Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện trò trên phố

Giao thông xanh: Cơ hội và thách thức

Tuấn Linh - Xuân Tú: Chủ nhật 22/01/2023, 17:58 (GMT+7)

Tại Hà Nội những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2022, việc phát triển giao thông xanh được xem là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững. Vậy những thách thức nào đang đặt ra đối với ngành giao thông vận tải Thủ đô trong quá trình phát triển giao thông xanh?

Giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Việc người dân sử dụng xe đạp, xe máy điện, ô tô điện, xe buýt chạy bằng khí nén CNG, tàu điện… chính là tham gia giao thông xanh.

Tại Hà Nội những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2022, việc phát triển giao thông xanh được xem là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững. Đặc biệt, thành phố đã đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển giao thông xanh trong giai đoạn 2025-2030, với việc sẽ đầu tư mới toàn bộ xe buýt công cộng, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh.

Vậy những thách thức nào đang đặt ra đối với ngành giao thông vận tải Thủ đô trong quá trình phát triển giao thông xanh? Liệu năm Quý Mão 2023 sẽ đem đến cơ hội để Hà Nội tạo diện mạo xanh cho hệ thống vận tải công cộng? 

Phát triển giao thông xanh để hạn chế ô nhiễm môi trường. (Ảnh minh họa)

Phát triển giao thông xanh để hạn chế ô nhiễm môi trường. (Ảnh minh họa)

Năm 2022, số lượng phương tiện giao thông tại TP. Hà Nội tiếp tục giữ mức tăng 4-5%/năm, với tổng số hơn 7,78 triệu phương tiện giao thông trên địa bàn TP. Trong đó có hơn 1 triệu ô tô và hơn 6,5 triệu xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông tại TP Hà Nội. Đi kèm với tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí từ khi thải phương tiện cũng ngày càng nghiêm trọng, đe dọa tới môi trường, sức khỏe của người dân Thủ đô.

Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, từ năm 2008 đến nay, TP. Hà Nội liên tục nằm trong trong nhóm 500 thành phố có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất thế giới.

Trước thực trạng này, trong năm 2022, TP. Hà Nội đã có những đổi mới trong việc phát triển giao thông xanh. Đầu tiên là việc đưa vào vận hành các tuyến xe buýt sử dụng năng lượng xanh, bao gồm xe buýt điện của Vinbus, và xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch khí nén CNG của Cty Bảo Yến đã tạo sự đột phá trong việc thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Cùng với đó là việc triển khai thí điểm dự án xe đạp đô thị phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm bao gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở liên cơ quan đã cho thấy sự liên kết trong mạng lưới giao thông công cộng, tạo nên môi trường giao thông văn minh, tiện lợi với chi phí hợp lý.

Anh Trần Quang Lâm, quản trị viên của “Hội Xe Đạp Điện - Xe Máy Điện Việt Nam” cho biết, không chỉ nhận thức của người dân về phương tiện công cộng sử dụng năng lượng sạch đã có sự thay đổi mà ngay cả xu hướng sử dụng phương tiện giao thông xanh cũng có nhiều chuyển biến.

"Sự quan tâm của người dùng về sản phẩm xe máy điện, kể cả ô tô điện đang tăng rất lớn. Nhiều khách hàng đang chuyển hướng hành vi tiêu dùng của mình, ngoài sự thuận tiện, đa dạng mẫu mã... thì cũng có mục đích môi trường. Xe điện sử dụng năng lượng tái tạo, không sử dụng năng lượng không tái tạo hay hóa thạch. Với việc phát thải ra môi trường khói bụi, thậm chí là nhiệt độ, thì xe điện đang có rất nhiều cái tốt và cái lợi"

Có thể nói, để phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thị thành, Hà Nội đã đi đúng hướng với việc đẩy mạnh giao thông xanh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít rào cản trong việc thực hiện lộ trình chuyển đổi giao thông xanh mà TP. Hà Nội đã đặt ra trong đề án tăng cường quản lý quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Tp. Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.

Một trong số đó phải kể đến việc phát triển hạ tầng phục vụ cho hệ thống xe buýt điện dự kiến của TP. Về vấn đề này, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình bày tỏ lo ngại: “Số lượng nhỏ xe ô tô chạy điện có thể chưa tiêu thụ nhiều nhưng hơn 1.500 chiếc xe buýt chạy điện thì nó cũng cần phụ tải tương tối lớn đối với hạ tầng cấp điện của chúng ta. Đối với xe buýt, trong một số trường hợp cũng cần phải cân nhắc thêm, đó là phải có những tấm bảng pin sạc điện đã được sạc sẵn. Đến khi xe buýt cần thì chỉ cần thay thế bảng sạc đó là được, thì khi vận hành số lượng lớn, chúng ta cũng cần quan tâm đến yếu tố này.”

Cũng theo các chuyên gia giao thông, bên cạnh việc phát triển hạ tầng giao thông xanh, TP. Hà Nội rất cần những chính sách có tính sáng tạo, đổi mới trong việc vận hành, triển khai các mô hình giao thông xanh, tạo sự thuyết phục để người dân chủ động chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng nói chung và phương tiện giao thông xanh nói riêng. Đây cũng chính là những thách thức mà năm Quý Mão 2023 đặt ra đối với ngành giao thông vận tải Thủ đô.

Xe buýt điện số 03 tuyến Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park. Ảnh: Bộ GTVT

Xe buýt điện số 03 tuyến Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park. Ảnh: Bộ GTVT

Kênh VOV Giao thông có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội để cùng bàn về câu chuyện của Giao thông xanh cho Thủ đô Hà Nội: Cơ hội nào đang chờ đón, khó khăn nào đòi hòi chúng ta phải vượt qua.

PV: Thưa ông Nguyễn Hoàng Hải, khi nói về giao thông xanh, chúng ta khẳng định đây là xu thế tất yếu của các đô thị lớn trong bối cảnh phát triển chung của thế giới, với sự ra đời của nhiều loại hình phương tiện không phát thải khí nhà kính. Ông đánh giá thế nào về vai trò và ý nghĩa khi triển khai các mô hình Giao thông xanh tại Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn tại Việt Nam nói chung?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Có thể nói, chuyển đổi xanh là xu thế của toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam hay Hà Nội. Giao thông vận tải là một trong những hoạt động chủ yếu phát sinh khí nhà kính, đứng thứ 3 so với các ngành khác như ngành năng lượng, ngành nông nghiệp. Tỉ lệ khí phát thải trong giao thông là xấp xỉ 20%. Những giải pháp giảm phát thải trong giao thông là rất tích cực trong giai đoạn này.

Riêng tại Hà Nội, qua theo dõi thì tỉ lệ số ngày có chỉ số chất lượng không khí ở mức trung bình là 29%, mức kém gần 50% và mức xấu là 22%. Trong đó có ảnh hưởng phát thải từ giao thông. Với giao thông xanh thì hiện nay chúng tôi quan tâm nhiều về giao thông xanh công cộng là trụ cột.

Ngoài ý nghĩa về bảo vệ môi trường mà còn là thay đổi thói quen về tham gia giao thông, từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, sự cố...”

PV: Vậy theo ông, công tác phát triển và áp dụng của các loại hình Giao thông xanh thời gian qua đã có những kết quả nào đáng ghi nhận dưới góc nhìn của Sở GTVT?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Chuyển đổi hướng tới giao thông xanh thì chúng ta đã có những chỉ đạo từ Chính phủ, từ TP. Hiện Chính phủ hiện đã có quyết định số 876 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí metan và carbon trong ngành GTVT. Đó là định hướng rất quan trọng.

Trước đó, TP cũng có Nghị quyết số 07 ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng khối lớn, hướng tới phát triển giao thông xanh bền vững. Thời điểm này, hệ thống vận tải công cộng cũng có những chuyển đổi tích cực. Trên 2000 phương tiện xe buýt hiện nay đã đưa vào sử dụng những phương tiện nhiên liệu sạch, nhiên liệu xanh. Gần 140 xe sử dụng CNG và 130 xe buýt điện. Tỷ lệ xe sử dụng nhiên liệu sạch chiếm khoảng 13% tổng số phương tiện tại Hà Nội.

Gần đây nữa, có một chuyển đổi khá ấn tượng là tuyến đường sắt đô thị số 2A được đưa vào vận hành từ tháng 11/2021, là loại hình giao thông không phát xả, là bước đi ban đầu để hướng tới hệ thống vận tải công cộng đa phương thức, phát triển bền vững, với nòng cốt là đường sắt đô thị với hệ thống xe buýt có tỉ lệ cao sử dụng nhiêu liệu sạch.

Bên cạnh đó, TP cũng đang chủ trương phát triển những loại hình khác như xe đạp công cộng. Xe đạp công cộng đang được xem xét với mục tiêu triển khai 1 hệ thống để người dân đô thị sử dụng để kết nối với hệ thống giao thông công cộng chung ở khu vực nội thành. Bổ sung thêm một loại hình giao thông xanh nữa ngoài xe buýt, đường sắt để chúng ta có nhiều lựa chọn.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội. Ảnh: Vneconomy

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội. Ảnh: Vneconomy

PV: Khó khăn, vướng mắc là điều tất yếu khi triển khai một sự thay đổi mang tính cách mạng, toàn diện như các mô hình Giao thông xanh. Sở GTVT Hà Nội có chia sẻ thế nào về những khó khăn, tồn tại đang ảnh hưởng đến Giao thông xanh hiện nay?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Qua triển khai một số tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện thì có một số khó khăn ban đầu. Có cái giải quyết được, có cái phải kiến nghị giải quyết.

Thứ nhất là với xu thế phát triển phương tiện công cộng thì cần số lượng xe buýt khá lớn nhưng tuy nhiên, nguồn cung cấp xe buýt điện còn đang hạn chế. Trong nước chỉ có một nhà cung cấp là VInfast, hiện chưa tiếp cận được nhiều với những nguồn cung cấp khác để có sự cạnh tranh và có lựa chọn hấp dẫn hơn về giá để đơn vị lựa chọn.

Thứ hai là hành lang pháp lý cũng chưa có quy chuẩn quốc gia về xe buýt điện, đơn giá định mức, định hướng trong công tác quản lý sau này thì chúng ta vẫn đang trong quá trình xây dựng cũng chưa được hình thành.

Thứ ba là đặc điểm kĩ thuật vốn có của xe điện. Xe điện hiện nay thì thông số các xe đang sử dụng chỉ chạy 220-230 km/lần sạc, nó hạn chế năng suất khai thác phương tiện. Những tuyến có năng suất khai thác phương tiện khoảng tầm 300-400 km/ngày thì rõ ràng phải có bố trị phương tiện hợp lý hoặc bố trí hạ tầng sạc hợp lý, để giữa ca đầu ngày cuối ngày chúng ta có lượng điện cho hoạt động.

Chúng ta phải nghiên cứu cái này để phát huy tối đa cái ưu việt của xe điện nhưng phải khai thác được năng suất hoạt động trong ngày của tuyến này, với điều kiện sạc chỉ trong tầm 230-250 km thôi. Xe buýt chúng ta có nhiều chủng loại.

Ở Hà Nội hiện nay chúng ta có xe buýt nhỏ, xe buýt trung bình, xe buýt cỡ lớn. Tuy nhiên chúng ta hiện nay mới chỉ có 1 chủng loại xe buýt điện thôi. Vậy nên cần chủng loại xe buýt đa dạng hơn để đưa vào các loại hình tuyến sao cho phù hợp.

Tới đây chúng ta dần dần chuyển đổi thành mạng lưới xe buýt gom, cần rất nhiều xe buýt nhỏ và xe buýt trung bình. Rõ ràng là chúng ta cần phải tiếp cận, các nhà sản xuất cũng cần đưa ra nhiều lựa chọn hơn để chúng ta đưa phương tiện vào hoạt động.

Tiếp theo nữa là hạ tầng kỹ thuật cho xe điện. Chúng ta hiện cần 2 hạ tầng, 1 là hệ thống sạc, 2 là hệ thống bảo dưỡng. Đầu tư một hệ thống giao thông xanh không chỉ có phương tiện. Chúng ta cần hạ tầng sạc được bố trí phù hợp, đủ thuận tiện để chúng ta nạp cho các xe đang vận hành trên tuyến trong ngày, đặc biệt là hạ tầng bảo dưỡng sữa chữa depo, chuyển đổi hẳn về kết cấu, về quy mô và tính chất làm việc. Cần sự đầu tư nhất định cho depo phục vụ cho số lượng lớn phương tiện như hiện nay và sắp tới.

Bên cạnh đó, chúng ta đang vướng về giá. Hiện giá phương tiện khá là cao. Để cho các đơn vị tiếp cận giá này cũng là một thách thức. Rõ ràng cần những chính sách phù hợp để có hỗ trợ tạo điều kiện hơn nữa. Có thể là cải tiến về công nghệ cũng là điều kiện để giảm giá thành. Giá thành chính là rào cản đầu tiên với các doanh nghiệp để mua sắm các phương tiện này.

Ảnh: Kinh tế đô thị

Ảnh: Kinh tế đô thị

PV: Để thời gian tới các mô hình giao thông xanh phát huy hiệu quả, có độ phủ rộng và tính ứng dụng thực tế cao trong đời sống, Sở GTVT có đề xuất, kiến nghị gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Để giao thông xanh được phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì còn nhiều điều kiện cần và đủ. Cần những hành lang pháp lý, những tiêu chuẩn được ban hành thống nhất, định hướng trong công tác đầu tư, quản lý, có định mức nếu đưa vào hệ thống quản lý của thành phố. Dùng ngân sách nhà nước thì có những định mức kinh tế kỹ thuật được ban hành một cách phù hợp đối với loại hình giao thông này.

Thứ 3 là cần cơ chế chính sách. Đầu tư cho giao thông xanh không phải nhỏ, còn phải đầu tư cho hạ tầng nữa. Cần có những chính sách hỗ trợ về giá, về vốn để doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn.

Hiện nay, tính về giao thông xanh và giao thông công cộng thì chúng tôi còn có một hợp phần là việc thanh toán. Thanh toán trong giao thông, bao gồm cả giao thông xanh thì chúng ta đang hướng tới một hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt.

TP cũng đang chuẩn bị một phương án vé liên thông trong công cộng, cùng với giao thông thông minh là những dịch vụ đồng bộ để chúng ta đưa ra một loại hình hấp dẫn, văn minh thân thiện để thay đổi thói quen đi lại của người dân. Ứng dụng kỹ thuật để có hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thanh toán thông minh là điều chúng ta bắt buộc phải làm.”

PV: Ngoài các chính sách, cơ chế triển khai, giúp các bên vượt qua khó khăn, vướng mắc để triển khai giao thông xanh tốt hơn, chúng ta cũng cần trao đổi về công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân đô thị, tiến tới tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện xanh, công cộng. Ông có ý kiến thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Hoàng Hải: Để có một hệ thống giao thông công cộng phát triển thuận lợi thì chúng ta cần nhất sự đồng hành của những người tham gia giao thông nói chung và những người tham gia công cộng nói riêng. Để làm được việc này thì giao thông công cộng còn rất nhiều việc phải làm. Rất nhiều điều cần được người dân chia sẻ, cần được người dân nắm được, hiểu và chia sẻ.

Cần có những phản ánh, cung cấp thông tin, hệ thống truyền thông thì chúng ta cần tiếp tục duy trì, tích cực hơn nữa để nhân dân, người tham gia giao thông trên địa bàn TP hiểu được những chủ trương lớn của chính phủ và thành phố, tham gia tích cực, chia sẻ tích cực với quá trình chuyển đổi này. Đồng thời từng bước nhận thức được vai trò của giao thông công cộng. Coi giao thông công cộng là một lựa chọn để chúng ta chuyển đổi sang để sử dụng hàng ngày, góp phần giảm thiểu hơn nữa giao thông cá nhân, hướng tới giao thông công cộng và giao thông công cộng xanh.

Có như vậy, chúng ta mới đạt được định hướng phát triển giao thông đô thị thân thiện môi trường và phát triển bền vững.

Tuấn Linh - Xuân Tú/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Kênh rạch trơ đáy, ruộng vườn xơ xác, lượng nước dự trữ cho việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đang cạn dần… Đó là tình cảnh chung của nhiều bà con đang chịu ảnh hưởng từ đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay.

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Sau gần 2 tháng triển khai, việc thí điểm thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt tại một số vị trí ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Mới đây, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội  triển khai áp dụng thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) cho hệ thống vận tải hành khách công cộng. Đây là ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh có tên gọi “Thẻ vé Giao thông Hà Nội”.

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Bước vào những ngày nắng nóng, người dân ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long liên tục “kêu cứu” vì trình trạng khói, bụi từ nhà máy xay xát lúa gạo trong khu vực trực tiếp thải ra môi trường.

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Hiện nay, Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa nắng nóng, khô hạn, đặt nhiều cánh rừng vào tình trạng cảnh báo cháy cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm).

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Thống kê chỉ ra, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử. Đây là mối lo ngại rất lớn cho môi trường. Vì vậy, việc tái chế các linh kiện điện tử đã qua sử dụng là một việc làm rất ý nghĩa, góp phần hạn chế rác thải điện tử xả ra môi trường.

Đảo Ngọc 'thay áo mới'

Đảo Ngọc "thay áo mới"

Nếu các bạn đã quen thuộc với con phố Ngũ Xã khi tới đây thưởng thức món ngon Hà Nội, thì nay sẽ không khỏi ngạc nhiên với một Ngũ Xã vào buổi tối lên đèn. Các tuyến phố trên Đảo Ngọc đã đổi thay kể từ khi khu vực được xây dựng thành không gian văn hóa, ẩm thực mới.