Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Cúm AH5N1 bùng phát, cửa khẩu ĐBSCL căng mình chống thẩm lậu gia cầm

Kim Loan: Thứ ba 28/02/2023, 21:11 (GMT+7)

Sau 9 năm không có ca nhiễm vi rút A/H5N1 nào trên người thì mới đây Camphuchia đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong liên quan đến chủng vi rút này. Đáng lo ngại, cúm A/H5N1 có tỷ lệ gây chết người lên tới 60%, còn đối với gia cầm thì tổn thất cực kì lớn.

Địa phương đang bùng phát dịch cúm A/N5N1 tại Campuchia có đường biên giới liền kề với Việt Nam. Điều này đã khiến các địa phương như An Giang, Đồng Tháp đang dồn lực ngăn chặn không để xảy ra trường hợp thẩm lậu gia cầm qua biên giới gây lây lan dịch bệnh.

An Giang là địa phương có đường biên giới với chiều dài gần 100 km, giáp hai tỉnh Kandal và Takeo của nước bạn Campuchia. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, đây là khu vực phức tạp khi mỗi ngày có rất nhiều đối tượng buôn lậu men theo các đường mòn lối mở để đưa hàng từ Campuchia về Việt Nam và ngược lại.

Sau nhiều mũi đột phá, truy vết và triệt xóa các đường dây buôn lậu trên tuyến biên giới này, tình hình an ninh trật tự lập lại.

Nhưng dịch cúm A/H5N1 bùng phát ở Camphuchia lại một lần nữa khiến địa phương chủ quản “đứng ngồi không yên” vì chỉ cần 1 lượng nhỏ gia cầm thẩm lậu qua biên giới, An Giang hoàn toàn có thể là bùng phát dịch.

Theo Cục Thú Y - Bộ NN&PTNT, 500 triệu con gia cầm của Việt Nam hiện an toàn với cúm gia cầm nhưng không được phép chủ quan. Phải có công cụ giám sát và tiêm phòng vắc xin.

Theo Cục Thú Y - Bộ NN&PTNT, 500 triệu con gia cầm của Việt Nam hiện an toàn với cúm gia cầm nhưng không được phép chủ quan. Phải có công cụ giám sát và tiêm phòng vắc xin.

Ngay sau khi có thông tin liên quan đến 2 ca nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 tại Campuchia, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương khu vực biên giới kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm từ Campuchia về Việt Nam.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm sống và các sản phẩm chế biến từ gia cầm. Ngoài ra phải giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên đàn gia cầm, kịp thời phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch nếu có.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: "Hiện nay đã siết chặt các trạm kiểm dịch tại các cửa khẩu; đặc biệt, không cho nhập hàng gia cầm từ Campuchia qua. Thứ 2 là, khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi gia cầm tiến hành phun ngừa khử khuẩn. Đồng thời không mua những động vật, gia cầm trôi nổi. Đặc biệt, siết chặt các tiểu thương không cho mua các sản phẩm gia cầm trôi nổi từ Campuchia qua."

Còn tại Đồng Tháp, tối ngày 27/2, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Công điện khẩn số 01 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.

Theo đó, Đồng Tháp yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, lưu thông trong tỉnh không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Đồng thời yêu cầu Sở Y tế thông tin kịp thời, chính xác về các trường hợp nghi nhiễm cúm trên người, tổ chức điều trị cho các bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm cúm gia cầm nếu có.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan thông tin, trước mắt địa phương thắt chặt cửa khẩu, đồng thời cho phun độc, khử trùng khu vực biên giới để ngăn ngừa cúm gia cầm: "Trước mắt là mình thắt chặt cửa khẩu của mình, đây là công cụ rất là tốt. Thứ hai mình ngăn ngừa mình phun độc, tiêu độc, khử trùng vùng biên giới, các vùng khác mình thông báo cho bên mình. Ngay đầu tiên tăng cường kiểm dịch các chốt trạm kiểm dịch và các lực lượng tuần tra.

Về phía nội địa của mình các giải pháp là cho lực lượng thú y của địa phương tiến hành phun xịt, khử trùng, tiêu độc, tuyên truyền cảnh báo trong nhân dân có phát hiện thì phải báo ngay cho thú y ở cơ sở để người ta đến người ta chặn dịch ngay từ ban đầu."

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cúm A/H5N1 là một phân nhóm virus cúm A, lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác, lây sang cho người và gây tử vong. Nhiễm cúm gia cầm thường không có triệu chứng ở chim hoang dã nhưng có thể gây tỉ lệ chết rất cao ở gia cầm nuôi. Ở người, tỉ lệ tử vong do nhiễm các phân tuýp A/H5N1, A/H5N6 và A/H7N9 cao hơn nhiều so với nhiễm virus cúm mùa A và B. Tỉ lệ tử vong do cúm A/H5N1 có thể lên tới 60%.

Ngành chức năng đang giám sát chặt các cửa khẩu khu vực biên giới Tây Nam. Nghiêm cấm tiểu thương mua bán gia cầm sống nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc

Ngành chức năng đang giám sát chặt các cửa khẩu khu vực biên giới Tây Nam. Nghiêm cấm tiểu thương mua bán gia cầm sống nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua theo dõi dịch tễ cho thấy, vi rút gây ra trường hợp 2 người ở Campuchia nhiễm cúm gia cầm độc lực cao thuộc nhánh 2.3.2.1.C, đây là nhánh đã lưu hành trên gia cầm ở Campuchia và các tỉnh khu vực phía Nam Việt Nam trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhánh vi rút cúm gia cầm lưu hành tại Việt Nam là nhánh khác, chủ yếu nhánh 2.3.4.4, nhưng cũng không loại trừ nhánh 2.3.2.1.C vẫn có thể lưu hành trong gia cầm tại Việt Nam. Gần 500 triệu con gia cầm của Việt Nam hiện an toàn với cúm gia cầm, tuy nhiên, không vì thế mà được phép chủ quan. 

Ông Nguyễn Văn Long cho biết: "Việt Nam đã có 20 năm kinh nghiệm phòng chống cúm gia cầm, chúng ta có công cụ giám sát để kịp thời phát hiện xử lý. Thứ hai là tiêm phòng vắc xin để đảm bảo cho việc phòng, chống cúm gia cầm hiệu quả."

Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng đến có các biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm (như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc). Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật. Các biểu hiện nặng hơn có thể gặp như khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1, người dân phải tự nâng cao ý thức không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.

Ngành chức năng đã bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, nếu tiểu thương cố tình mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, có nguy cơ lây dịch sẽ bị xử lý rất nghiêm.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn