Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Tài chính - Thị trường

Chợ truyền thống ế ẩm, “loay hoay” tìm lời giải

Như Ngọc - Thùy Linh: Thứ sáu 14/04/2023, 20:54 (GMT+7)

Khi ngày càng có nhiều sự lựa chọn mua sắm thì cũng là lúc chợ truyền thống dần rơi vào tình trạng "đóng băng". Nếu không linh hoạt thay đổi phương thức bán hàng, tìm "đầu ra" cho sản phẩm tình trạng ế ẩm sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Vắng lặng, đìu hiu, nhiều kiot chuyển thành kho…là cảnh chung của nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ Hà Đông, chợ Kim Giang và ngay cả những khu chợ từng rất là nơi mua sắm sầm uất như chợ Hôm (Phố Huế, Hà Nội). Nhiều nơi, tiểu thương còn đông hơn cả khách hàng.

Chia sẻ của một số tiểu thương tại các chợ:

"Ngồi cả ngày không thấy khách khứa đi lại, chỉ thấy người đi bán. Hàng quán cứ để như thế này thôi, ngày kiếm 100-200 nghìn cũng khó luôn."

"Hiện tại vào chợ này thấy tiểu thương ngồi nhìn nhau, có lúc ngồi ngủ gật. Trước đây thì nói chung rất nhiều nhưng hiện tại thì lượng hàng giảm đi nhiều. Ví dụ trước đây 10 phần thì giờ chỉ còn một nửa."

Những năm gần đây, nhiều chợ truyền thống như Ngã Tư Sở, Kim Giang, Thành Công B,... trên địa bàn Hà Nội ế ẩm, hàng hóa tồn đọng khiến nhiều tiểu thương phải đóng cửa, nhượng sạp. Ảnh: Dân trí

Những năm gần đây, nhiều chợ truyền thống như Ngã Tư Sở, Kim Giang, Thành Công B,... trên địa bàn Hà Nội ế ẩm, hàng hóa tồn đọng khiến nhiều tiểu thương phải đóng cửa, nhượng sạp. Ảnh: Dân trí

Thực tế hiện nay chợ truyền thống chỉ còn thu hút khách hàng tìm tới để mua thực phẩm, hoa quả trong ngày, còn các mặt hàng khác đều trong tình trạng ế ẩm. Ý kiến của một số người dân: "Ngày xưa có mỗi chợ này đông nhất to nhất và rất đông vui, nhưng bây giờ qua thời gian cũng phôi pha đi nhiều. Nhiều cửa hàng đóng quá."

"Mình không quan tâm tới mặt hàng truyền thống lắm, do sự tiện lợi của hình thức online mình có thể đặt hàng ở nhà nên không phải đi xa. Đấy là lý do mình ngại nhất."

Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á” của Google, Temasel và Bain&Company năm 2022 cho thấy, người Việt Nam nghiện dịch vụ giao đồ ăn và mua hàng online. Theo đó, phần nhiều người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ giao đồ ăn chiếm 60% và mua hàng tạp hoá trực tuyến chiếm 54%.

Với các bạn trẻ, chợ truyền thống ngày nay đang thiếu vắng những mặt hàng thiết thực cho cuộc sống của họ: "Chợ truyền thống không có những thứ em cần dùng tới. Ví dụ như quần áo em ko mua ở đó, mà e mua đồ online, mẫu mã đa dạng hơn."

"Mua bán online giờ thuận tiện hơn và giá cả còn rẻ hơn ở chợ, không phải mặc cả."

Theo các chuyên gia, tình trạng nhiều chợ truyền thống vắng khách bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, có tác động từ việc kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn cũng như thực tế những biến động trong điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ trong nước. Đối với các doanh nghiệp có nhiều lao động, đơn hàng giảm, thu nhập của người lao động cũng ảnh hưởng dẫn tới sức mua giảm.

Bên cạnh đó, PGS.TS Ngô Trí Long bình luận thêm về vấn đề: "Thứ nhất do tiền thuê kiot quá đắt, hay là tiền chi phí. Thứ 2 là do cầu doạnh thu không thuê được nên dẫn đến chuyện đó. Chợ này ế do cạnh tranh của nhiều hình thức như ra vào siêu thị mua nhiều hơn, hình thành chợ cóc bên cạnh chợ thuận tiện hơn mà đỡ phải mất tiền. chẳng hạn đi mua mớ rau 10 nghìn nhưng gửi xe mất thêm 5 nghìn."

Giới trẻ hiện nay, đa phần chuộng mua hàng bằng hình thức online; không quá mặn mà với chợ truyền thống. Ảnh: Thành Nhân/Báo Lao động

Giới trẻ hiện nay, đa phần chuộng mua hàng bằng hình thức online; không quá mặn mà với chợ truyền thống. Ảnh: Thành Nhân/Báo Lao động

Bàn về giải pháp, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng đây là một vấn đề rất khó, cần sự chung tay của cả chuyên gia và cơ quan quản lý: "Có khi có những cái tồn tại hàng chục năm hàng trăm năm nhưng ngày nay nó lỗi thời rồi thì người ta thôi. Một vấn đề đặt ra hiện nay là có nên biến cái đó thành siêu thị trung tâm hay không? Vì bài học của chợ Hàng Da. Mà bây giờ nguyên nhân anh không bán, anh ế ẩm lỗ, ngồi chơi dài thì nên xử lý như thế nào? Từ đây mình phải đặt vấn đề - bài toán với cơ quan quản lý."

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Hà Nội sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp cải tạo 168 chợ. Riêng năm nay, Hà Nội sẽ xây mới 48 chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ. Cùng với một không gian mua sắm thuận tiện hơn thì cũng rất cần những bài toán kích cầu tiêu dùng tại chợ truyền thống, để chợ là địa chỉ mua sắm thiết thực với mỗi người dân.

Thông tin tài chính, kinh tế

# Trong bối cảnh thị trường bên ngoài gặp khó khăn, Bộ Công thương cho biết, sẽ phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các DN chế biến, chế tạo. 

# Còn Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các sở-ban-ngành về đôn đốc kiểm tra, đánh giá thực hiện, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư quá hạn chưa thu hồi nguồn Ngân sách Nhà nước. 

Giá gạo xuất khẩu tăng giá. Ảnh: PLO

Giá gạo xuất khẩu tăng giá. Ảnh: PLO

# Ở lĩnh vực XNK, Hiệp hội Lương thực VN dự báo, sau khi giá gạo XK nước ta tăng cao nhất 10 năm qua, tình hình XK gạo quý II của Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực hơn so với quý I. Còn thống kê từ đầu năm, TPHCM tiếp tục dẫn đầu cả nước với kim ngạch XNK đạt xấp xỉ 22 tỷ USD, đứng thứ 2 là Bắc Ninh, kế đó là Hà Nội. 

# Hội Môi giới BĐS VN cho biết, sau khi có nghị định Condotel được cấp 'sổ đỏ', giá condotel khó có thể tăng bởi giá phân khúc này ở nhiều thành phố du lịch vẫn đang ở mức cao.

# Còn theo JLL, quý I, nhà liền thổ các tỉnh phía Nam giảm giá 15-20% trên thị trường thứ cấp, cá biệt một số trường hợp cắt lỗ gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. 

# Nhằm kích cầu tiêu dùng từ nay đến hết kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội tổ chức chương trình, khuyến mại giảm giá cho hàng nghìn sản phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, với mức giảm từ 30-50%.

# Còn tại TPHCM, Sở LĐTB&XH thành phố dự kiến, quý II này, TP.HCM cần khoảng 67.000-73.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng. 

# Nga dự đoán doanh thu từ hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt tăng cao trong khoảng thời gian cuối quý II năm 2023.

Một toà chung cư bị phá huỷ trong xung đột, tại Dnipro, Ukraine ngày 14/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một toà chung cư bị phá huỷ trong xung đột, tại Dnipro, Ukraine ngày 14/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

# Còn theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Ukraine sẽ cần đến 411 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế và hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước. 

# Các bộ trưởng tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa kết thúc hội nghị kéo dài hai ngày. Tuy nhiên, một lần nữa nhóm G20 lại không thể đưa ra một tuyên bố chung do những bất đồng về vấn đề căng thẳng giữa Nga và Ukraine. 

# Với 303 mã đi lùi, chỉ số VNIndex đánh mất 11,4, về ngưỡng 1.052,9 điểm khi đóng cửa. Nhóm vốn hóa lớn ghi nhận 24 mã kết phiên trong sắc đỏ với một số mã ghi nhận mức giảm khá như TCB, PDR, GVR…Theo đó, chỉ số VN30 giảm 1,05%.

Theo SSI Reseach, tính riêng sàn HOSE, GTGD tăng 16% theo phiên, đạt 13,3 nghìn tỷ đồng. NĐTNN nối dài chuỗi bán ròng sang phiên thứ 7 liên tiếp với giá trị 218 tỷ đồng.

 

Như Ngọc - Thùy Linh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn