Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Diễn đàn

Cho thuê vỉa hè, nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

Kênh VOV Giao thông: Thứ năm 04/01/2024, 09:32 (GMT+7)

Ai sẽ được thuê vỉa hè? Vỉa hè trước cửa nhà mình thì người khác có được đến thuê? Nếu người thuê cố tình chiếm dụng diện tích lớn hơn phần thuê, ai sẽ giám sát, xử lý?

Rất nhiều câu hỏi cần có lời giải khi TP. Hà Nội đang triển khai xây dựng đề án quản lý, thu phí vỉa hè. 

Cùng VOV Giao thông giải đáp những băn khoăn này, trong chương trình Diễn đàn 91, phát sóng lúc 12h30, thứ Năm (04/01/2024), trực tiếp trên FM91 và vovgiaothong.vn với chủ đề: “Cho thuê vỉa hè, nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ"

Cùng sự tham gia của 2 khách mời: Ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và KTS Nguyễn Thanh Tú - Giảng viên bộ môn Quy hoạch, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường ĐH Xây dựng Hà Nội.


Chủ hàng ủng hộ, người đi bộ băn khoăn

Xếp bàn ghế trên vỉa hè là công việc thường ngày khi mở quán của anh Nguyễn Thanh Hải, chủ một hàng ăn trên phố Lý Thường Kiệt.

Được biết thông tin Hà Nội xem xét cho thuê vỉa hè, anh Hải bày tỏ sự ủng hộ: "Các hộ kinh doanh hay bày ra vỉa hè là chính, chứ bây giờ không được bày ra vỉa hè nhiều khi là khó bán hàng. Nếu Thành phố cho thuê vỉa hè thì tầm khoảng 500.000 đồng/tháng thì hợp lý, chứ chia theo m2 thì có lợi cho những nhà có mặt tiền ngắn, còn những nhà mặt tiền rộng thì phải đóng chi phí nhiều quá".

Theo thông tin từ phiên họp mới đây của HĐND TP. Hà Nội, các đơn vị chuyên môn đang xây dựng đề án quản lý lòng đường, vỉa hè. Một số quận đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện thí điểm cho thuê vỉa hè, như quận Hoàn Kiếm với 36 vị trí trên 10 tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu,… Tiêu chí là đảm bảo tối thiểu 1,5m chiều rộng cho người đi bộ, xác định cụ thể loại hình và thời gian kinh doanh,…

Trong khi nhiều chủ hàng ủng hộ chủ trương cho thuê vỉa hè, thì nhiều người đi bộ lại không đồng tình (Ảnh . Minh Hiếu)

Trong khi nhiều chủ hàng ủng hộ chủ trương cho thuê vỉa hè, thì nhiều người đi bộ lại không đồng tình (Ảnh . Minh Hiếu)

Theo ghi nhận của phóng viên, trật tự vỉa hè tại các tuyến phố vừa nêu hiện chưa được đảm bảo. Như một số đoạn trên phố Lý Thường Kiệt, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng,… bàn ghế và xe cộ chắn hết lối đi của người đi bộ, hoặc khoảng trống còn lại rộng chưa đến 1m.

Trước đó, từ năm 2021, quận Hoàn Kiếm đã cho thuê vỉa hè để kinh doanh theo chủ trương của thành phố, tại số 30 và 94 Lý Thường Kiệt, số 11 Lê Phụng Hiểu, số 15 Ngô Quyền; chủ yếu là gian hàng giới thiệu sản phẩm, café với giá thuê 45.000 đồng/m2/tháng.

Theo ông Trần Đức Diễn, ở phường Hàng Bài, tại những vị trí đã cho thuê này, tình trạng lộn xộn không xảy ra như những khu vực khác chưa được cấp phép: "Với vị trí đẹp như thế này, mình bớt lại 2-3m cho thuê thì cũng không gây ảnh hưởng gì nhiều, đem lại lợi ích cho thành phố thì cũng hợp lý thôi. Mình chỉ cần nghiên cứu một chút về phần gốc cây các thứ, tránh ảnh hưởng người đi lại".

Tại những đoạn vỉa hè đã thí điểm cho thuê từ năm 2021 như số 30 Lý Thường Kiệt, số 15 Ngô Quyền,... tình trạng lộn xộn không xảy ra như những khu vực khác chưa được cấp phép (Ảnh - Minh Hiếu)

Tại những đoạn vỉa hè đã thí điểm cho thuê từ năm 2021 như số 30 Lý Thường Kiệt, số 15 Ngô Quyền,... tình trạng lộn xộn không xảy ra như những khu vực khác chưa được cấp phép (Ảnh - Minh Hiếu)

Tuy nhiên, nhiều người đi bộ khác lại có quan điểm trái ngược:

"Cô cảm thấy rất thất vọng nếu vỉa hè bị chiếm dụng để cho thuê. Đến các bến xe buýt trước nhà dân mà lại cho thuê vỉa hè thì người ta sẽ đuổi mình.

"Người ta chưa mất tiền mà còn bành trướng như thế, bây giờ người ta bỏ tiền ra thì người ta sẽ lợi dụng chuyện đó giăng hết cả bàn ghế ra ngoài"

"Em nghĩ nên kẻ vạch rõ ràng và các lực lượng chức năng thường xuyên đi tuần tra, kiểm soát"

10 năm qua, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ và gặp nhiều khó khăn. Chuyên gia đô thị, KTS. Trần Huy Ánh đặt ra câu hỏi: phải chăng việc cho thuê vỉa hè là để “hợp thức” mô hình quản lý đô thị không thành công: "Cần phải làm rõ mục tiêu của nó là gì. Ví dụ để thu tiền chẳng hạn, thì Hà Nội có đến nỗi thiếu tiền để phải cho thuê vỉa hè hay không?

Hay cho thuê vỉa hè để quản lý dễ dàng hơn, tôi không quản lý được, tôi giao cho các ông sử dụng? Trong Luật Giao thông đường bộ thì vỉa hè dùng cho giao thông. Diện tích giao thông so với đầu người ở Hà Nội đã đủ chưa mà nói là “đủ điều kiện cho thuê”? Tôi cho rằng vẫn còn mơ hồ trong mục tiêu"

Theo Sở Xây dựng, dự kiến tháng 6 tới, cơ quan này mới báo cáo UBND thành phố về phương án quản lý, thu phí vỉa hè. Hiện chưa có phương án cụ thể, đây là vấn đề nhạy cảm nên phải xây dựng kỹ càng.

Cần công khai, minh bạch, quản lý bằng số hóa 

Nhu cầu thuê vỉa hè để kinh doanh được các chuyên gia giao thông đô thị đánh giá là có thực và rất lớn. Và với số tiền thu được từ cho thuê vỉa hè, chính quyền sẽ có thêm kinh phí để chỉnh trang đô thị.

Trật tự vỉa hè một số khu vực trên tuyến phố Lý Thường Kiệt, Đinh Tiên Hoàng,... hiện chưa được đảm bảo. Bàn ghế và xe cộ chắn hết lối đi của người đi bộ, hoặc khoảng trống còn lại rộng chưa đến 1m (Ảnh - Minh Hiếu)

Trật tự vỉa hè một số khu vực trên tuyến phố Lý Thường Kiệt, Đinh Tiên Hoàng,... hiện chưa được đảm bảo. Bàn ghế và xe cộ chắn hết lối đi của người đi bộ, hoặc khoảng trống còn lại rộng chưa đến 1m (Ảnh - Minh Hiếu)

Nhưng để việc thu phí vỉa hè khả thi và nhận được sự được đồng thuận thì trước tiên, theo TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, chính quyền Thủ đô cần quy hoạch những tuyến phố phù hợp với việc kinh doanh trên vỉa hè, đồng thời đảm bảo chức năng của vỉa hè phải dành cho người đi bộ không bị xâm hại:

"Tiêu chí đầu tiên là chúng ta phải sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích giao thông, một số vỉa hè sau khi để chừa không gian cho người đi bộ có thể cho thuê để phục vụ giao thông tĩnh.  Cái này chúng ta phải khảo sát rất tỉ mỉ, và có tiêu chí cụ thể để xem xét, đánh giá những chỗ nào có thể cho thuê được, chỗ nào thì không mà mục tiêu không phải cho thuê để kiếm tiền mà cho thuê để hỗ trợ hoạt động giao thông an toàn.

Cũng nên có những quy định thống nhất trong phạm vi toàn Thành phố, có một bộ phận đứng ra tổ chức, tránh tình trạng mỗi quận làm một kiểu, hai phường, hai quận ở sát nhau mà có chính sách khác nhau thì không nên"

Còn theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng cho thuê vỉa hè theo cơ chế thị trường để phục vụ cho hoạt động kinh doanh nhưng phải đảm bảo ưu tiên dành không gian cho người đi bộ.

Trật tự vỉa hè một số khu vực trên tuyến phố Lý Thường Kiệt, Đinh Tiên Hoàng,... hiện chưa được đảm bảo. Bàn ghế và xe cộ chắn hết lối đi của người đi bộ, hoặc khoảng trống còn lại rộng chưa đến 1m (Ảnh - Minh Hiếu)

Trật tự vỉa hè một số khu vực trên tuyến phố Lý Thường Kiệt, Đinh Tiên Hoàng,... hiện chưa được đảm bảo. Bàn ghế và xe cộ chắn hết lối đi của người đi bộ, hoặc khoảng trống còn lại rộng chưa đến 1m (Ảnh - Minh Hiếu)

Quá trình triển khai cho thuê vỉa hè theo ông Doanh cần thực hiện công khai, minh bạch: "Chúng ta cần tận dụng kinh tế số, chính phủ điện tử, mọi việc cần công khai, minh bạch và có sự giám sát của quần chúng để tránh tư lợi, liên kết trục lợi từ việc cho thuê vỉa hè. Nên có nghiên cứu xã hội học để xác định các khu phố có mật độ khách hàng đông thì đặt giá cao hơn. Điều này phụ thuộc vào mật độ của khách du lịch, khách hàng mà chúng ta quy định".

TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, việc thu phí công khai là rất quan trọng để minh bạch quản lý vỉa hè. Vấn đề ở đây là chủ trương phù hợp nhưng tổ chức thực hiện cho thuê thế nào, mức thu, minh bạch nguồn thu và có đảm bảo giám sát người thuê tuân thủ quy định hay không. Tất cả đều rất cần quy định chặt chẽ về thực hiện và giám sát, không để phát sinh tiêu cực: 

"Các ngành, các cấp phải nghiên cứu thật rõ để công bố một cách công khai, minh bạch là vỉa hè nào thì cho thuê, cho thuê với giá bao nhiêu; và tiền cho thuê đó được sử dụng vào cái gì. Cho thuê vỉa hè để đảm bảo duy tu, bảo dưỡng và giữ gìn trật tự vỉa hè. Đây là bài toán tổng thể trong tư duy làm cho phố phường xanh, sạch, đẹp, làm cho trật tự đô thị ngày càng tốt hơn. Hy vọng chính quyền các Thành phố sau rất nhiều giải pháp trả lại vẻ đẹp cho vỉa hè thì lần này với cách này sẽ hiệu quả".

Người dân mong muốn phương án quản lý, thu phí vỉa hè sẽ được TP. Hà Nội nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong đó, phần cho thuê nên cùng phía với cột điện, cây xanh,..., tránh để lối đi bộ bị cản trở (Ảnh - Minh Hiếu)

Người dân mong muốn phương án quản lý, thu phí vỉa hè sẽ được TP. Hà Nội nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong đó, phần cho thuê nên cùng phía với cột điện, cây xanh,..., tránh để lối đi bộ bị cản trở (Ảnh - Minh Hiếu)

Các chuyên gia cùng chung nhận định, để tránh trục lợi, việc cho thuê vỉa hè cần được thông tin công khai, minh bạch, quản lý bằng số hóa và mọi người dân có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin.

Nguồn kinh phí thu từ vỉa hè cũng phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý cho việc tôn tạo lại lòng đường, vỉa hè với mục tiêu hướng tới là đảm bảo trật tự đô thị và tạo sự bình đẳng, minh bạch giữa các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.

 

Kênh VOV Giao thông/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cách để vẫn đạp xe đi làm mùa bụi mịn, mưa phùn

Cách để vẫn đạp xe đi làm mùa bụi mịn, mưa phùn

“Những người mộng mơ”, hay “những người dùng thời gian một cách xa xỉ”, đó là lời tự bạch của những người có thói quen đạp xe đi làm, đạp xe đến trường – Một cộng đồng có khoảng 13 nghìn thành viên trên Facebook.

Đề xuất bỏ ngạch công chức, đánh giá bằng vị trí việc làm: Cần nghiên cứu thận trọng

Đề xuất bỏ ngạch công chức, đánh giá bằng vị trí việc làm: Cần nghiên cứu thận trọng

Theo dự thảo sửa đổi Luật cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đề xuất cơ chế quản lý cán bộ, công chức sẽ được đổi mới theo vị trí việc làm, lấy đó là cơ sở để tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức.

Cần sớm có mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp

Cần sớm có mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp

Phương tiện đưa đón học sinh ngày càng trở thành loại hình vận tải hành khách thiết yếu, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Số lượng các xe đưa đón học sinh cũng tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng công tác quản lý còn khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

VOV Giao thông giành giải nhất 'Báo chí tuyên truyền về ATGT năm 2024'

VOV Giao thông giành giải nhất "Báo chí tuyên truyền về ATGT năm 2024"

 Loạt phóng sự "Để quy định về thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em đi vào cuộc sống" của nhóm phóng viên VOV Giao thông đoạt giải nhất ở thể loại báo nói.

Ngõ Cầu Gỗ, nơi lưu giữ nét Tràng An

Ngõ Cầu Gỗ, nơi lưu giữ nét Tràng An

Ngõ Cầu Gỗ - là một con ngõ ngắn nằm giữa phố Cầu Gỗ, nối với phố Gia Ngư. Vốn trước kia nằm trong cùng một phố chợ Hàng Bè quen thuộc của người Hà Nội - phố cổ. Trước đây chợ Hàng Bè nằm "chiếm" hoàn toàn hoặc một phần lòng đường của các con phố Hàng Bè, Gia Ngư, Ngõ Cầu Gỗ...

TP.HCM: Bức xúc với nạn đổ trộm rác trên đường Chu Văn An

TP.HCM: Bức xúc với nạn đổ trộm rác trên đường Chu Văn An

Thời gian qua, đường dây nóng Kênh VOV Giao thông liên tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về tuyến đường Chu Văn An, đoạn từ Học viện Cán bộ TP.HCM đến ngã 5 Bình Hòa, liên tục bị đổ trộm rác thải, xà bần dù chính quyền đã căng dây cảnh báo xử phạt.

Sức ép chưa tới, doanh nghiệp Việt chưa thực sự sẵn sàng chuyển đổi xanh

Sức ép chưa tới, doanh nghiệp Việt chưa thực sự sẵn sàng chuyển đổi xanh

Theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, số doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo phát thải trong năm 2024 lên hơn 2.100 doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho chuyển đổi xanh.