Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Bộ hành qua phố

Hà Nội sống và yêu: Mùa sấu....

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Thứ bảy 11/05/2024, 10:45 (GMT+7)

Hà Nội không chỉ có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa ở Hà Nội còn có những cách gọi rất đặc biệt: mùa cúc mi, mùa loa kèn, mùa sen, mùa sấu.

Những cây sấu cao đến 30 mét sum xuê giữa lòng thành phố là hình ảnh gắn liền với nét đẹp cổ kính của Hà Nội. Nhiều thế hệ nơi đây sinh ra và lớn lên với bao kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với hình ảnh trèo me trèo sấu. 

BÊN DÒNG THỜI GIAN 

Thời Pháp thuộc, người Pháp ây dựng đô thị Hà Nội chủ yếu ở 2 quận Ba Đình và Hai Hà Trưng với những thảm lá vàng phủ kín vỉa hè, đẹp như những bức tranh vẽ mà mấy bà, mấy cô thích mê chụp ảnh dưới những hàng sấu có một không hai ở nơi này.

Bạn có thể bắt gặp nhiều cây sấu lớn tại những con phố lớn Hà Nội như Bà Triệu, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Tràng Thi, Quán Sứ. Trong nắng hè oi ả, được đi dưới vòm lá xanh và dày của sấu, tôi tin chắc rằng mọi mệt mỏi sẽ tan biến như chia sẻ của cô Thanh Diệp sinh sống ở phố Phan Đình Phùng ở quận Ba Đình, Hà Nội:

"Là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Từng góc nhỏ hàng cây đối với tôi đều là những kỉ niệm. Và quả sấu gắn liền với tôi như một thứ tình cảm rất thân thương. Sấu của Phan Đình Phùng là cái sấu rất mỏng vỏ, hạt nhỏ, cơm dày, vị chua của nó rất là thanh.

Và khi nấu lên một bát canh ngon nó khác hẳn vị sấu của các nơi khác. Chính vì thế nếu là người HN hay tìm ra phố này và ai đã đến HN đêu mong muốn được đi qua con phố này và ngắm nhìn hàng cây xanh mát".

Ảnh minh họa: Tuổi trẻ Thủ đô

Ảnh minh họa: Tuổi trẻ Thủ đô

Vài chục năm trước khi Hà Nội còn khó khăn, mùa trèo sấu là địa phận phân chia của các băng nhóm kiếm ăn trên vỉa hè. Từng cây sấu được các băng nhóm thỏa thuận với nhau, tranh giành, trèo trộm sấu của nhau cũng như cơm bữa, và cả nắm đấm nữa. Đến mức cứ nói về dân trèo me, trèo sấu là người ta nghĩ ngay đến những đám giang hồ vặt ở khắp phố phường.

Có cả một thời bao cấp, sấu được các công ty, xí nghiệp cây xanh quản lý nhưng thực chất cũng chẳng hiệu quả, bởi sấu sớm muộn gì cũng lại rơi vào tay  của những băng nhóm chuyên trèo này vì họ dám liều, hơn mấy bác công nhân cuối tháng lĩnh lương.

Đa số người trèo sấu kinh tế không lấy gì làm khá giả, họ chấp nhận sự mạo hiểm vất vả để có được những đồng tiền cũng bấp bênh tùy theo sấu được mùa hay mất mùa. Được cái sấu trèo xong nhặt sạch lá là bán ngay dưới gốc, người Hà Nội vẫn có thói quen thích mua sấu ven đường nên cũng ít bị ế thứ quả này.

Còn với những cô cậu học sinh – dù thời nay hay thời xưa, mùa sấu vẫn là mùa chuyên chở những ký ức đẹp của họ. Chị Vĩnh Hà sinh sống tại quận Ba Đình, Hà Nội nhớ lại:

"Hồi đó chúng tôi là những nữ của trường cấp 3 Phan đình phùng. Cứ tan trường là chúng tôi đầu trần ùa ra đường, xong rồi chạy rất nhanh lên trên vỉa hè nơi có những tán sấu cổ thụ to. Mùa hoa sấu rụng dày như một tấm thảm, đẹp lắm ý, ko giống bất kì môt loại hương hoa nào. Hồi đấy bọn trẻ chúng tôi gọi là hương phố".

Tiếng ve xao xác gọi hè

Con đường quen tán sấu che chúng mình

Cạn hoàng hôn đón bình minh

Vẫn xanh ngọt phố vẫn xinh nét huyền

Dưới nắng vàng vẫn khoe duyên

Bốn mùa hương vẫn còn nguyên nồng nàn

Ảnh minh họa: Tuổi trẻ Thủ đô

Ảnh minh họa: Tuổi trẻ Thủ đô

Hà Nội không phải là nơi duy nhất của nước ta có sấu. Nhưng chỉ có sấu ở nơi đây mới thực sự nổi tiếng. Có lẽ do sự tinh tế trong văn hoá ẩm thực với nhiều cách chế biến, khiến cho hương vị trái sấu trở nên rất khác biệt. Chị Lan Anh – chủ một cơ sở sản xuất và chế biến sấu với nhiều món ăn và hương vị khác nhau sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về cách chế biến rất tinh hoa của người Hà Nội:

"Thật ra sấu ngon nhất là sấu bánh tẻ. Tức là mình có thể nói như thế này. Sấu xuất hiện vào mùng 1-6 chẳng hạn, thì cái độ gìa vừa tới của sấu là 2 tuần sau đấy, hạt sấu vẫn trắng nhưng cùi dày, mình để quanh năm ngày tháng nó vẫn giữ nguyên vị và ko hề thay đổi.

Với sấu mặn mình có thể dùng sấu non, sấu bao tử thì quả sấu ăn sẽ ko bị chua gắt mà ăn độ giòn rất vừa tới, những cụ già hoàn toàn có thể ăn sấu non đấy. Với sấu đường phải để già hơn một chút, sau 2-3 tuần so với sấu non".

Sẽ không quá khi nói rằng, sấu là món quà thiên nhiên quý giá mà đất trời đã ban tặng cho mảnh đất ngàn năm. Chỉ với một quả sấu, hai mùa đáng nhớ nhất Hà Nội là mùa hè và mùa thu sẽ hiện lên một cách chân thực đến mức "đưa bạn đến Hà Nội mà không cần đi Hà Nội”. Đó cũng là cái tinh tế mà người Hà Nội gửi gắm vào thức quà bình dị từ sấu:

"Cái độ pha chế làm thế nào để vừa hạn chế độ chua của sấu nhưng vẫn giữ dc vị chua đấy, mà người ăn sẽ cảm giác mọi giác quan mọi vị được đánh thức hoàn toàn, và người ăn phải cảm thấy là ồ mình đang ăn một cái mùa hè nào đó. Nó phải thực sự ấn tượng, ăn một lần phải nhớ mãi".

Những mùa hoa sấu ở Hà Nội cứ đến và qua đi. Có khi người ta quên mất nó trong bận bịu thời gian, nhưng với những người đi xa, mùa hoa sấu là ký ức tuổi thơ, là nỗi nhớ nao lòng về một Hà Nội đẹp, thơ, lãng mạn và hào hoa thanh lịch…

Ảnh minh họa: Theo Thanh Niên

Ảnh minh họa: Theo Thanh Niên

SỐNG Ở HÀ NỘI

Hà Nội đã hơn 1000 năm tuổi. Bên cạnh những đổi thay về con người, cảnh vật thì những luật lệ chắc chắn có rất nhiều đổi khác. Bạn có bao giờ tự hỏi: xử phạt giao thông ở Hà Nội xưa thế nào?

Sử sách xưa hầu như không thấy viết về quy định đi lại. Thậm chí trong bộ luật của triều Nguyễn ban hành năm 1815 có 398 điều, bao trùm các mặt của đời sống xã hội cũng không có khoản  nào liên quan đến giao thông.

Có lẽ do phương tiện đi lại chỉ có xe ngựa, cáng và chân trần nên triều đình không cần quy định?

Thế nhưng ngay sau khi thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội, năm 1884, chính quyền thành phố  đã ban hành “Quy chế trị an và lục lộ của Hà Nội”. Trong quy chế có điều khoản: cấm dắt súc vật trên phố  từ 7giờ sáng đến 11 giờ trưa,  từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối. Quy chế cũng buộc người  đi bộ phải đi nép vào hai bên, giữa đường dành cho người cưỡi ngựa, cấm không được  cưỡi  ngựa sóng đôi trên phố.

