Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Khó xử lý dứt điểm xe thô sơ chở hàng cồng kềnh?

Trọng Điển - Diễm Thúy: Thứ sáu 24/11/2023, 11:22 (GMT+7)

Thời gian gần đây, các xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 – 4 bánh,xe tự chế chở hàng cồng kềnh tiếp tục “tung hoành” trên khắp các tuyến đường ở TPHCM và thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Mặc dù, lực lượng chức năng liên tục ra quân xử lý nhưng vì sao tình trạng này khó xử lý dứt điểm? Đâu là lời giải căn cơ cho “bài toán” xử lý cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 – 4 bánh chở hàng quá tải, quá khổ. 

 

"Khu vực quốc lộ 1, quận 5, quận 6 người ta chạy xe 3 bánh chở hàng quá tải, cồng kềnh rất là nhiều. Cứ xe máy chạy sau những chiếc xe đó là rất sợ, ai người ta cũng tránh hết. Bây giờ dẹp được thì dẹp, nếu không thì phải quy định cụ thể chứ không thể để tràn ra đường như vậy được".

"Các xe đó thường chở những hàng sắt thép, vật liệu xây dựng cồng kềnh. Lỡ khi nó rơi ra là rất nguy hiểm. Người dân họ rất là bức xúc mà không biết nói với ai".

"Cái đó gọi là hung thần, nó quá nguy hiểm cho những người tham gia giao thông. Mong muốn lực lượng chức năng quán triệt làm sao để lưu thông dễ dàng, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra".

Dạo quanh một vòng TP.HCM từ khu vực ngoại ô cho đến trung tâm, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 – 4 bánh, xe tự chế chở đầy hàng hóa từ thực phẩm, đồ dùng trong gia đình cho đến vật liệu xây dựng: sắt, thép, tôn… lưu thông trên đường.

Điều đáng nói là hầu hết phương tiện này đều bị “cơi nới” quá mức để vận chuyển hàng hóa nặng, có kích thước lớn và các hàng hóa này đều không được che chắn cẩn thận. Mặc dù, TP đã có lệnh cấm nhưng các phương tiện này vẫn ngang nhiên “tung hoành” gây mất trật tự ATGT.

Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 – 4 bánh, xe tự chế chở đầy hàng hóa

Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 – 4 bánh, xe tự chế chở đầy hàng hóa

Thực tế, đã có không ít vụ va chạm, tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 – 4 bánh chở hàng cồng kềnh. Điển hình là vụ  tai nạn giữa xe máy và xe xích lô chở sắt tại giao lộ Ba Tháng Hai – Sư Vạn Hạnh (quận 10) khiến người phụ nữ lái xe máy tử vong tại chỗ vào ngày 07/11 vừa qua.

Trước đó không lâu trên quốc lộ 1 đoạn gần cầu vượt Sóng Thần, TP Thủ Đức một chiếc xe ba gác bất ngờ tông vào một người đàn ông đang sửa xe tải ven đường, khiến người đàn ông tử vong tại chỗ.  

Đánh giá về việc điều khiến xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 – 4 bánh chở hàng cồng kềnh khi tham gia giao thông, Luật Sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) nhấn mạnh đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật giao thông đường bộ; sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tình hình thực tế vi phạm

“Đối với những hành vi sử dụng phương tiện xe 2-3 bánh tự chế, xe moto chở hàng cồng kềnh sẽ bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng theo nghị định 100. Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 và sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 10 -100 triệu, phạt cải tạo không giam giữ 3 năm, hoặt phạt tù từ 3 tháng – 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc là công việc nhất định từ 1- 5 năm”.

Theo thông tin từ Phòng CSGT, Công an TP.HCM, trong 11 tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT toàn TP đã phát hiện gần 17.900  xe máy chở hàng hóa quá khổ giới hạn; xử lý ‎hơn  3.600 xe máy thiết bị kỹ thuật không đảm bảo.

Riêng xe ba bánh cơ giới, lực lượng CSGT đã phát hiện gần 2.400 xe, trong đó có hơn 900 trường hợp vi phạm chở hàng hóa cồng kềnh. Mặc dù, lực lượng CSGT thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm tuy nhiên tình trạng này vẫn xảy ra thường xuyên.

Không ít vụ va chạm, tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 – 4 bánh chở hàng cồng kềnh.

Không ít vụ va chạm, tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 – 4 bánh chở hàng cồng kềnh.

Lý giải về việc khó xử lý dứt điểm, Thượng tá Đoàn Văn Quới – Phó Trưởng phòng – Phòng CSGT – Công an TP.HCM cho biết: Chủ của các phương tiện xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba bốn bánh đa phần là những người có thu nhập thấp, sử dụng phương tiện để mưu sinh, ý thức chấp hành luật giao thông còn thấp nên vi phạm vẫn diễn ra.

“Trong quá trình kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng: người vi phạm không chấp hành, bỏ lại phương tiện (không có giấy tờ xe) gây khó khăn cho công tác tạm giữ. Do giá thành lắp ráp phương tiện có giá trị thấp nhanh thu lợi nhuận nên khi lực lượng chức năng xử lý tịch thu phương tiện, người dân vẫn tiếp tục lắp ráp và hoạt động. Ngoài ra, một bộ phận người dân do không tìm được công việc phù hợp nên vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm để mưu sinh cuộc sống bất chấp phương tiện không đảm bảo an toàn giao thông”.

Trong thời gian tới, để hạn chế tình trạng này, kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 – 4 bánh, xe tự chế, Thượng tá Đoàn Văn Quới – Phó Trưởng phòng - Phòng CSGT (Công an TP.HCM) cho biết, song song với việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của người dân, kêu gọi các cơ sở sản xuất lắp ráp không tự lắp ráp các xe tự chế trái pháp luật, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

“Công tác tuần tra, kiểm soát cũng sẽ được lực lượng CSGT tăng cường thực hiện, đặc biệt là vào dịp cuối năm, các dịp lễ tết, tổng kết năm …mức độ hoạt động của các loại phương tiện này tăng ccao. Trong đó tập trung kiểm soát chợ đầu mối, chợ truyền thống, các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng... Kiên quyết xử lý vi phạm đối với các phương tiện như trên và tạm giữ phương tiện để ngăn chặn các vi phạm diễn ra trong thời gian tới theo đúng quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, theo Luật Sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), để “khai tử” các phương tiện này, bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm, TP cần xây dựng lại lộ trình cấm và hạn chế xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 – 4 bánh cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Song song đó, cần có giải pháp an sinh, chuyển đổi ngành nghề cho những người lao động nghèo hiện đang mưu sinh bằng các phương tiện này.

“Hiện nay TP có quyết định 08 ban hành tháng 02/2013 của UBND TPHCM quy định về cấm và hạn chế xe thô sơ 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh lưu thông trong khu vực nội đô và trên quốc lộ trên địa bàn TPHCM vẫn đang áp dụng nó không còn phù hợp với thực tế.

Cần phải thay đổi quyết định 08 này và chúng ta cần tiếp tục định hướng, điều chỉnh các chính sách cũng như là lộ trình hoạt động các phương tiện thông qua cơ chế giám sát và ban hành những văn bản quy phạm pháp luật khác để góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần lưu ý làm sao nâng cao đời sống của người dân, để đảm bảo sống tốt với những chính sách an sinh xã hội của chúng ta”.

Điểm chung của các xe này là đều có tuổi thọ vài chục năm, cũ nát, nhả khói đen xì (Ảnh: Vietnamnet)

Điểm chung của các xe này là đều có tuổi thọ vài chục năm, cũ nát, nhả khói đen xì (Ảnh: Vietnamnet)

Hiểm họa trực chờ vẫn còn đó

 

Hiện nay ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều đô thị khác trong cả nước, hàng ngày chúng ta đều bắt gặp cảnh xe gắn máy ba bánh, xe ba gác, xe xích lô hay gọi chung là xe thô sơ, xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh chạy long nhong ngoài đường, không ai kiểm soát. Nhất là ở các con hẻm nhỏ, các loại xe này chạy bất kể giờ giấc ngày đêm.

Điểm chung của các xe này là đều có tuổi thọ vài chục năm, cũ nát, nhả khói đen xì. Chỗ cần thì không có như chắn bùn, đèn còi nhưng chỗ không nên có lại dư dả như móc treo rau củ quả hay phuộc đôi, phuộc ba để chở cho nhanh cho lẹ.

Và đương nhiên những xe này đều không có biển số và không giấy tờ lận lưng. Kiểm tra là có sai phạm. Người điều khiển các loại xe này đa số là người có thu nhập thấp; sống bằng nghề vận chuyển thuê theo số lượng nên càng trở nhiều càng được hưởng thù lao cao. Hình ảnh xe ba gác gắn máy, xe xích lô, rồi xe công nông, thậm chí là cả máy cày cải tiến cũng xuất hiện ở nhiều nơi chở hàng hóa qua lại ở nhiều con đường, tuyến phố.

Vừa cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường mà đến các đường cua, khúc quẹo rất dễ lật nhào hay làm đổ hàng hóa xuống đường, khiến người đi bên cạnh bất an. Đã có nhiều xe thô sơ, xe tự chế, xe xích lô chở hàng hóa cồng kềnh, gây tai nạn, thậm chí là chết người, gây bức xúc trong dư luận nhưng vẫn không sao xử lý được.

Hầu hết mọi người đều vin vào lý do vì mưu sinh vất vả, cơm áo gạo tiền hàng ngày nên bất chấp luật lệ để chuyên chở bằng các loại phương tiện cũ nát, cồng kềnh này.

Việc lưu hành các loại xe thô sơ, xe tự chế, xe cũ nát, hết niên hạn đang là những hiểm họa về tai nạn giao thông (Ảnh: QĐND)

Việc lưu hành các loại xe thô sơ, xe tự chế, xe cũ nát, hết niên hạn đang là những hiểm họa về tai nạn giao thông (Ảnh: QĐND)

TP.HCM đã tịch thu và tiêu hủy hơn 30.000 phương tiện xe thô sơ, xe tự chế trong nhiều năm qua. Trích ngân sác hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ người điều khiển loại phương tiện này nhưng không xoay chuyển được nhiều vì vẫn có người thuê chở hàng hóa thì loại hình này vẫn tồn tại. Thành phố đang tính tới phương án, cấm triệt để loại phương tiện này trong 1 vài năm tới.

Vấn đề cần thiết lúc này là lực lượng chức năng, nhất là cảnh sát giao thông cần thường xuyên kiểm tra và xử lý để tiến tới chấm dứt việc lưu thông các loại hình xe hết niên hạn, xe “nhiều không” này. Theo các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nếu vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt mức khá cao và tịch thu phương tiện.

Đối với các trường hợp gây tai nạn thậm chí còn bị xử lý hình sự. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để các ngành áp dụng để xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng nên tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất cơ khí; tuyên truyền vận động, yêu cầu làm cam kết không độ,chế thêm các công cụ, nâng cấp cho các loại xe này. Tổ chức hướng dẫn, dạy nghề cho những người sử dụng phương tiện xe thô sơ, xe tự chế để họ chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kế mưu sinh khác thay vì liều lĩnh điều khiển phương tiện chuyên chở hàng hóa trong điều kiện mất an toàn cho mình và cho người xung quanh.

Trong điều kiện giao thông, điều kiện cơ sở hạ tầng,đường sá, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày càng trở nên chật hẹp. Việc lưu hành các loại xe thô sơ, xe tự chế, xe cũ nát, hết niên hạn đang là những hiểm họa về  tai nạn giao thông.

Do vậy cần một cách làm triệt để với các biện pháp vừa giúp người điều khiển các loại phương tiện này có công ăn việc làm mới để mưu sinh; đồng thời khuyến khích mọi người sử dụng các loại phương tiện phù hợp chuyên chở hàng hóa vào các hẻm sâu, ngõ tắt.

Để bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa vẫn diễn ra bình thường, trật tự, an toàn; tránh đi các tai nạn đáng tiếc do xe thô sơ, xe tự chế chở hàng cồng kềnh có thể gây ra trong thời gian tới.

Trọng Điển - Diễm Thúy/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Ấm lòng hình ảnh chiến sĩ CSGT hỗ trợ các đoàn từ thiện trong mùa lũ

Ấm lòng hình ảnh chiến sĩ CSGT hỗ trợ các đoàn từ thiện trong mùa lũ

Trong dòng chảy của những nghĩa cử cao đẹp từ các đoàn cứu trợ hướng về miền Bắc. Hình ảnh các chiến sĩ CSGT thuộc Đội cao tốc số 3, Phòng 6/C08 phát nước tiếp sức, chỉ dẫn đường cho đoàn cứu trợ đã được người dân ghi lại vô cùng cảm động.

Quận Cầu Giấy (Hà Nội) dồn tổng lực khắc phục hậu quả bão số 3

Quận Cầu Giấy (Hà Nội) dồn tổng lực khắc phục hậu quả bão số 3

Nhằm khắc phục hậu quả sau bão, sáng 15/9, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 197 quận Cầu Giấy, UBND quận Cầu Giấy, Công an quận và Ban Chỉ đạo 197 các phường, UBND các phường của quận Cầu Giấy đã triển khai công tác dọn dẹp cây đổ còn sót lại trên các tuyến phố do tác động của bão số 3.

Cứu trợ thiên tai, nên làm gì và làm thế nào?

Cứu trợ thiên tai, nên làm gì và làm thế nào?

Những ngày này, nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang tổ chức các hoạt động cứu trợ người dân bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Những nghĩa cử cao đẹp này đã giúp người dân và chính quyền ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua những khó khăn ban đầu.

Những người bảo tồn đồ chơi Trung thu truyền thống

Những người bảo tồn đồ chơi Trung thu truyền thống

Phố cổ Hà Nội có biết bao nhiêu câu chuyện mà chúng tôi muốn kể cho quý vị nghe, và hôm nay là câu chuyện về những người làm đồ chơi trung thu truyền thống.

Đường phố Hà Nội vẫn ngổn ngang sau hơn 1 tuần hứng bão

Đường phố Hà Nội vẫn ngổn ngang sau hơn 1 tuần hứng bão

Sau hơn một tuần hứng chịu cơn bão số 3 hay còn gọi là bão Yagi, đường phố Hà Nội khắp nơi vẫn ngổn ngang, những gốc cây đã được cắt hết cành, thu dọn lá nhưng vẫn chưa thể di chuyển, có những phố những đống cành lá, gốc cây chất đống dưới lòng đường, vỉa hè...

Hậu bão Yagi: Cây xanh, môi trường tại Thủ đô được thu dọn thế nào?

Hậu bão Yagi: Cây xanh, môi trường tại Thủ đô được thu dọn thế nào?

Theo thống kê bão số Yagi đã khiến hơn 25.100 cây đổ và cành gãy trên địa bàn thành phố, trong đó, có tới hơn 24.800 cây đổ. Trong đó, nhiều cổ thụ cả trăm năm tuổi, gắn với các địa danh của thủ đô cũng bị bật gốc, gãy đổ khiến nhiều người dân tiếc nuối.

Hà Nội: Khẩn trương dọn cây đổ

Hà Nội: Khẩn trương dọn cây đổ

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các lực lượng chức năng đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để thu dọn cây xanh gãy đổ sau bão số 3 tại các quận nội thành, đảm bảo hoàn thành trước ngày 20/9.