Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

"Khát" giáo viên: Cần sớm có giải pháp khắc phục

Trọng Điển - Nhất Hoàng: Thứ sáu 23/09/2022, 12:30 (GMT+7)

Năm học 2022- 2023 đã khai giảng hơn 2 tuần, nhưng nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa tuyển đủ giáo viên. Đối với các khối lớp triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và kể cả bậc học không triển khai chương trình mới cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Nguyên nhân chủ yếu là chế độ đãi ngộ không tương xứng, áp lực công việc cao, thu nhập thấp…các ban ngành đã có biện pháp gì trước nguy cơ thành phố thiếu giáo viên? 

Năm học 2022- 2023 cũng là năm chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên triển khai ở cấp THPT đối với lớp 10, đồng thời cuốn chiếu thực hiện đối với lớp 6 và 7 ở cấp Trung học cơ sở. Do là năm đầu tiên triển khai nên các đơn vị trường học tại TP.HCM đối mặt nhiều khó khăn, như thiếu trang thiết bị, thiếu giáo viên.

Hiện hầu hết các địa phương tại TPHCM đều xảy ra tình trạng “khát” giáo viên, nhất là các môn nghệ thuật, tiếng Anh, tin học… nên nhà trường không đưa một số môn nghệ thuật vào chương trình học. Còn một số trường khác đang lên phương án mời giáo viên dạy hợp đồng hoặc chờ kết quả tuyển dụng.

Tại quận Bình Tân năm học 2022-2023 hiện thiếu gần 350 giáo viên ở tất cả các bậc học, nhất là giáo viên dạy các môn nghệ thuật. Bà Lê Thị Ánh Nguyệt (Hiệu trưởng trường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) cho biết, hiện giáo viên chủ nhiệm của các lớp phải choàng gánh thêm môn âm nhạc vì chưa tuyển được giáo viên chuyên môn:

“Trường vẫn có phương án thỉnh giảng, tuy nhiên vẫn chưa tìm được giáo viên chuyên âm nhạc để thỉnh giảng. Tại các trường khác thì cũng chưa đảm bảo đủ, do đó giáo viên vẫn thực hiện tăng tiết ở các trường các khác thì trường tôi lại thiếu”.

Không riêng gì quận Bình Tân, hiện nhiều quận huyện khác cũng đang thiếu giáo viên. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, hiện thành phố còn thiếu gần 6000 giáo viên theo biên chế từ bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Nhất là thiếu giáo viên cho các môn chuyên như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục…

Tình trạng “khát” giáo viên, nhất là các môn nghệ thuật, tiếng Anh, tin học…do không có giáo viên nên nhà trường không đưa một số môn nghệ thuật vào chương trình học

Tình trạng “khát” giáo viên, nhất là các môn nghệ thuật, tiếng Anh, tin học…do không có giáo viên nên nhà trường không đưa một số môn nghệ thuật vào chương trình học

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) cho rằng, ngoài việc thu nhập thấp thì giáo viên rất vất vả trong việc giảng dạy đủ số tiết và bao quát học sinh. Nhiều giáo viên mới ra trường, sau vài năm công tác đã chuyển sang công việc khác để thu nhập cao hơn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống tối thiểu cho họ.

“Vừa thu nhập thấp vừa áp lực công việc, bên cạnh đó là việc mà họ kiếm việc làm thêm bên ngoài khá dễ dàng, thuận lợi, cho nên chúng ta rất khó giữ chân giáo viên. Hiện nay, trong chương trình phổ thông mới, môn tin học và môn ngoại ngữ là môn bắt buộc cho nên nhu cầu rất lớn, tất cả tỉnh thành đều có nhu cầu giáo viên nên TP.HCM cũng có khó khăn trong tuyển dụng...", ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

Ngoài việc tuyển dụng khó, các địa phương cũng gặp nhiều vướng mắc khi không đảm bảo đủ giáo viên đạt chuẩn để giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 yêu cầu bậc tiểu học, THCS và THPT phải có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên.

4

Để tháo gỡ khó khăn, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết sẽ tổ chức tuyển đợt 2 vào tháng 10 tới. Đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển dụng như môn tiếng Anh, công nghệ, môn tin học và các môn mới như âm nhạc, mỹ thuật, Sở đã hướng dẫn các đơn vị trực thuộc chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn.

Theo ông Hồ Tấn Minh (Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) Sở cũng đề nghị các trường nội thành chia sẻ giáo viên với các trường ngoại thành, các trường ở các huyện xa, xây dựng hình thức dạy trực tuyến để tăng cường năng lực tiếng Anh và Tin học cho các em.

“Trong thời gian mà chúng ta chưa tuyển đủ thì Sở có hướng dẫn thực hiện theo Chỉ thị 102 để giúp cho việc hợp đồng ngắn hạn, là các giáo viên của THCS sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở trường mình xong thì có thể thực hiện công tác hợp đồng ngắn hạn tại các trường tiểu học. Khi các giáo viên này thực hiện các nội dung này thì nhà trường phải đảm bảo đủ chế độ cho thầy cô giáo tham gia”.

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vừa có các buổi giám sát về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2022. Đoàn ghi nhận vấn đề nổi cộm là thiếu giáo viên và kiến nghị sớm có giải pháp của các cơ sở.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP) ghi nhận các kiến nghị và sẽ trình bày với các cấp cao hơn để tìm ra hướng giải quyết: “Chúng tôi sẽ làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo để nghe thêm về tình hình triển khai thực hiện cái chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới trên toàn địa bàn thành phố. Nắm bắt thêm những vấn đề khó khăn vướng mắc mà hiện nay đang triển khai thực hiện. Và sau đó thì Đoàn sẽ có kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ với Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đề nghị ngành giáo dục đào tạo Thành phố này cần rút ra bài học về sự thích ứng linh hoạt trước những tình huống phát sinh, phát huy sự năng động, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động dạy học … để nâng cao chất lượng giáo dục.

Đặc biệt, ngành cần tập trung giải quyết những khó khăn của các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố này về nguồn thu, thu nhập của giáo viên, tình trạng thiếu giáo viên, thiếu viên chức cán bộ quản lý, nhất là việc thiếu người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục.

Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào sự thật là mức thu nhập của giáo viên hiện là thấp so với mặt bằng chung của nhiều ngành nghề, nhất là ở các đô thị lớn

Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào sự thật là mức thu nhập của giáo viên hiện là thấp so với mặt bằng chung của nhiều ngành nghề, nhất là ở các đô thị lớn

Để giáo viên đến trường thấy mỗi ngày thực sự là một ngày vui

Việc giáo viên bỏ việc, hay sinh viên không tha thiết vào ngành sư phạm đang là một thực tế . Điều này không chỉ diễn ra ở TP. HCM, Hà Nội mà ở nhiều tỉnh, thành khác; tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng đang diễn ra phổ biến ở năm học này.

Ngành giáo dục các địa phương đang tìm cách co kéo để lấp đầy khoảng trống này như là cho giáo viên dạy các môn kiêm nhiệm; kêu gọi người đã nghỉ hưu tham gia; hợp đồng thêm các nguồn từ bên ngoài.

Bởi dù thiếu thế nào thì cũng vẫn phải đảm bảo con em đến trường được học hành có thầy cô. Vì thầy cô chính là nhân tố quyết định để truyền đạt kiến thức cho các em, nhất là các bậc học từ dưới phổ thông cơ sở.

Vậy nên đã đến lúc cần nhìn thẳng vào sự thật là mức thu nhập của giáo viên hiện là thấp so với mặt bằng chung của nhiều ngành nghề, nhất là ở các đô thị lớn.

Theo tìm hiểu, một giáo viên mới ra trường, mức lương khởi điểm, cộng với các khoản thu nhập đứng lớp chỉ vỏn vẹn dưới 5 triệu đồng. Giáo viên có thâm niên trên 10 năm cũng chỉ khoảng dưới 10 triệu.

Bản thân nhiều giáo viên cũng là trụ cột chính trong gia đình, còn phải nuôi con, chăm lo sức khỏe và nhiều nhu cầu khác trong cuộc sống. Với mức thu nhập như vậy thì khó nói là hấp dẫn để người trẻ có trình độ muốn vào ngành sư phạm.

Với giáo viên hiện nay, hầu hết đều tâm huyết với nghề, tận tâm vì sự nghiệp. Nhưng trước những cơn bão giá, đối mặt với khó khăn trong đời sống, tình yêu nghề dễ bị lung lay và mai một. Tình trạng giáo viên bỏ việc, đi dạy thêm, làm thêm diễn ra ngày một nhiều.

Đây là một thách thức lớn cho ngành giáo dục và toàn xã hội. Về phần nghiệp vụ chuyên môn, căn bệnh trầm kha thành tích trong ngành giáo dục đang khiến nhiều giáo viên tiêu tốn quỹ thời gian rất lớn.

Đó là những cuộc thi giáo viên giỏi các cấp cấp cũng khiến nhiều giáo viên quay quắt. Với giáo viên chủ nhiệm vừa dạy lại còn phải chăm lo, quán xuyến cả việc đốc thúc thu nộp học phí, các khoản quỹ khuyến học; xử lý hàng chục tình huống phát sinh ở lớp mỗi ngày.

Các giáo viên bộ môn thì đối mặt với giáo án, tài liệu, sổ sách giấy tờ, kê khai, thống kê, báo cáo đủ loại; nhiều người làm việc đến khuya mà chưa xong. Sức ép thi đua năm sau phải cao hơn năm trước cả trong học tập lẫn văn nghệ, thể thao, hoạt động kỹ năng đều khiến nhiều thầy cô mệt mỏi.

Thời gian để nghiên cứu, sáng tạo cho bài giảng bị giảm sút. Chưa kể, ở các đô thị lớn, học sinh có khi lên đến hơn 40 em/lớp nên khó có thời gian mà quan tâm đến từng em. Bản thân trong 1 trường học, không phải Ban giám hiệu, tổ chuyên môn nào cũng điều hành khoa học, tạo sự phấn khởi cho thầy cô.

Rồi tính đổi mới, mạnh dạn áp dụng sáng kiến của một bộ phận giáo viên còn chậm; không ít người cũng ngại sự thay đổi. Trong khi không ít gia đình, bậc phụ huynh ỷ hết việc giáo dục con em cho nhà trường; lơ là việc nhắc nhở các em học tập. Có cách nhìn nhận tiêu cực và nghề giáo, ngành giáo.

Rõ ràng đã đến lúc gạt bỏ bệnh thành tích mang tính hình thức trong trường học mà đi đầu phải là cơ quan quản lý. Việc thực học, thực thi cần được  lãnh đạo chính quyền, ngành giáo dục địa phương nhất quán xuyên suốt xuống tận nhà trường.

Vì thực tế bản thân ngành giáo dục nếu để kết quả năm sau không bằng năm trước cũng dễ bị phê bình, kiểm điểm và căn bệnh thành tích lại đổ xuống đầu giáo viên, gây bao hệ lụy.

Tiếp đó là thực hiện chính sách nâng cao chế độ lương thưởng cho giáo viên để họ yên tâm đứng lớp. Đội ngũ quản lý giáo dục, ban giám hiệu các trường thể hiện năng lực quản trị thay đổi trong môi trường giáo dục số.

Giảm gánh nặng về báo cáo, văn bản giầy tờ, họp hành mang tính hành chính để giáo viên có thời gian chăm chút cho bài giảng.

Có chính sách thu hút người giỏi, người tài vào ngành sư phạm. Các bậc phụ huynh hiểu rõ, muốn con em chăm ngoan, học giỏi, thành người có ích không chỉ do nhà trường mà cần có sự đồng hành của mỗi gian đình và cả xã hội.

Tạo cho giáo viên đến trường, đến lớp mỗi ngày cảm thấy thực sự là một ngày vui. Đấy chính là cơ sở để họ cống hiến, phụng sự và không rời bỏ. Đây cũng chính là căn gốc để giải quyết bài toàn thiếu giáo viên hiện nay.

Trọng Điển - Nhất Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Bỏ xe chạy lấy người, cách nào ngăn chặn?

Bỏ xe chạy lấy người, cách nào ngăn chặn?

Theo Cục CSGT, khi người tham gia giao thông bị tạm giữ phương tiện vi phạm, nhưng không đến chấp hành quyết định xử phạt thì sẽ không được cấp/đổi giấy phép lái xe, người vi phạm sẽ đối diện nguy cơ thường trực là bị xử lý rất nặng.

Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển: Sẽ được rẽ phải/ trái, được quay đầu

Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển: Sẽ được rẽ phải/ trái, được quay đầu

Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội vừa thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông qua nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển.

Tăng mức phạt giao thông: Một chế tài, nhiều tác động

Tăng mức phạt giao thông: Một chế tài, nhiều tác động

Vượt vượt đèn đỏ giảm hẳn. Xe cộ bớt leo lên vỉa hè. Ô tô bớt chạy vào làn khẩn cấp. Người lái bằng đầu theo dõi điểm trên bằng.

Hạ rào công viên, mong “bình mới, rượu cũng mới”

Hạ rào công viên, mong “bình mới, rượu cũng mới”

Những ngày giáp tết này, không khí chỉnh trang, cải tạo xung quanh công viên Tuổi trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang rất khẩn trương để hoàn thành những hạng mục cuối.

Loay hoay giữa những ngã tư

Loay hoay giữa những ngã tư

Sau hai tuần thực hiện Nghị định 168/2024 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông bước đầu đã ghi nhận những chuyển biến tích cực.

Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm phổ biến của xe ô tô (Phần 1)

Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm phổ biến của xe ô tô (Phần 1)

Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Vấn vương hương ngọc lan

Vấn vương hương ngọc lan

Có một cái cây nhỏ bé và lặng lẽ nằm trên phố Lê Lai, ngay sát khuôn viên vườn hoa và tượng đài Lý Thái Tổ. Cái cây ấy chỉ được ngỡ ngàng nhận ra khi vào mùa hoa, khiến mọi bước chân qua Hồ Gươm đều phải lưu luyến.