Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Cơ hội cho gạo Việt

Thanh Phê - Mộng Toàn: Thứ hai 31/07/2023, 21:29 (GMT+7)

Từ việc Ấn Độ, Nga sửa đổi các tiêu chuẩn về xuất khẩu gạo, cấm bán ra nước ngoài một loại gạo chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu gạo của nước này... được xem là một “cơ hội” cho gạo Việt trên thị trường xuất khẩu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 4,2 triệu tấn gạo. Mức giá gạo xuất khẩu bình quân trong 6 tháng qua đạt 539 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức cao nhất 10 năm qua.

Nhiều dự báo khả năng Việt Nam có thể xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo các loại trong năm nay. Đặc biệt, việc Ấn Độ, Nga cấm xuất khẩu các loại gạo mở ra cơ hội lớn trong xuất khẩu gạo cả về lượng và giá cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam những tháng cuối năm.

Ấn Độ hiện chiếm tới 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Việc quốc gia này ban hành lệnh cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo đã đẩy giá gạo trên thế giới tăng đáng kể.

Giá gạo Việt Nam đang tiếp tục duy trì đà tăng trong bối cảnh nhu cầu đối với gạo Việt ở mức cao. Nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực thu mua gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp trên toàn cầu. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo. Họ tự trả giá cao hơn 10 - 20 USD/tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Việc giá gạo tăng, trước mắt giúp người trồng lúa có thêm thu nhập, thêm động lực để nâng cao năng suất và chất lượng. Tại Hậu Giang, đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 60.000ha trong tổng số gần 75.500ha lúa Hè thu đã xuống giống. Nhờ canh tác lúa theo hướng thân thiện môi trường, áp dụng các quy trình canh tác mới mà hơn 110 thành viên của HTX Gạo sạch Tân Long, huyện Vị Thủy, Hậu Giang đã có vụ mùa thắng lợi.

Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Gạo sạch Tân Long cho biết: Giá lúa hiện giờ nông dân rất phấn khởi, vì giá năm nay dao động từ 6.400 - 6.500 đồng/kg, nói chung nông dân năm nay được mùa mà cũng được giá, bà con rất là mừng.

Còn với các thành viên trong HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tân Tiến, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, việc giá lúa tăng cao đã giúp bà con phấn khởi. Tuy nhiên, lượng lúa dự trữ hiện không còn nhiều. Ông Bùi Văn Vô, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tân Tiến, cho hay: Ông Bùi Văn Vô: Lúa Hè Thu mình đã thu hoạch xong hết rồi. Lúa mới cũng tăng mà lúa cũ cũng tăng nữa. Tăng khoảng 400-500 đồng/kg. RVT lúa khô bây giờ 9.500 -9.600 đồng/kg. Lúa Đông Xuân mới bán, còn lúa Hè Thu hôm rồi kho đầy quá bán hết trơn rồi. Bán có 6.300, 6.600, 6.700 đồng/kg. Hiện giờ giá lúa rất là cao. Cao hơn mọi năm.

Lúa Hè Thu tại ĐBSCL được giá (Ảnh: Nhật Minh)

Lúa Hè Thu tại ĐBSCL được giá (Ảnh: Nhật Minh)

Còn với các doanh nghiệp, việc nhu cầu gạo thế giới tăng, vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức, đặc biệt là với những hợp đồng đã ký kết trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, chia sẻ: Thiếu hàng trầm trọng tại vì lúa Việt Nam mình mùa này mưa bão nhiều, nó bị ngập nhiều trong nước nhiều quá cho nên lấy lượng được có 50% thôi. Lúa của mình bị hư, ngã, sập lấy về không kịp, bị mất cái lượng đi rất là nhiều, cộng với giá tăng. Nếu như mình không cho thêm giá thì người ta bán ra ngoài mà cái giá xuất khẩu mình đã ký rồi. Bà con nông dân thì bẻ kèo. Có nhiều người không giao được miếng nào luôn, có một số thì thiên tai, người ta không có lúa để giao, người ta đình lại qua Đông Xuân người ta giao.

Cũng theo bà Huyền, để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, giải pháp được doanh nghiệp đưa ra là tăng giá thu mua lúa cho bà con nông dân mỗi ký từ 700 đến 800 đồng, tương đương với 1.500-1.600 đồng/kg gạo và rất có khả năng sẽ còn tăng thêm. Theo bà Huyền, rất cần các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ngồi lại với nhau để đưa ra mức giá phù hợp cùng nhau vượt qua khó khăn.

Còn về lâu dài, bà Huyền đề xuất: Theo như tôi biết, các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, nhà máy xay xát giờ cũng không còn gạo trong nhà máy bao nhiêu. Lúa ngoài đồng thì bị hư, thiên tai nhiều quá nên đề xuất với Chính Phủ nên kiểm tra kỹ lại và tạm thời dừng xuất khẩu, chuyển đổi qua vụ 3 và vụ Đông Xuân thì mới an toàn cho doanh nghiệp.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo sẽ tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu. Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp tăng cường đôn đốc các hội viên, nhất là doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt, tổ chức thu mua và tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

Các đơn vị kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107 đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa, gạo tại thị trường trong nước.

Cùng với đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng yêu cầu theo dõi sát tình hình thị trường gạo; chủ động trao đổi, tổng hợp ý kiến của hội viên về khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng, lưu thông gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp với các bộ, ngành liên quan.

Giá gạo tăng là cơ hội để doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, cũng như xây dựng uy tín và thương hiệu. Tuy nhiên, rất cần các cơ quan quản lý tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Đồng thời, tránh tâm lý nóng vội buôn chuyến vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng lâu dài.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên chương trình sẽ có cuộc phỏng vấn ngắn với GS.TS Võ Tòng Xuân – Chuyên gia nông nghiệp:

PV: Thưa Giáo sư, ông đánh giá như thế nào về thị trường lúa gạo nước ta sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo?

GS.TS Võ Tòng Xuân: Bây giờ mặt bằng về lưu thông lúa gạo trên thị trường quốc tế đã thay đổi. Ấn Độ với tình hình như thế, thiệt hại như thế, xuất khẩu thả ga sẽ không đủ lương thực. Thái Lan cũng sẽ bớt lượng gạo của họ để xuất. Thành ra đưa về tình hình giống năm 2008, thế giới khủng hoảng về lương thực.

Tôi nghĩ đây là cơ hội để cho gạo Việt Nam chúng ta vươn lên với giá trị, phẩm chất cao hơn, đặc biệt là giá cao hơn. Đây cũng là dịp để cho bà con nông dân trồng lúa có dịp được đền đáp xứng đáng với công của họ trong mấy chục năm nay.

PV: Có thể thấy, cơ hội mở ra cho hạt gạo Việt Nam là rất lớn, theo Giáo sư thì ưu điểm vượt trội của sản xuất gạo nước ta là gì so với các nước trong khu vực?

GS.TS Võ Tòng Xuân: Theo quy luật kinh tế thị trường, cung rất thấp, cầu rất cao, giá phải tăng lên. Đây là cái dịp mà chúng ta có thể đánh mạnh trong thị trường xuất khẩu. Cái kiểu trồng lúa của Việt Nam mình đặc biệt hơn các nước khác, Philipines, Indonesia làm không được, Thái Lan cũng thế. Thái Lan chọn giống dài ngày.

Chỉ có Việt Nam chúng ta là giống lúa ngắn ngày nhưng mà năng suất cao. Và bây giờ tiến lên, ngắn ngày nhưng mà năng suất cao, chất lượng. Mình đạt 3 yêu cầu này thì các nước khác không được như thế. Bộ Nông nghiệp có quy hoạch tôi rất nhất trí là mình lấy vùng Bắc Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Vùng này hơn 1,5 triệu ha, sản xuất lương thực cho Việt Nam chúng ta.

Nghị quyết 120 của Chính phủ, một số vùng 3 vụ lúa đã chuyển sang trồng cây ăn trái mang lợi tức cao hơn cho người nông dân trong khi đó không ảnh hưởng gì an ninh lương thực cả.

PV: Trước diễn biến thị trường như hiện tại thì có luồng ý kiến lo ngại việc xuất khẩu gạo nhiều sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong nước. Ý kiến của Giáo sư như thế nào ạ?

GS.TS Võ Tòng Xuân: Tôi chắc chắn mình có thể bán gạo của mình mà không sợ an ninh lương thực bị thiệt hại. Mình làm 3 vụ lúa.

Vụ hè thu này cũng đang là cái vụ mà mình thu hoạch vô ít nhất khoảng 1,5 triệu tấn gạo, tiếp đó mình nối vụ 3 nữa. Chắc chắn là mình vẫn giữ được an ninh lương thực của cả Việt Nam mình.

PV: Cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân với những chia sẻ vừa rồi.

 

Thanh Phê - Mộng Toàn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
TP.HCM nên mạnh dạn thành lập Sở chuyên trách lo chuyện cây xanh

TP.HCM nên mạnh dạn thành lập Sở chuyên trách lo chuyện cây xanh

Cây xanh là tài sản quý giá của mỗi thành phố, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hoá và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị hiện nay vẫn còn nhiều bất cập do thiếu tư duy quy hoạch tổng thể.

Lòng nhân ái nên được gửi đúng chỗ

Lòng nhân ái nên được gửi đúng chỗ

Bão số 3 gây ra những thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Lúc này đây những tấm lòng nhân ái, của cộng đồng được thể hiện qua hoạt động quyên góp, ủng hộ. Tuy nhiên, đáng buồn thay, có những kẻ lợi dụng tình hình này để lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản của người hảo tâm.

Cứu trợ bão lũ: Ứng dụng công nghệ để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

Cứu trợ bão lũ: Ứng dụng công nghệ để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

Hàng trăm đoàn cứu trợ tự phát từ các địa phương với hàng tấn hàng cứu trợ đã và đang lên đường. Tuy nhiên, nhiều đoàn cứu trợ tập trung ở một điểm, hàng hóa dư thừa, hư hỏng, trong khi nhiều vùng khác lại rất thiếu thốn.

Để đảm bảo an toàn khi đi lại trong điều kiện mưa lũ, úng ngập

Để đảm bảo an toàn khi đi lại trong điều kiện mưa lũ, úng ngập

Mưa lũ, úng ngập là bối cảnh người tham gia giao thông phải đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn. Lái xe trong điều kiện này là việc không đơn giản, ngay cả với những người cầm lái nhiều năm và có thể gây nguy hiểm nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng.

800 em nhỏ ở các Mái ấm tham gia chương trình “Nụ cười đêm trăng”

800 em nhỏ ở các Mái ấm tham gia chương trình “Nụ cười đêm trăng”

Chiều 14/9, tại Công viên Văn hoá Đầm Sen, gần 800 trẻ em từ 20 Mái ấm, Cô nhi viện, Lớp học tình thương.... cùng tham gia những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Nụ cười đêm trăng”. Chương trình do CLB Những người bạn tổ chức cùng sự đồng hành của Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM.

Đằng sau những mùa mía đắng

Đằng sau những mùa mía đắng

Trong khi cả nước ghi nhận giá đường tăng cao và diện tích vùng nguyên liệu được mở rộng thì tại miền Tây, “cục diện” ngành đường khá u ám. Toàn vùng hiện nay chỉ còn 2 nhà máy đường hoạt động. Trong khi nông dân chọn chuyển đổi giống cây trồng cho kinh tế cao....

Cứu trợ thiên tai, nên làm gì và làm thế nào?

Cứu trợ thiên tai, nên làm gì và làm thế nào?

Những ngày này, nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang tổ chức các hoạt động cứu trợ người dân bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Những nghĩa cử cao đẹp này đã giúp người dân và chính quyền ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua những khó khăn ban đầu.