Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Đi xem gánh hát cải lương – Ngọt ngào miền ký ức

Mỹ Phụng: Thứ năm 01/12/2022, 15:03 (GMT+7)

Sau ngày giải phóng đất nước, khi truyền hình và các phương tiện truyền thông còn hiếm hoi thì gánh hát cải lương được xem là phương thức giải trí hấp dẫn nhất cho bà con. Hồi đó, mỗi lần nghe gánh hát cải lương đi đến đâu là cả xóm, cả vùng đó đều xôn xao như mở hội.

Những người từ già trẻ lớn bé đều nô nức tranh thủ làm xong việc sớm để được đi coi hát. Về sau, khi các thiết bị công nghệ hiện đại được tiếp cận đến nhiều người thì gánh hát cải lương cũng dần lui vào dĩ vãng để lại cho nhiều người con miền Tây mê cải lương với bao nuối tiếc.

Ngày nay, khi nhìn về quá khứ, cùng lật giở những trang ký ức về gánh hát cải lương để lắng lòng cảm nhận những kỉ niệm quá dỗi ngọt ngào. 

Sau ngày 30/4/1975, mỗi lần có gánh hát về quê là cả vùng quê xôn xao, vui mừng như mở hội. Cứ vào độ tháng mười một âm lịch cho đến trước khi mùa mưa tới, khi bà con nông dân mới vừa thu hoạch lúa xong có rủng rỉnh tiền và rảnh rang cũng là lúc những gánh hát cải lương đua nhau về các vùng quê để biểu diễn.

Hình ảnh chiếc ghe bự chảng chở mấy chục người cùng với phục trang đạo cụ treo cờ xanh đỏ phất phới chạy trên sông. Mấy người ngồi trên mui ghe nhìn về 2 bên bờ sông, thỉnh thoảng huơ huơ tay chào bà con. Tụi con nít thì khỏi nói, thấy chiếc ghe chở gánh hát cải lương là ba chân bốn cẳng chạy theo, mừng như Tết.

Chiếc ghe sau khi neo đậu lại, mọi người trong gánh hát mang vác đồ đạc lỉnh kỉnh lên bờ tìm một bãi đất trống hay nhà lồng chợ để dựng rạp. Rạp dựng xong là họ mở mấy băng nhạc lớn hết cỡ để khuấy động không gian trong xóm ai cũng nghe được, kể cả những người ở tuốt trong đồng. Sau đó sẽ có 2,3 người đi vòng quanh xóm, phát loa để thông báo cho bà con biết tối nay gánh hát sẽ biểu diễn tuồng gì, có những nghệ sỹ nào hát như một hình thức quảng cáo để thu hút bà con tới xem. Mỗi đêm diễn đều có bán vé vào cổng.

Cô Nguyễn Thị Nhịn, ngụ ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ từng được nhiều lần chứng kiến đoàn hát ghé quê biểu diễn kể lại, gánh hát hồi xưa chủ yếu đi bằng ghe nên rất vất vả:

"Hồi xưa mỗi lần gánh hát lại, cô thấy vác đồ mệt lắm kìa. Khiêng cảnh lên, mấy cảnh người ta trang trí hình người này người kia, mấy bảng dựng ở ngoài quảng cáo này kia. Trang trí cực lắm kìa. Nhất hạng là mấy người dựng cảnh. Treo màn, treo này treo kia hết. Cô dòm trong mấy chỗ cánh gà đó, thấy mỗi lần thay đổi cảnh là phải kéo màn rồi chuẩn bị này nọ cực lắm. Rồi lúc đi thì lại dọn khiêng lên xe hoặc xuống ghe. Có lần đoàn hát về 2 bữa mà không được tại trời mưa. Cái mấy chú dựng cảnh tối tối cái đi vòng vòng đi soi nhái soi cóc trời mưa á. Đậu ghe thấy tội nghiệp lắm!" 

Để được đi xem hát, ban ngày ai nấy cũng đều tất bật tranh thủ làm hết công việc sớm để chiều chiều là sửa soạn cơm nước xong là đi coi hát. Tối tối từng tốp người rủ nhau đi cùng, người lớn thì bàn tán rôm rả hôm nay đào nào hát hay, kép nào diễn giỏi. Còn tụi nhỏ thì khoe đồ mới với nhau, rồi rượt đuổi nhau í ới trên đường quê.

Nhắc về chuyện đi coi hát, anh Nguyễn Minh Hải, ngụ ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang không thể nào quên được ký ức tuổi thơ của những ngày gánh hát về xã mình: "Gánh hát hồi xưa người ta về, ca sĩ nào có hình thì người ta dán ở trước cổng hình của những nghệ sĩ đó. Khi khán giả đi chợ ngang, người ta thấy gánh hát dựng sân khấu, giàn nhạc lên, thấy dán hình ca sĩ thì mình đi qua mình xem. Về nhà nói mẹ ơi bữa nay có nghệ sĩ Nguyễn Kha, Vũ Linh về đó. Đến 2-3 giờ chiều, người ta dựng rạp xong thì sẽ đi phát loa thông báo hôm nay có nghệ sĩ nào. Tối hát thì mình tranh thủ ra trước. Nếu 8 giờ tối hát thì chừng 7 giời rưỡi mình có mặt tại sân khấu để mua vé vào. 

Mình mua vé trước thì được đứng rằng trước, mua sau thì đứng lút đằng sau, không thấy rõ ca sĩ. Mình vô trước thì mình gặp ca sĩ, mình ôm ca sĩ được, mình đứng sau thì mình chen vô không được. Quá trời đông, hồi xưa thì đông lắm. Hồi đó còn đi học, ngày thì tranh thủ học, tối thì xin cha mẹ đi coi. Rồi đi soạn đồ, đi mua xăng chuẩn bị chạy vỏ máy đi, vui lắm chị ơi. Nói chung hồi xưa đi xem cải lương rất là vui".

cai-luong-tieng-trong-me-linh_nongnghiep-094714_80

Dù là thế hệ 9X nhưng anh Nguyễn Minh Hải từ nhỏ đã có niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật cải lương. Vì vậy mỗi lần có gánh hát về là anh đều phải tranh thủ đi xem cho bằng được. Chỉ tiếc là khi anh càng lớn lên thì các gánh hát cải lương cũng dần bị mai một, để lại trong anh bao tiếc nuối. Anh kể, kỉ niệm hạnh phúc nhất của anh về gánh hát là đã một lần được gặp và giao lưu với nghệ sỹ thần tượng của mình.

Anh Hải nhớ lại: "Năm 2015, em đi xem hát em gặp nghệ sĩ Nguyễn Kha thì lúc đó em rất là thích. Tại vì lúc đó anh Nguyễn Kha hát trước, em rất là thích nhưng em không biết cách nào. Cha mẹ em bữa đó bị bệnh nữa không đi được. Em mới kêu bà nội em là tối nay cho con đi xem anh Nguyễn Kha là thần tượng của em. Bà nội em mới nói tao đâu biết chạy máy đâu. Rồi chú út thầy em khóc quá nên chở em đi ra ngoài đó coi.

Em gặp nghệ sĩ Nguyễn Kha thì mới xin cho con hát với chú 1 bài được không? Anh Nguyễn Kha mới hỏi con thuộc bài gì của chú, em mới nói bài Mùa hoa đào. Em lên tham gia được 2 câu mà em cũng tự tin lắm nha. Hát với thần tượng của mình mà rất tự tin. Anh Nguyễn Kha mới nói là con còn nhỏ mà sao con không đi học hát đi. Em mới nói là con không đủ khả năng chú ơi".

Coi hát cũng nhiều mà đi chơi cũng không ít. Đó cũng là dịp nam nữ được hẹn hò nhau “hợp pháp”. Đội quân bán hàng theo thời vụ hoạt động cũng xôm trò, dù chỉ là mía chặt khúc, đậu phộng nấu… ; mà nước đá si rô, nước đá bàu là món hàng đặc biệt nhất, vì ngày thường không hề có, ngay cả lúc tiệc tùng.

Đi coi hát, người ta thích nhất là xem trang phục của các nghệ sỹ, đặc biệt là trong các vai tuồng tích. Hay những cảnh đấu kiếm giữa không trung, bay lên, hạ xuống trong tiếng nhạc, tiếng âm thanh ình chéo, ình chéo làm người xem phấn khích quá, có lúc ồ lên đầy thán phục, lúc lại há hốc miệng ra coi. Ấy vậy mà không ít người mê coi hát như điếu đổ.

Giống như chú Nguyễn Văn Khỏe, xã Thạnh Phước, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang nhớ lại cái thời mê coi mà bất chấp có lúc phải “ăn đòn”: "Tía chú lúc đó ông khó lắm. Chú 10 tuổi đi chăn trâu. Mà gánh hát tới xóm thì ổng bắt chăn trâu tới tối, trâu no ổng mới cho về cột, ổng mới chịu. Mình ham lắm mà nên ráng trốn đi. Chú ham lắm, có hát là trốn đi xem à. Cha mẹ có đánh gần chết cũng ráng trốn đi, tại chú mê lắm.

Vô tuyến cũng có mà có điều phải nhà nào khá lắm, có vô tuyến trắng đen mà cũng phải 1-2 cây số mới có người sắm một cái. Mà người coi đông cả trăm vậy đó. Rồi coi cho kỹ trên đài là những gạo cội không à. Minh Phụng, Minh Vương, Lệ Thủy rồi Tấn Tài đồ có lên, chứ Thanh Kim Huệ thì sau này chứ hồi đó chưa thấy".

Ở mỗi tuồng hát, khán giả vừa xem vừa xì xầm bàn tán với nhau. Người thì khen anh kép chánh lên vọng cổ ngọt như mía lùi. Người lại khen cô đào chánh nhập vai quá, người thì ngồi khóc thút thít theo nhân vật trong tuồng...   

Nhớ lại những kỉ niệm đi xem hát cải lương, cô Nguyễn Thị Nhịn, xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ không quên được câu chuyện “cười ra nước mắt” năm nào: "Hồi xưa gánh hát về chợ Vàm Ô Môn là chuyên gia theo bà ngoại coi, còn ông ngoại thì nói đi coi miết tối không đóng cửa ăn trộm nó vô nó lấy đồ hết đó.

Xong cái bữa đó đi coi hát cái ông ngoại đóng cửa trước, cái vãn hát về không vô nhà được. Mà hồi đó nhà cô nhà sàn. Nhà cô là ở chợ Vàm Ô môn gần chỗ bên đò bây giờ là bến đò Phong Hòa mà mình đi qua Phong Hòa là về Đồng Tháp được luôn đó. Nhà cô ở đó. Nhà sàn nè cái nước cạn cái lội ra để vô cửa sau. Cô nhớ tới giờ, đi coi hát mà bị đóng cửa nhốt ở ngoài".

Sau mỗi đêm diễn, khi ánh đèn sân khấu tắt, khán giả lặng lẽ đứng dậy, cùng bước đi trong đêm về nhà. Dường như ai cũng còn đắm hồn mình cùng những hỷ nộ ái ố trong tuồng cải lương hồi nãy. Ai cũng thấy có chút bóng dáng mình trong 1 vai tuồng nào đó, hoặc thấy ước mơ của mình lấp lánh cùng ánh đèn tiếng nhạc.

Ngày nay, khi thời hoàng kim của cải lương không còn nữa và các gánh hát cải lương cũng đi vào dĩ vãng, nhưng miền ký ức của những người con vùng đất Cửu Long ở mỗi lần đi xem hát vẫn đọng lại ngọt ngào như mới hôm qua.   

Mỹ Phụng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có hơn 6.000 người chết từ những vụ tai nạn giao thông liên quan tới tài xế ngủ gật. Nguyên nhân do thiếu ngủ chiếm tới 30% trên tổng số các vụ tai nạn giao thông trong một năm.

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Không khó để bắt gặp đủ các hàng quán bán đồ ăn sáng ở Hà Nội ngày nay. Lật giở về quá khứ, thói quen ăn sáng của người Hà Nội phải chăng là lê la quán xá hay đã biến thiên theo thời gian?

Truy đuổi trên đường

Truy đuổi trên đường

Việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia khiến nhiều ý kiến đang băn khoăn về tính hiệu quả của việc xây dựng chính phủ số.

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Tại các khu – cụm công nghiệp, việc triển khai các mô hình “Cụm liên kết an toàn PCCC” như những cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, để cùng chung sức đẩy lùi “bà hỏa”.

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các ứng dụng gọi xe như Grab, số lượng taxi truyền thống ở Singapore đang ngày một ít đi. Điều này gây ra không ít khó khăn với những người không có thói quen sử dụng ứng dụng, nhất là người cao tuổi.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.