Năm 1885 con đường Tràng Tiền vào thành hoàn thành, đốc lý Hà Nội đã ra ngay quy định: xe ngựa chở khách phải có chuông, phải đi chậm khi hai xe  tránh nhau. Ngày 31-12-1892, đốc lý Beauchamp ký và ban hành “Quy chế bảo vệ trật tự trị an của Hà Nội với giao thông xe cộ”.

Theo quy chế này thì “Người đi bộ phải đi bên phả đường. Xe chở vật liệu phải có biển ghi họ tên (bằng chữ An Nam); xe cộ ban đêm gây tai nạn thì chủ xe phải có tránh nhiệm chăm sóc người bị nạn; buổi tối xe ngựa, xe bò đẩy phải treo đèn dầu sao cho người đi đường trông thấy từ xa; xe chở hàng cồng kềnh phải buộc miếng vải đỏ phía sau, kẻ vi phạm bị phạt theo các điều  khoản của Luật hình sự chính quốc…”.

Sở dĩ họ áp dụng luật hình sự của nước Pháp vì năm này Hà Nội  đã là thành phố thuộc Pháp. Tùy theo mức độ, người vi phạm sẽ bị phạt tiền, bắt nhốt vào đồn. Cuối thế kỷ 19, cả thành phố chỉ có 56 cảnh sát người Pháp và Việt Nam làm nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự nhưng một phần ba trong số đó là sỹ quan và làm bàn giấy, số còn lại đi tuần trên đường cả  ngày lẫn đêm.

Ảnh minh họa: Theo Thanh Niên

Ảnh minh họa: Theo Thanh Niên

Thập niên 30, dân số Hà Nội tăng lên, đường phố xuất hiện  ô tô, xe máy, xe đạp nhưng nhiều nhất là xe kéo tay. Lúc này tại ngã tư các tuyến đường chính, thành phố cho chôn hai hàng đinh bằng sắt xuống đường làm lối riêng cho người đi bộ qua đường.

Hà Nội vẫn chưa lắp đèn tín hiệu  nên thỉnh thoảng ở giữa ngã tư khu vực trung tâm có cảnh sát hướng dẫn bằng tay.  Mức phạt khi xe ô tô qua ngã tư không bấm còi là 3 hào, xe đạp rẽ phải hay trái không vẫy tay xin đường là 1 hào. Giai đoạn 1947-1954, Hà Nội vẫn chưa có hệ thống đèn tín hiệu, công việc hướng dẫn vẫn do cảnh sát điều hành.

Sau 1954, dân số Hà Nội  là 53.000 người nhưng  đường phố vẫn như cũ. Giai đoạn này, thành phố khá nhiều xe đạp, xích lô và ô tô vận tải. Để giao thông nề nếp, công an Hà Nội đã cử chiến sỹ làm công tác hướng dẫn giao thông tại các ngã tư với công cụ là hai tay và cái còi đồng.

Ngày 3-12-1955, nhà nước mới ban hành Luật đi đường bộ, trong đó có điều khoản quy định về tốc độ đi lại trong thành phố. Ngày 27-5-1957, nhà nước lại  ra nghị định bổ xung, nếu phương tiện  vượt  đèn đỏ, tùy theo mức độ  sẽ bị “phê bình hoặc phạt tiền”, mức phạt thấp nhất là 400 đồng, cao nhất là 1000 đồng ( khi đó giá 1 cân gạo là 400 đồng).

Thời bao cấp, mức phạt các vi phạm ít biến đổi, cảnh sát giao thông khi phạt xé biên lai, người vi phạm không phải ra kho bạc nộp như ngày nay.  

Ảnh minh họa: Môi trường

Ảnh minh họa: Môi trường

TIN YÊU

- UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, xếp hạng di tích cấp thành phố đối với Di tích lịch sử đình Hoa Chử và Di tích lịch sử chùa Hoa Chử, tại xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng.

- Sở VH&TT Hà Nội vừa phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) phối hợp Phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đối tượng tham gia là những họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trên toàn quốc, công dân Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

- Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 dự kiến được tổ chức trong 5 ngày của tháng 7 tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ. Sự kiện lần đầu được tổ chức sẽ gồm nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh nghề trồng sen, các sản phẩm từ sen.

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn