Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giao thông

Hà Nội: Hàng phượng trên đường Giải Phóng, 7 năm chưa “mát” một lần

Minh Hiếu: Thứ ba 16/05/2023, 14:31 (GMT+7)

Hà Nội đã bước vào những đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè 2023 được dự báo “khốc liệt” bởi hiện tượng El Nino. Ấy vậy mà tại đường Giải Phóng, hàng cây phượng vĩ dù đã được trồng khoảng 7 năm nay nhưng vẫn chưa cho bóng mát.

Dưới cái nắng như “đổ lửa”, mỗi giây đèn đỏ dường như dài hơn với Nguyễn Văn Huỳnh, sinh viên Trường đại học Xây dựng Hà Nội, khi dừng chờ tại các nút giao thông trên đường Giải Phóng. Huỳnh ao ước hàng cây trên tuyến đường này cũng xanh mát như những tuyến đường khác:

"Bình thường người dân đi qua, dừng đèn đỏ mà có cây xanh thì sẽ mát hơn. Cây mà còi cọc thế này thì em nghĩ là nên thay cây mới, các đơn vị phải có trách nhiệm chăm sóc để cây phát triển tốt hơn."

Hàng cây phượng vĩ được trồng trên đường Giải Phóng, Hà Nội từ năm 2016, đã 7 năm nhưng chưa cho bóng mát

Hàng cây phượng vĩ được trồng trên đường Giải Phóng, Hà Nội từ năm 2016, đã 7 năm nhưng chưa cho bóng mát

Trong chủ trương trồng một triệu cây xanh, năm 2016, Hà Nội chọn các tuyến đường: Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Láng Hạ, Giải Phóng,… để trồng phượng vĩ. Trước đó, ngay khi Hà Nội có chủ trương trồng cây phượng trên một số tuyến đường, đã có nhiều ý kiến phản biện vì cho rằng không phù hợp cả về cảnh quan đô thị, an toàn trước mưa bão, cũng như có thể gây tắc cống khi lá rụng,…, nhưng cuối cùng, phượng vẫn được trồng. Chưa kịp “nở hoa bốn mùa” như mong muốn của người đứng đầu Thành phố lúc bấy giờ, hàng trăm cây phượng tại đường Láng Hạ, Xã Đàn, Kim Liên, Đại Cồ Việt đã “chết yểu” và bị nhổ bỏ, thay thế cây mới vào năm 2019.

Còn tại đường Giải Phóng, hiện hàng phượng vẫn được duy trì đoạn từ ngã tư Đại Cồ Việt đến gần cầu vượt ngã tư Vọng (dài hơn 500m). Theo khảo sát của phóng viên, các cây phượng được trồng ở dải phân cách giữa đường với bề rộng chỉ 1,5m, cách nhau chỉ từ 2 - 3m. Cây được cố định bằng cột chống, gông sắt nhưng một số gông lại siết quá chặt. Hầu hết cây có tán lá hẹp và thưa, chỉ có 1 cây ra hoa trong tổng số gần 80 cây được trồng.

Hình ảnh này hoàn toàn khác biệt với đường Huỳnh Tấn Phát, quận Long Biên, nơi hàng phượng dọc vỉa hè xanh tốt um tùm, hoa nở đỏ rực, rễ cây lan rộng nhô lên cả mặt đất:

"Từ khi trồng đến nay chẳng năm nào có hoa. Rễ ăn xuống lòng đất rất là ít, nên cây chậm phát triển. Cành lá sum suê thì nó sẽ có nhiều bóng mát, cảnh quan của thành phố sẽ tốt hơn. Thay thế cây khác cũng được thôi nhưng mất nhiều thời gian."

"Các cơ quan chức năng chăm sóc hàng cây hay giống không tốt như thế nào thì tôi không được biết, nhưng thực sự cây còi cọc, không có tác dụng gì mấy. Nếu không hiệu quả thì mình đổi sang hàng cây khác có bóng mát, không nhất thiết phải là cây phượng."

Các cây phượng được trồng ở dải phân cách giữa đường với bề rộng chỉ 1,5m, cách nhau chỉ từ 2 - 3m, từ đoạn ngã tư Đại Cồ Việt đến gần cầu vượt ngã tư Vọng (dài hơn 500m)

Các cây phượng được trồng ở dải phân cách giữa đường với bề rộng chỉ 1,5m, cách nhau chỉ từ 2 - 3m, từ đoạn ngã tư Đại Cồ Việt đến gần cầu vượt ngã tư Vọng (dài hơn 500m)

Theo GS. TS. Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, cần có khảo sát và đánh giá cụ thể để biết tại sao cây phượng tại đường Giải Phóng phát triển không tốt. Nguyên nhân có thể là lựa chọn loại cây không phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, do quá trình chăm sóc, hoặc do đất trồng cây nhỏ hẹp tại dải phân cách giữa đường:

"Dải phân cách hẹp thì mình phải trồng những cây mà rễ của nó lan hẹp, rễ rộng quá gặp xi măng thì cây không thể phát triển được. Ví dụ ta trồng các loại cây cọ có bóng mát cũng tốt, cây bàng lá nhỏ ta cũng có thể trồng được. Tôi đề nghị nghiên cứu kỹ điều kiện sinh thái, chọn những cây phù hợp. Phải cố gắng chăm sóc, nhất là trong mùa hè này thì phải tưới nước ban đêm để cây hút vào, và ban ngày có thể chịu được nóng."

Ngoài việc hàng phượng vĩ tại đường Giải Phóng chưa cho bóng mát, theo các chuyên gia, loài cây này cũng không phù hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm của Việt Nam. Bởi cây phượng có nguồn gốc từ vùng khô hạn, có tuổi thọ chỉ khoảng 30 - 40 năm, đến một ngưỡng tuổi sẽ mục gốc và bất ngờ gãy, đổ.

Cây phượng được cố định bằng cột chống, gông sắt nhưng một số gông lại siết quá chặt

Cây phượng được cố định bằng cột chống, gông sắt nhưng một số gông lại siết quá chặt

TS. Nguyễn Phú Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá, cây phượng cho cảnh quan đẹp nhưng không nên trồng dọc các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn: "Cây phượng là loại cây dễ bị sâu, đặc biệt nhiều sâu róm. Thứ hai, lá cây phượng rất nhỏ, gây bẩn đường phố, khả năng che mát hạn chế.

Cây phượng rất dễ bị gãy, đổ, nguy cơ tai nạn giao thông, chỉ nên trồng cạnh ao, hồ hoặc nơi nào tạo cảnh quan. Từ thời Pháp thuộc, người ta đã trồng những hàng sấu rất đẹp ở đường Phan Đình Phùng. Có lẽ, những nhà quản lý đô thị, đặc biệt là những người làm công tác cây xanh, nên có hiểu biết sâu về đặc điểm sinh thái từng loại cây, tránh tình trạng ngẫu hứng".

 

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn