm"

Để bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của dòng Bảo Định, Thành  phố Mỹ Tho đã tiến hành nạo vét và xây dự thống kè chống sạt lở kết hợp với đường giao thông đoạn từ điểm tiếp giáp với sông Tiến đến cống Bảo Định, đồng thời thông qua đồ án quy hoạch khi đô thị ven sông Bảo Định với quy mô gần 200ha.  Ở đầu bên kia, Long An cũng tiến hành xây kè cho kênh Bảo Định nhằm mục đích chống sạt lở, chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp.

Sau mấy trăm năm thăng trầm, Bảo Định đã hoàn thành sứ mệnh là một dòng kênh trấn thủ, là dòng kênh bình yên hiền hòa đưa bao con thuyền cập bến, dẫn nước ngọt tưới mát cho vườn ruộng đôi bờ. Từ một dòng kênh quan trọng bật nhất trong vùng lục tỉnh Nam Kỳ, rồi bị bỏ quên theo thời gian, rồi hôm nay dòng Bảo Định giang đã được đánh thức và lại trở thành nhịp cầu nối 2 thành phố Mỹ Tho và Tân An để người dân 2 tỉnh Long An và Tiền Giang thêm xít lại gần nhau hơn.

Những dự án đang được triển khai ở 2 đầu kênh cho ta niềm hy vọng dòng kênh Bảo Định rồi đây sẽ đẹp như mơ, không còn bị bỏ quên nữa và sẽ là một chứng nhân lịch sử lắng đọng cùng ký ức thời gian.

Xuân Quang /vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Bữa cơm bán trú ‘bất ổn’ ở trường chuẩn Lương Định Của giờ ra sao?

Bữa cơm bán trú ‘bất ổn’ ở trường chuẩn Lương Định Của giờ ra sao?

Sau loạt bài về câu chuyện “Quá nhiều bất ổn ở ngôi trường chuẩn” của VOV Giao thông cách đây nửa tháng, nhiều phụ huynh bày tỏ tán thành với những phản ánh là đúng sự thật, và bữa cơm bán trú của các em có chút chút cải thiện.

Chuyện về chiếc máy bay huấn luyện và tuần tra lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam

Chuyện về chiếc máy bay huấn luyện và tuần tra lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam

Ở tuổi 50, ông Trần Hải Đăng đã có một quyết định táo bạo: cùng các đồng sáng lập khởi nghiệp bằng việc sản xuất chiếc máy bay huấn luyện tuần tra TP-150.

Hà Nội cấm phương tiện gây ô nhiễm bằng cách nào?

Hà Nội cấm phương tiện gây ô nhiễm bằng cách nào?

Chỉ còn hơn một tuần nữa, Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở một số khu vực. Tuy nhiên, quyết tâm này không dễ thực hiện khi công tác chuẩn bị chưa sẵn sàng.

Nhớ thời cà phê vợt

Nhớ thời cà phê vợt

Với những ai thích cà phê thì cà phê vợt luôn có sức hấp dẫn riêng. Không chỉ đơn thuần là một loại thức uống, mỗi ly cà phê vợt còn chứa đựng những câu chuyện và kỷ niệm khó quên của một thời đã qua.

Bếp chay 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

Bếp chay 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

Với tất cả tâm huyết và lòng nhân ái, suốt 2 năm qua, vợ chồng ông Mạch Phú Cường và bà Nguyễn Thị Kim Lan ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cần mẫn chuẩn bị những phần cơm chay ấm nóng, mang đến cho những bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh tại các bệnh viện ở TP. Cần Thơ...

Xe điện trẻ em vẫn 'tung hoành' ở phố đi bộ Hồ Gươm

Xe điện trẻ em vẫn "tung hoành" ở phố đi bộ Hồ Gươm

Dù đã có lệnh cấm, nhưng dịch vụ cho thuê ô tô điện, xe cân bằng và đặc biệt là xe drift, dòng xe biến tướng từ xe điện vẫn ngang nhiên hoạt động ở phố đi bộ Hồ Gươm.

Hàng me thì thầm

Hàng me thì thầm

Không chỉ mang trong mình những ký ức lãng mạn với lá me bay, mà những cây me trăm tuổi còn tồn tại ở Hà Nội, còn mang trong mình nhiều câu chuyện lịch sử - xã hội đáng nhớ, đáng ngẫm.