Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đô Thị

Khơi thông dòng chảy nông nghiệp xanh

Mộng Toàn - Thanh Phê: Thứ hai 10/10/2022, 08:23 (GMT+7)

Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, hướng tới nền kinh tế xanh, nông nghiệp Việt Nam và ĐBSCL đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.

Với xu thế phát triển nông nghiệp bền vững, nông dân Hậu Giang đang đẩy mạnh sản xuất lúa gạo theo hướng an toàn thực phẩm để góp phần đạt 3 tiêu chí quan trọng là kinh tế, xã hội và môi trường.

HTX Gạo sạch Tân Long, ở huyện Vị Thủy, một trong những đơn vị tiên phong trong tỉnh thực hiện việc liên kết với nông dân để canh tác lúa hữu cơ, tạo ra hạt gạo sạch phục vụ cho xuất khẩu. Hiện HTX có 110 xã viên, diện tích sản xuất khoảng 138ha. Ngoài được biết đến với thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” và đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, HTX còn ứng dụng tối đa cơ giới hóa trong các khâu sản xuất và làm ra hạt gạo.

Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Gạo sạch Tân Long, cho biết: Lợi nhuận đây là lợi ít sức khỏe người tiêu dùng thấy được không dùng chất hóa học đẻ rải trên đồng ruộng và sản phẩm làm ra có giá trị. Sống bây giờ người ta ăn phải cho ngon, mặc phải cho đẹp thành ra bây giờ chất lượng sản phẩm làm ra phải đáp ứng với người tiêu thụ chứ không phải chúng ta có những gì chúng ta bán, thị trường không cần thì lúc đó sản phẩm mình làm ra không có giá trị.

Ảnh minh họa: Vaas.vn

Ảnh minh họa: Vaas.vn

Hay mô hình lúa - tôm, lúa - cá… không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất, mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh. Đây là một trong những mô hình điển hình trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu của khu vực ĐBSCL. 

Tại tỉnh Cà Mau, đến nay, diện tích sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm của tỉnh Cà Mau đã lên đến hơn 40.000 ha. Mô hình này được đánh giá là thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu, vừa tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao hơn so với chuyên canh trước đó, kể cả lúa và tôm. Đặc biệt là giúp, cắt đi mầm bệnh tồn lưu trong mỗi vụ nuôi tôm, làm cho hiệu quả sản xuất con tôm cũng như cây lúa đều được nâng lên về mặt chất lượng và giá trị.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Việc sản xuất của người dân chủ yếu là manh mún, nhỏ lẻ, chưa thành lập được nhiều các tổ hợp tác, hợp tác xã để trên cơ sở đó, chúng ta liên kết sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận nguồn gốc để đảm bảo cho các sản phẩm đó được tiêu thụ đúng giá, đúng chất lượng của nó thì đây cũng là khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới.

Mới đây nhất, một báo cáo về “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố đã chỉ ra 5 nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo. Bắt nguồn từ việc thâm canh nông nghiệp không bền vững và chặt phá rừng. Kế đến là tỷ lệ bón phân cao. Mức độ sử dụng nước tưới tiêu cũng quá cao. Hơn nữa, nông dân quản lý không đúng cách tàn dư lúa như rơm rạ và trấu. Cuối cùng là sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong nông nghiệp. Từ đó, các chuyên gia đã chỉ ra đến sự cần thiết phải chuyển đổi sang nền nông nghiệp carbon thấp.

Vừa qua, trong khuôn khổ dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững ở Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, hơn 184.000 ha diện tích canh tác lúa ở ĐBSCL đã thí điểm thành công mô hình canh tác bền vững, giảm phát thải. Bài học từ dự án VnSAT cho thấy, việc áp dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm (1P5G) trong canh tác lúa có thể giảm phát thải khí nhà kính đáng kể.

Bên cạnh đó, các thí điểm tại đồng ruộng vùng ĐBSCL cho thấy việc sử dụng công nghệ IoT – Cảm biến nước đã giúp nông dân tối ưu lượng nước, giảm tới 42% so với phương pháp ngập ruộng lúa thủ công. Đặc biệt hệ thống thủy lợi thông minh này có thể giảm lượng phát thải khí nhà kính lên đến 60 – 70% so với hệ thống tưới thủ công.

Tại tỉnh Hậu Giang, địa phương này đã thực hiện nhiều đề án, hướng đến nền nông nghiệp bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Đơn cử như đề án sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ: Đối với lĩnh vực nông nghiệp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã xác định phải chuyển đổi cơ cấu công nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, tối ưu hóa giá trị trên một đơn vị sản xuất. Thứ hai, một số vấn đề là liên quan đến phương pháp sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất từ kinh tế nhỏ lẽ thành tổ hợp tác, hợp tác xã. Thứ ba là sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới chúng ta phải đi theo hướng bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, làm nông nghiệp hiện nay phải hướng đế kinh tế nông nghiệp:

Chuyển hướng nền nông nghiệp từ thuần túy sản xuất chạy qua làm kinh tế nông nghiệp. Kinh tế nông nghiệp có nghĩa là tính lời, tính lỗ, ở cả về mặt xã hội và môi trường tất cả mọi chi phí. Bởi vì trước đây, chúng ta thuần túy sản xuất, chúng ta không biết chúng ta đánh mất cái gì về mặt môi trường, làm kinh tế là chúng ta tính hết tất cả mọi thứ và cái câu bây giờ “make more from less”, tức là làm ra nhiều tiền hơn từ ít sản lượng lúa hơn. Chúng ta chọn “tinh” chứ không chọn “đa”, và chúng ta sẽ hướng tăng giá trị và chuỗi giá trị.

Thu hoạch lúa Hè Thu năm 2021 ở huyện Thanh Bì, Đồng Tháp. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Thu hoạch lúa Hè Thu năm 2021 ở huyện Thanh Bì, Đồng Tháp. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Con đường hướng tới sản xuất lúa gạo carbon thấp được các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới chỉ ra, là áp dụng kỹ thuật sản xuất tưới ướt khô xen kẽ, kỹ thuật 1P5G, nâng cao hiệu quả các hoạt động sau thu hoạch để giảm thất thoát và lãng phí lương thực. Điều quan trọng là tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới, khuyến nông, hiểu biết về tài chính và sự kết nối vùng nông thôn. Tăng cường hệ thống khuyến nông, an toàn thực phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, giám sát tác động môi trường, phát thải khí nhà kính. Tận dụng công nghệ và nền tảng kỹ thuật số. Cuối cùng là tăng cường vai trò của HTX, hiệp hội để đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô và liên kết thị trường.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phân tích: “Ba cái biến rất lớn đối với nông nghiệp Việt Nam hiện rõ nhất ở đồng bằng sông Cửu Long là biến đổi khí hậu, biến thứ hai là biến động thị trường, nó không dừng lại bản chất thị trường nó luôn thay đổi cánh cửa này mở ra cánh cửa khép lại, lúc này nhu cầu như thế này lúc kia nhu cầu khác. Cái biến thứ ba nữa là biến chuyển xu thế tiêu dùng tức là tiêu dùng xanh trồng lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính”.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Tiêu dùng xanh hiện nay là một xu thế, sản phẩm ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn phải chứng minh phát triển bền vững, đảm bảo môi trường. Vì thế, Bộ trưởng cho rằng, bà con nông dân và ngành nông nghiệp các địa phương phải thay đổi cách tiếp cận hướng tới nền nông nghiệp xanh, sản xuất gạo giảm phát thải khí nhà kính.    

Có thể thấy việc tiêu dùng xanh trồng lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính là hướng đi mới, bền vững. Điều quan trọng cần tập trung nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất như “Cánh đồng lớn”; “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái”, giảm lượng gieo sạ để hạn chế sâu bệnh và phân bón hướng đến mục tiêu canh tác lúa theo hướng xanh....

Mộng Toàn - Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn