Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hiệp sĩ giao thông: Sinh mạng, món quà đáng quý của cuộc sống

Vũ Loan - Quách Đồng: Thứ bảy 21/01/2023, 20:20 (GMT+7)

Chắc quý vị ai cũng hình dung được là trong mỗi ca dẫn Giờ cao điểm, khi phải xử lý rất nhiều thông tin, thì những người dẫn chương trình như chúng tôi dù tiếp nhận tin vui, tin bình thường hay tin buồn thì vẫn luôn phải giữ được nhịp độ ổn định trong từng câu dẫn.

Không được để cảm xúc chen vào làm ảnh hưởng đến tâm lý của rất nhiều thính giả khi đang lái xe. Đặc biệt khi tiếp nhận thông tin tai nạn, hay sự cố nghiêm trọng có thiệt hại về người.

Chúng tôi chỉ là những người tiếp nhận thông tin về sự thiệt hại tính mạng con người trong mỗi vụ TNGT hay sự cố thôi mà cũng đã dấy lên những cảm xúc rất mạnh như vậy rồi.

Vậy còn những người phải trực tiếp đối diện với lằn ranh sinh – tử của mình và của người khác thì sẽ thế nào? Có mấy ai giữ được sự bình tĩnh, vững vàng không?

Vậy mà đó lại là công việc phát sinh không mong muốn mà các chiến sĩ CSGT trực chốt ở cầu Chương Dương như Đại úy Phan Đức Hùng- đội CSGT số 5 phải xử lý khi tại đây hay có người có ý định tự vẫn tìm đến.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Thường chúng ta vẫn nghe, đọc trên báo chí, tivi những thông tin như: CSGT kịp thời cứu người có ý định tự tử/nhảy cầu…thì cũng chỉ lưu tâm một vài phút là cùng, nhưng đối với các chiến sĩ CSGT, cứu được một mạng người như thế là họ gần như phải đánh đổi bằng 2 cuộc đời cộng lại.

Tại sao tôi lại nói như vậy, mời quý vị cùng lắng nghe cuộc trò chuyện của BTV Vũ Loan với Đại úy Phan Đức Hùng, công tác tại đội CSGT đường bộ số 5, phòng CSGT TPHN vào một buổi đầu giờ chiều một ngày cuối năm khá bận rộn.

Ảnh minh họa: Báo Giao thông

Ảnh minh họa: Báo Giao thông

PV: Đúng là có đứng lại ở trên đầu cầu này một chút mới thấy rõ làm việc ở đây cũng nhiều áp lực? Một ca trực của Hùng là bao lâu?

Đại úy Phan Đức Hùng: Một ca trực khoảng 4 tiếng chị ạ.

PV: Hôm nay gió to quá. Đội CSGT số 5 làm ở vị trí nhạy cảm này nên cũng hay phải đối mặt với những người có ý định nhảy cầu tự tử nhỉ? Vậy Khi phải đối diện với ý định muốn nhảy cầu tự tử của một người nào đó, việc đầu tiên các đồng chí làm là gì?

Đại úy Phan Đức Hùng: Đối diện với những tình huống 1 số người dân có ý định nhảy cầu tự tử thì chúng tôi thường phản ứng rất nhanh,  ngay lập tức tiếp cận hiện trường.

Có những trường hợp người ta rất quyết tâm tự tử thì chúng tôi phải khéo léo tiếp cận, rồi khuyên nhủ làm sao mà người ta bỏ được ý định nhảy cầu, cố những trường hợp người ta quyết tâm quá thì chúng tôi cũng phải dùng biện pháp cưỡng chế, đưa họ vào nơi an toàn và cho phương tiện tham gia giao thông đi lại bình thường.

PV: Vậy trong thời gian công tác tại đây, đồng chí có phải đối mặt với nhiều trường hợp như vậy không?

Đại úy Phan Đức Hùng: Hơn 3 năm công tác tại đây chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp như vậy. Thường trước khi đến hiện trường là tôi cũng tham khảo ý kiến 1 số người dân ngay tại đó xem bạn đó tâm tư nguyện vọng ra sao, có thể trò chuyện 1 số câu với đối tượng đó để nhận định xem họ ý định ntn, có quyết tâm hay không.

Có trường hợp nhảy xuống rồi, nhất quyết nhảy xuống là chúng tôi huy động đò ngay dưới chân cầu cứu vớt ngay như vậy.

PV: Và có trường hợp nào làm đồng chí phải nhớ mãi không?

Đại úy Phan Đức Hùng: Trong số những trường hợp cứu người nhảy cầu tự tử thì chúng tôi có ấn tượng với 1 trường hợp bạn này là nữ, quê Nam định, bạn này rất quyết tâm nhảy cầu, tay thì cầm kéo kề vào cổ, khi lực lượng chức năng và người dân tiếp cận thì đều không cho lại gần và tay dí sát kéo vào cổ.

Khi chúng tôi tiếp cận khuyên nhủ cũng mất nửa tiếng đồng hồ nhưng bất thành, chúng tôi cùng 1 số người dân tiến lại gần và khống chế, sau đó đưa chị vào vị trí an toàn.

Sau khi cứu được chị ấy, đưa về trụ sở công an làm việc thì cũng nói lý do là do mâu thuẫn gia đình, chán quá nên chị ấy quyết tâm nhảy cầu. Sau khi thuyết phục thì chị ấy cũng đã bình tĩnh lại.

PV: Sau mỗi lần cứu được người ở bờ vực của sống – chết như thế mới thấy tính mạng con người đáng quý biết bao nhiêu. Nhưng nguy hiểm quá, bản thân các đồng chí phải tiếp cận với những người như thế là cũng phải đối mặt với nguy hiểm rồi. Tôi nhìn cái lan can cầu thôi cũng đã thấy run rồi.

Đại úy Phan Đức Hùng: Đúng đấy ạ, sau khi đưa được những người có ý định nhảy cầu về bàn giao cho gia đình thì gia đình người ta đều vỡ òa trong nước mắt hết. Thực ra trong lúc tình huống phải tiếp cận hiện trường để mà đưa người dân có ý định như vậy vào vị trí an toàn thì đều là những tình huống rất khó rồi.

Bản thân mình tiếp cận hiện trường là cũng phải trèo qua lan can cầu, bản thân mình cũng gặp nguy hiểm rồi chứ không phải đơn thuần là mỗi họ, nên không cho phép mình được run, để làm sao mình phải đạt được hiệu quả chính xác tuyệt đối.

Nếu mà việc đáng tiếc xảy ra thì bản thân mình cũng chưa chắc được an toàn, có khi mình cũng lộn nhào xuống rồi.

PV: Với những vụ việc như thế này, sau đó về nhà, đồng chí có kể chuyện hay chia sẻ gì với vợ và người thân trong gia đình không?

Đại úy Phan Đức Hùng: Gia đình thì nghe được tin và đọc được những bài báo đưa tin mình cứu người nhảy cầu tự tử thì thực sự là mọi người chỉ đọc trên báo thôi và vui vì mình đã làm được việc tốt.

Nhưng có những câu chuyện mình cũng không dám chia sẻ với gia đình, chỉ biết là có hành động cứu người nhảy cầu như thế, được báo chí đưa tin như thế, cho mọi người trong gia đình vui thôi, đỡ lo lắng..

PV: Trước đây, cũng ở đội 5, mọi người hay nhắc đến Thượng tá Lê Đức Đoàn cũng cứu được nhiều người có ý định tự vẫn ở cầu Chương Dương.

Hiện nay các đồng chí tiếp nối công việc tại điểm trực chốt này tiếp tục mang lại cho người dân sự yên tâm, để mỗi người có ý định kết thúc cuộc sống sẽ bình tâm lại và thấy mình may mắn có một cơ hội được sống tốt hơn.

Thực sự cảm ơn các đồng chí!

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Trước khi về đây công tác, chúng tôi cũng có được nghe những câu chuyện về chú Lê Đức Đoàn, chúng tôi cũng rất hâm mộ và lấy đó làm tấm gương, làm sao thực hiện tốt tất cả mọi nhiệm vụ được giao, quan trọng nhất là chúng tôi mong muốn là người dân đi qua chốt CSGT của chúng tôi là luôn mỉm cười, mọi việc chúng tôi làm đều mong muốn làm sao đảm bảo được công tác tốt nhất và được người dân tin yêu.

PV: Cảm ơn đồng chí và xin gửi lời chúc sức khỏe, may mắn và an vui tới đồng chí và gia đình. Chúc đội CSGT số 5 nói riêng và lực lượng CSGT chúng ta nói chung luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và sẽ không phải xử lý những công việc ngoài chuyên môn như việc cứu người có ý định nhảy cầu này nữa nhé!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực sự chúng ta, mỗi người được sinh ra trong cuộc đời này đã là một món quà cực kỳ quý báu của cuộc sống rồi.

Điều này chắc cũng sẽ rất thấm thía với tài xế Bùi Anh Tuấn ở Lê Duẩn, Hà Nội khi chính anh đã thoát chết trong gang tấc trong một tai nạn xảy ra vào đêm tối của một ngày cuối năm giá rét, mưa lạnh.

Mặc dù là lái xe, cũng đã chứng kiến và trợ giúp nhiều người trong các vụ tai nạn, nhưng khi chính mình suýt là nạn nhân thì mọi suy nghĩ, cảm nhận của anh Bùi Anh Tuấn đều khác hẳn. Tài xế Bùi Anh Tuấn trò chuyện cùng tôi về tai nạn đã có thể xảy ra với anh 1 năm trước…

PV: Anh có thể  kể lại hoàn cảnh xảy ra vụ tai nạn mà anh suýt chút nữa đã trở thành nạn nhân không?

Anh Bùi Anh Tuấn: Trên đường về với 2 anh em chở nhau thì tự nhiên nghe thấy tiếng rầm rầm phía sau, quay lại nhìn thấy xe ô tô phi đến, kịp lách lên vỉa hè thì xe ô tô đâm thẳng lên vỉa hè luôn, lật lật mấy vòng, xuống thì phát hiện thấy người vẫn có trong xe nên mới quyết định hô hào đập kính để kéo người ra thôi, rất may tài xế không bị chấn thương quá nặng. Mình đã chứng kiến tai nạn rất nhiều, nhưng khi nó trực tiếp xảy ra với mình thì cảm giác nó sợ hãi.

PV: Đúng là đúng thời điểm đó mà anh không nhanh chóng lao xe lên vỉa hè thì không dám nói trước được điều xảy ra sẽ kinh khủng như thế nào. Vậy anh phải mất bao lâu mới có thể định thần được và tới cứu giúp cho tài xế kẹt trong xe?

Anh Bùi Anh Tuấn: Phải mất tầm vài phút chỉ đứng nhìn thôi, lúc đó cũng khuya muộn rồi, ngoài đường ko có ai cả, mưa lạnh nữa.. Đến lúc phát hiện ra không có ai bò trong xe ra cả mà xe vẫn nằm im thì mới chạy ra và quyết định đập cửa kính kéo ra, rất may tài xế chỉ bị thương nhẹ.

Do tài xế bị say quá, không thể đứng dậy tự mở cửa được chứ ko phải là bị tai nạn nặng. May cho ông tài xế và may cho cả mọi người đi đường hôm đấy, trong đó là có mình.

Nếu hôm đó chiếc xe đó phía sau không có tiếng nổ của bô, mình không kịp quay lại thì chắc chắn là đâm và người nặng nhất sẽ là mình

PV: Tôi thấy sợ quá, nghĩ đến thôi đã thấy không biết phải làm gì tiếp theo nữa mà anh còn nhanh chóng kéo được lái xe ra. Nhỡ đâu xe nổ hay còn thêm cái gì nguy hiểm nữa thì sao?

Anh Bùi Anh Tuấn: Thực ra đấy là một sự ám ảnh thực sự. Cái cảm giác xe vừa đánh lên vỉa hè cái là cái xe nó vù qua cái là rầm ngay vào gốc cây trước mặt đổ như thế, cái cột đèn chiếu sáng, cái cây to nó đổ như thế mà đâm vào người mình thì chắc không còn gì.

2 anh em cảm giác đúng như vừa chết đi sống lại vậy, nên anh em vẫn bảo nhau hôm qua là ngày giỗ của anh em mình…

PV: Nhưng may mắn đâu có nhiều và may mắn đến đúng lúc, đúng thời điểm lại càng ít.

Anh Bùi Anh Tuấn: May chứ, đó là may mắn thực sự. Nói chung trong cuộc sống những người gặp may không có nhiều nên muốn hạn chế tối đa thì tốt nhất là không uống rượu khi tham gia giao thông.

PV: Em hoàn toàn nhất trí với anh về câu chốt này ạ. Việc đơn giản chúng ta làm được đó là đã lái xe thì không uống rượu bia, mà đã uống rượu bia thì tuyệt đối không cầm lái.

Cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện vào một chiều cuối năm bận rộn như hôm nay. Chúc anh và gia đình sang năm mới tràn đầy sức khỏe và niềm vui nhé! 

Chạm tới cái chết để biết trân trọng và nâng niu sự sống đúng nghĩa hơn. Chúng ta còn thấy tinh thần hiệp sĩ, nhanh chóng cứu giúp người bị nạn vô cùng đáng quý trong một vụ tai nạn nghiêm trọng khác, xảy ra khoảng hơn 1 tháng trước tại Quốc lộ 6, thuộc địa phận Mai Châu, Hòa Bình.

Chiếc xe taxi của tài xế Thế Anh chở theo 2 vợ chồng người khách tới khúc cua trên lúc gần 4h sáng thì gặp nạn, rơi xuống vực sâu hơn.

Tài xế Thế Anh kể lại: "Em tầm đấy đi đón khách là 12h đêm, đi đến đó là 3h40' là ở đó, cũng rất may có ông bác nhà dưới đấy buổi tối không ngủ được ra hút thuốc lào, làm sao mà họ lại nghe được tiếng đá lăn, tiếng kêu cứu nên mới soi đèn pin đi ra mới thấy mọi người.

Tầm chưa đầy 30 phút là mọi người đã đông đủ hết rồi mọi người cứu giúp, kéo xe lên mà trong khi đó ở đấy cũng xảy ra khá nhiều tai nạn rồi mà đi xuống đấy gọi là đến 80% là không qua khỏi, mà xe em lăn  xuống dưới đấy là xe của em không còn cái gì, là 1 đống sắt vụn rồi, cái này là rất may mắn".

Đêm xảy ra tai nạn với tài xế Thế Anh là một đêm mưa mù, lạnh buốt- kiểu thời tiết đặc trưng của khu vực miền núi phía Bắc, tại khúc cua nguy hiểm với 1 bên là taluy dương, 1 bên là vực sâu trên quốc lộ 6.

Địa điểm này đã có rất nhiều xe gặp nạn và để lại nhiều thiệt hại lớn về người nên đối với trường hợp của tài xế Thế Anh, cả 3 người trên xe đều không bị thương quá nặng là một may mắn lớn.

Trong trường hợp này, may mắn khó có thể xảy đến nếu không có tinh thần hiệp sĩ thường trực, sẵn sàng, nhanh chóng tới cứu hộ, cứu nạn khi có cuộc gọi, dù trong đêm mưa rét buốt của anh Ngô Văn Tuấn và nhiều người dân nơi đây…

Vì gia đình có quán ăn nhỏ ngay trên Quốc lộ 6 – cũng là địa điểm gần khúc cua thường xuyên xảy ra tai nạn, nên anh Ngô Văn Tuấn cùng một số anh em khác ở địa phương lập thành một nhóm sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tai nạn xảy ra.

Các anh em lái xe qua đây vào quán ăn cơm lại chia sẻ với nhau số điện thoại của anh Tuấn, để nhỡ có lúc cần thì sẽ có được sự trợ giúp kịp thời nhất.

PV: Được biết anh và một số anh em trong hội lái xe nhận được thông tin có xe rơi xuống vực sâu hơn 300m đã nhanh chóng đến hiện trường cứu giúp người bị nạn. Anh có thể kể lại 1 chút về thời điểm đó không?

Anh Ngô Văn Tuấn: 4h sáng, người ta gọi đến, bảo có tai nạn, cách nhà em khoảng 4 cây, hỏi người dân bên đường thì nói là xe rơi xuống vực, cách mặt đường khoảng 300m, xe xuống dưới đây là bị vo tròn hết, không còn gì cả, rất may là người chỉ bị thương nhẹ và không có ai thương vong.

Em cũng trực tiếp cõng lái xe lên., cùng 1 chú nữa thay nhau vì nó là đường đèo dốc, từ dưới lên phải đi bộ và đi bộ không đã mệt rồi, những người khỏe cho vào võng cõng những người nặng lên còn những người nhẹ bọn em thay nhau cõng lên.

PV: Trong lúc cứu hộ chiếc xe và người bị nạn thì các anh gặp khó khăn gì lớn nhất tại địa hình này?

Anh Ngô Văn Tuấn: Rất nhiều vắt, khu vực đấy là nhiều vắt, khi bọn em xuống cứu hộ người khách thì có con vắt rất to, bâu cả trên lưng, trên đùi người ta, lên giật ra thì nó đã no máu rồi. CÒn anh em hầu như đi ủng hết, ủng có và mặc quần áo mưa thật kín.

Khó khăn nhất là đá học, đá tai mèo và những cây cối cản đường nên anh em phải vừa cẩu kéo vừa lựa, phải chặt cây, có những cây vướng vào tảng đá thì phải bẩy ra.

PV: Đây cũng được coi là một điểm đen về TNGT với cánh tài xế đúng không?

Anh Ngô Văn Tuấn: Thật ra ở đường này, những vụ tai nạn như thế em thấy rất nhiều rồi, nhưng để rơi xuống 3-400 m như thế mà người không bị sao tức là không có thương vong, mà chỉ bị thương nhẹ là cũng rất may mắn rồi.

Mà đấy là vực, toàn là đá, đá tai mèo, lởm chởm. Xe cẩu đến có mang cáp đến nhưng không đủ cáp, sau lại huy động thêm rất nhiều chỗ, nối rất nhiều chỗ, từng khúc một, để kéo lên mà 3h chiều bắt đầu kéo mà 7h tối bon em mới hỗ trợ xe cẩu xe lên đến mặt đường.

PV: Vậy các anh có phải là đội cứu hộ chuyên nghiệp cho các xe hay gặp nạn ở khu vực này không?

Anh Ngô Văn Tuấn: Không, bọn em không phải là đội chuyên nghiệp, mà trên diễn đàn thì anh em có thành viên ở tỉnh nào bị tai nạn, anh em sẽ đưa lên diễn đàn va mọi người sẽ biết là ở khu vực này có ai, có ai và sẽ gọi điện đến hỗ trợ.

Ở trên này em thường xuyên cứu hộ và những trường hợp như thế rất nhiều lần rồi. Cái này thì hoàn toàn miễn phí, anh em tự tâm, tự nguyên thôi, không có hỗ trợ gì cả. Em thì nghĩ đơn giản thôi, tức là anh em cùng cảnh lái xe với nhau, giúp được gì thì cứ giúp.

PV: Tinh thần hiệp sĩ của các anh đáng quý quá. Anh em lái xe đi qua đây cũng vững tâm hơn nhiều nhờ các anh đấy ạ. Anh Tuấn có thể gửi lời chúc năm mới tới các anh em tài xế qua sóng VOVGT không?

Anh Ngô Văn Tuấn: Trong năm mới xin chúc cho tất cả các anh em luôn vững tay lái trên mọi nẻo đường, mong làm sao mỗi giấc ngủ đêm của em không phải nhận những cuộc điện thoại như vừa rồi nữa.

PV: Cảm ơn anh Tuấn nhiều! Kính chúc anh và gia đình năm mới sức khỏe, bình an và mọi đêm ngon giấc!

Kênh VOV Giao thông hy vọng, những câu chuyện chúng tôi vừa chia sẻ  giúp quý vị hiểu được, đằng sau các dòng thông tin về sự cứu hộ, giúp đỡ mà chúng ta vẫn thường bắt gặp trên báo chí hàng ngày, là những con người dũng cảm tuyệt vời, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, với sinh tử của bản thân để giành lấy sinh mạng đáng quý mà cuộc sống ban tặng cho mình và mọi người.

Thậm chí, khi chúng tôi trò chuyện, có gọi họ là những hiệp sĩ giao thông thì họ cũng rất ngại ngần lên sóng và cho rằng đó là việc bình thường họ cần phải làm thôi, có to tát gì đâu mà lên sóng đài quốc gia.

Qua câu chuyện này, tôi càng hiểu sâu sắc được Sinh mạng là đáng quý tuyệt đối, vì vậy sau tay lái mỗi bác tài là cuộc sống của bao con người và trên mỗi cung đường an toàn cũng là niềm hạnh phúc của biết bao gia đình.

Thời khắc giao thời năm cũ – năm mới không còn nhiều, nhưng chắc chắn chúng ta rất may mắn vì còn nhiều thời gian để đi trên những cung đường dài rộng của cuộc đời này. Cảm ơn và luôn trân quý sự đồng hành của các thính giả với VOV Giao thông suốt chặng đường ý nghĩa 1 năm qua!...

Vũ Loan - Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.