Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Đốt vàng mã rằm tháng bảy đã bớt, nhưng vẫn nhiều

Hải Hà: Thứ hai 19/08/2024, 08:48 (GMT+7)

Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều gia đình vẫn có thói quen đốt vàng mã vào mùa lễ Vu Lan. Thói quen này không chỉ làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm ao hồ, gia tăng nguy cơ cháy nổ mà còn khiến Việt Nam lãng phí gần 6 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

 

Chiều ngày 15/8, trong không khí oi nóng, một nhóm người nhanh tay ném những tập vàng mã vào đống lửa đang cháy ngùn ngụt trên vỉa hè phố Quốc Tử Giám, từng cơn gió thổi tung  tro bay vào người đi đường.

Giải thích cho việc đốt vàng mã, một người cho biết chỉ làm theo hướng dẫn của người lớn trong nhà: "Nhà em có giỗ và tiện làm rằm luôn, đốt cho tất cả luôn. Không hiểu sao năm nay nhà em đốt nhiều thế, tầm 4 túi."

Ảnh: Duy Phạm/Tiền Phong

Ảnh: Duy Phạm/Tiền Phong

Những ngày này, trên nhiều tuyến đường, ngõ phố, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đang đốt vàng mã bập bùng bên hiên nhà. Các gia chủ khi hóa vàng chỉ quan tâm làm sao mình không gây hỏa hoạn là được, còn việc khói bụi, tàn tro ảnh hưởng tới đời sống của hàng xóm hay môi trường không khí thì... bỏ qua. Có người không chịu được không khí với tro bay, khói tỏa nhưng cũng phải thỏa hiệp sống chung:

"Đa số các nhà dân đốt ngoài lòng đường. Đốt vàng mã tất nhiên khí thải phát ra ảnh hưởng đến môi trường nhưng để bỏ thì khó, phong tục của mình rồi, chỉ tìm cách hạn chế thôi."

Tại hồ Văn Quán, quận Hà Đông cả một đoạn bờ kè nước đen đặc do nhiều người đốt xong vàng mã còn mang tro đến thả khiến nước hồ thêm ô nhiễm: 

"Đấy, đằng đấy, mọi người hay thả ở cái góc kia kìa. Tôi nhìn thấy người ta vứt tro, chắc chắn là ảnh hưởng, vì nó là các bon đổ xuống đây rất bẩn. Cơ bản ý thức kém lắm, họ vứt túi ni lông xuống dưới hồ."

"Đốt nhiều quá nó cũng gây tốn kém, và đổ gio, cốt tro đầy ao, không tốt. Tâm mình là chính. Vàng mã Nhà nước không cấm đốt nhưng tôi thấy đốt nhiều quá cũng phí. Nilon một số vứt xuống hồ, một số thu gom lại đống đây này, xong bên môi trường họ chuyển đi."

Dù nhiều gia đình đã tạo được nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng nhưng ước tính, người Việt vẫn đốt gần 60.000 tấn vàng mã, lãng phí gần 6 tỷ đồng mỗi năm.

Theo TS Trần Văn Miều - Trưởng ban truyền thông Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường, việc dùng tiền thật, có giá trị kinh tế để mua những đồng tiền giấy, vàng mã rồi theo ngọn lửa thành tàn tro lãng phí, gây hại nhiều đến môi trường và sức khỏe của con người:

"Nhiệt độ trái đất tăng lên đáng kể, biến đổi khí hậu gây ra những tác động không lường trước được. Đốt vàng mã thải khí CO2, ảnh hưởng tới tầng ozon, làm trái đất nóng lên. Con người tiếp tay cho việc tăng biến đối khí hậu. Vì vậy cần có tuyên truyền dần dần, vận động xã hội để người dân đốt có mức độ, không thể cấm ngay được."

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn